Monday, June 8, 2009

CHÚNG TÔI ĐÃ CÓ CẢI TỔ. ĐẾN LƯỢT QUÝ VỊ (Gorbachev)

Chúng tôi đã có Cải tổ. Đến lúc tới lượt các vị
Mikhail Gorbachev
Đinh Từ Thức dịch
08/06/2009 5:35 chiều
http://www.talawas.org/?p=5655
Nhiều năm trước đây, vào lúc Chiến tranh Lạnh sắp kết thúc, tôi đã nói với các nhà lãnh đạo khắp hoàn cầu: Thế giới đang trên đỉnh những biến cố lớn lao, và đối diện với những thử thách mới, tất cả chúng ta sẽ phải thay đổi, các vị cũng như chúng tôi. Phần nhiều đã phản ứng lịch sự, nhưng dè dặt im lặng.

Tuy nhiên, vào những năm gần đây, trong khi đi diễn thuyết nhiều nơi tại Hoa Kỳ, trước cử tọa tại các trường đại học hay các nhóm doanh nhân, tôi hay nói với các thính giả rằng người Mỹ cũng cần cho mình một thay đổi - một perestroika, không giống như thứ tại nước chúng tôi, nhưng là một thứ perestroika kiểu Mỹ - và phản ứng đã rất khác. Những căn phòng chật cứng hàng ngàn người đã vỗ tay tán thưởng.

Qua thời gian, ý kiến của tôi đã đem lại đủ loại phê phán. Một số đã phản ứng với sự hiểu biết. Những người khác chống đối, đôi khi mỉa mai, nói rằng tôi muốn Hoa Kỳ trải qua một cuộc biến động, giống hệt như cựu Liên bang Xô-viết. Tại nước tôi, những phản ứng cay độc đặc biệt đã đến từ các thành phần chống đối perestroika, những người vắn trí nhớ và thiếu hụt lương tâm. Và mặc dầu hầu hết những người chỉ trích tôi chắc chắn hiểu là tôi không đánh đồng Hoa Kỳ với Liên Xô trong những năm chót, tôi muốn được trình bầy quan điểm của tôi.

Cải tổ (perestroika) của chúng tôi cho thấy sự cần thiết thay đổi tại Liên Xô, nhưng nó không có nghĩa gợi ý một sự đầu hàng khuôn mẫu của Hoa Kỳ. Hiện nay, sự cần thiết của một perestroika sâu rộng hơn - cho Hoa Kỳ và thế giới - đã trở nên rõ ràng hơn bao giờ.

Đúng là sự cần thiết thay đổi tại Liên Xô vào giữa thập niên 80 là cấp bách. Đất nước ngột ngạt vì thiếu tự do, và dân chúng - nhất là giai cấp có giáo dục - muốn phá bỏ sự nghẹt thở của chế độ đã được thiết lập dưới thời Stalin. Hàng triệu người dân nói rằng: “Chúng tôi không thể sống như thế này được nữa”.

Chúng tôi bắt đầu với cởi mở (glasnost) - cho dân chúng cơ may để nói ra những điều lo nghĩ của họ mà không sợ hãi. Tôi không bao giờ đồng ý với nhân vật vĩ đại của nước tôi là Alexander Solzhenitsyn khi ông nói rằng “Glasnost của Gorbachev làm hư mọi sự”. Không có glasnost, không có cơ may nào đã xẩy ra, và chắc là Solzhenitsyn đã kết liễu cuộc đời mình tại Vermont hơn là tại Nga.

Khởi đầu, chúng tôi cố công với ảo tưởng rằng sửa sai chế độ hiện hữu - thay đổi trong kiểu mẫu xã hội chủ nghĩa - cũng đã đủ. Nhưng phản ứng từ Đảng Cộng sản và giới chức chính quyền quá mạnh. Vào cuối năm 1986, đối với tôi và những người hậu thuẫn, rõ ràng việc thay đổi cả căn bản chế độ là điều cần thiết.

Chúng tôi đã chọn bầu cử tự do, chính trị đa nguyên, tự do tôn giáo và một nền kinh tế tự do cạnh tranh với quyền tư hữu. Chúng tôi tìm kiếm thay đổi qua cuộc chuyển hóa không đổ máu. Chúng tôi đã phạm những sai lầm. Những quyết định quan trọng đưa ra quá trễ, và chúng tôi đã không thể hoàn tất cuộc cải tổ của chúng tôi.

Hai âm mưu đã cướp mất sự thay đổi - mưu toan đảo chánh vào tháng Tám 1991, do phe cứng rắn chống đối cuộc cải cách của chúng tôi tổ chức, làm cho địa vị Tổng thống của tôi bị suy yếu, và thỏa thuận sau đó giữa lãnh tụ của Nga, Ukraine và Belarus giải tán Liên bang. Rồi các lãnh tụ Nga phủ nhận đường lối chuyển hóa, đưa đất nước vào cảnh xáo trộn.

Tuy nhiên, khi được hỏi liệu perestroika thành công hay thất bại, tôi trả lời: Prestroika đã thắng, vì nó đưa đất nước tới một điểm không thể trở lại quá khứ.

Tại phương Tây, sự tan vỡ của Liên Xô được nhìn như là một thắng lợi toàn diện chứng tỏ Tây phương không cần phải thay đổi. Các nhà lãnh đạo Tây phương được làm cho tin rằng họ đang lèo lái một chế độ đúng và vận hành tốt, hầu như một khuôn mẫu hoàn hảo về kinh tế. Các học giả nêu ý kiến là lịch sử đã cáo chung. Sự “Đồng thuận Washington”, giáo điều thị trường tự do, xóa quy luật và cân bằng ngân sách bằng mọi giá, là những điều bắt phần còn lại của thế giới phải cố nhá.

Nhưng rồi xẩy ra vụ khủng hoảng kinh tế năm 2008 và 2009, cho thấy rõ là khuôn mẫu mới của Tây phương là một ảo tưởng mà chính yếu chỉ có lợi cho người thật giầu. Thống kê cho thấy giới nghèo và trung lưu đã không hay chỉ được hưởng lợi rất ít do phát triển kinh tế vào mấy thập niên qua.

Cuộc khủng hoảng toàn cầu đang diễn ra chứng tỏ các nhà lãnh đạo những thế lực lớn, đặc biệt là Hoa Kỳ, đã bỏ qua những dấu hiệu đòi hỏi một perestroika. Kết quả là một cuộc khủng hoảng không phải chỉ về tài chánh và kinh tế. Mà còn cả về chính trị nữa.

Cái khuôn mẫu phát sinh vào thập niên cuối thế kỷ 20 đã trở thành không kham nổi. Nó đã dựa trên sự vận hành của siêu lợi nhuận và hưởng thụ quá đáng của một số người, trên sự khai thác thả dàn về tài nguyên và trên sự vô trách nhiệm đối với xã hội và môi sinh.

Nhưng nếu mọi giải pháp được đề nghị và hành động bây giờ chỉ là thay đổi nhãn hiệu của một chế độ cũ, thì chúng ta sẽ phải nhìn thấy một cuộc biến động, có thể lớn hơn, ở cuối đường. Khuôn mẫu hiện nay không cần phải chỉnh đốn; nó cần được thay thế. Tôi không có sẵn những giải pháp. Nhưng tôi tin tưởng rẳng một khuôn mẫu mới sẽ xuất hiện, nó sẽ chú trọng về nhu cầu và phúc lợi chung, như môi sinh trong sạch hơn, kiến trúc hạ tầng và giao thông công cộng vận hành tốt, hệ thống giáo dục, bảo hiểm sức khỏe tốt, và nhà ở trong tầm tay.

Những thành tố của một khuôn mẫu như vậy hiện đang có tại một số nước. Từ chối sự dạy dỗ của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), những nước như Mã Lai và Brazil đã hoàn thành rất ấn tượng mức tăng trưởng kinh tế. Trung Quốc và Ấn Độ đã kéo được hàng trăm triệu dân ra khỏi cảnh nghèo khó. Nhờ huy động tài nguyên quốc gia, nước Pháp đã xây dựng được hệ thống hỏa xa cao tốc, trong khi Canada cung cấp săn sóc sức khỏe miễn phí. Trong số những nước dân chủ mới, Slovenia và Slovakia đã có thể giảm bớt được những hậu quả xã hội của việc cải tổ thị trường.

Đã đến lúc cho “kiến trúc sáng tạo”, nhằm vào sự thăng bằng giữa chính quyền và thị trường, hòa nhập các yếu tố xã hội và môi trường và giải trừ quân đội khỏi kinh tế.

Washington cần đóng một vai trò đặc biệt trong perestroika mới này, không phải vì Hoa Kỳ nắm giữ một nền kinh tế lớn, thế lực chính trị và quân sự trên hoàn cầu hiện nay, mà bởi vì Mỹ đã là kiến trúc sư chính, và lớp tinh hoa Mỹ là giới chính được hưởng lợi từ khuôn mẫu kinh tế thế giới hiện nay. Cái khuôn mẫu đó đang bị rạn nứt và sẽ, sớm hay muộn, phải thay thế. Đó sẽ là một tiến trình nhiêu khê và nhức nhối cho mọi người, kể cả Hoa Kỳ.

Dù có nhiều khác biệt giữa những vấn đề Liên Xô phải đối phó vào thời perestroika của chúng tôi với những thử thách đang đối diện Hoa Kỳ, sự cần thiết của một lối suy nghĩ mới khiến cho hai thời kỳ giống nhau. Thời đại của chúng tôi đã phải đối diện với trọng trách chính là chấm dứt sự phân chia thế giới, giải trừ cuộc chạy đua võ khí nguyên tử và tháo gỡ xung đột. Chúng tôi cũng sẽ phải đương đầu với những thử thách mới của toàn cầu, nhưng nếu chỉ khi nào mọi người đều hiểu được sự cần thiết của một thay đổ thực sự và chủ yếu - cho một perestroika toàn cầu.

-------------------------------------------

Mikhail Gorbachev là Tổng Bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô, hiện đứng đầu “International Foundation for Socio-Economic and Political Studies”, một tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Moscow.

Nguồn:
“We Had Our Perestroika. It’s High Time for Yours.” Washington Post, Sunday, June 7, 2009, page B2.

Bản tiếng Việt © 2009 Đinh Từ Thức
Bản tiếng Việt © 2009 talawas blog

No comments: