Thursday, June 18, 2009

THỜI SỰ IRAN : CUỘC TÀN SÁT TÙ NHÂN IRAN 1988

Từ đạo là tiêu: cuộc tàn sát tù nhân Iran 1988
Tác giả: Đỗ Kh.
19/06/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.de/

Thứ tư 17.6,
nửa triệu (?) người xuống đường diễn hành trật tự. Truyền hình quốc gia phát hình cuộc biểu tình này (có lẽ vì quần chúng không xem TV thì mở cửa nhìn ra ngoài cũng thấy). Ông Mousavi vốn rất dè dặt kiệm lời, kêu gọi thứ năm 18 là ngày để tang 7 người biểu tình thiệt mạng.

Con gái của Rafsanjani xuất hiện trong đoàn. Bà Faezeh này là cựu đại biểu quốc hội, chủ báo Zan (Phụ nữ). Quan trọng hơn là cha bà mời Hội đồng Chuyên gia họp khẩn cấp tại thành phố thánh Qom’s. Đây là cơ cấu tuyển lãnh đạo tối cao do ông đang làm chủ tịch, có thể khuyên răn hay là ngay cả cách chức Khamenei.
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/slide_1786_24061_large1-300x218.jpg

Đội tuyển quốc gia đá tại Nam Triều Tiên trong vòng loại World Cup châu Á gỡ huề 1-1. Trên sân, một số cầu thủ mang màu xanh cây của đối lập và bóng đá ở Iran không phải chuyện nhỏ.
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/slide_1786_24056_large1-300x218.jpg

Quét rác ở Iran cũng không phải chuyện nhỏ từ khi ông Ahmadinejad tự ví ông với thành phần này. Một nhóm phu giơ chổi theo đoàn biểu tình chống đối và họ được hoan nghênh nhiệt liệt vì họ là biểu tượng bình dân của đương kim Tổng thống, giờ quay lại bỏ rơi ông.

Chống đối trong những ngày trước đã có nhiều hành động bảo vệ công an rơi vào tay họ
trong các cuộc xung đột . Công an được hoan hô vì thụ động đứng xa. Có nơi an ninh giữ trật tự cản Basiji (”Thanh niên xung phong” trực thuộc Vệ binh Cách mạng) không cho lại gần đoàn quấy phá được biểu tình cám ơn, nhiều vị còn cười. Công an cũng cười thì biểu tình cũng bớt căng thẳng!

Đương kim Chủ tịch Quốc hội Larijini, thuộc phái bảo thủ (nhưng ân oán chưa đền với Ahmadinejad) lên tiếng phê bình Thanh niên Basiji.

Tờ Jerusalem Post (Israel) đưa tin là côn đồ tấn công cư xá Đại học Tehran thuộc thành phần Hamas Palestine! Hamas thì còn đang bận tìm đinh tìm ốc để làm tên lửa Qassam (họ lại từng thắng cử ở Gaza mà không cần gian lận thì phải). Nếu nói là Hebzbollah Lebanon thì khả tín hơn. Theo tin riêng của tôi, các côn đồ này thuộc thành phần Hội Luật gia Việt Nam.

Phong trào “Đòi lại phiếu” hiện nay ở Iran, đằng sau ứng cử viên Tổng thống Mousavi, là một tập hợp của nhiều thành phần chống đối và bất mãn, Iran có đến 212 đảng chính trị được công nhận. Đây gồm hổ lốn và thập cẩm, phe cầm quyền “áo thụng” như ông Rafsanjani (giáo sĩ cựu Tổng thống, hiện Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia và lăm le ghế Lãnh tụ Tối cao); phe đổi mới ôn hòa một, hai mức hay chơi luôn tới bến (của ôn hòa), làm ơn cho tôi ba; thành phần chính trị thế tục Quốc gia hay thiên tả như Xã hội, Cộng sản, Trốt-kít (Iran hiện có 17 đảng cộng sản - đều bị cấm - và như vậy là Cộng sản Iran đa nguyên hơn Việt Nam rất là nhiều)… và thanh niên, sinh viên và quần chúng vào dịp này tự phát.

Những mâu thuẫn ắt phải có giữa bằng ấy thành phần hiện còn tạm gác trong khi “Đi chung, đánh chung” cũng một kẻ thù. Nay mai rồi sẽ có giai đoạn “Đi chung, đánh riêng” trước khi đi riêng và đánh… nhau. Trước khi Cách mạng Hồi giáo thành công tại Iran, chính các thành phần này đã cật lực cùng các giáo sĩ đánh đổ đế chế thân Mỹ của họ Pahlavi. Sau khi ông Shah bị lật đổ thì phe giáo sĩ nắm hết quyền, đẩy các lực lượng khác vào chống đối võ trang bưng biền. Trong các nhóm vũ trang, đáng kể là Fedayi này và Fedayi kia (Cộng sản, Xã hội phân hóa) và nhất là Mujahidin e Khalq (MEK), một phong trào “Cao Đài” vừa Mác-xít vừa Hồi giáo với cặp vợ chồng lãnh tụ thánh sống (Rajavi). MEK có cả chục ngàn quân (vài chục?) trú bên Iraq vào thời Saddam Hussein. Khi chiến tranh Iran-Iraq (1980-1988) chấm dứt và Iraq ngưng bắn, thì MEK lùa quân về nước đòi giải phóng.

Vào mùa Hè 1988 thì ứng cử viên Mousavi của năm nay vẫn còn đang làm Thủ tướng. Suốt 8 năm chiến tranh chính phủ do ông lãnh đạo được cho là lèo lái khéo léo nền kinh tế tất nhiên là trong một hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, vây hãm và cô lập bởi Tây phương, tấn công bởi Saddam Hussein vào lúc đó được trợ giúp ngầm trợ giúp nổi bởi Hoa Kỳ. Ông Khamenei (Lãnh đạo Tối cao hiện nay) thì làm Tổng thống nhưng quyền quyết định về quốc phòng, ngoại giao, tư pháp thuộc về “Đại Hòa thượng” (Grand Ayatollah) Khomeini. Vì một lý do nào đó mà chỉ có… Trời mới cho riêng ông biết, ông Khomeini xuống chiếu cho hành quyết tất cả các tù nhân chính trị mà chế độ đang giam giữ, sau một màn thẩm vấn sơ sài, theo luật định của tôn giáo.
Cuộc tàn sát tập thể này rất tiếc là lại không được dư luận quốc tế, các tổ chức nhân quyền quen thuộc để ý đến đúng mức, một phần vì khi xảy ra thì Iran còn là một quốc gia mọi thông tin đều bị bưng bít. Con số tù nhân bị hạ sát là trên 4.000 người (có nơi cho là đến 12.000 hay ngay cả 30.000), trong đó ¼ thuộc các nhóm Xã hội, Cộng sản và còn lại là thuộc phong trào MEK. Các tù nhân bị ghép vào tội danh kẻ thù của Thượng đế (MEK) hay Từ đạo (thế tục) và phạt treo cổ. Sau mấy ngày đầu tối tăm mặt mũi vì phải bện dây thòng lọng, nhân viên hành quyết đã xin phép được xử bắn tù nhân cho… khỏe nhưng bị cấp trên từ chối. Luật Hồi là treo cổ thì phải treo cổ, không có biếng nhác mà dùng đao dùng xẻng dùng súng được. Thế hỏi ngoại tình là tội bị ném đá, chúng mày có định hiện đại hóa bằng cách ném lựu đạn hay không, cút đi mà tìm đủ dây thừng cho tao! Luật là luật và để xác định đây đúng là những kẻ đáng chết, các tù nhân phải qua một “phiên tòa”, thực ra là một màn thẩm vấn về đức tin Thượng đế của họ mất hay còn.
Một số tù nhân đang chờ đợi được thả ra sau khi đủ thời gian đền tội chống phá cách mạng. Khi được thẩm vấn, nhiều người tưởng là thủ tục phóng thích hay ân xá vào dịp hòa bình. Họ đều ở xa mặt trận biên giới, đang bị giam giữ tại các khám thành phố từ trước đây. Các tù nhân bị cô lập, cũng chẳng biết MEK bên ngoài có mở chiến dịch khởi nghĩa, tổng nổi dậy, hay là đã hoàn toàn tan rã không chừng. Từng người được mời lên phòng điều tra gặp một ủy ban ba người, tất nhiên chẳng ai nói cho họ rõ là hỏi để làm gì mà ngược lại còn được bảo đảm là cứ việc trả lời thẳng thắn.
Câu đầu tiên, ông/bà là Mujahidin (”chiến sĩ của đức tin”) hay là Monafeqin (có nghĩa là “giả dối”, trò chơi chữ của các giáo sĩ). Nếu tự nhận là Mujahidin thì khỏi cần hỏi thêm, vậy là đã nhận tội và số phận đã được an bày. Các câu sau đó, có chịu trả lời phỏng vấn; có muốn ra trận đánh Iraq; (ra trận) có chịu băng qua bãi mìn; sẵn sàng tố cáo đồng chí; chỉ điểm; lên phim tố cáo họ… Các câu này, nếu trả lời một lần “không” là ra thẳng pháp trường!
Đối với thành phần chống đối vì chính kiến thiên tả, Cộng sản, Xã hội… Các câu hỏi là về tôn giáo. Ông/bà có theo đạo Hồi; có tin vào Thượng đế; có khước từ duy vật lịch sử (công khai, thu hình); cầu kinh mỗi ngày… Các câu này trả lời “không” là thí sinh trúng dây thòng lọng, chỉ trừ có câu chót. Lúc ông bà còn bé, cha của ông/bà có cầu và đọc Kinh Thánh Quran, có nhịn ăn vào tháng Ramadan không? Nếu trả lời không thì được trường hợp giảm khinh, khỏi tội chết. Theo lô-gíc của các thày tu, đây là chính sách lý lịch “ngược”. Bố mày đã thế thì không hẳn ở lỗi mày. Và nếu bố mày ngoan đạo mà mày lại hư thì mày đúng là đứa phản đạo!
Một tù nhân Tudeh (Cộng sản) đã phát hiện ra mục đích thật của các cuộc phỏng vấn. Khi được trả về phòng giam ông đã twitter cho các bạn bằng cách gõ thông tin lên tường và cứu sống được một số nhờ biết trước đề thi.
Trường hợp giảm khinh khác, là đối với phụ nữ. Không phải là các tăng lữ ga-lăng nhưng theo lô-gíc của họ, phụ nữ cũng như là trẻ con thôi mặc dù, ờ thì là trẻ con nảy nở. Tội là ở cha, anh, tội ở chồng không dậy dỗ họ đến nơi. Các phụ nữ thế tục này chuộc tội rất là dễ thôi, chỉ cần trở thành tín đồ và không nhác cầu kinh 5 bận mỗi ngày. Mỗi bận quên cầu nguyện thì phạt 5 đòn nhưng không đánh bằng hoa hồng mà lại đánh bằng roi. Một phụ nữ dũng cảm và quyết liệt đã chịu được 550 roi trong 22 ngày trước khi qua đời (một ngày 5 bận không cầu kinh=25 roi) để cho các thày tu biết thế nào là bướng bỉnh của đàn bà. Hồ sơ pháp lý của bà ghi là bà đã tự sát, cũng theo lô-gíc của các thày, thì nó muốn chết chứ còn gì, nếu muốn sống thì đã chịu đọc kinh!
Vì theo luật tôn giáo (sharia) nên các tử tội còn được viết thư trăn trối nhưng gia đình không được phát tang và phải giữ kín một năm tức là khóc ở trong phòng đóng kín cửa, cấm không cho hàng xóm nghe nức nở. Theo các gia đình, các tù nhân bị hành quyết tại khám trung ương Evin ở Tehran sau đó được vùi tập thể tại nghĩa trang Khavaran, dành cho người ngoại đạo. Năm 2005, nghĩa trang này bắt đầu được tân trang, có thể là để xóa tích.

Thời điểm 1988, ngoài 2 nhân vật trong chính quyền đã nói đến tức Thủ tướng Mousavi và Tổng thống Khamenei, còn có ông Rafsanjani địch thủ của Khamenei ngày hôm nay, vào lúc đó làm Chủ tịch Quốc hội (Rafsanjani lên làm Tổng thống 1989-1997 thay Khamenei khi ông Khamenei lên chức Lãnh đạo Tối cao sau khi ông Khomeini qua đời và vẫn ở chức thần quyền này cho đến nay). Tuy vậy, quyền lực của ông trong thập niên 80 cao hơn là chức vụ trên và thời gian chiến tranh ông được coi như là tư lịnh của quân đội. Người thứ 4 trong những người ngày nay được để ý đến, cựu Tổng thống “đổi mới” Khatami (1997-2005) thì không có chức vụ gì đáng kể sau khi ông làm bộ trưởng Bộ Văn hóa và Chỉ đạo Hồi giáo 1982-86. Ông Ahmadinejad thì vừa mới vừa đỗ tiến sĩ (1987) sau khi phục vụ trong Vệ binh Cách mạng ở ngành biệt kích tình báo. Như vậy, ba người còn lại (hai thuộc đối lập ngày hôm nay) đều có trọng trách vào lúc thủ tiêu tất cả các tù nhân chính trị loại nhẹ được thi hành (loại nặng thì đã bị giết ngay chẳng chờ giam giữ).

Xin phép được nhắc lại, ứng viên Tổng thống đối lập, người hùng xanh lá cây của đường phố hôm nay rạo rực, ông Mousavi, khi xảy ra tội ác với nhân loại này thì đang làm Thủ tướng. Đồng minh của ông hiện nay, Rafsanjani, lúc đó làm Chủ tịch Quốc hội và quyền tư lịnh quân đội. Lãnh tụ Tối cao Khamenei của ngày nay và “thày” của ông Ahmadinejad, lúc đó làm Tổng thống. Họ phải biết và họ nghĩ gì lúc đó thì không thấy họ nói. Ngày hôm nay họ vẫn không thấy nói, hẳn là họ đã quên.

Trong tháng 5 vừa qua, khi tranh cử tại các đại học, ít nhất là hai dịp Mousavi được sinh viên nhớ dai
trực tiếp nhắc lại chuyện này nhưng ông tránh né trả lời. Họ còn hô khẩu hiệu “Mousavi 88″ (kiểu “Obama 08″)! Bọn oắt con này ngày nay mất dạy, đương kim Tổng thống Ahmadinejad còn bị một sinh viên nói thẳng vào mặt là ông nói láo đặt điều, là chuyện không thể nào xảy ra nếu không có bầu cử và tiếp xúc với cử tri.

“Đại Hòa thượng” Montazeri vào năm 1983 được coi là người sẽ thừa kế ông Khomeini ở chức Lãnh tụ Tối cao. Năm 1988 thì ông đã mất nhiều ảnh hưởng và bị Khomeini cô lập bởi tật hay lăng nhăng bất đồng. Nhưng ông vẫn là một lãnh đạo tinh thần, một trong 22 Grand Ayatollah của giáo phái Shia 12 Imam (Twelver Shia) trên thế giới, một tiếng nói đáng kính của giáo phái này. Khi biết được sự việc, ông đã lập tức dùng tiếng nói này để chất vấn và
phản đối với ông Khomeini trong văn thư chính thức. Chuyện “tòa án” xử tử tập thể này được biết nhiều đến cũng nhờ hành động của ông Montazeri. Để tưởng thưởng, ông được giam giữ tại gia cho đến 2003, dưới cớ là bảo vệ ông với các phần tử quá khích nào đó, xin Hòa thượng đừng ra khỏi nhà. Khi nghĩa trang Khavaran được sửa đổi, Montazeri lại lên tiếng bênh vực các gia đình nạn nhân.

Đường phố ngày hôm nay, đã thấy đây đó nảy ý đòi Hòa thượng Montazeri thay thế Khamenei ở chức Lãnh đạo Tối cao, một bằng chứng khác là quần chúng đã vượt qua mức “ôn hòa” của ông Mousavi và phong trào đang tiến nhanh hơn lãnh tụ.

Cuộc diễn hành ngày 18 để tang những người biểu tình thiệt mạng có đến 1 triệu (?) người tham gia và đến lượt Thanh niên Basiji (thân chính quyền) bắt đầu bịt mặt khi họ xuống đường.

Đây là
video của Phong trào Mousavi (không có phụ đề và có lẽ nhờ thế mà dễ coi hơn?). Phút 2:18 là cựu Tổng thống Khatami. Phút 8:23 đến hết trích cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên trên truyền hình, lúc ông Ahmadinejad dọa cho xem hồ sơ về vợ ông Mousavi (”Tôi có nên không? Tôi có nên không?’). Cụm từ này đã trở thành khôi hài dân gian.

Đây là
video tranh cử của Karroubi (có phụ đề Anh ngữ).


No comments: