Monday, June 8, 2009

ĐS MICHALAK : HOA KỲ KHÔNG MUỐN CHIẾN TRANH GIỮA VIỆT NAM và TRUNG QUỐC

Đại Sứ Michalak: Hoa Kỳ không muốn chiến tranh giữa Việt Nam và Trung Quốc
Bài: Ðinh Quát/Người Việt
Sunday, June 07, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96130&z=1
WESTMINSTER (NV) - “Chắc chắn là tôi không thích bất cứ một hình thức chiến tranh nào xảy ra giữa Việt Nam và Trung Quốc,” Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael W. Michalak đã phát biểu như thế khi trả lời câu hỏi của phóng viên Người Việt tại cuộc tiếp xúc với cộng đồng lúc 4 giờ chiều Thứ Bảy, 6 Tháng Sáu ở Star Performing Art Center, thành phố Fountain Valley, Califonia.
Ðây là cuộc gặp gỡ thứ ba của Ðại Sứ Michalak, sau hai cuộc gặp giới truyền thông và cộng đồng người Việt tại đài truyền hình SBTN chiều ngày 5 Tháng Sáu, và tại khách sạn Ramada Inn, thành phố Garden Grove sáng ngày 6 Tháng Sáu.

Trước câu hỏi của phóng viên Người Việt, rằng ông đánh giá ra sao về mối quan hệ Việt-Trung và liệu Việt Nam có nên tử chiến một trận để báo động với thế giới về hiểm họa Trung Quốc, Ðại Sứ Michalak nói, “Tôi nghĩ rằng, mối liên hệ giữa Việt Nam và Trung Quốc rất phức tạp như mối liên hệ phức tạp giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Chúng ta nên nhớ rằng chúng ta có thể chọn bạn nhưng không thể chọn người láng giềng.
“Việt Nam có người lánh giềng là quốc gia đông dân nhất thế giới nên cần tìm cách để sống chung với nhau. Rõ ràng là đang có nhiều quan ngại về phía Việt Nam liên quan đến tình hình tại Biển Ðông và vụ bauxite tại Cao nguyên. Quan điểm riêng của tôi là không có cách nào Hoa Kỳ có thể chen vào trong bối cảnh đang diễn ra một số vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc.”

Buổi gặp tại Star Performing Art Center do Dân Biểu Liên Bang Ed Royce (Ðảng Cộng Hòa) tổ chức và do ba cơ quan truyền thông Little Saigon Radio, tuần báo Việt Tide và Hồn Việt TV bảo trợ. Người điều khiển chương trình là Luật Sư Nguyễn Hoàng Dũng và đồng chủ tọa với hai Dân Biểu Liên Bang là ông Ed Royce và bà Loretta Sanchez.

Lên tiếng trước cử tọa khoảng 100 người tham dự cuộc gặp gỡ, gồm đại diện các tôn giáo, các hội đoàn và giới truyền thông, Dân Biểu Ed Royce đã ca ngợi thiện chí của Ðại sứ Michael Michalak thể hiện qua việc mỗi khi trở về Hoa Thịnh Ðốn, ông luôn dành thì giờ tiếp xúc với cộng đồng người Mỹ gốc Việt để trình bày thành quả việc làm của ông tại Việt Nam và đồng thời lắng nghe ý kiến của người Việt.

Ðề cập đến vấn đề Nhân quyền tại Việt Nam, ông Ed Royce nhận định rằng, chính phủ Mỹ đã vội vã bỏ tên Việt Nam ra khỏi danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt trong lãnh vực tôn giáo (CPC, Country of Particular Concern), trong khi nhà cầm quyền Hà Nội hiện vẫn tiếp tục chính sách đàn áp đối với các tôn giáo như Phật giáo, Công giáo, Hòa Hảo, Cao Ðài.
Vị dân cử liên bang thuộc địa hạt 40 của California này còn đề cập đến kế hoạch của nhà cầm quyền Hà Nội khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần Việt Nam. Ông nói rằng, dự án này sẽ hủy hoại môi sinh, làm phương hại đến kỹ nghệ trồng cà phê của Việt Nam, và nhất là để cho Trung Quốc đưa công nhân vào làm việc tại đây.

Ðồng quan điểm với ông Ed Royce, nữ Dân Biểu Loretta Sanchez, Ðảng Dân Chủ địa hạt 47 California, cho biết rằng tại Quốc Hội, các nhà làm luật đồng viện của bà, không phân biệt Dân Chủ hay Cộng Hòa, đã và đang tiếp tục nỗ lực để Việt Nam có được dân chủ, tự do và nhân quyền.
Bà nêu thí dụ nỗ lực của các dân cử là làm sao để các công ty Internet như Yahoo, Google không bị áp lực của nhà cầm quyền để giới hạn sinh hoạt tự do trên mạng điện toán toàn cầu - như đã từng xảy ra tại Trung Quốc.
Bà cũng hỏi rằng tại sao Hòa Thượng Thích Quảng Ðộ vẫn tiếp tục bị quản thúc tại gia; rằng tại sao những người dân oan khiếu kiện vẫn tiếp tục bị nhà cầm quyền tịch thu đất đai của họ; rằng tại sao sau khi được trở thành hội viên Tổ Chức Mậu Dịch Thế Giới WTO, Hà Nội được quyền đưa ký giả qua Mỹ tự do hành nghề trong khi giới truyền thông người Mỹ gốc Việt thì lại bị ngăn cấm về Việt Nam tường thuật tin tức.

Trả lời những vấn đề do hai Dân Biểu Liên Bang nêu lên, vị đại diện quyền lợi của Hoa Kỳ tại Việt Nam, Ðại Sứ Michael Michalak nói rằng ông tôn trọng những quan điểm của hai dân biểu. Ông nhắc lại ba mục tiêu ông đã đề ra trước khi rời Washington đi Hà Nội nhận nhiệm sở: Tiếp tục thảo luận với giới lãnh đạo Việt Nam về vấn đề nhân quyền; tăng cường mối quan hệ hợp tác trong lãnh vực kinh tế giữa Việt Nam và Hoa Kỳ để đạt phúc lợi cho cả đôi bên; và gia tăng sự hợp tác về mặt giáo dục giữa hai nước.
Ông nói rằng, rốt ráo tới cùng, người dân tại Việt Nam sẽ quyết định tương lai của Việt Nam; người dân tại Việt Nam sẽ định ra hướng đi nào tốt nhất cho họ; và Hoa Kỳ sẽ cung cấp cho họ những phương tiện để họ tự giải quyết theo cách tốt nhất.
Ngoài ba mục tiêu nói trên, ông Michalak còn cho biết ông vẫn tiếp tục công tác tìm kiếm người Mỹ mất tích trong chiến tranh (MIA); vẫn nỗ lực làm việc với Việt Nam trong vấn đề giảm thiểu tình trạng ấm nóng toàn cầu (Global Warming). Và nhiều lãnh vực nữa Hoa Kỳ đang cố gắng thực hiện tại Việt Nam, theo lời ông đại sứ.
Riêng trong lãnh vực nhân quyền, Ðại Sứ Michalak cho biết, ông đã có một số nỗ lực đáng kể, như đã nêu lên với giới lãnh đạo Hà Nội về trường hợp những người bị cầm tù chỉ vì hành xử quyền tự do phát biểu quan điểm của họ như Linh Mục Nguyễn Văn Lý, Luật Sư Lê thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài và nhiều người khác nữa.
Ông tin rằng, những người đang bị tù đầy này xứng đáng được Hoa Kỳ ủng hộ, nhưng đó là vấn đề nhân quyền chứ không thuộc lãnh vực tự do tôn giáo. Theo lời ông, khi ông tham khảo ý kiến một số người thì đều có nhận định chung rằng, sinh hoạt tôn giáo trong thời gian vài ba năm gần đây có nhiều tiến triển tốt hơn trước kia.
Dĩ nhiên, vẫn theo ông đại sứ, hoàn hảo thì không nhưng có bằng chứng rõ ràng là sinh hoạt tôn giáo khá hơn trước, nhất là tại các thành phố lớn. Riêng tại các vùng xa xôi, ông cho biết, các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tìm cách hướng dẫn người dân về quyền được tự do tôn giáo và những công tác này đang tiếp tục. Chính vì vậy, Ðại Sứ Michalak cho rằng, “không cần thiết đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.”

Tiếp theo phần trình bày của ông đại sứ là phần hỏi đáp giữa giới truyền thông, đại diện tôn giáo và một số cử tọa với ông Michalak. Trong suốt hai tiếng đồng hồ của cuộc gặp gỡ, các cử tọa đã nhiều lần vỗ tay hoan hô quan điểm của hai Dân Biểu Ed Royce và Loretta Sanchez; và một số người đã bày tỏ thái độ không hài lòng với quan điểm của Ðại Sứ Michalak khi ông cho rằng, không cần thiết đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.

Buổi sinh hoạt chấm dứt lúc 5 giờ 30 cùng ngày. Một số lớn quan khách đã lưu lại dùng tiệc trà và trò chuyện thân mật với ba vị khách Ed Royce, Loretta Sanchez và Michael Michalak.


Người Việt Cali thất vọng với Đại sứ Michael Michalak
Hà Giang, thông tín viên RFA
2009-06-08
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html
Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Michael Michalak, nhân dịp về thăm Hoa Kỳ, đã có các cuộc gặp gỡ với Cộng đồng người Mỹ gốc Việt, để cập nhật tin tức về mối quan hệ giữa hai quốc gia.

Từ trái sang: Dân biểu Dana Rohrabacher, Đại sứ Michael Michalak, nữ Dân biểu Lorretta Sanchez, trong buổi thảo luận tại SBTN tối 5-6-2009. Photo by Hà Giang/RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html/MichaelMichalak-Cali-06072009-305xx.jpg

Chuyến viếng thăm Nam California lần thứ ba của ông Michael Michalak, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam cuối tuần qua đã được đánh dấu bằng hai buổi họp mặt với cộng đồng người Việt tại quận Cam vào tối thứ Sáu và thứ Bẩy ngày 5 và 6 tháng Sáu.
Nhận định của ngài Đại Sứ về tự do tôn giáo và nhân quyền tại Việt Nam đã tạo nên những tranh luận rất sôi nổi ngay trong buổi họp và nhiều phản ứng rõ nét của nhiều giới trong cộng đồng sau đó.
Hà Giang, thông tín viên đài Á Châu Tự Do tại California đã tham dự cả hai buổi họp này và gửi về bài tường trình như sau:

Nhân quyền tại Việt Nam
Buổi thảo luận với chủ đề “Nhân Quyền VN Ngày Nay” giữa Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak và cộng đồng người Việt tại quận Cam, Nam California vào tối thứ Sáu vừa qua đã được đài SBTN trực tiếp truyền hình.
Sự tham dự đông đảo của đại diện các tôn giáo, hội đoàn, giới truyền thông và nhiều nhân sĩ trong vùng, đã nói lên sự quan tâm sâu xa của người Việt hải ngoại về tình hình nhân quyền tại Việt Nam.

Đại sứ Michael Michalak trả lời các câu hỏi của báo chí. Photo by Hà Giang/RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html/MichaelMichalak-Cali-06072009-190.jpg

Hai dân biểu liên bang là bà Lorretta Sanchez và ông Dana Rohrabacher đã mở đầu cuộc thảo luận bằng lời chia xẻ quan ngại của họ về sự thiếu tự do thông tin, và tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Lời chào mừng bằng tiếng Việt của Đại Sứ Michael Michalak đã tạo cho người tham dự những nụ cười thoải mái hiếm hoi trong buổi thảo luận đã nhanh chóng trở thành rất sôi nổi.
“Xin chào các bạn, tôi rất vui tham gia sự kiện này, nhưng tôi học tiếng Việt, nhưng tôi chưa có thể nói chuyện tiếng Việt, vì thế tôi phát biểu tiếng Anh.”
Đại Sứ Michael Michalak tóm lược về tình trạng nhân quyền, kết quả của việc hợp tác kinh tế, và ông hân hoan cho biết dù chỉ mới phục vụ được một nửa nhiệm kỳ tại Việt Nam, nhưng ông đã đạt được chỉ tiêu về việc nâng cao con số du học sinh từ Việt Nam vào nước Mỹ lên đến hơn 12 ngàn sinh viên.

Trả lời câu hỏi là việc gia tăng số du học sinh sẽ cải thiện tình hình nhân quyền tại Việt Nam như thế nào, ông đại sứ phát biểu:
“Giáo dục sẽ giúp phần cải thiện nhân quyền đơn giản là vì khi người ta càng hiểu biết nhiều về thế giới xung quanh, thì họ lại càng có những chọn lựa khôn ngoan hơn, và tôi tin rằng họ sẽ tất nhiên có những quyết định có lợi ích cho việc cải thiện nhân quyền.”

Dân biểu Dana Rohrabacher hoàn toàn phản bác quan điểm này:
“Tôi không cho là việc đè nén nhân quyền tại Việt Nam xẩy ra là vì người dân thiếu hiểu biết. Nguyên nhân của sự chà đạp nhân quyền là vì có một nhóm người nhất quyết giữ lấy quyền cai trị. Kể cả người cùng đinh nhất trong xã hội cũng hiểu rất rõ rằng họ bị đàn áp, rằng họ không có quyền tự do ngôn luận. Các ông giáo sư đại học hiểu rằng nếu họ không được tự do chỉ trích nhà cầm quyền thì sẽ bị mất việc. Việc có hay không có nhân quyền không dựa vào dân trí, mà là do chính sách của nhà cầm quyền”.

Tự do Tôn giáo?
Nhiều câu hỏi của đồng bào nêu lên về những gì mà họ cho là vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam, đã nhanh chóng đưa buổi thảo luận trở về việc đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, tức danh sách những quốc gia cần phải được quan tâm đặc biệt vì vi phạm tự do tôn giáo.

Cử tọa chất vấn Đại sứ Michael Michalak về Tự do Tôn giáo ở Việt Nam. Photo by Hà Giang/RFA
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/VietnameseAmericans-are-disappointed-with-Ambassador-Michalak-view-on-religious-freedom-in-Vietnam-HGiang-06082009121715.html/MichaelMichalak-Cali-06072009-250.jpg

Về điểm này, Đại Sứ cho biết: “Quan điểm của tôi về tự do tôn giáo hơi khác với những quan điểm đã được quý vị phát biểu ở đây ngày hôm nay. Quý vị đã biết là Bộ Ngoại Giao cho rằng hiện giờ không có đủ bằng chứng để chúng tôi đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC.”

Lời tuyên bố này đã khiến nhiều người trong cử tọa ồ lên vì không giấu được sự thất vọng và không đồng ý.
Trong buổi thảo luận chiều hôm sau, dân biểu liên bang Ed Royce đã đơn cử trường hợp của Mục Sư Nguyễn Công Chính, một bằng chứng cụ thể về việc chà đạp tự do tôn giáo tại Việt Nam đã xẩy ra từ nhiều năm nay.
Ông nói: “Nhiều người trong chúng ta rất quen thuộc với tình trạng của Mục Sư Nguyễn Công Chính, người đã bị công an địa phương đánh đập rất tàn nhẫn chỉ vì những sinh hoạt tôn giáo và nhân quyền của ông. Tấm hình của ông mặt bê bết máu đã nói với chúng ta rất nhiều. Tôi đã đưa tấm hình này cho về các đồng nghiệp của tôi xem. Đó là tình trạng tự do tôn giáo tại Việt Nam hôm nay.”

Đài Á Châu Tự Do đặt câu hỏi về các tiêu chuẩn được dùng để đưa một quốc gia vào danh sách CPC, và làm thế nào để đo lường sự cải thiện tự do tôn giáo?
Đại Sứ Michael Michalak trả lời: “Muốn đặt một quốc gia vào danh sách CPC đòi hỏi nhiều điều kiện. Tôi không thấy chúng ta có ích lợi gì trong việc đưa Việt Nam trở lại danh sách này.”

Thất vọng...
Sau buổi thảo luận, ký giả Kiều Mỹ Duyên, phát biểu:
“Chúng tôi trả lời với tính cách là một người trong cộng đồng Việt Nam quan tâm đến nhân quyền ở Việt Nam.
Những câu hỏi của những ký giả như là Đinh Quang Anh Thái, Hà Giang, Phong Lê Vũ, có những câu ông tránh né không có trả lời.
Nghe những lời mà tránh né trả lời của ông Đại Sứ Hoa Kỳ, cũng như là những lời mà ông có vẻ bênh vực cho Việt Nam làm chúng tôi phẫn nộ.
Và câu mà ông nói như thế này, “Các anh có thể viết thơ cho ông Tổng Thống Obama để “take me out”, đem tôi ra khỏi Việt Nam”. Chúng tôi là công dân của Hoa Kỳ, chúng tôi đều bỏ phiếu, chúng tôi cũng có thể đề nghị với chính phủ Hoa Kỳ là đưa ông Đại Sứ này trở về Hoa Kỳ.”

Nói chung, dư luận cảm thấy thất vọng với thông điệp của Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam trong chuyến viếng thăm Nam California của ông lần này.

(Hà Giang, thông tín viên RFA)
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


No comments: