Wednesday, June 17, 2009

ĐÔNG KINH NGHĨA THỤC NHÌN TỪ MỘT GÓC DỘ KHÁC

Đông Kinh Nghĩa Thục, thử nhìn từ một góc độ khác
Nguyên Ngọc
02:13' PM - Thứ tư, 17/06/2009
http://www.chungta.com/Desktop.aspx/ChungTa-SuyNgam/Van-Hoa/Dong_Kinh_Nghia_Thuc_mot_goc_do_khac/
Như nhiều ý kiến gần đây đã thống nhất, Đông Kinh Nghĩa Thục chính là một bộ phận của phong trào Duy Tân ở nước ta đầu thế kỷ 20, có thể là bộ phận tuy ngắn ngủi nhưng thật đặc sắc, tập trung, một ánh chớp chói lọi của phong trào đó. Không thể và không nên tách nó ra khỏi phong trào Duy Tân rộng lớn thời ấy. Và như chúng ta đều biết, phong trào Duy Tân đã nảy sinh trong hai điều kiện đặc biệt: một là, khi con đường cứu nước bằng các cuộc khởi nghĩa Cần Vương vũ trang tuy rất anh hùng đều đã thất bại đau đớn, có một sự bế tắc và khủng hoảng cháy bỏng về đường lối cứu nước; hai là, trước thách thức của chủ nghĩa tư bản châu Âu đổ xô đi tìm thị trường ở phương Đông, tạo nên tình thế có thể gọi là "cuộc toàn cầu hoá lần thứ nhất", một trào lưu duy tân đã rộ lên ở các nước châu Á, đặc biệt ở hai nước gần gũi với ta về nhiều mặt là Trung Quốc và Nhật Bản.
Chính khi suy nghĩ về những điều kiện đó của phong trào Duy Tân Việt Nam, có lẽ cần thử đặt câu hỏi vì sao trong các nước duy tân, chỉ duy nhất có Nhật Bản thành công, trở thành quốc gia hiện đại và phát triển, thành cường quốc cho đến ngày nay; trong khi duy tân ở Việt Nam và Trung Quốc, dẫu chẳng kém anh hùng và lẫm liệt đã thất bại, và thất bại ấy gần như là tất yếu? Câu hỏi đó, đương nhiên, hoàn toàn có ý nghĩa cập nhật.

Gần đây có một tư liệu có lẽ có thể cung cấp cho chúng ta một câu trả lời độc đáo và thuyết phục, hoặc ít nhất, một gợi ý rất đáng để tiếp tục suy gẫm, không chỉ để hiểu một quá khứ lịch sử quan trọng, mà còn có thể giúp ta suy nghĩ về những vấn đề đang đặt ra trong phát triển của chính chúng ta hôm nay. Đó là cuốn sách Lịch sử nhìn từ quan điểm sinh thái học của nhà nghiên cứu Nhật Bản Tadao Umesao, được viết từ những năm 60 thế kỷ trước, nhưng đến gần đây mới được dịch và in ở ta. Umesao đưa ra một cách nhìn thế giới hoàn toàn khác với truyền thống. Theo ông các khái niệm vốn quen thuộc như phương Đông và phương Tây, châu âu và châu Á thật ra hầu như chẳng có ý nghĩa thực sự nào. Chẳng hạn nước Nga là châu Âu hay châu Á (gần đây chúng ta được đọc một bài nổi tiếng của nhà văn hóa Nga rất lớn Likhachev kiên quyết khẳng định nước Nga là châu Âu), và cũng chẳng hạn giữa Afganistan với Việt Nam đều được coi là hai nước châu Á thì có chút gì giống nhau? v.v . . .
Umesao hình dung bản đồ thế giới như một hình ô van dài, chia làm hai khu vực mà ông gọi là vùng 1 và vùng 2.
Vùng 1 là hai cực ở hai đầu gồm có Tây Âu và Nhật Bản; vùng 2 là khúc chữ nhật dài ở giữa gồm bốn đế chế lớn: Trung Hoa, Nga, Ấn Độ, thế giới Hồi giáo và Đông Âu.
Sự khác nhau quan trọng giữa vùng 1 và vùng 2, là các xã hội ở vùng 2 “đã không trải qua giai đoạn phong kiến” và do đó “đã không phát triển được giai cấp tư sản có ảnh hưởng”. Umesao cũng viết: “Một khác biệt có thể là các cá nhân trong một xã hội đã trải qua chế độ phong kiến, nói chung, có cảm nhận tương đối rõ về cái tôi. Trái lại, các cá nhân trong một xã hội chưa trải qua chế độ phong kiến có khuynh hướng tập thể nhiều hơn”. Và như vậy, khi va chạm với chủ nghĩa tư bản đến tư phương Tây, “vào thời điểm Nhật Bản nhập khẩu các yếu tố văn minh nước ngoài, mà chủ yếu từ Tây Âu, nó đã có đủ nguồn nhân lực để triển khai chúng. Nhật Bản có giới tư sản hùng hậu, được thúc đẩy lớn mạnh trong thời kỳ phong kiến và được giải phóng nhờ cách mạng. Người Nhật vừa phát triển xong một xã hội công dân hiện đại khi công nghiệp nước ngoài được du nhập”.
Do đó, tuy cùng gọi là duy tân, tuy Đông Kinh Nghĩa Thục là noi theo gương Khánh Ứng Nghĩa Thục của Nhật Bản, nhưng duy tân ở ta và ở Nhật có sự khác nhau rất căn bản: chúng ta chỉ có tư tưởng, dù rất cố gắng theo cái mới, nhưng hoàn toàn không có cơ sở xã hội cho một công cuộc hiện đại hoá thành công.

Ngay từ năm 1934, trong một bài báo sớm một cách khác thường, Phan Khôi đã khẳng định “trong lịch sử nước ta không có chế độ phong kiến” (và ngay cả Trung Quốc, từ nhà Tần về sau cũng không có chế độ phong kiến, chỉ cai trị đất nước theo lối chia thành quận huyện). Không trải qua chế độ phong kiến, thì không thể nảy sinh và phát triển giai cấp tư sản lớn mạnh. Đó chính là cái thiếu cốt yếu khiến cho công cuộc duy tân của ta (và cả Trung Quốc) không thể thành công.

Nhìn từ giác độ đó, dường như những đầu óc sáng suốt nhất của phong trào Duy Tân, Đông Kinh Nghĩa Thục, như Phan Châu Trinh, Lương Văn Can, Nguyễn Văn Vĩnh. . . đã manh nha thấy ra được ít nhiều điều này, thậm chí đã có ý thức chủ trương khắc phục, nhưng như chúng ta đã biết, thấy là một việc, là nhận thức và ý chí chủ quản, còn khách quan thì việc không trải qua chế độ phong kiến để từ đó nảy sinh được giai cấp tư sản hùng mạnh (như Nhật Bản đã có được) là cả một quá trình lịch sử lâu dài, không thể tạo nên bằng những cải cách dù rất sáng suốt, hết sức đáng trân trọng. . .

Trong một phân tích khác, Tadao Umesao còn chỉ ra rằng “trong các xã hội vùng 1, động lực thúc đẩy phát triển lịch sử xuất phát từ trong lòng cộng đồng: cái này được gọi là diễn thế “tự thân” (autogenic). Trái lại trong vùng 2, lịch sử thường bị thay đổi vì những lực lượng bên ngoài cộng đồng: điều này được biết đến như là diễn thế cưỡng bách (allogenic). Có thể cũng do vậy, ở các xã hội vùng 2, “cách mạng thường đưa đến sự trỗi dậy của nền độc tài chứ không phải trao quyền cho giới tư sản”, (khác với ở vùng 1, cách mạng đưa đến dân chủ). ông còn nói thêm, thật sâu sắc và thời sự: ở vùng 2 (hiện nay), “các chính phủ với những nhà lãnh đạo đầy quyền lực đã nhận lấy vai trò tương ứng với vai trò của giới tư sản ở vùng 1, là đẩy mạnh cách mạng và mưu cầu mức sống tốt hơn theo cách hữu hiệu nhất có thể. . . Nghe có vẻ như nghịch lý, nhưng ta có thể nói các chính quyền cộng sản và xã hội chủ nghĩa đang cố gắng giữ vai trò như của chủ nghĩa tư bản trong vùng 1. Dù thế nào đi chăng nữa, chắc chắn là mức sống ở các nước vùng 2 sẽ tăng lên…”
Như vậy, nhìn từ một góc độ nào đó, do những ý tưởng thật độc đáo của Umesao gợi lên, kỷ niệm 100 năm Đông Kinh Nghĩa Thục năm nay, rất có thể đưa đến cho chúng ta những suy nghĩ, dù ở mức tham khảo, thật đáng để nghiền ngẫm.

Nguồn: Bằng đôi chân trần - NXB Văn nghệ

No comments: