Tuesday, June 9, 2009

TRUNG HOA và BÓNG MA THIÊN AN MÔN

Trung Hoa và Bóng Ma Thiên An Môn
China and the ghosts of Tiananmen
Los Angeles Times, 4 June 2009
Wang Dan
June 4, 2009
http://www.latimes.com/news/opinion/commentary/la-oe-wang4-2009jun04,0,6897531.story

TD chuyển ngữ
http://www.doi-thoai.com/baimoi0609_091.html
Mới đây cũng đã có những cải tổ kinh tế, nhưng những vấn đề căn bản mà các bạn tôi và chúng tôi phản kháng vẫn còn nằm đó. Thế nhưng chính phủ vẫn có rất nhiều cách lấp liếm để lật qua trang sử bi thảm này.

Vào tháng năm năm 1989 tôi chỉ mới là một sinh viên 20 tuổi đầu theo học ban sử học ở viện đại học Bắc Kinh. Kịp đến ngày 13 tháng 6 năm đó, tôi nghiễm nhiên đứng đầu danh sách 21 sinh viên chính phủ muốn truy nã trong toán lãnh đạo phong trào đòi dân chủ Thiên An Môn. Tôi bị bắt giam và bị bỏ tù gần bốn năm trời, và sau đó bị bắt trở lại năm 1995, rồi bị bó buộc phải tỵ nạn ở Mỹ năm 1998.
Lúc đó tôi tin tưởng rằng những đề nghị cải cách mà các bạn sinh viên và tôi tranh đấu -- những cải cách về dân chủ, quyền công nhân cũng như tự do ngôn luận và những đề nghị chống tham nhũng -- đều là những vấn đề gai góc chính yếu để xây dựng cho tương lai của Trung Quốc. Sau hai mươi năm, bây giờ tôi vẫn tin tưởng như vậy.

Hồi ký bí mật của ông Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang), nguyên Tổng Bí Thư đảng Cộng Sản Trung Quốc vừa mới được công bố, trong đó ông cho thấy ông nhận rõ rằng những tranh đấu của chúng tôi về kinh tế và nhân quyền chẳng những là hợp lý mà còn có thể giúp đẩy mạnh việc canh tân Trung Quốc mau chóng hơn. Sau khi gặp các sinh viên ở Thiên An Môn năm 1989, Tổng Bí Thư Triệu Tử Dương (Zhao Ziyang) không chống đỡ lại được với phe bảo thủ, ông bị mất chức và chết năm 2005 trong thời gian bị quản thúc tại gia.

Trong 20 năm sau cuộc biểu tình lịch sử của chúng tôi tại Thiên An Môn, những biện pháp cải cách về kinh tế đã giúp hàng triệu dân ra khỏi tình trạng nghèo đói và rất nhiều người đã đạt được mức sống khá hơn.
Nhưng trọng tâm của cuộc tranh đấu mà thế hệ Thiên An Môn – sinh viên cũng như nhân dân – đã hy sinh vẫn hoàn toàn chưa được giải quyết. Tại Trung Hoa ngày nay, tham nhũng trở nên một thứ bệnh nội dịch nằm ngay trong xương tủy trong cơ chế ccăn bản của Trung Quốc bởi vì đảng Cộng Sản và hệ thống cán bộ đảng vẫn còn nằm lên trên luật pháp. Quyền lợi công nhân vẫn không được tôn trọng, vẫn bị chà đạp, một tình trạng có thể sẽ tệ hại hơn trong thời kỳ kinh tế xuống dốc tác hại đến những nhà máy khi hàng triệu công nhân đi xa làm mướn bị mất việc phải trở về quê quán. Mối lo lớn nhất hiện nay là chính phủ Trung Hoa đặt hạn chế chặt chẽ quyền tự do ngôn luận bởi vì chính Internet đã cho phép tiếng nói của lớp những người trẻ tuổi và của những tiếng nói chống đối, phê bình được truyền đạt cho mọi giới và nhà chức trách.

Sự phát triển kinh tế của Trung Quốc đã không mang lại tự do, không mang lại được cho báo chí quyền tự do phát biểu, cũng không mang lại được một thể chế dân chủ. Ngược lại, Chủ Tịch Nhà Nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao), cũng giống như các chủ tịch nhà nước tiền nhiệm Đặng Tiểu Bình (Deng Xiaoping) và Giang Trạch Dân (Jiang Zemin), đã dẫn chứng sự thành công trong lãnh vực kinh tế để lấy cớ cho rằng việc đàn áp cuộc phản kháng ở Thiên An Môn và việc duy trì chế độ một đảng là biện pháp đúng.
Tham nhũng tràn đầy khắp nơi giúp cho một thiểu số được thủ lợi cá nhân. Các bí thư đảng địa phương một sớm một chiều trở thành một đại gia tư bản và lợi dụng đặc quyền chính trị của đảng Cộng Sản để gom góp của cải từ những cơ sở quốc doanh.
Cuộc biểu tình của chúng tôi vào mùa xuân 1989 đã thức tỉnh dân chúng Trung Hoa. Chỉ trong vài tuần lễ, những cuộc biểu tình bất bạo động và vui vẻ được tổ chức tại những thành phố lớn với sự tham dự chẳng những chỉ riêng các sinh viên mà còn các công nhân, các nhà trí thức và còn phải kể cả các báo chí của chính phủ và các đài truyền hình nữa. Đối với tôi, đó là một lúc kiêu hãnh nhất trong suốt cả một lịch sử bốn ngàn năm của Trung Quốc. Lần đầu tiên trong đời chúng tôi, chúng tôi đã dám sử dụng một quyền căn bản nhất của con người: quyền tự do nói năng.

Vào tối mùng ba tháng sáu, lực lượng vũ trang tiến chiếm và dẹp sạch quảng trường Thiên An Môn. Cuộc thanh trừng sau đó của quân đội mở thêm một trang sử đẫm máu nữa trong cái lịch sử đầy xáo trộn của Trung Quốc. Cho đến bây giờ không ai biết con số người bị sát hại ở quảng trường. Chính quyền thì nói chỉ có một số binh sĩ và vài người bị sát hại, nhưng chúng tôi có hình ảnh hàng trăm người biểu tình bị xe tăng đè nát dọc theo đại lộ Tràng An và hình ảnh xác chết la liệt ở nhà xác trong các bệnh viện ở Bắc kinh.
Trong cả chục năm vừa qua, ở Mỹ tôi quan sát sự lớn mạnh của vai trò Trung Quốc trên sân khấu quốc tế. Sự phát triển kinh tế thật là rõ rệt và khích lệ.

Thế còn việc kiểm duyệt truyền thông khiến cho vì bị bưng bít thông tin nên làm cho biết bao nhiêu khách hàng vô tội trở thành nạn nhân của vụ sữa bị pha trộn độc chất năm 2008 thì sao? Và còn việc chính quyền tham nhũng dẫn đến công trình xây cất cẩu thả ở Tứ Xuyên tạo nên hậu quả thảm khốc trong vụ động đất năm ngoái thì sao? Hoặc là hố sâu cách biệt cằng ngày càng sâu hơn giữa người giàu và người nghèo thì sao đây?

Uy lực của Trung Quốc bây giờ chỉ nằm trong lãnh vực sức mạnh quân sự và kinh tế, thuộc về ‘dương’, nhưng ở thế kỷ 21 thì những nguyên tắc căn bản về đạo lý và nhân quyền, thuộc về sức mạnh mềm dẻo hay ‘âm’ cũng giữ một địa vị quan trọng không kém.

Người dân Trung Hoa chẳng những mong mỏi quyền lợi kinh tế mà thôi, nhưng còn mong ước có được những quyền căn bản của quyền làm người nữa. Một tuyên ngôn cho dân chủ gọi là Hiến Chương 08, được phổ biến trên internet hồi tháng chạp đã nhận được hàng ngàn chữ ký mặc dù chính phủ Trung Quốc đã tìm đủ cách ngăn chặn kể cả trừng phạt những người soạn thảo. Ông Lưu Hiếu Ba (Liu Xiaobo), một trong những người chủ trương đã bị bắt giữ từ tháng chạp cho đến bây giờ mà không có một viện chứng gì của chính phủ về một điểm luật pháp nào đã vi phạm.

Chính quyền Trung Quốc cần thực hiện bốn điểm sau đây nếu họ muốn thuyết phục thế giới rằng họ đang nắm giữ quyền hành “một cách có tránh nhiệm”: đền bù cho các bà mẹ Thiên An Môn đã mất con; cho phép tôi và những công dân Trung Quốc bị cưỡng bách lưu vong được phép trở về quê nhà; thả hết những người bị giam vì biểu tình bất bạo động ở Thiên An Môn cũng như những tù nhân bị giam giữ gần đây vì tranh đấu cho cải cách nhân quyền. Sau cùng những người cầm quyền Trung Quốc cần phải giải quyết những mục tiêu trường kỳ cho tương lai. Những mục tiêu này cùng được các sinh viên tranh dấu Thiên An Môn và các tác giả của Hiến Chương 08. Đó là thiết lập sự thực thi pháp luật, bảo đảm các quyền căn bản của quyền làm người.

Chỉ đến khi được như vậy trang sử kinh hoàng của Thiên An Môn mới có thể lật qua được.

Wang Dan, một lãnh tụ sinh viên của cuộc biểu tình Thiên An Môn năm 1989 hoàn tất bằng Tiến Sĩ Sử Học tại trường đại học Harvard năm 2008.

TD chuyển ngữ

No comments: