Việt Nam: “Nhà báo phải xác định ngay nguồn tin”
Thiện Giao, phóng viên RFA
2009-06-22
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnam-to-impose-more-regulations-on-media-since-july2009-TGiao-06222009114450.html
Báo chí trong nước cho biết, sắp tới đây, thông qua Bộ Thông Tin – Truyền Thông, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí sẽ được tái xác định.
Theo các qui định mới, những “tờ báo không có chức năng cung cấp thông tin” sẽ bị hạn chế; và sẽ có thêm các văn bản dưới luật để tăng cường quản lý báo chí khi cần thiết.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn: Thông tin điện tử là lĩnh vực mới mẻ, nhạy cảm, không thể buông lỏng quản lý. Hình chụp trang báo điện tử VietnamNet
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Viet-bloggers-opinions-over-new-decree-aimed-at-controlling-blogs-content-TGiao-10102008112953.html/DoQuyDoan-QuanLyBlog-305b.jpg
Qui định nguồn tin
Bản tin của báo điện tử VietnamNet ngày 22 tháng 6 dẫn lại phát biểu của ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông, Đỗ Quý Doãn, đề cập đến chức năng, nhiệm vụ của báo chí, nói đến việc hạn chế “những tờ báo không có chức năng cung cấp thông tin,” và đặc biệt nhắc lại các quy định liên quan đến “nguồn tin.”
Ông Thứ Trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông đưa ra các phát biểu này, kèm theo một số nhận định, rằng “quốc gia có nhu cầu thông tin như thế nào thì báo chí phát triển tương ứng.” Nhưng, trong khi đó, vẫn theo lời nhân vật này, thì thông tin lại “thiếu chính xác, trùng lắp, phản ánh giống nhau khiến người đọc nhàm chán.”
Phát biểu của người đại diện cơ quan quản lý báo chí Việt Nam được một nhà báo trong nước, yêu cầu không nêu tên, nhận định là “mơ hồ và mở rộng phạm vi quản lý có thể hiểu theo cách nào cũng được.”
Cụ thể, thế nào là một “tờ báo không có chức năng cung cấp thông tin?” Thế nào là tình huống “cần thiết” để ban hành văn bản dưới luật tăng cường quản lý báo chí? Nhà báo phải xác định ngay nguồn tin với ai, và liệu giới phóng viên có phải công khai nguồn tin của mình hay không?
Báo điện tử VietnamNet trích lời ông thứ trưởng, nguyên văn là “Nhà báo phải xác định ngay nguồn tin. Bộ Thông Tin – Truyền Thông đã ban hành việc xác định nguồn tin, nếu các cơ quan báo chí thực hiện đúng, độc giả sẽ đỡ mất công.”
Nhiều mâu thuẫn
Nguyên tắc bất di bất dịch trong nghề làm báo chính là bảo vệ nguồn tin. Nếu hiểu phát biểu của thứ trưởng Đỗ Quý Doãn là phải công khai nguồn tin, thì báo chí sẽ lại rơi vào tình thế lúng túng trong quá khứ. Điển hình nhất là những rắc rối xung quanh vấn đề nguồn tin trong vụ bắt 2 phóng viên Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải đưa tin tham nhũng tại PMU 18.
Nhưng, theo một hướng nhận định khác, thì chính nguồn tin tại Việt Nam, trong nhiều trường hợp, lại sử dụng báo chí như một công cụ.
Một nhà báo đã từng nhận định với chúng tôi, rằng “Vụ bắt 2 phóng viên Hải và Chiến cho thấy, thông tin do cơ quan điều tra, có thể ở vị trí rất cao, rất chuyên nghiệp là Cục Cảnh Sát Điều Tra, tung ra, vẫn có thể là tin giả. Tin giả là để tạo dư luận áp lực lên các bộ phận khác của nhà nước.”
Vào thời điểm tháng Năm, năm 2008, tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ đã từng đề cập với chúng tôi về việc “bắt phóng viên do đưa tin không đúng sự thật.” Ông nói, hành động của cơ quan chức năng là “trái pháp luật” và “luật báo chí không nên tồn tại nữa.”
“Theo cái thông báo của Bộ Công An đấy, thì cơ quan an ninh điều tra lại lấy cái việc các nhà báo đưa những tin không đúng sự thật lên báo, cụ thể là cái bài Bùi Tiến Dũng khai đã đưa tiền chạy án cho gần 40 nhân vật quan trọng, để mà khởi tố tội lợi dụng chức vụ - quyền hạn…
Ngay cả nhà báo đưa tin không chính xác và tất nhiên là cái việc đưa tin đó không gây hậu quả nghiêm trọng, cụ thể là không gây thiệt hại nghiêm trọng cho người khác đấy, mà bị đưa ra xử lý hình sự, thì tôi cho rằng cái luật báo chí không nên tồn tại nữa, bởi vì mục đích chính của việc ban hành luật báo chí là để bảo vệ nhà báo, bảo vệ cái quyền tự do ngôn luận của công dân.”
Vấn đề không phải là tiết lộ danh tánh nguồn tin, mà là báo chí có trách nhiệm xác định tính chuẩn xác của các thông tin được cung cấp. Một mặt, báo chí [thì] bị kiểm duyệt và hoạt động như một cơ quan nhà nước. Mặt khác, báo chí ngày càng phải cạnh tranh để chiếm độc giả.
Nhu cầu cạnh tranh khiến các báo phải có những phương cách lấy tin riêng, nhất là những tin “độc” và “đắc.”
Trách nhiệm nhà báo?
Tại Việt Nam, phóng viên phải dựa vào thông tin từ các cơ quan công quyền khác, như kết quả thanh tra của cơ quan thanh tra, kết luận điều tra của cơ quan điều tra, cáo trạng của viện kiểm sát và các bản án của toà án.
Đa số, nếu không phải là tất cả các tờ báo, thường loan tải tin tức khá giống nhau, từ sự kiện, nội dung sự kiện, cho đến quan điểm.
Chính vì tất cả các báo cùng lấy tin từ một nguồn, nên mới nảy sinh hiện tượng mà ông thứ trưởng Đỗ Quý Doãn thừa nhận: [là] thông tin “trùng lắp, phản ánh giống nhau… nhàm chán.”
Cùng một nguồn tin thì không thể không trùng lắp. Các báo hiểu được điều này, từ đó sinh ra cạnh tranh thông qua việc tiếp cận nguồn tin, để rồi không ít khi bị nguồn tin lợi dụng.
Một nhà báo làm việc lâu năm cho những tờ báo lớn tại Việt Nam nói rằng, để tiếp cận được nguồn tin, “cánh nhà báo phải chứng minh với các cơ quan công quyền rằng, mình là người có thể tin được,” và rằng “hai bên có thể hợp tác được.”
“Khi niềm tin được xây dựng, tin tức sẽ được tiết lộ, và chỉ tiết lộ cho một số nhà báo có mối quan hệ tốt.”
Nay, ông thứ trưởng Bộ Thông Tin – Truyền Thông nhắc lại: “Nhà báo phải xác định ngay nguồn tin…,” thì vấn đề này nên được hiểu như thế nào? Xác định và công khai nguồn tin, một mặt giúp hạn chế thông tin giả cho mục đích tiêu cực, mặt khác lại hạn chế nguồn tin tích cực trong các lãnh vực quan trọng, như tham nhũng, giáo dục, y tế.
Một luật sư tại Sài Gòn, là ông Bùi Quang Nghiêm, từng nhận định rằng, vụ bắt 2 phóng viên báo Tuổi Trẻ và Thanh Niên làm ông “lo sợ.”
“Tôi thực sự lo sợ. Lo sợ thứ nhất là bản thân các nhà báo của các tờ báo rất có uy tín. Các nhà báo ấy là những người cũng rất là có uy tín trong tờ báo, trong lòng bạn đọc, mà người ta lại đi vào nột cái lãnh vực rất là khó, rât nguy hiểm là chống tham những.
Và người ta đưa đăng cái tin, cái tin đấy là từ cơ quan điều tra mà ra, cho nên người ta bị khởi tố và bị bắt vì cái tội ấy thì tôi nghĩ rằng là không đúng.”
Điều cốt lõi là: tin tức phải chính xác thông qua phối kiểm. Các tờ báo phải thấy rõ trách nhiệm trong việc loan tin chính xác, và trách nhiệm này chính là trách nhiệm trước độc giả của họ.
Quy chế hiện nay quy định báo chí là nhà nước, phóng viên là công chức nhà nước, thì trách nhiệm một phần nào không phải là trước độc giả, mà là trước nhà nước.
Trong trường hợp ấy, thông tin “thiếu chính xác, trùng lắp, phản ánh giống nhau khiến người đọc nhàm chán” như thứ trưởng Đỗ Quý Doãn than phiền là điều không thể tránh khỏi.
Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.
No comments:
Post a Comment