Mặt Trận Tổ Quốc và Dân Chủ Hóa Việt Nam
Trung Điền
Cập nhật ngày: 7/06/2009
http://www.viettan.org/spip.php?article8635
Tờ Đại Đoàn Kết, cơ quan ngôn luận của Mặt trận tổ quốc, một đoàn thể ngoại vi của đảng Cộng sản Việt Nam có chức năng tổ chức và kiểm soát mọi sinh hoạt quần chúng, đã có một bài phỏng vấn ông Trần Xuân Giá, cựu bộ trưởng kế hoạch và hiện nay là chủ tịch ngân hàng Á Châu, một ngân hàng tư nhân tại Sài Gòn.
Trong bài phỏng vấn này, ông Trần Xuân Giá đã có nêu lên một số điều như sau:
- Mặt trận tổ quốc nên giữ thêm vai trò mà ông Giá gọi là “phản biện xã hội” tức là nơi giúp tổng hợp ý kiến của người dân để kiến nghị lên quốc hội hay chính phủ và các cơ quan hành chánh.
- Muốn phát triển bền vững phải thúc đẩy dân chủ hóa xã hội. Ông Giá cho rằng “phát huy dân chủ có nhiều kênh nhưng phản biện xã hội là kênh hết sức quan trọng”.
Qua hai điều tóm lược nói trên, ông Trần Xuân Giá - một cán bộ cao cấp của Việt cộng - muốn nói đến mối quan hệ: Mặt trận tổ quốc trong việc thúc đẩy vấn đề dân chủ hóa tại Việt Nam. Tuy ông Giá không nói rõ cho người ta hiểu dân chủ hóa theo cách nào; nhưng ta có thể đoán rằng ông Giá muốn dùng Mặt trận tổ quốc như là nơi tổng hợp các ý kiến, các quan điểm, các phê phán của người dân về các chính sách của chế độ. Nghĩa là ông Giá muốn Mặt trận tổ quốc làm nơi biểu hiện một cách tích cực hơn các quan tâm hay bất mãn của người dân đối với các vấn đề xã hội.
Dường như ông Trần Xuân Giá ngủ mơ nên mới đưa ra hai đề nghị khá trái mùa.
- Thứ nhất, Cộng sản Việt Nam hiện nay vẫn để cho Mặt trận tổ quốc đóng vai trò “phản biện xã hội’ bằng cách mỗi kỳ họp Quốc hội hay họp chính phủ thường kỳ, ông Huỳnh Đảm, chủ tịch Mặt trận tổ quốc đều có các bản phản biện xã hội gửi quốc hội hay chính phủ, bằng cách tóm lược ý kiến của người dân về chuyện này, chuyện kia. Đa số những phản biện này đều nêu rõ là tán đồng cách giải quyết của chính phủ hay của quốc hội. Hầu như không có ý kiến nào công kích hay phản bác lại.
- Thứ hai, phản biện xã hội mà ông Trần Xuân Giá đề nghị chỉ là cách làm cũ, trong đó Mặt trận tổ quốc luôn luôn là cái lọc những ý kiến khác với chế độ và loại bỏ trước khi gửi đến cấp lãnh đạo trong quốc hội hay trong chính phủ. Vì dùng cái lọc Mặt trận tổ quốc nên các phản biện xã hội đều không thật.
- Thứ ba, Mặt trận tổ quốc là công cụ tay sai của đảng Cộng sản Việt Nam có nhiệm vụ khống chế người dân phải sống và làm việc theo khuôn phép của chế độ; vì thế mà việc dùng Mặt trận tổ quốc để làm nơi “phản biện xã hội’ là chọn trật nơi.
Muốn có phản biện xã hội đúng nghĩa, Cộng sản Việt Nam - tối thiểu - phải thực thi ba điều căn bản:
1/ Chấp nhận quyền tự do ngôn luận để cho người dân có quyền tự do nêu ý kiến của mình về những gì không hài lòng;
2/ Không cần bất cứ cơ chế nào làm trung gian vì người dân tự họ có ý kiến riêng không muốn lệ thuộc vào bất cứ ai;
3/ Dân chủ hóa xã hội không chỉ là người dân được lên tiếng phản bác những vấn đề không hài lòng mà còn là một cải tổ chính trị sâu rộng để ngăn chận cửa quyền và chống tham nhũng.
Ông Triệu Tử Dương, cựu Tổng bí đảng Cộng sản Trung Quốc bị thất sủng qua biến cố Thiên An Môn vào tháng 6 năm 1989 đã nói rằng, cải cách kinh tế mà không có cải cách chính trị là chỉ nuôi tham nhũng mà thôi. Do đó mà từ năm 1987 đến năm 1989, trong vai trò Tổng Bí Thư, ông Triệu Tử Dương đã cho rằng phải dân chủ hóa xã hội thì mới tiêu diệt tham nhũng và lành mạnh hóa xã hội được. Bởi vì theo ông Trệu Tử Dương, nếu không có dân chủ, những cán bộ cao cấp của đảng và nhà nước sẽ cấu kết vơ vét tài nguyên quốc gia mà không một thế lực nào hay cơ chế nào có thể ngăn cản. Chính chủ trương dân chủ hóa xã hội mới tiêu diệt được tham nhũng. Nhưng chủ trương của ông Triệu Tử Dương đã gây nguy hại đến quyền lợi của nhiều cán bộ cao cấp ở trong đảng vào lúc đó, nên ông đã bị Đặng Tiểu Bình và nhóm giáo điều cách chức Tổng bí thư, đồng thời nhóm giáo điều đã sử dụng quân đội đàn áp sinh viên, tạo ra thảm kịch Thiên An Môn với hơn 3 ngàn người bị giết chết vào rạng sáng ngày 4 tháng 6 năm 1989, cách nay đúng 20 năm.
Dân chủ là một nhu cầu quan trọng để giúp cho những ý kiến, quan điểm của người dân được biểu lộ công khai trên các diễn đàn. Khi người dân có ý kiến và những ý kiến đó - nếu có nhiều sự đồng tình của những người dân khác - sẽ tạo ra một sự chú ý lớn trong xã hội và đó chính là phản biện xã hội mà không chờ phải có cơ quan này, tổ chức kia tổng hợp báo cáo hay kiến nghị cho ai. Nếu ông Trần Xuân Giá và Cộng sản Việt Nam muốn có những phản biện xã hội đúng nghĩa thì phải: 1/ Xóa bỏ bức tường lửa đang ngăn chận mạng thông tin Internet toàn cầu; 2/ Để cho các trang web, các Blogger tự do bày tỏ ý kiến và suy nghĩ về những biến cố trong xã hội; 3/ Để các ký giả của các tờ báo được tự do viết và loan tải những sự thật về tham nhũng, về những vụ cướp đất của dân… Còn nếu vẫn phải nhờ quan Mặt trận tổ quốc hay kiểm soát truyền thông gắt gao thì không bao giờ có phản biện xã hội và dân chủ hóa chỉ là bánh vẽ mà thôi.
Trung Điền
Ngày 4 Tháng 6 năm 2009
No comments:
Post a Comment