VIỆT NAM CÒN 15 KM NỮA THÌ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA GIAO TIẾP ĐƯỜNG PHỐ
Lê Nguyên Hồng
Thành viên Khối 8406 Việt Nam
Email : huyenkhai@rocketmail.com
Đăng bởi vantuyen.net on Tháng Sáu 12, 2009
Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có một câu chuyện phiếm được lưu truyền trong giới sinh viên các trường đại học ở khu vực phía bắc Việt Nam. Số là, cứ mỗi kỳ họp đại hội của ĐCSVN thì báo cáo của trung ương ĐCSVN luôn có câu : “Kế hoạch năm năm phát triển đất nước theo con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, chúng ta đã tiến thêm được một bước”…
Cái “một bước” ấy quá trừu tượng vì không có đơn vị nào để đo và rất khó hiểu, nên người ta chỉ có thể hiểu là “một bước… chân người”. Và nếu lấy một bước chân người (tương đương với khoảng 50cm), mốc là con số 5 năm mới tiến lên được 50cm ấy, người ta dự đoán là chỉ còn khoảng…15 km nữa thì Việt Nam sẽ tiến lên thành công Chủ Nghĩa Xã Hội. Có vẻ như rất gần, sắp chạm tay vào được đến nơi ?
Nếu làm một phép tính 15 km = 15000 m = 1500000 cm, và 5 năm mới tiến được 50 cm nghĩa là mỗi năm được 10 cm. Kết quả là chỉ còn… 150000 năm nữa là Việt Nam hoàn toàn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội !!!
Ai đó nghĩ ra câu chuyện phiếm trên đây chỉ nhằm nhấn mạnh là “Không bao giờ đất nước Việt Nam tiến lên được Chủ Nghĩa Xã Hội !…
Tại bất kỳ quốc gia nào, vấn đề văn hóa giao tiếp là lối sống, nếp nghĩ của người dân được biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, luôn thể hiện cho sự tiến bộ xã hội của đất nước ấy. Văn hóa giao tiếp là sản phẩm của ý thức, tri thức thông qua học tập, giáo dục từ gia đình, cộng đồng và nhất là tại các trường học. Tất nhiên, muốn đạt chuẩn nào đó về văn minh, thì còn phải cộng thêm yếu tố công nghệ khoa học hiện đại (tại thời điểm) được ứng dụng rộng khắp, phục vụ đời sống của con người trên đất nước ấy…
Từ xa xưa, chợ là nơi giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa. Và chính từ nơi này mọi giao tiếp ứng xử giữa con người với nhau, cùng với việc tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã tao nên những hình thức văn hóa và văn minh sơ khai “kẻ chợ”. Từ hình thức chợ tự phát ban đầu, dần dần khái niệm về đô thị bắt đầu hình thành và liên tục phát triển thành các đô thị như ngày nay. Như vậy, biểu hiện nếp sống văn hóa tại những nơi công cộng đông người (thành thị), có thể được coi như là bộ mặt văn hóa của một khu vực, hay rộng lớn hơn đó là văn hóa của một đất nước.
Để có hạn mức đánh giá một điều gì đó cần phải có một thước đo, hay một sự so sánh. Việt Nam là một cái nôi của Nền Văn Minh Lúa Nước cho nên ta có thể so sánh với một đất nước có chung một nền văn minh tương tự đó là đất nước Thái Lan.
Trong một lần đi thăm Thái Lan, tôi không khỏi ngỡ ngàng về một quốc gia được coi là một cường quốc về… trồng trọt. Thái Lan là một nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời hoa quả của họ cũng chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường thế giới…Nhưng bước chân đến các thành phố của Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bang Kok du khách không khỏi bất ngờ về một đô thị văn minh hiện đại không kém gì các thành phố hiện đại của Châu Âu. Người ta khó mà cảm nhận, hay là nhận thấy một “Nền Văn Minh Lúa Nước” tại nơi này…
Các thành phố của Thái Lan đều là thành phố của các cây cầu và… xe Buýt. “Bước chân ra khỏi cửa là nhìn thấy cầu và xe Buýt”. Đó là những điều đập vào mắt mọi du khách. Đường phố của thủ đô Thái Lan hầu hết đều rất rộng thường là từ 8 đến 10 làn xe và tỉ lệ diện tích được sử dụng làm đường giao thông luôn chiếm từ 20% diện tích chung của thành phố trở lên.
Riêng về cầu thì nhiều nhất (về số lượng), phải kể đến cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường, tuyệt đối không có kiểu “hầm vượt” như tại Hà Nội của Việt Nam. Đường ngầm chỉ dành cho xe cơ giới thay vì cầu vượt tại một vài giao lộ, và đường hầm dành cho tàu điện ngầm. Đó là một sự giỏi giang về hiểu biết tâm lý người tham gia giao thông, của kiến trúc sư thiết kế quy hoach đô thị. Kế đến là số lượng cầu vượt dành cho xe cơ giới tại các giao lộ, những cầu vượt này cùng với những cây “siêu cầu” là những đường sắt trên cao, đường cao tốc (tiếng Thái gọi là thang đuồn) dành cho ô tô xe máy trên cao (có những tuyến cầu dài hàng vài chục km là đường cao tốc nối thành phố này với thành phố khác) đã tạo ra những “nút giao thông… cầu” rất hoành tráng và tráng lệ, mà hoàn toàn không phá vỡ cảnh quan, cũng như nhịp điệu hài hòa của thành phố.
Nói đến sự hiện đại trong các thành phố của Người Thái thì còn phải liệt kê rất nhiều, nhưng mục đích của bài viết này nói về văn hóa giao tiếp là một mặt của văn minh đô thị, nên tác giả không đi sâu trong phần giới thiệu sự hiện đại của các thành phố ở Thái Lan…
Như đã giới thiệu, xe Buýt là phương tiện giao thông cơ bản của người dân, nhất là tầng lớp lao động. Tại Bang Kok có khoảng trên 1000 tuyến xe Buýt khác nhau, với đủ loại xe lớn nhỏ. Bước chân lên xe là hành khách được nghe “xà guặt đi kha”(xin kính chào) từ người phụ xe kiêm bán vé, dù đó là xe cao cấp có gắn máy lạnh hay là xe Free không tính tiền. Trên xe Buýt đặc biệt ít nghe tiếng nói chuyện riêng, người ta không bao giờ hỏi người lạ kế bên là “anh đi đâu ?” chẳng hạn. Trên xe Buýt có dành riêng chỗ ngồi cho người khuyết tật, các nhà sư, và tất nhiên là những người này không phải mua vé. Nếu có một cụ già hoặc một em bé thiếu nhi, hay một phụ nữ mang thai bước lên xe, thì ngay lập tức có người đứng lên nhường ghế ngồi. Không ai ngồi gác chân hay co chân lên ghế, đặc biệt là ít người ngồi gác chéo chân này lên chân kia, quay ngang quay ngửa vv…
Lần đầu, người viết bài này bước chân lên một chiếc xe Buýt loại kiểu cũ, chỉ có hai hàng ghế hai bên. Một hình ảnh rất đẹp đó là mọi người đều ngồi nghiêm trang, chân vuông góc với đùi, không ai duỗi chân thẳng chiếm chỗ lối đi ở giữa, rất giống với một đoàn binh lính đi hành quân…
Ở Thái Lan không có chuyện người sợ xe ! Mà là xe sợ… người. Nếu vì lý do nào đó mà một người phải băng qua đường thì những chiếc xe hơi sẽ kiên nhẫn chờ cho người đi bộ đó đi qua. Không có chuyện như ở Việt Nam lái xe thò đầu ra quát “muốn chết hả ?” hay thậm chí là một câu chửi hết sức tục tằn không có văn hóa…
Tại Thái Lan, những người chạy xe gắn máy trên đường cao tốc mới bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.
Một người Việt sống lâu năm ở Thái kể lại câu chuyện mà anh ta đã chứng kiến tận mắt. Đó là cả đoàn xe khi đi qua một cánh rừng đã phải phanh gấp và dừng lại chờ cho một con rắn bò uể oải ngang qua đường.
Nếu một người đi bộ cùng chiều với xe hơi vô tình chiếm lối đi (tất nhiên là chỉ xảy ra trên đoạn đường hẹp) thì chiếc xe hơi đó sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho người đi bộ đó nhận ra là có xe đi phía sau, chứ họ hoàn toàn không khi nào dùng còi vì sợ người đi bộ giật mình ! Nhưng như vậy không có nghĩa là người đi bộ cứ đi lăng xăng lộn xộn, vì mỗi người đều rất có ý thức khi tham gia giao thông…
Thủ đô Bang Kok có khoảng vài triệu chiếc xe ô tô các loại, nhưng đi cả ngày cũng khó nghe tiếng còi xe. Có chăng chỉ là tiếng còi điện chào nhau của mấy bác tài xế, hoặc là tiếng còi của mấy chiếc xe Buýt mời hành khách đi xe mà thôi…
Ngay cả mấy bác xe ôm cũng mặc áo đồng phục tử tế, và nhất là ai đứng trước, có khách đến thì đi trước. Không có chuyện tranh giành chèo kéo khách, thậm chí giằng túi xách lôi khách đi xềnh xệch như ở Việt Nam.
Tại các quầy dịch vụ hoặc các máy ATM, dù đông người hay chỉ vài người chờ đợi thì không ai bảo ai, họ đều tự giác xếp hàng không có chuyện chen lấn, xô đẩy…
Những câu “khỏ thốt, khọp khun khrắp”(xin lỗi, cám ơn) là những câu rất thường được nghe khi đi ra đường và trong sinh hoạt…
Không thể đưa ra nhận định là do học thức của họ cao, vì qua tìm hiểu thì đại bộ phận những người mà tác giả bài viết này đề cập đến, đều là tầng lớp lao động. Vậy chỉ có một cách giải thích duy nhất đó là do nhận thức trong giáo dục, !
Tại Thái Lan, vào những ngày nghỉ thì không nói đến, nhưng những ngày thường, rất ít có trẻ em là thiếu nhi, thiếu niên đi ra đường chơi rông. Nếu bắt găp cảnh sát sẽ hỏi ngay : Tại sao cháu không đi học ? Như vậy là từ trong nhà trường đến ngoài xã hội đều rất quan tâm đến các em nhỏ.
Một cái nôi hết sức quan trọng cho việc giáo dục đó là tôn giáo !
Thái Lan có rất nhiều tôn giáo, nhưng nhiều nhất là Đạo Phật (khoảng 70% dân số). Hầu như bất kỳ ai cũng theo một tôn giáo nào đó mà không có chuyện không tôn giáo. Chính những giáo lý của các tôn giáo đã dạy cho con người biết sợ các đấng thần linh và khuôn phép ở đời…
Một thông tin từ nhà nước CS về tình hình tôn giáo tại Việt Nam năm 2009 nói rằng “Việt Nam có trên 85 triệu người nhưng chỉ có 20% là có tôn giáo”. Con số này hoàn toàn không đúng, nhưng nếu đúng như vậy thì hiện nay trên 60 triệu người Việt Nam đang không có tôn giáo nào !
Đây là một thảm họa !!!
“Hỗn loạn” đó là hiện thực của xã hội Việt Nam ngày nay…
Người ta có thể lao vào ẩu đả lẫn nhau cho đến chết, chỉ vì một va quệt nhỏ trong giao thông. Có thể giết nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu”, hoặc biết bao xích mích nhỏ nhặt khác mà thực ra, chỉ cần một lời xin lỗi là đã vừa đủ. Chưa kể đến những vụ cướp bóc tàn bạo, hãm hiếp tàn bạo mà những hành vi đó có lẽ chỉ xảy ra đối với loài thú dữ không có nhân tính mà thôi…
Phần “con” trong con người đang trỗi dậy khủng khiếp !
Phần “người”đang bị triệt tiêu một cách xót xa !
Ngày còn nhỏ, tôi đã chứng kiến một đàn gà bị nhốt trong một cái chuồng chật chội, mà người chủ quên không cho ăn. Loài gà vốn là một loài vật hiền lành, nhút nhát (có lẽ là hiền nhất trong các loài vật). Thế nhưng trong lần đó tôi đã tận mắt nhìn thấy chúng mổ vào hậu môn nhau cho đến chết, và dùng mỏ móc ruột các con gà nhỏ, yếu ra để ăn ruột của các con gà xấu số đó. Thì ra, đứng trước cái đói, cái chật chội bức bách, đến loài gà cũng trở thành ác quỷ !
Người ta tranh giành nhau cơ hội làm ăn, giành giật nhau lối đi trong giao thông. Người ta kiếm tiền bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp hậu quả sẽ như thế nào ! Trong một xã hội sống gấp gáp, vội vàng như vậy thì những giá trị đạo đức hỏi tìm đâu ra chỗ đứng ?
Về mật độ dân số, Việt Nam hiện nay có mật độ dân số cao gấp năm lần mật độ trung bình trên thế giới, và cao gấp 1,5 lần so với Trung Quốc (tài liệu của Qũy Dân Số Thế Giới).
Thật khủng khiếp, vì sự hỗn loạn trong xã hội Việt Nam ngày một gia tăng, những tội ác man rợ ngày nào cũng xuất hiện tràn ngập trên báo chí…
Nguyên do vì đâu ?
Do nền giáo dục vô kỷ vô cương ! Do vấn đề “thượng bất chính, hạ tất loạn” ! Do kỷ cương phép nước bị lợi dụng cho những nhóm người có chức quyền ! Do sự phân hóa bất minh giữa kẻ giầu và người nghèo ! Do không gian sống chật chội (nhất là trong các thành phố). Liệu ai đó có muốn phát điên lên không, khi bị tắc đường hàng giờ trong làn khói bụi ồn ào và cực kỳ ô nhiễm, tiến không được, lui không được, mà trên đầu lại chình ình một cái “nồi cơm” là chiếc mũ bảo hiểm ?
Điều quan trọng nhất là do mỗi người dân chưa ý thức đầy đủ về mối nguy hại tiềm tàng của sự hỗn loạn đang xảy ra trên đất nước Việt Nam…
“Trông người lại nghĩ đến ta”. Nhìn những chú chim đủ loại, từ Sáo, Mi, Cu Gáy, Qụa…, nhất là Bồ Câu tự do vô tư kiếm ăn, bay nhảy bên ven đường, nơi đông người qua lại mà tuyệt nhiên không có ai (kể cả các em nhỏ) xua đuổi, săn bắt chúng tại Bang Kok. Ta thấy chợt buồn cho văn hóa của một Hà Nội “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, “thanh lịch người Tràng An”, “tử tế người Hà Nội” vv và vv !…
Nói như vậy không phải là xã hội Việt Nam ngày nay không còn người tốt, việc tốt. Nhưng rõ ràng cái ác đang lấn át cái thiện. Sự sợ hãi là bản năng động vật của con người đang dày vò tâm trí người tham gia giao thông, người đi đường. Người ta sợ tai nạn giao thông đến bất thình lình, sợ bị giật túi xách, giật đồ trang sức bất kỳ lúc nào, kể cả lúc đang đi bộ. Chưa kể là có thể vô tình bị đánh nhầm, chém nhầm…
Đất nước Thái Lan không phải là Thiên Đường và chưa phải tuyệt đối mọi điều đều tốt đẹp. Nhưng xã hội Thái hoàn toàn đang là một giấc mơ đối với người Việt (trong nước) chúng ta !
Cứ với xã hội này, tình trạng này, Việt nam chắc chắn “năm năm sẽ tiến thêm một bước về văn hóa đường phố”. Và giống như câu chuyện hài hước “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội” của ĐCSVN. Chỉ cần… 150000 năm nữa thì văn hóa giao tiếp đường phố của Việt Nam sẽ đạt chuẩn thế giới !!!
Xin đính kèm link bài viết “Hà Lội Sóng Vô Tình Vỗ Bạc Đầu Người” của báo Dân Trí (quốc doanh) để quý vị tham khảo về “văn hóa đường phố Việt Nam”. Những hình ảnh xảy ra trong trận lụt lịch sử tại Hà Nội tháng 11/2008. Đây hoàn toàn có thể gọi là một sự vô cảm đậm màu tội ác giữa ban ngày của xã hội bởi Cộng Sản nắm quyền ! http://dantri.com.vn/c20/s20-258246/ha-loi-song-vo-tinh-vo-bac-dau-nguoi.htm
…Khi bài viết này đã hoàn thành được ít ngày, thì tác giả lại sưu tầm được một bài báo cũng của báo Dân Trí (đính kèm), do ký giả Phúc Hưng viết về những tội ác ghê sợ trên nhiều đường phố Việt Nam trong thời gian gần đây, mà nguyên nhân cũng chỉ đơn giản là va quệt trong giao thông mà thôi !!!
…Ngày 08/06/09 tác giả lại tiếp tục sưu tầm được một bản tin nóng về một vụ xả súng khi va chạm giao thông khác tại Hà Nội (xin đọc phần đính kèm)
Lê Nguyên Hồng
Thành viên Khối 8406 Việt Nam
Email : huyenkhai@rocketmail.com
Thứ Bẩy, 06/06/2009 – 9:55 AM
Ngày càng nhiều vụ nổ súng sau va chạm giao thông
(Dân trí) – Không chỉ tội phạm hình sự dùng súng để gây án, thời gian qua xảy ra nhiều vụ va chạm giao thông nhỏ nhưng các đối tượng sẵn sàng sử dụng súng như một công cụ để khẳng định “lẽ phải”.
Hà Nội: Liên tiếp các vụ dùng súng giải quyết va chạm giao thông
Vụ việc mới nhất xảy ra vào chiều ngày 4/6, tại đường Láng (phường Thành Công, Ba Đình, Hà Nội). Thông tin ban đầu từ cơ quan công an, khoảng 15h30 ngày 4/6, tại địa điểm trên xảy ra một vụ va chạm giao thông nhỏ. Hai bên xảy ra cãi vã, anh Bùi Thanh Liêm (SN 1983, tạm trú phường Thịnh Liệt, Hoàng Mai) lái xe taxi hãng Phù Đổng, bị 1 đối tượng dùng súng ngắn bắn chỉ thiên 1 phát để thị uy.
Không dừng lại ở đây, đối tượng này tiếp tục dùng dao chém vỡ kính xe ô tô của anh Liêm rồi bỏ chạy.
Đây không phải là vụ việc dùng súng để giải quyết va chạm giao thông đầu tiên tại Hà Nội. Cũng mới đây có vụ tài xế xe buýt tại Hà Nội bị người đi đường bắn trọng thương.
Theo đó, khoảng 19h30 ngày 1/2/2009, sau khi va chạm giao thông với một đôi nam nữ đi xe máy, anh Dũng lái xe buýt đi đến cổng Parabol trường Ðại học Bách khoa (đường Giải Phóng, đoạn rẽ vào phố Phương Mai) thì bị một nam thanh niên đuổi theo rút súng bắn. Đối tượng bỏ chạy ngay sau khi gây án.
Điều tra ban đầu cho thấy, khi chiếc xe buýt này lưu thông trên phố Chùa Bộc thì có một đôi nam nữ đi xe máy lấn đường xe buýt. Khi anh Dũng nhấn còi thì 2 người này dừng xe máy chắn ngang đường và rút súng đe doạ. Phụ xe buýt và nhân dân đã can ngăn, tưởng vụ việc dừng lại ở đây. Tuy nhiên, khi đến đường Giải Phóng thì đối tượng nam nói trên để bạn gái ở lại một mình và đi tìm tài xế xe buýt để “thanh toán”.
Năm 2008, trên địa bàn TP Hà Nội cũng xảy một vụ dùng súng quân dụng để lấy lại “lẽ phải” sau khi va chạm với xe buýt. Vụ việc xảy ra vào 15h50 ngày 3/8 tại một quán bia trên phố Tăng Bạt Hổ. Đối tượng “găm” súng trong quần đùi để thị uy. Súng cướp cò, chính đối tượng đó bị thương.
Đối tượng này được làm rõ là Phạm Hùng Sơn (tức Sơn đen), sinh năm 1961, trú tại 17A Bà Triệu, phường Tràng Tiền, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Khi đi xe máy cùng vợ là Nguyễn Vũ Huyền (tức Hiền), Sơn đã có va chạm giao thông với một chiếc xe buýt BKS 29T-4162 do anh Trần Thái Hữu, sinh năm 1958, trú quận Đống Đa, Hà Nội điều khiển.
Sau đó Sơn và vợ cùng một số đối tượng là nhóm của tài xế Hữu về quán bia Hải Xồm 22 Tăng Bạt Hổ để nói chuyện. Trong lúc uống bia, Sơn có mâu thuẫn với một số đối tượng bên nhóm của anh Hữu dẫn đến xô xát. Sơn rút từ trong quần đùi ra một khẩu súng colt. Tuy nhiên vì lúng túng, khẩu súng cướp cò dẫn đến chính Sơn bị thương. Đầu thú tại cơ quan công an, Phạm Hùng Sơn giao nộp khẩu súng (Colt quay 45) cùng 1 viên đạn và 1 tút đạn. Sơn khai nhận nguồn gốc khẩu súng là do nhặt được tại bờ hồ Hoàn Kiếm.
Không chỉ tại Hà Nội
Thực tế trên cho thấy, những vụ phạm tội có liên quan đến súng không chỉ xảy ra tại Hà Nội. Ngày 18/8/2007, tại phường Vạn Hương, thị xã Đồ Sơn (TP Hải Phòng) đã xảy ra vụ va chạm giữa 2 người đi xe máy với nhóm thanh niên đi ôtô. Những người trên ô tô http://www.vatgia.com/3544/o-to-do-choi-phu-tung.html nhảy xuống rút súng bắn đạn hoa cải, xả đạn làm 2 người đi xe máy bị thương nặng.
Sau khi gây án, các đối tượng vứt súng, dao, kiếm, mìn tự tạo xuống đường phi tang và lẩn vào khu nhà dân ven đường. Vụ án này, 4 người liên quan đã bị bắt.
Trong những vụ án hình sự nổi cộm gần đây tại thành phố Hải Phòng, tội phạm thường sử dụng loại súng này trong những trận hỗn chiến và các vụ cướp làm tử vong, gây trọng thương nhiều người. “Số má” của những tay “anh hùng hảo hán” trong giới giang hồ cũng thể hiện từ đó.
Mới đây, ngày 26/2/2009, Công an TPHCM cũng đã tạm giữ Nguyễn Văn Tụ (49 tuổi, trú phường 22, quận Bình Thạnh). Trước đó, tại trước nhà số 2 Võ Duy Ninh, phường 22, quận Bình Thạnh, Tụ điều khiển xe máy va chạm với một người đang đi bộ sang đường dẫn đến 2 bên cự cãi nhau. Tụ lấy trong túi quần ra một khẩu súng ngắn, dùng súng đập vào đầu người thanh niên đi bộ rồi lên đạn đe dọa khiến người thanh niên hoảng sợ bỏ chạy.
Tình trạng các ổ nhóm lưu manh, xã hội đen liên tục dùng súng để thanh toán nhau đã cho thấy rất cần những biện pháp mạnh răn đe, xử lý người sử dụng súng.
Một cán bộ công an TP Hà Nội từng nhắc đến việc súng K54 và K59 nhập lậu qua biên giới và thẩm lậu vào thành phố khá dễ dàng. Trong khi đó, súng bắn đạn hoa cải cũng được giới tội phạm sử dụng như một vũ khí răn đe hiệu nghiệm. Thượng tá Dương Tự Trọng, Công an Hải Phòng, cho biết, chỉ 2 năm trở lại đây trên địa bàn thành phố đã xảy ra liên tiếp 4 vụ thanh thiếu niên dùng súng bắn đạn hoa cải để giải quyết mâu thuẫn.
Ngay từ năm 2006, khi loại súng bắn đạn hoa cải không rõ nguồn gốc gây án ở Hải Phòng, thượng tá Trọng và Ban giám đốc http://vatgia.com/hoidap/quicksearch.php?keyword=gi%C3%A1m+%C4%91%E1%BB%91c Công an thành phố Hải Phòng đã cảnh báo http://vatgia.com/hoidap/quicksearch.php?keyword=c%E1%BA%A3nh+b%C3%A1o về sự “đổ bộ” của nó. Nhưng đến nay, không chỉ ở Hải Phòng, hầu như ở khắp các thành phố lớn đều có súng bắn đạn hoa cải.
Trong một cuộc trao đổi với Dân trí, đại tá Vũ Bá Dạc – Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội – cho rằng việc xử lý loại vũ khí nguy hiểm này có khó khăn là do quy định của pháp luật còn sơ hở, chưa coi các loại súng này là vũ khí quân dụng. Theo luật, cơ quan công an chỉ được phép tiến hành xử phạt http://www.vatgia.com/hoidap/quicksearch.php?keyword=x%E1%BB%AD+ph%E1%BA%A1t hành chính đối với những người tàng trữ, sử dụng loại súng bắn đạn hoa cải mà không thể xử lý về hình sự.
Phúc Hưng
Thứ Hai, 08/06/2009 – 6:58 PM
Hà Nội:
Rút súng bắn thẳng vào mặt người va chạm giao thông
(Dân trí) – Lời qua tiếng lại sau khi xảy ra va chạm giao thông, bất ngờ đối tượng ngồi trên xe ô tô rút súng bắn thẳng vào mặt người điều khiển xe máy.
Vụ va chạm giao thông xảy ra vào hồi 1h15 sáng nay 8/6, tại đường Yên Phụ hướng về đường Thanh Niên (quận Tây Hồ) giữa xe máy Spacy và một chiếc ô tô 7 chỗ ngồi BKS: 30M – xxxx.
Một nhân chứng có mặt tại hiện trường cho biết, sau khi vụ va chạm giao thông xảy ra, 2 bên đang lời qua tiếng lại thì một thanh niên ngồi trong xe ô tô 7 chỗ (trên xe ô tô lúc này có 4 người, 2 nam, 2 nữ) bất ngờ rút súng bắn thẳng vào mặt người điều khiển xe Spacy rồi hô đồng bọn lái xe ô tô bỏ chạy.
Nguồn tin của Dân trí cho hay, chiều cùng ngày dưới sự giám sát chặt chẽ của cơ quan công an, nạn nhân đi xe máy đã được các bác sĩ tại một bệnh viện mổ để gắp đạn ra khỏi vết thương và đang được điều trị tích cực.
Hiện Công an quận Tây Hồ đang rốt ráo điều tra vụ việc.
Hồng Ngân
No comments:
Post a Comment