Monday, June 15, 2009

QUỐC HỘI VIỆT NAM KHÔNG BÀN VỀ BIỂN ĐÔNG

Không bàn về Biển Đông?
Trần Khải
Đăng ngày 15/06/2009 lúc 01:22:01 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3857
Các quan lớn trong Quốc Hội CSVN đang nghĩ gì và nói gì trong các buổi họp tuần này ở Hà Nội? Có phải là các vấn đề sinh tử, cháy bỏng ở quê nhà? Hay thực sự đã được chỉ đạo trước về một nghị trình không được phép thay đổi và về tình hình phải "nhất trí" với các chủ trương lớn của Đảng CSVN đã đề ra?

Và trong tận cùng, câu hỏi cho các quan lớn trong Quốc Hội CSVN này là quý vị đang phục vụ cho người dân, hay chỉ diễn tuồng để phục vụ cho các chỉ thị của Đảng CSVN? Từng người một hãy suy nghĩ cho kỹ, bởi vì có vẻ như các quan lớn trong Quốc Hội CSVN khoá này như dường sẽ là nhiệm khoá cuối để Việt Nam sẽ chuyển biến vào quỹ đạo lệ thuộc Phương Bắc - hoặc nhu thuận như Đài Loan sắp sáp nhập vào đại lục, hoặc bằng vũ lực như Tây Tạng hồi nửa thế kỷ trước, vào lúc họ Mao xua Hồng Quân lên chiếm.

Không cần phải nhìn xa, hãy bước lên một nhà cao tầng ở Đà Nẵng và ngó ra Biển Đông là thấy lá cờ TQ trên tàu Ngư Chính rồi. Cũng không cần trèo cao, chỉ cần ngó ra ngay bờ biển Quảng Nam là thấy ghe tàu dân Việt nằm bờ vì sợ tàu Trung Quốc đụng chìm là hiểu rồi. Cũng không cần ngó ra bờ biển, chỉ cần nhìn vào các xưởng chế biến hải sản là thấy ngay tình hình thiếu nguyên liệu và công suất chỉ còn chừng 20% hay 30% là biết rồi. Vậy rồi Quốc Hội CSVN nghĩ gì, nói gì về tình hình này? Chính thức tới khuya Thứ Năm, không nghe Quốc Hội bàn về Biển Đông, mà chỉ nghe vọng đâu đó ở ngoài hành lang thôi.

Báo Hà Nội Mới số ngày 12/6/2009 có bài viết ca ngợi Quốc Hội kỳ này, ngay nhan đề đã viết: "Chất lượng chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội ngày càng được nâng lên" và đã sử dụng mọi ngôn ngữ lề phải để ca ngợi rằng: "Đó là ý kiến nhận xét của đông đảo cử tri cả nước qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn ngày 11/6 tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá XII… Chất vấn sâu sắc, cụ thể".

Đông đảo cử tri cả nước? Ai lấy ý kiến đó vậy? Sâu sắc, cụ thể? Vậy sao không ai bàn về Biển Đông nữa, bởi vì chuyện biển với đảo không thể sâu sắc, cụ thể được sao?

Bản tin báo Thanh Niên ngày 12/6/2009 kể về giáo dục, một đề tài chính được nêu ra là: "Giáo dục mầm non, việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chủ yếu là quản lý chương trình giáo dục và việc tổ chức kỳ thi THPT theo cụm". Người trả lời là ông Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân.

Cũng báo Thanh Niên, cùng ngày 12/6/2009, kể về buổi chất vấn hôm 11/6 qua đó:
"…Trong ba vị Bộ trưởng đăng đàn ngày hôm qua 11.6, có lẽ phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng là "nóng bỏng" nhất, với các nội dung tập trung vào dự án khai thác bauxite ở các tỉnh Tây Nguyên và việc điều chỉnh giá điện. Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng là người nhận được nhiều chất vấn nhất trong số 6 Bộ trưởng đăng đàn, với 28 chất vấn…"
Thế nào là "nóng bỏng"? Các quan chỉ chất vấn về nhập cảng muối, về dạy nghề, về giá điện, về dự án đường sắt, về chẻ nhỏ dự án, về sản phẩm alumina hay là nhôm, về "tình trạng lao động phổ thông nước ngoài vào VN"… nhưng không nghe ai nói gì về hiểm họa "an ninh quốc phòng" như cách nói của cựu Tướng Võ Nguyên Giáp trong ba lá thư đòi huỷ bỏ dự án bauxite Tây Nguyên. Thậm chí, nói "lao động nước ngoài" mà các quan Quốc Hội cũng không dám nói thẳng là công nhân Trung Quốc nhập lậu. Mà cũng không thấy ai nói "nước ngoài" là nước ngoài nào…

Đó là chuyện trong phòng họp. Còn chuyện Biển Đông chỉ nói nhỏ ngoài hành lang Quốc Hội. Trong một ô cuối bản tin, báo Thanh Niên kể:
"Hôm qua, bên hành lang QH, Đại tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân VN Lê Văn Dũng đã trả lời báo chí xung quanh việc làm thế nào để ngư dân có thể đánh bắt cá an toàn trên vùng biển chủ quyền của VN. * Thưa ông, ngư dân hiện nay có thể yên tâm đánh bắt ở những vùng được xác định là chủ quyền của VN không? Lực lượng bảo vệ ở đó thế nào? - Lực lượng bảo vệ đầy đủ, tình hình vẫn tốt. Các tàu mà bị bắt hầu hết do không nhận biết được giữa vùng biển mênh mông là tàu có trên đúng vùng biển của mình hay không. Còn những nơi ổn định quanh Trường Sa hay vùng biển quanh khu vực dầu khí thì bà con vẫn rất an toàn. Vùng biển có các giàn khoan khai thác dầu khí hiện nay vẫn thuộc chủ quyền của mình."

Tại sao không đưa chuyện Biển Đông vào nghị trình chính thức, mà lại để một ông tướng ra hành lang thủ thỉ với một phóng viên?
Trong khi đó, cả nước Trung Quốc được đọc công khai trên các báo Bắc Kinh về chuyện Biển Đông.

Trên trang web http://bauxitevietnam.info của các nhà trí thức quan tâm về dự án bauxite Tây Nguyên, một bài trên tờ Hoàn cầu Thời báo (của Bắc Kinh) ngày 8/6 được dịch từ tiếng TQ sang Việt ngữ, nói rõ:
"…Mấy năm gần đây vấn đề Nam Hải không ngừng phức tạp hoá. Cương hải của Trung Quốc không ngừng bị lấn chiếm. Trong 44 đảo ở Nam Hải thì hơn 20 đã bị Việt Nam chiếm. Vì tài nguyên dầu khí ở Nam Hải phong phú, có thể ví là vùng Vịnh thứ hai, từ lâu Việt Nam đã bắt tay khai thác giếng dầu tại vùng biển có tranh chấp. Dầu mỏ sản xuất từ các giếng dầu ở vịnh Bắc Bộ đã xuất khẩu sang rất nhiều nước. Sau khi đã nếm được vị ngọt, Việt Nam căn bản sẽ không bỏ miếng bánh ga-tô tươi đẹp ấy, hơn nữa còn mời thầu quốc tế, muốn quốc tế hoá sự tranh chấp Nam Hải. Trước tình hình môi trường xung quanh Nam Hải tiếp tục xấu đi, chính phủ Trung Quốc không thể không áp dụng các biện pháp tương ứng để bảo vệ chủ quyền. Lệnh nghỉ đánh cá ở Nam Hải lần này tiến hành sớm hơn ba ngày. Lệnh cấm ban bố chưa bao lâu, biên đội tàu chấp hành luật với thành phần chính là tàu Trung Quốc Ngư Chính 44183 đã lên đường tới vùng biển Nam Hải như đảo Tây Sa ..."

Một điều hết sức đặc biệt của bài trên báo lề phải Bắc Kinh này là đã đưa ra bản tiên đoán các bước đi kế tiếp của CSVN. Đọc kỹ, thấy có vẻ như TQ tin là CSVN sẽ có 2 bước tự vệ: tự vũ trang, và liên minh với ASEAN. Nhưng tờ Hoàn cầu Thời báo của Bắc Kinh cũng nói rõ rằng CSVN làm như thế là vô ích. Bởi vì, bài báo hù dọa:
"…Vì thực lực quân sự Việt Nam còn xa mới bằng Trung Quốc nên trực tiếp đối kháng sẽ chẳng được lợi gì… Cùng với sự trỗi dậy của Trung Quốc thì quyền chủ động cũng chút một chút một ngả về phía Trung Quốc. Trước sau Trung Quốc kiên trì chiến lược hòa mục với hàng xóm láng giềng "Chủ quyền ở tôi, cùng nhau khai thác", đâu có độc chiếm Nam Hải. Trên vấn đề lợi ích chủ quyền, Trung Quốc sẽ không mãi mãi nhân nhượng."

Tại sao Quốc Hội CSVN không bàn chuyện Biển Đông? Và tại sao khi bàn về bauxite Tây Nguyên lại không bàn về yếu tố "an ninh quốc phòng"? Có phải, chuyện lãnh thổ và lãnh hải đã bí mật thu xếp từ lâu rồi?

Trần Khải
© Thông Luận 2009



No comments: