Trung Quốc: bí mật của sự ổn định
Nguyễn Minh
Đăng ngày 14/06/2009 lúc 02:31:17 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3853
Từ sau Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008, dư luận thế giới giảm dần sự chú ý đối với Trung Quốc. Không phải vì chỗ đứng của Trung Quốc giảm tầm quan trọng, ước muốn "được quên lãng" này do chính Bắc Kinh cố tình chủ động.
Song hành với tốc độ phát triển ngoạn mục, Trung Quốc phải đối diện với quá nhiều vấn nạn không có giải pháp. Đã có một đồng thuận bất thành văn giữa chính quyền và dân chúng: vì danh dự và tự hào dân tộc, chính quyền lẫn dân chúng gác qua một bên tất cả những bất đồng để thế giới nhìn Trung Quốc với con mắt kính phục và nể nang. Niềm tự hào này xứng đáng được vinh danh: chỉ trong hai thập niên, từ một quốc gia bị xếp vào hạng nghèo khổ cho đến cuối thập niên 1980, Trung Quốc đã nhanh chóng trở thành một siêu cường kinh tế và quân sự. Nhưng cái giá đã trả quá cao: vì làm quá nhiều cố gắng và hy sinh để bắt kịp sự chậm trễ so với thế giới, đất nước Trung Quốc bị kiệt quệ, nhiều vấn nạn lớn được đặt ra và không có giải pháp: tài nguyên nội địa cạn kiệt, không khí ô nhiễm, nông thôn bị bỏ rơi, nhân mãn trong các đại đô thị... Tất cả những vấn nạn này đều bị ếm nhẹm để cuộc thi đấu thể vận diễn ra tốt đẹp.
Khi Thế Vận Hội Bắc Kinh vừa chấm dứt, như một nút van được tháo gỡ, những vấn nạn đó nổ bùng khắp nơi. Cho đến nay dư luận phương Tây chỉ biết những gì có thể biết: sữa độc melamine, xí nghiệp xuất khẩu đóng cửa hàng loạt, khiêu khích quân sự trên Biển Đông. Trong thực tế, còn rất nhiều vấn nạn quan trọng hơn đang đe dọa sự nhất thống của Trung Quốc: 200 triệu lưu dân không có công ăn việc làm trong các siêu đô thị, gần như toàn bộ nguồn ngoại tệ dự trữ bị mất trắng trong những thị trường chứng khoán bị khánh tận...
Để trấn an dư luận, Bắc Kinh một mặt tỏ ra hòa hoãn với thế giới phương Tây mà trước đó bị lên án can thiệp vào nội bộ Trung Quốc ; mặt khác tung ra những biện pháp "hòa bình" để kiểm soát tỉ lệ tăng trưởng kinh tế, đà gia tăng dân số và các phương tiện truyền thông trong nước. Qua những biện pháp "hòa bình" này, dư luận phương Tây đánh giá Trung Quốc là quốc gia ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và tài chánh quốc tế, hoặc đang vượt lên một cách dễ dàng.
Thật tế như thế nào ?
Giảm xuất khẩu nhưng tăng trưởng vẫn cao
Trước cuộc khủng hoảng kinh tế tài chánh quốc tế hiện nay, phần lớn sinh hoạt kinh tế các nước đều tăng trưởng âm, kể cả những vùng kinh tế phát triển năng động như Đông Á và Đông Nam Á, từ Nhật Bản, Đại Hàn, Đài Loan đến Singapore, Thái Lan, Malaysia và Philippines. Chỉ có 4 quốc gia châu Á có chỉ số tăng trưởng dương là Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam, trong đó Trung Quốc có chỉ số tăng trưởng dương cao: 6% (3 quốc gia còn lại chỉ tăng từ 0,3% đến 1%). Bí mật của chỉ số tăng trưởng cao này do chủ động bằng cách đầu tư ồ ạt vào ngành xây dựng và khuyến khích tiêu thụ nội địa.
Chỉ sau khi bị quay lại với chính mình, ban lãnh đạo đảng cộng sản Trung Quốc tại Bắc Kinh mới khám phá ra rằng phát triển kinh tế lâu dài và ổn định xã hội chỉ có thể xuất phát từ chính mình, nghĩa là phải do chính người Trung Quốc chủ động. Đây là cái vòng lẩn quẩn có lợi cho Trung Quốc nhưng ít được đề cao... vì không mang vào ngoại tệ. Khi xây dựng một xí nghiệp xuất khẩu để thu về ngoại tệ, nhà đầu tư đã vô tình củng cố nội lực của quốc gia đó, sức mạnh này càng tăng khi số xí nghiệp xuất khẩu gia tăng vì đó là những tích sản cố định. Nếu xuất khẩu giảm, trị giá của khối tích sản này vẫn giữ nguyên vì nó vẫn tiếp tục sản xuất, nhưng thay vì cho xuất khẩu thì cho nhu cầu nội địa. Vấn đề của chính quyền là làm sao kích thích tiêu dùng nội địa hay khuyến khích dân chúng gia tăng tiêu xài.
Cũng nên biết, khả năng tiết kiệm của người châu Á trở thành huyền thoại. Đối diện thường trực với chiến tranh, bất ổn xã hội và thiên tai, bản năng tự nhiên của người châu Á là tiết kiệm, phòng hờ những ngày mai bất định, người ta có thể nhịn tiêu xài trong nhiều năm. Chỉ số tiết kiệm của người châu Á có thể từ 30% tới 50% lợi tức kiếm được (mức tiết kiệm trung bình của các quốc gia phương Tây là từ 3 đến 6%).
Tại Trung Quốc, trong thời gian xây dựng hạ tầng cơ sở chuẩn bị Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và Hội Chợ Thượng Hải 2010, Bắc Kinh chủ trương đô thị hoá trên qui mô toàn quốc. Chính quyền kêu gọi đầu tư xây dựng nhà ở cho dân chúng nhằm cải thiện mức sống và kiểm soát sự nhập cư vào thành phố của những thành phần đến từ nông thôn. Không những nhà cửa, đường sá được xây dựng mà luôn cả hệ thống điện nước, khí đốt, xử lý nước thải và rác gia đình, điều kiện sống của dân cư thành thị nhờ đó đã được cải thiện triệt để.
Thêm vào đó, khi xây nhà dựng cửa, những công ty địa ốc còn tạo ra công ăn việc làm cho hàng chục triệu người rời bỏ vùng nông thôn ra thành thị tìm việc. Nhờ có đồng lương, những người này hoặc gởi về thôn quê giúp đỡ gia đình, hoặc mua sắm cho nhu cầu cá nhân, hoặc để dành phòng hờ những ngày mai đen tối. Biện pháp sau cùng này là đối tượng mà Bắc Kinh đang nhắm tới: phá vỡ tâm lý tiết kiệm để khuyến khích tiêu xài. Ngoài tiêu xài cho nhu cầu cá nhân, chính quyền khuyến khích tiêu xài trên qui mô toàn xã hội bằng cách mua nhà sắm cửa.
Chủ trương khuyến khích tiêu thụ này phù hợp với nhu cầu tình thế. Theo những thống kê của nhà nước, tổng dân số Trung Quốc từ 1,236 tỉ người năm 1999 đã tăng lên 1,328 tỉ người năm 2008, trong đó dân số tại các đô thị từ 523,76 triệu người năm 2003 đã tăng lên 600,67 triệu người năm 2008. Con số này rất là đồ sộ nếu biết rằng hiện nay Trung Quốc có tới 655 đô thị, mỗi đô thị có một dân số bình quân 920000 người. Tốc độ tăng trưởng dân số đô thị càng đáng lo âu khi so với tốc độ tăng trưởng dân số bình quân trên cả nước: 3,96% so với 0,84% năm 2008, nghĩa là gần gấp 5 lần. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ 11 (2006-2010), chủ trương của Bắc Kinh là gia tăng tốc độ đô thị hoá từ 43,9% năm 2006 lên 47% năm 2010. So với Nhật Bản (tốc độ đô thị hoá đã đạt đến hạn mức tối đa: 65,7% năm 2005), Trung Quốc có thể còn tiếp tục trong từ 20 đến 30 năm nữa. Chính thị trường đầu tư và tiêu thụ địa ốc nội địa này đã giúp Trung Quốc giữ được chỉ số tăng trưởng cao trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu.
Tuy vậy, con chốt đen của hiện tượng tăng trưởng độc đáo này là nguy cơ lão hoá. Cũng nên biết số người trên 65 tuổi tại Trung Quốc năm 1953 chiếm 4,41% dân số toàn quốc, năm 2000 là 6,96% (88,1 triệu người), năm 2007 lên 12,86% (147,3 triệu người). Tốc độ lão hoá này gia tăng cùng nhịp với tốc độ đô thị hoá: tuổi thọ trung bình ở vùng đô thị cao hơn ở vùng nông thôn. Tuổi thọ của một nông dân ở Quý Châu là 65,96, trong khi một thị dân ở Thượng Hải là 78,24. Nếu không kiểm soát được tốc độ lão hoá thành thị, số tiền tiết kiệm dân gian sẽ bị giảm vì nhu cầu chữa bệnh khi về già gia tăng. Thiếu tiền tiết kiệm là thiếu tất cả, các dự án đầu tư sẽ bị khựng lại, thất nghiệp gia tăng, mức sống suy giảm.
Hướng dẫn dư luận cùng với đa dạng hoá truyền thong
Làm cách nào để những tin tức bất lợi cho chính quyền không bị tiết lộ ra bên ngoài ? Đó là một bí mật khác.
2009 có lẽ là năm mà Bắc Kinh không muốn có, vì trùng với nhiều dịp kỷ niệm. Có những kỷ niệm thuận lợi cho chế độ như 90 năm của phong trào phản đế Ngũ Tứ (5/4), 60 năm thành lập nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc. Nhưng cũng là năm có nhiều kỷ niệm bất lợi cho chế độ như 50 năm ngày chiếm đóng Tây Tạng, 20 năm sự kiện Thiên An Môn và 10 năm đàn áp Pháp Luân Công.
Để làm chủ tình thế, Bắc Kinh tăng cường chính sách hướng dẫn dư luận (hưng luận dẫn đạo) và khuyến khích đa dạng hoá truyền thông, qua chủ trương xem người là cơ bản (dĩ nhân vi bản) và cầm quyền vì dân (chấp chính vị dân). Mục đích của chính sách này nhằm phát hiện sớm những vấn đề có thể tác hại đến uy tín của đảng và nhà nước và đưa ra những biện pháp hướng dẫn thích ứng. Đây là một chủ trương đầy tham vọng vì Trung Quốc, với hơn 1,4 tỉ người và 9,6 triệu km2, là thế giới hơn là một quốc gia. Đó là chưa kể sự khác biệt về ngôn ngữ, chủng tộc và tôn giáo giữa 22 tỉnh, 5 vùng tự trị và 4 thành phố tự trị cùng với Hongkong và Macao. Giữ vững sự thống nhất lãnh thổ và đồng nhất về chính trị là cả một nghệ thuật... phức tạp.
Hiện nay số người sử dụng điện thoại cầm tay trên toàn quốc là trên 500 triệu người, mỗi ngày hơn 200 triệu người trao đổi trên mạng Internet, 1,5 triệu người sử dụng trang web riêng và 70 triệu người xây dựng blog riêng. Đó là chưa kể 290 đài truyền hình, 300 đài phát thanh, 1 900 tờ báo và 9 400 tạp chí do chính quyền trực tiếp quản lý. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều những phương tiện truyền thông qua mạng internet và vệ tinh, Bắc Kinh chấp nhận một cách miễn cưỡng sự phát triển của các loại báo đô thị, do tư nhân quản lý, chỉ đăng những bài vở và tin tức phi chính trị.
Để kiểm soát chính quyền huy động cả một đội quân kỹ thuật đông đảo với những phương tiện hiện đại nhất mà phần lớn là những thành phần ưu tú nhất của xã hội. Chính cơ quan quản lý này đã tuyển mộ, huấn luyện và cử điệp viên đi khắp nơi thu thập tin tức mang về khai thác. Nhiều "sinh viên", "khách du lịch" và "gián điệp khoa học, kỹ thuật" bị bắt quả tang khi đang thu thập và chụp lén tài liệu kỹ thuật cao cấp của các công ty kỹ thuật nhạy bén nhất thế giới.
Nhưng trước một khối hơn một tỉ người, với những phương tiện kỹ thuật phức tạp, Bắc Kinh không thể kiểm soát tất cả và đã chấp nhận một qui chế bất thành văn: nới lỏng tự do thông tin... nhưng mọi người phải tự kềm chế, không đăng những tin tức bất lợi cho đảng và nhà nước. Về mặt này, các chính quyền trung ương và địa phương không gặp nhiều vấn đề đối với những đài truyền hình, truyền thanh, báo và tạp chí quốc doanh, vì ban quản lý là người của chế độ. Lo âu chính của Bắc Kinh là sự gia tăng của số điện thoại cầm tay (hơn 500 triệu người sử dụng), số người sử dụng internet (360 triệu người năm 2011), sử dụng blog (70 triệu) và lập trang web riêng (hơn 1,5 triệu).
Trước sự "bất lực" của chính quyền trong việc kiểm soát thông tin, số "báo đô thị", xuất hiện ngày càng nhiều trong các đô thị sầm uất. Phần lớn những người đứng đầu các tờ báo tư nhân đều có quan hệ thân thiết với các cấp chính quyền... để được che chở khi lâm nguy. Báo đô thị không tuyên truyền miễn phí các chính sách của đảng và nhà nước. Các loại báo này chỉ đăng những thông tin hấp dẫn độc giả như xe hơi, xe gắn máy, khoa học, sức khỏe, thời trang, tuổi trẻ, sắc đẹp, tình dục, trồng cây cảnh, trồng hoa, tử vi, phim ảnh, giải trí... Hiện nay số người mua và đọc báo đô thị nhiều hơn báo do đảng và nhà nước phát hành. Nguồn tài chánh để điều hành các loại báo này phấn lớn do số bán và quảng cáo mang lại, do đó nội dung phải rất là thương mại và rất đa dạng.
Các đài truyền thanh và truyền hình cũng thế, càng ngày càng có khuynh hướng như báo đô thị. Để lôi cuốn và thu hút khán thính giả, các chuơng trình truyền thanh và truyền hình quốc doanh này mang nặng tính thương mại hơn là tuyên truyền. Sự kiện này đang làm điên đầu các cấp lãnh đạo đảng và nhà nước, vì mục tiêu ban đầu của các đài này là tuyên truyền có lợi cho đảng và nhà nước không còn được nhắc tới. Mặc dù chính quyền cố gắng gia tăng ngân sách, ban quản lý các phương tiện truyền thông này không đủ trình độ kiến thức và kỹ thuật để bắt kịp đà tiến hoá nhanh chóng của kỹ thuật truyền thông trên thế giới.
Để che giấu sự bất lực của mình, Bắc Kinh chấp nhận đa dạng hoá truyền thông nhưng thỉnh thoảng cũng phải xử lý một vài vụ vi phạm "qui chế thông tin tuyên truyền" để răn đe và cảnh báo những ai cố tình vi phạm. Trong thực tế, chỉ những ai đụng chạm đến uy tín và quyền lợi của những "lãnh chúa địa phương" mới bị trừng phạt, như tờ Nam Phương nhật báo loan tin những người bị chết vì dịch bệnh cúm ác tính đường hô hấp (SARS) ở tỉnh Quảng Đông làm du khách phương Tây không dám đến viếng thăm, tờ báo bị chính quyền địa phương đình chỉ phát hành.
Thực tế hiện nay Bắc Kinh đang mất độc quyền thông tin, vấn đề còn lại của đảng và nhà nước cộng sản Trung Quốc là làm sao được tồn tại để tiếp tục cầm quyền, xã hội dân sự muốn biến đổi ra sao mặc kệ.
Nguyễn Minh
(Tokyo)
© Thông Luận 2009
No comments:
Post a Comment