Thursday, June 18, 2009

LUẬT SƯ, LUẬT PHÁP, LUẬT RỪNG

Luật sư, Luật Pháp và Luật Rừng
Trần Việt Trình
18 tháng 6, 2009
http://lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=1137:1137&catid=37:bandoc&Itemid=56
Cuối tuần rồi, việc bắt luật sư Lê Công Định đã gây rúng động lớn trong dư luận, trong nước cũng như ngoài nước. LS Lê Công Định bị cơ quan An ninh Điều tra của Bộ Công an bắt vì đã “có những hành vi câu kết với các thế lực thù địch chống nhà nước Cộng Hoà Xã hội chủ Nghĩa Việt Nam”. Tội này được qui định ở điều 88, bộ luật hình sự CSVN (Luật số 15/1999/QH10) nguyên văn như sau:

Điều 88 - Tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nướcCộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm:
a) Tuyên truyền xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
b) Tuyên truyền luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bia đặt gây hoang mang trong nhân dân;
c) Làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, văn hóa phẩm có nội dung chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phạm tội trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
Điều khoản 1(a) không qui định rõ ràng thế nào là “xuyên tạc”, thế nào là “phỉ báng chính quyền”. Điều khoản 1(b) không giải thích tường tận thế nào là “luận điệu chiến tranh tâm lý”. Điều khoản 1(c) không ghi rõ thế nào là “có nội dung chống nhà nước”.

Những điều khoản không định nghĩa dứt khoát mỗi tội danh, không có yếu tố tội phạm đi kèm theo tội danh để việc luận tội được chuẩn xác. Bộ hình luật này lơ mơ hay CSVN cố tình không ghi rõ các yếu tố của tội được gọi là “tuyên truyền chống nhà nước”? “
Toàn thể bộ hình luật của CSVN đã được xây dựng trên hai xảo thuật: một là hình luật tránh né định nghĩa minh bạch các tội danh, hai là hình luật cố tình lờ đi, không xác định các yếu tố tội phạm đi kèm mỗi tội danh” 1 .
Do vậy, CSVN tự do viện dẫn điều 88 để bắt giam những người bất đồng chính kiến.

LS Lê Công Định là người từng bào chữa cho hai luật sư nhân quyền Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân.
Hai năm trước, Lê Thị Công Nhân bị bắt giam và bị kết án 4 năm tù và 3 năm quản chế vì tội danh này.
Ngày nay Lê Công Định bị quy tội cũng vì điều khoản này. Theo lời tâm sự của những luật sư biện hộ cho Nguyễn Văn Đài và Lê Thị Công Nhân ngày ấy như LS Đặng Dũng, LS Bùi Quang Nghiêm và LS Lê Công Định thì cái điều 88 trong bộ luật hình sự CSVN tự chính bản chất của nó đã vi phạm trắng trợn đối với Công Uớc Quốc Tế mà CSVN đã ký kết và nó cũng đã đi ngược lại cái hiến pháp thổ tả của nhà nước CSVN. Như vậy nó hoàn toàn vi hiến, không thể hiện diện trong pháp luật để kết tội người dân trong bất cứ tình huống nào.

Năm 1977, VN gia nhập Liên Hiệp Quốc và có nghĩa vụ pháp lý phải tôn trọng, bảo vệ và thực thi những điều khoản nhân quyền trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc (1945), Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) và Phụ Đính Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1998). Năm 1982 VN tham gia Công Ước Quốc Tế về Những Quyền Dân Sự và Chính Trị (Công Ước Dân Sự Chính Trị). Về mặt quốc tế công pháp, Công Ước này đã được chính phủ ký kết và quốc hội phê chuẩn, nên có giá trị là một hiệp ước quốc tế, và có hiệu lực pháp lý cao hơn cả luật pháp và hiến pháp quốc gia.

Dưới chế độ CSVN, ngay chính cái quyền biện hộ của luật sư cũng bị khống chế. Bản án luôn luôn được sắp đặt từ trước và luật sư không được quyền thi hành đúng chức năng của họ trước toà. Vì vậy, vai trò chánh án cũng chỉ là một bù nhìn, không cần thiết phải chú tâm đến những lời tranh cãi, biện hộ của luật sư hay lời tự biện của bị can. Ngày nay, trước áp lực của thế giới CSVN không còn có thể áp dụng chủ trương lạc hậu và man rợ nữa mà họ phải dùng cái gọi là "luật pháp" để làm phương tiện khống chế áp bức dân. Thực chất luật pháp ở VN do đảng CSVN độc quyền lập ra. Vì thế nó không nhằm bảo vệ quyền lợi của người dân mà chỉ bảo vệ địa vị và quyền lợi của đảng và nhà nước. Khi có nhu cầu tiến hành một việc gì mà luật pháp không quy định hay chưa quy định thì họ không ngần ngại sửa đổi cái cũ, viết ra cái mới, hay đẻ ra văn thư, nghị quyết, quyết định buộc dân phải để cho họ làm. Thế giới đã biết rõ tình trạng luật pháp rối loạn này không những trên lãnh vực kinh tế khiến họ khó đầu tư mà còn trên các lãnh vực khác ảnh hưởng đến đời sống và sinh hoạt của người dân. Thế giới đã có nhiều khuyến cáo để cải thiện luật pháp VN. Tổ chức Ân xá Quốc tế (Amnesty International) trụ sở London từ lâu đã vận động đòi VN bãi bỏ hay sửa đổi Điều 88 và một số điều khác trong Luật Hình Sự.

Trong xã hội văn minh, luật pháp phải tuân theo các nguyên tắc tối thiểu. Trong khi hệ thống luật pháp của nhà nước CSVN thì:
- Điều 4 hiến pháp của nhà nước quy định đảng CSVN là đảng phái duy nhất và có toàn quyền lãnh đạo bất kể đảng phái đó gồm những ai, đã từng phạm sai lầm, gây tội ác như thế nào, đàn áp đàn áp và áp bức nhân dân ra sao. Cho nên ngay từ hiến pháp đã vi phạm những nguyên tắc luật pháp vị nhân quyền của LHQ mà CSVN đã ký kết và cam kết thực hiện.
- Các văn bản luật cũng theo lối tuỳ tiện của Hiến Pháp mà hình thành. Nó không hề đá động đến nhân quyền mà chỉ nhả ra một vài quyền lợi vật chất nhỏ nhoi cho người dân sống qua ngày. Bộ máy lãnh đạo ở địa phương có khi còn tàn ác hơn cả trung ương, sản xuất ra các luật lệ mà trung ương đôi khi cũng phải kinh ngạc.
- Đảng và nhà nước thường cho ra đời các quy chế hoạt động, các quy trình công tác không công khai trước nhân dân, mà chỉ lưu hành nội bộ. Trên cơ sở đó hướng dẫn và bao che hành vi sai trái và bạo tàn của cán bộ CS mà thế giới khó có thể biết đến và người dân thấp cổ bé miệng thì không có bằng chứng để tố cáo.
- Việc giải thích luật được đặt vào tay của quốc hội. Trên thực tế quốc hội bù nhìn của CS chưa bao giờ làm việc này. Khi có vướng mắc, các chi bộ đảng họp kín và quyết định rồi cán bộ nhà nước thi hành. Các nghị quyết này không công khai, hay chỉ công khai một phần, và không có cơ quan dân sự nào được quyền kiểm tra.

Trong xã hội văn minh, người dân có quyền biểu tình trước một dự luật, trước một đạo luật khi họ cảm thấy luật đó bất lợi cho họ. Hoặc người dân có thể kiện ra toà hiến pháp, nếu cho rằng luật đó vi hiến. Trái lại ở VN , CS tước bỏ các quyền này của dân. Quyền biểu tình thì chỉ có trên giấy. Toà án hiến pháp thì chưa bao giờ được lập.

Tóm lại, qua những sự kiện nêu trên, ai cũng hiểu được hệ thống Tư Pháp của CSVN chẳng qua chỉ dùng để trang trí, dùng để làm đẹp chế độ, nhằm tạo cho chế độ có một hình thức bề ngoài giống các quốc gia khác không ngoài mục đích bịp bợm, còn lại thực chất nó chỉ là một đoàn múa rối không hơn không kém.
Nếu như VN có một hệ thống tư pháp nghiêm chỉnh, chắc chắn giới lãnh đạo đất nước phải nhận ra những hành vi của những nhà tranh đấu cho dân chủ như Linh mục Nguyễn Văn Lý, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài chẳng những không có tội mà còn đáng được tuyên dương vì họ đã "có công với cách mạng". Họ là những người đang làm công việc khai hoá những con người CS rừng rú mọi rợ, để may ra từ đó CS có thể lột xác trở thành những con người đích thực, hầu có thể hội nhập vào thế giới văn minh nhân bản ngày nay.

Do vậy, luật pháp hiện hành của VN có tính hai mặt và rất nguy hiểm cho những người công chính, những người ngay thẳng không biết xu thời, không chịu quỳ gối trước CS. Đặc biệt nguy hiểm đối với những người chống lại CSVN.
Cái nguy hiểm nhất, đểu cáng nhất của luật pháp VN là ra luật chằng chịt, ai ai cũng không sớm thì muộn, không nhiều thì ít vi phạm luật. Để từ đó, nhà nước CS muốn tha ai thì cứ lờ đi, còn muốn triệt hạ ai thì cứ chiếu theo luật "rừng" mà quy tội, mà bắt.

Những năm gần đây, giới luật sư trong nước đã làm cho nhà nước CSVN nhức đầu không ít. Đó là những luật sư Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Bắc Truyễn, Lê Quốc Quân, Lê Trần Luật, Tạ Phong Tần, Cù Huy Hà Vũ, Nguyễn Đăng Trừng, … và sẽ còn nhiều nữa. Đây là những luật sư rất trẻ, không vướng mắc gì với chiến tranh VN trước 1975, và được hấp thụ chương trình giáo dục do đảng CSVN lập ra. Nhìn chung những luật sư trẻ tuổi này là những người có đủ kiến thức và tài năng để có thể có được cuộc sống vinh hoa phú quý trong xã hội VN dưới quyền cai trị của người CS. Tuy nhiên, tâm thức của những luật sư trẻ tuổi này lại đòi hỏi phục vụ lẽ phải. Muốn mang lại công bằng và thịnh vượng cho quê hương, những luật sư trẻ tuổi này không thể không tấn công thẳng vào hệ thống pháp luật đầy dẩy nghịch lý của CSVN.

Ở VN, người dân có thể sinh sống “tự do”, nhưng … phải biết có một số điều tối kỵ. Đó là đừng bao giờ nói hay làm bất kỳ điều gì có liện hệ đến việc gây nguy hại cho quyền lực thống trị của CSVN. Đừng bao giờ đòi bỏ điều 4 hiến pháp. Đừng bao giờ nêu bật tính không chính danh của chế độ Hà Nội. Những vị luật sư nhân quyền nêu trên đã hiên ngang vi phạm các điều cấm kỵ kia bằng cách dùng thực tiễn đời sống cùng với kỹ thuật pháp lý để minh chứng có khoa học và trong phương thức hòa bình rằng VN không thể có chọn lựa nào khác hơn là con đường dân chủ đa nguyên. Dĩ nhiên những luật sư này thừa biết rằng giấy phép hành nghề của họ có thể bị bộ tư pháp CS thâu hồi bất kỳ lúc nào. Văn phòng luật sư của họ có thể bị công an phá nát với muôn ngàn lý do. Cá nhân những luật sư này sẽ bị tống giam, vợ con họ sẽ rơi vào cảnh túng thiếu và gia đình sẽ bị trù dập. Tuy nhiên, những hệ luỵ đó không làm cho họ khiếp sợ. Những vị luật sư vẫn lừng lững bước vào con đường đả phá độc tài và áp bức. Đó là tính anh hùng của các vị luật sư rất trẻ, rất tài ba và rất yêu nước Nguyễn Văn Đài, Lê Thị Công Nhân, Lê Quốc Quân, và Nguyễn Bắc Truyễn. Giờ đây Lê Công Định đang tiếp nối bước chân của các luật sư này để bước vào tù. Anh cùng các vị luật sư kia đã đốt lên những ngọn lửa. Ngọn lửa đã bùng lên. Đuốc thiêng đã cháy sáng. Lửa thiêng của giòng Lạc Hồng đã bừng lên từ ngay trong nước. Lửa ấy đang được nối kết từ trong ra ngoài với tất cả mọi vòng tay Việt Nam để cùng nhau tạo nên một sức sống mới cho quê hương và dân tộc.

Hai ba thập niên trước không ai có thể tưởng tượng ra được mầm tự do, dân chủ và nhân quyền có thể sinh sôi nẩy nở ở VN như bây giờ. Thực sự mầm mống ấy đã nảy sinh dù môi trường CS vô cùng khắc nghiệt. Cũng thể như trong hệ thống chính trị độc tài toàn diện mà CS Hà Nội kềm kẹp nhân dân chặt chẻ như gọng kềm, vẫn có những người bất chấp ngục tù CS, vì dân tộc dấn thân đấu tranh cho tự do, dân chủ, và nhân quyền VN.

Trần Việt Trình
18 tháng 6, 2009

------------------------------------------

1 Pháp luật và xảo thuật - Đỗ Thái Nhiên


No comments: