Sunday, June 14, 2009

DƯ LUẬN QUANH VỤ BẮT GIỮ LS LÊ CÔNG ĐỊNH

Dư luận vụ bắt luật sư Lê Công Định
Quốc Phương
BBCVietnamese.com
Cập nhật: 20:18 GMT - chủ nhật, 14 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/06/090614_intellect_reactions_lecongdinh.shtml
Tin tức về việc luật sư Lê Công Định vừa bị an ninh Việt Nam bắt khẩn cấp tại TP Hồ Chí Minh hôm 13/6/2009, do bị cáo buộc tuyên truyền chống phá nhà nước XHCN, đang làm dấy lên các quan ngại sâu sắc của nhiều giới trong đó có tầng lớp trí thức và các văn nghệ sỹ trong nước.

Từ Hà Nội, một trong các ý kiến, nhà văn Võ Thị Hảo cho BBC Việt ngữ hôm 14/06, hay rằng bà đã bị sốc sau khi nghe tin luật sư Lê Công Định, người từng nhận bào chữa cho nhiều vụ án nhân quyền, dân chủ trong nước, bị công an Việt Nam bắt giữ, nhưng không tin là ông Định có tội.
Bà cũng phê phán cách đưa tin một chiều, thiếu khách quan, chịu chỉ đạo của Chính quyền, của nhiều cơ quan truyền thông trong nước.

Còn Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng chủ trì và sáng lập trang mạng đang thu hút nhiều dư luận trong và ngoài nước, vốn phản đối dự án khai thác Bauxite của Chính phủ ở Tây Nguyên (bauxitevietnam.info), nói ông rất ngạc nhiên và buồn trước tin luật sư Định bị bắt, vì trước đó không lâu, báo Tuổi trẻ còn đánh giá rất cao về trình độ, nhân cách của ông Định.

Nhà quan sát tình hình trong nước, Lê Hồng Hà, hôm thứ Bảy cho BBC Việt ngữ biết, ông hay tin về vụ bắt giữ vị cựu Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP Hồ Chí Minh qua báo chí và các trang mạng của nhà nước và do Chính phủ kiểm soát. Ông cho hay sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình về vụ bắt giữ và sẽ lên tiếng khi có các thông tin rõ hơn.

Nhà báo, kiêm nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên từ Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, cho hay vụ bắt giữ vị luật sư nổi tiếng 41 tuổi từ Sài Gòn, đang làm cho giới trí thức, nhiều bộ phận quần chúng nhân dân khác, kể cả những người hành nghề luật sư trong lĩnh vực nhân quyền quan tâm sâu sắc và đặt ra nhiều câu hỏi về động cơ và thông điệp thực sự của vụ bắt giữ.

'Một người dũng cảm'


"Tôi có theo dõi một số bài viết của ông Lê Công Định ở trên báo," nhà văn Võ Thị Hảo đang sống và làm việc ở Hà Nội nói.
"Tôi cũng biết luật sư Lê Công Định là một người dũng cảm, dám bênh vực cho những người bất đồng chính kiến vì nói lên ý nghĩ thực của họ về đất nước, trái với quan điểm của đảng cộng sản và Nhà nước."
Bà Hảo cho rằng ông Định đã làm được một công việc tốt khi chỉ thực hành lương tâm tối thiểu mà một luật sư cần có trước nhân dân:
"Khi những người dân lên tiếng đề nghị được giúp đỡ do bị vướng vào vòng lao lý và cảm thấy rằng họ có những điều chính đáng cần được bênh vực trước pháp luật, thì một luật sư có lương tâm không có quyền từ chối.
"Ông Định chỉ làm bổn phận tối thiểu của một luật sư có lương tâm và lương tri mà thôi."

Bà Hảo cho hay bà chưa từng gặp luật sư Lê Công Định, nhưng qua những bài viết của luật sư mà bà đã đọc, bà thấy ông Định không có gì sai trái.
"Nếu so với những gì mà nhà nước và đảng cộng sản lâu nay kêu gọi đổi mới, cần nói thẳng, nói thật, cần nhìn thẳng sự thật, vì đất nước phát triển, thì tôi thấy Lê Công Định đã làm đúng," bà Hảo nhận xét.
"Bây giờ lại chứng kiến thêm một người nói thẳng, nói thật nữa bị bắt, tôi cảm thấy thật là sốc và đáng buồn,"
nhà văn nữ 56 tuổi nói.

'Không phải lợi dụng'

"Tôi thấy những bài viết của ông Lê Công Định là những bài đặc sắc," Giáo sư Nguyễn Huệ Chi, người đồng chủ trì và sáng lập trang mạng Bauxite Việt Nam, thu hút hơn một nghìn chữ ký của các giới trí thức, khoa học, văn nghệ sỹ, nhân sỹ Việt Nam trong và ngoài nước... phản đối dự án khai thác khoáng sản tại Tây Nguyên của Chính phủ, nói với BBC Việt ngữ một ngày sau khi vụ bắt giữ diễn ra.
"Tôi cũng không rõ việc người ta nói ông Định lợi dụng phản ứng xã hội và dư luận về vụ Bauxite chống Chính phủ là lợi dụng thế nào."
Giáo sư Huệ Chi cũng bình luận về việc một số tờ báo trong nước nói luật sư Lê Công Định 'cấu kết' với một số 'đối tượng' chống đường lối của Đảng và nhà nước, mà đặc biệt là công kích trực tiếp Thủ tướng Chính phủ:
"Nếu ông làm như tất cả những người dân đã làm, nghĩa là ông ấy chống lại một việc có hại sờ sờ cho đất nước, là việc khai thác bauxite, thì tôi nghĩ không phải là ông ấy lợi dụng."
Người đang thu hút sự chú ý của các tầng lớp nhân dân, của dư luận trong và ngoài nước, khi đi đầu nhóm nhiều trí thức nhân sỹ trong vụ phản đối dự án khai thác bauxite nhận xét về cách thức báo chí, truyền thông trong nước loan tin về vụ bắt giữ luật sư:
"Tôi chưa biết rõ 'tội trạng' của ông Định, vì ở Việt Nam việc công bố 'tội phạm thực sự' như ở trường hợp của ông Định, hình như là không thấy. Chúng tôi chỉ biết được sự việc qua báo chí, mà báo chí ở Việt Nam chỉ đi 'lề bên phải'.
"Cho nên cái mà gọi là tin vào báo chí, thì tôi không tin,"
Giáo sư Huệ Chi khẳng định.

'Còn răn đe nữa'


"Vụ bắt Lê Công Định thu hút nhiều nhất những ai quan tâm tới các vấn đề thế sự, thời sự nước nhà. Mà có thể nói, đặc biệt là trong giới trí thức, giới quan tâm tới thời cuộc hàng ngày của đất nước," từ Viện Văn học, Viện Khoa học Xã hội Việt Nam, nhà báo, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nói với BBC.
Ông Nguyên cũng cho biết hiện còn chưa có nhiều nguồn tin khác nhau để xác định liệu có thực và thực đến đâu các nguyên nhân đứng đằng sau vụ bắt giữ:
"Vụ việc diễn ra chỉ vài chục tiếng đồng hồ sau khi một luật sư khác, ông Cù Huy Hà Vũ có đơn khởi kiện Thủ tướng Chính phủ vi phạm pháp luật trong vụ Bauxite, điều mà báo chí trong nước không hề đưa tin, nên đã đang đặt ra nhiều câu hỏi về nguyên nhân, động cơ và thông điệp của vụ bắt ông Định.
"Tôi nghĩ là còn phải chờ đợi thêm thông tin, vì cũng giống như vụ bắt hai nhà báo Việt Nam cách đây một thời gian. Khi bắt cũng rất rúng động, rùm beng.
"Nhưng sau khi bắt còn phải điều tra, khởi tố, xét xử, thụ án... thì dần dần cũng rõ ra nhiều điều. Đây là một quá trình. Tôi nghĩ vụ án Lê Công Định mới chỉ bắt đầu. Chúng ta còn phải chời đợi thêm,"
ông Nguyên nhận định.
Sau khi có lời khen ngợi một số vị dân biểu đã có các phát biểu khá mạnh mẽ và thẳng thắn trước quốc hội về vụ Bauxit mấy tuần qua, như GS Nguyễn Minh Thuyết, nhà sử học Dương Trung Quốc, ông Nguyên trở lại vụ bắt giữ đối với luật sư Lê Công Định và đúc kết:
"Theo tôi biết, nhiều chính quyền nói chung, khi đưa ra một lệnh bắt giữ, họ không chỉ trừng trị tội phạm, mà nhất là đối với những người hoạt động dân chủ, với giới trí thức, điều đó còn có tính chất răn đe, đàn áp nữa, cho nên mọi sự kiện cần phải được đánh giá dần dần theo quá trình diễn biến cụ thể của nó."


Lê Công Định và Báo Chí Việt Nam
Trịnh Hội
Viết cho BBC
Cập nhật: 09:59 GMT - chủ nhật, 14 tháng 6, 2009
http://www.bbc.co.uk/vietnamese/forum/2009/06/090614_trinhhoilecongdinh.shtml
Sáng nay vừa mới thức giấc thì tôi đã được một anh bạn thân điện thoại cho biết là một người bạn của tôi vừa phải vào vòng tù tội.

Ở Việt Nam, ngay tại thành phố Sài Gòn nơi mà tôi và anh đã gặp nhau ăn trưa chung trước khi tôi về lại Mỹ cách đây gần một năm về trước. Từ đó đến nay tôi chưa có dịp trở lại Việt Nam. Bởi thế tôi cũng không gặp lại anh được để chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống. Thành tâm mà nói tôi cũng không biết nhiều về những gì anh đang làm trong cuộc sống riêng tư của anh trong thời gian vừa qua.
Vì vậy tôi đã vội vã lên mạng và cố tìm các tin tức liên quan đến Lê Công Định và việc anh bị công an Việt Nam bắt trưa hôm qua ngày 13 tháng 6 theo Điều 88 của Bộ Luật Hình Sự Việt Nam vì ‘tội tuyên truyền chống nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam'.
Nhưng than ôi, từ báo điện tử VnExpress cho đến Thanh Niên hay Tuổi Trẻ, tất cả đều chỉ đăng những lời cáo buộc được thông tin từ chính... Bộ Công An. Ngoài ra tôi không tìm được bất kỳ một lời phản bác nào từ người bị cáo hoặc nếu không thì cũng từ bạn bè hoặc những người thân trong gia đình. Một lời bình không thiên vị, không mang tích cách cáo buộc tôi tìm mãi nhưng chẳng thấy.

Lương tâm vs nồi cơm


Là những tờ báo lớn nhất, bán chạy nhất trong nước với một lực lượng phóng viên trẻ hùng hậu, có học, có lòng, rất chuyên môn và cũng rất nhanh nhẹn trong việc nắm bắt thông tin, nhưng hình như đối với những vấn đề ‘nhạy cảm' như thế này, tất cả đều đã chọn giải pháp im lặng.
Tất cả đều phải tạm thời gạt bỏ lương tâm nghề nghiệp sang một bên để cuộc sống không gặp nhiều khó khăn, xáo trộn. Làm tin về Hoa Hậu này sửa mũi lúc nào, hoặc anh tài tử nọ bỏ vợ để cặp kè với ai thì eo ôi ngày nào tôi cũng thấy. Nhưng khi đụng đến những vấn đề căn bản nhất, quan trọng nhất về quyền lợi quốc gia, của chính mình, của tổ quốc thì tất cả đều chọn giải pháp cuối đầu im lặng, giả điếc, giả câm.
Tại sao tất cả phải hùa vào cáo buộc một người có lòng và suy cho cùng, chỉ vì anh đang trăn trở, đang cố gắng đi tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước?
Tôi thông cảm với điều này. Nếu tôi ở Việt nam, gia đình tôi ở đó, việc làm, miếng cơm manh áo cũng từ nơi đó mà ra thì cũng có thể tôi sẽ chọn một giải pháp tương tự. Nhưng trong trường hợp này tôi tự hỏi có cần thiết lắm không khi tất cả cùng hùa vào với một lực lượng công an khổng lồ để kết tội một công dân đang đơn thân độc mã nằm trong tù không có gì trong tay để chống trả? Chúng ta chưa biết Định thật sự có làm những việc anh bị cáo buộc hay không. Chúng ta cũng chẳng biết việc anh làm có phạm luật hay không. Hoặc điều luật này có vi hiến hay không.
Bất kể. Chỉ cần kẻ cáo buộc cho là vậy thì chúng ta cứ y như thế in thành văn, viết thành bài.

Im lặng là đồng lõa

Im lặng thường có nghĩa là đồng lõa. Trong những trường hợp như thế này, tôi tự hỏi tại sao các báo chí trong nước, các phóng viên, nhà báo có học, có lòng không đưa tin vô tư hơn và chọn giải pháp im lặng? Tại sao tất cả phải hùa vào cáo buộc một người cùng nòi giống, cùng trang lứa, cũng có học, có lòng và suy cho cùng, chỉ vì anh đang trăn trở, đang cố gắng đi tìm một tương lai tươi sáng hơn cho đất nước?
Cái buồn của tôi về đất nước Việt Nam là ở đó. Và về thân phận của trí thức Việt Nam cũng là ở chỗ đó.
Ngày xưa trong những thập niên đầu thế kỷ 20, ít ra trí thức Việt Nam cũng được phép chính quyền thực dân Pháp cho ra báo độc lập với chủ trương ... bài Pháp, chống thực dân. Thế nhưng 100 năm sau, trí thức Việt Nam làm được những gì?
Tôi ước chi tôi về lại được Việt Nam để thăm bạn tôi và nếu có thể, giúp anh trong cơn hoạn nạn. Nhưng đó là một điều hoang tưởng. Bài viết này sẽ làm cho con đường tôi đến Việt Nam ngày càng xa hơn, chứ không phải là gần hơn. Mặc dù đó là con đường mà tôi luôn mong được yêu thương, ôm ấp.
Và trở về với hiện tại thì tôi đang ở quá xa để có thể làm được điều gì thiết thực cho Định. Vì thế tôi chỉ mong là trong những ngày sắp tới tôi sẽ đọc được hoặc nghe được những ý kiến hay, những việc làm thiết thực từ các bạn đọc xa gần cho biết làm thế nào để chúng ta có thể giúp Định sớm thoát khỏi cảnh cô đơn, tù ngục.
Thời phải thế. Thế thời phải thế. Cuối cùng chỉ có chính chúng ta là người phải mỗi ngày đối mặt với tấm gương của lương tâm và lẽ phải.

Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả là luật sư sống tại nước ngoài.



No comments: