Sunday, June 14, 2009

TRỌNG LƯỢNG LÊ CÔNG ĐỊNH

Trọng lượng Lê Công Định
Talawas
15/06/2009 5:56 sáng
http://www.talawas.org/wordpress/?page_id=573
Dường như nhà cầm quyền Việt Nam đặc biệt có năng khiếu giữ nóng dư luận. Vụ Biển Đông chưa qua, vụ Bauxite Tây Nguyên chưa lắng, nay vụ bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Định lại ném thêm một trọng lượng đáng kể khiến cán cân “đồng thuận xã hội” (tức “Ý Đảng, lòng dân”) chao đảo.

Hiển nhiên là số đông người Việt trong nước ít quan tâm đến những vấn đề nằm ngoài cuộc sinh tồn thường nhật của mình, qua guồng máy tuyên truyền khổng lồ của chế độ, sẽ đơn giản tiếp nhận thông tin này theo cung cách mà báo chí và các cơ quan truyền thông Việt Nam phổ biến, song đối với giới trí thức và những người quan tâm đến thời cuộc, rất có thể Vụ Lê Công Định đang trở thành một tai nạn mới trong chuỗi những tai nạn mà nhà cầm quyền Việt Nam, trong sự bất lực trước những câu hỏi bức bối của xã hội Việt Nam hiện tại, gây nên.
Chuỗi tai nạn ấy sẽ còn dài ra đến đâu và còn kéo theo những nạn nhân nào, câu trả lời phụ thuộc vào tất cả những ai không muốn mình và các thế hệ tương lai trở thành nạn nhân.

Sau đây chúng tôi tiếp tục tổng hợp tin tức từ nhiều nguồn trong và ngoài nước về Vụ Lê Công Định.
talawas
_____________

Báo Tiền Phong, trích:
“Cơ quan điều tra cho biết, trong rất nhiều tài liệu thu được tại nhà Lê Công Định, có hai tài liệu rất đáng chú ý. Đó là toàn bộ bản thảo Tân Hiến pháp (dài 112 trang, 106 điều, 9 chương) mà ông ta cùng một nhóm đối tượng soạn thảo nhằm chuẩn bị cho kế hoạch lật đổ chính quyền và tài liệu trích xuất từ blog Đảng Lao động có nội dung tuyên cáo thành lập Đảng này và những luận điệu xuyên tạc và vu khống Đảng Cộng sản Việt Nam.”

Báo Hà Nội Mới, trích:
“Ôm mộng sẽ trở thành ”ứng cử viên tổng thống” của chính phủ mới sau khi lật đổ chế độ Cộng sản tại Việt nam, Lê Công Định đã nhiều lần sang Mỹ, Thái Lan gặp Nguyễn Sỹ Bình bàn bạc, đề ra kế hoạch hoạt động chuẩn bị cho thời cơ ”ngàn năm có một” mà Định cho là sẽ xảy ra vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Lê Công Định cũng tích cực tham gia biên soạn cuốn sách mang tính chất cương lĩnh hành động của nhóm mang tựa đề ”Con đường Việt Nam” và là người trực tiếp soạn thảo ”Tân Hiến pháp”, gồm 9 chương, 106 điều để chuẩn bị cho chính quyền mới sau khi lật đổ chính quyền hiện nay.”

Báo Công an Nhân dân khẳng định, trích:
“Hành vi của Định và đồng bọn là hết sức nguy hiểm cho xã hội, mưu đồ của họ nhằm tập hợp lực lượng xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam. Tuy nhiên, mưu đồ và thủ đoạn của Lê Công Định và đồng bọn đã bị cơ quan An ninh và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam kịp thời phát hiện và ngăn chặn.
Dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt khẩn cấp Lê Công Định, sớm ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của Định và đồng bọn.”


Ls Trịnh Hội viết trên BBC, trích:
“Im lặng thường có nghĩa là đồng lõa. Trong những trường hợp như thế này, tôi tự hỏi tại sao các báo chí trong nước, các phóng viên, nhà báo có học, có lòng không đưa tin vô tư hơn và chọn giải pháp im lặng? Tại sao tất cả phải hùa vào cáo buộc một người cùng nòi giống, cùng trang lứa, cũng có học, có lòng và suy cho cùng, chỉ vì anh đang trăn trở, đang cố gắng đi tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước?
Cái buồn của tôi về đất nước Việt Nam là ở đó. Và về thân phận của trí thức Việt Nam cũng là ở chỗ đó. Ngày xưa trong những thập niên đầu thế kỷ 20, ít ra trí thức Việt Nam cũng được phép chính quyền thực dân Pháp cho ra báo độc lập với chủ trương … bài Pháp, chống thực dân. Thế nhưng 100 năm sau, trí thức Việt Nam làm được những gì?”


BBC đưa tin về
dư luận trong vụ bắt Ls Lê Công Định, trích ý kiến của nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên:
“Vụ việc diễn ra chỉ vài chục tiếng đồng hồ sau khi một luật sư khác, ông Cù Huy Hà Vũ có đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ vi phạm pháp luật trong vụ Bauxite, điều mà báo chí trong nước không hề đưa tin, nên đã đang đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân, động cơ và thông điệp của vụ bắt ông Định… Theo tôi biết, nhiều chính quyền nói chung, khi đưa ra một lệnh bắt giữ, họ không chỉ trừng trị tội phạm, mà nhất là đối với những người hoạt động dân chủ, với giới trí thức, điều đó còn có tính chất răn đe, đàn áp nữa…”

Diễn đàn X-cafe đăng
bản dịch bài “Ông Định gây nhiều rắc rối” của Tom Knutsson, Hiệp hội Luật sư Thụy Điển, trích:
“Chính phủ Việt Nam tất nhiên điều khiển chặt quân sự và cảnh sát. Nhưng ông Định không nghĩ là tình hình sẽ phát triển đến một Bắc Triều Tiên mới.
- Chính phủ Việt Nam khôn hơn thế. Việt Nam sẽ không trở thành Bắc Triều Tiên hay Cuba. Ông nói rằng chính phủ cố thỏa mãn lòng dân được chừng nào hay chừng đó, nhưng không đến mức thực hiện tự do thực sự.
Thay vì thế, ông thấy trước mắt những điều giống cái đã xảy ra ở Đông Đức. Người dân thay đổi mọi thứ hoàn toàn trong một thời gian ngắn.”


Blogger Nguyễn Vạn Phú có ý kiến về cách đưa tin trên báo chí Việt Nam, trích:
“Ông Định mới bị bắt có mấy giờ thôi, tòa đã xử đâu mà báo này đã vội kết luận như thế. Nên ghi rõ đó là kết luận của cơ quan điều tra thì người phóng viên mới làm đúng bài bản chứ. Một bản tin khác có tít “Chống phá Nhà nước, chồng cựu hoa hậu Ngọc Khánh bị bắt” vừa mắc phải lỗi trên, vừa mang tính câu khách rẻ tiền.”

Blogger Quoc-Anh Do, trích:
“Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu kinh tế quan tâm đến nước Việt Nam đương đại, tôi dự kiến là Luật sư Định sẽ được đưa ra xử ở Tòa án cấp cao ở Việt Nam, theo pháp luật hiện hành, sẽ thu hút rất nhiều sự chú ý của báo chí nước ngoài, của người Việt sống ở nước ngoài, và của một bộ phận người Việt. Có một khả năng các nhà lãnh đạo Việt Nam sắp tới sẽ được hỏi nhiều về trường hợp Luật sư Định mỗi khi có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo nước ngoài, và trong trường hợp này, tôi đoán câu trả lời chính thức sẽ là sự đảm bảo ông Định được xét xử công minh trong khuôn khổ pháp luật Việt Nam. Tôi đoán là sẽ có nhiều luật sư khác đứng ra bào chữa cho Luật sư Định, và phiên tòa sẽ diễn ra tương đối căng thẳng.”

Trong một cuộc
phỏng vấn riêng với đài VOA bên lề cuộc gặp mặt Việt kiều đang sinh sống ở thủ đô Washington, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak cho biết ông “quan tâm và muốn tìm hiểu kỹ hơn” vụ luật sư Lê Công Định bị bắt. Trích:
“Tôi biết Lê Công Định. Tôi nghĩ đó là một trong những luật sư giỏi nhất Việt Nam. Ông Định từng làm việc với chính phủ, các công ty, những người muốn bày tỏ chính kiến và rất nhiều người khác nữa… Có thể nói là luật sư Định từng làm việc với mọi thành phần trong xã hội nên tôi thấy khó có thể tin được là ông câu kết với các thế lực thù địch.”

No comments: