LS Lê Công Định tính kiện Trung Quốc cấm đánh cá biển Đông nên bị bắt?
Tuesday, June 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96609&z=1
HÀ NỘI – Luật sư Lê Công Định tính kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế vì đã ngang ngược cấm ngư dân Việt đánh cá trên vùng biển của nước mình nên đã bị bắt? LS Lê Quốc Quân cho hay như vậy trong một bài viết gửi tới đài BBC vào lúc chính phủ Hoa Kỳ, Thuỵ Điển, Đan Mạch và Hiệp hội báo chí Đông Nam Á phản đối hành động bắt giữ ông Định.
Nếu điều ông Quân nêu ra là đúng thì những gì tướng Công an Vũ Hải Triều nói trong cuộc họp báo ở Hà Nội ngày 13/6/09 chỉ là cái bình phong che giấu lý do thầm kín của CSVN.
Vào ngày bắt Luật sư Lê Công Định ở Sài Gòn, tổng bí thư đảng CSVN, Nông Đức Mạnh, “tiếp thân mật Ðoàn đại biểu Ðảng CS Trung Quốc” do “Lý Nguyên Triều, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Việt Nam”.
Báo Nhân Dân, tường thuật cuộc tiếp khách này rằng Nông Đức Mạnh “nhiệt liệt chào mừng Ðoàn thăm Việt Nam; nhấn mạnh, chuyến thăm Việt Nam lần này của Ðoàn thể hiện sự quan tâm và coi trọng của lãnh đạo cấp cao Trung Quốc đối với việc thúc đẩy quan hệ giữa hai Ðảng, hai nước, là biểu hiện sinh động của việc xây dựng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc; đánh giá cao việc hai nước hợp tác có hiệu quả ở các cấp, các ngành, các tổ chức nhân dân, đưa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc lên một tầm cao mới.”
Dịp này, theo báo Nhân Dân, Nông Đức Mạnh “khẳng định Ðảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam trước sau như một, luôn coi trọng và sẽ làm hết sức mình để gìn giữ và phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống giữa hai Ðảng, hai nước và nhân dân hai nước.”
Những lời lẽ ca ngợi nguyên tắc bang giao dựa trên “16 chữ vàng và 4 tốt” được ông Mạnh đưa ra vào lúc Trung quốc đem 8 chiếc tàu tuần nguỵ trang làm tàu kiểm ngư tới biển Đông cấm đánh cá cả trên vùng biển của Việt Nam. Tháng trước đó, Trung quốc cũng đã phủ nhận hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam nộp chung với Mã Lai tại LHQ.
Báo chí ở Việt Nam đăng tài một số bản tin cho thấy ngư dân Việt Nam điêu đứng vì cái lệnh cấm đánh cá quái ác của Trung quốc vào mùa đánh cá chính, khiến cho họ khốn đốn. Một số ngư dân cũng tiết lộ cho thấy tàu tuần Trung quốc ngang nhiên bắt giữ, đâm tàu ngư dân Việt, thậm chí bắn giết ngư dân Việt ngay trên vùng biển Việt Nam. Dù vậy, người ta không hề thấy nhà cầm quyền Hà Nội đưa ra lời phản đối mà thỉnh thoảng chỉ thấy cử đại diện sang đảo Hải Nam lãnh ngư dân bị bắt, hay lãnh xác ngư dân bị tàu Trung quốc bắn, trở về.
“Là luật sư từng bảo vệ cho vụ cá ba sa Việt Nam, anh Định đã cùng tôi bàn thảo nhiều đến việc khởi kiện Quyết định cấm đánh bắt cá của Trung Quốc tại Biển Đông ra tòa án quốc tế vì lệnh cấm đánh bắt này ảnh hưởng đến quyền lợi của ngư dân Việt Nam.Nếu đó là một lý do thì quốc gia đang có biến và tôi rất vinh dự bị bắt cùng!” LS Lê Quốc Quân viết trong một bài phổ biến trên BBC ngày 16/6/2009.
Lời tiết lộ của ông Quân có thể dẫn tới suy luận và giải thích về lý do tại sao chế độ Hà Nội lại phải “bắt khẩn cấp” LS Lê Công Định ở Sài Gòn và tướng công an Vũ Hải Triều vội vã họp báo ở Hà Nội ngay sau đó.
“Nếu LS Lê Công Định kiện Trung quốc ra toà án quốc tế thì sẽ rất kẹt cho đảng và nhà nứơc CSVN với Trung quốc” không những về mặt ngoại giao mà còn ở trong cái thế chư hầu của Trung quốc không được phép chống “thiên triều”, một người đấu tranh dân chủ dấu tên nói với báo Người Việt.
Tuy hiến pháp, luật lệ CSVN nói công dân được bảo mật thư tín, điện thoại, nhưng Công an CSVN đã ngang nhiên đọc trộm thư, nghe lén điện thoại, xem hay nghe lén các trao đổi giữa những người tham gia đấu tranh vận động dân chủ hoá Việt Nam hoặc những người có tư tưởng, ý kiến chính trị xã hội khác với chủ trương của đảng và nhà nứơc CSVN.
Luật sư Lê Công Định từng tham gia bênh vực cho Hiệp Hội chế biến và xuất cảng cá Việt Nam bị Hiệp Hội Nuôi Cá Catfish Mỹ kiện. Ông cũng tham gia bênh vực Hội Da Giày Việt Nam chống lại vụ kiện của Liên Âu. Từ 2005 đến 2007, tờ Tuổi Trẻ thường phỏng vấn ông mỗi khi có đề tài liên quan đến pháp lý, coi ông như một chuyên gia đáng tin cậy để dẫn ý kiến hay lời bình luận của người chuyên gia khả tín.
Báo điện tử Tuổi Trẻ còn giữ một số những bài này nhưng bài mà LS Định viết về đề tài “Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu” ngày 25/2/2006 và một số bài khác thì đã bị báo này gỡ bỏ. Trong bài viết này ông nói “Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”
Trong ngày Thứ Ba 16/6/09 “Tòa Đại Sứ Thụy Điển tại Hà Nội vừa cho biết họ rất quan tâm và lo lắng cho Luật sư Lê Công Định” theo bản tin phổ biến trên web www.freelecongdinh.com mới được thành lập.
Nguồn tin này cho biết “Đại Sứ Thụy Điển cùng với nhiều Đại Sứ khác trong Khối Liên Hiệp Âu Châu (European Union) đã chính thức nêu vấn đề, trong buổi họp trao đổi về vấn đề nhân quyền tại Việt Nam. Một lá thư của hai tòa Đại sứ Thụy Điển và Đan Mạch đã được gửi cấp tốc đến Nhà nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam để phản đối việc bắt giữ Luật Sư Lê Công Định”.
Đồng thời, vẫn theo nguồn tin này, “Tổ chức Liên Minh Báo Giới Đông Nam Á (the South East Asian Press Alliance – SEAPA) đã khởi động chiến dịch viết thư phản đối nhà nước Việt Nam bắt giữ Luật Sư Lê Công Định vào ngày 13 tháng 6 vừa qua.” Tổ chức này kêu gọi viết thư “gửi đến các toà đại sứ, lãnh sự quán Việt Nam tại quốc gia bạn đang cư ngụ, cùng lúc gửi đến Bộ Tư Pháp Việt Nam, văn phòng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng” để đòi trả tự do cho luật sư Lê Công Định. Đồng thời đòi “Đảm bảo sự minh bạch trước tòa với các chứng cứ cụ thể trong các cáo buộc quy tội” và “Cho phép bị cáo được quyền có luật sự biện hộ và do chính bị cáo được quyền chọn người đại diện pháp lý của mình”.
Ngày 15/6/09 trước đó, toà đại sứ Mỹ cũng đã chính thức gửi thư phản đối chế độ Hà Nội tắt giam LS Định.
Trước việc luật sư Lê Công Định bị bắt giam khẩn cấp về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, đài RFA phỏng vấn một thanh niên tên Trung ở Sài Gòn và anh nói rằng: “Những ai mà lên tiếng nói hay những ai làm cái gì có lợi cho đất nước, có lợi cho dân tộc thì đảng Cộng Sản đều qui vào cái tội là vi phạm điều 88 bộ luật hình sự là quấy phá nhà nước hay là điều 258 luật hình sự là lợi dụng quyền tự do dân chủ. Luật sư Lê Công Định là một người trí thức mà nói lên tiếng nói như vậy thì đảng Cộng sản rất là sợ. Họ sợ những người trí thức vì trí thức là một đầu tàu cho những thành phần khác đứng lên”.
Cô Trang Nhung, hiện đang sinh sống tại Hà Nội thì nói với RFA: “Chính quyền cáo buộc cho luật sư Lê Công Định vi phạm điều 88 là đã hình sự hóa, phỉ mạ cái việc làm của anh. Từ trước đến nay thì chính quyền vẫn dùng điều luật này để cáo buộc những ai có quan điểm khác với chính quyền, chắng hạn như blogger Điếu Cày, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân… nói chung là những người bất đồng chính kiến đều có khả năng bị qui vào tội ấy”.
Một cư dân khác của thành phố Sài Gòn, tên Quốc, thì nói với đài RFA:“Tội tuyên truyền chống phá nhà nước thì chỉ có nhà nước kỳ lạ như Việt Nam đây mới có điều luật ấy. Tôi thấy ở các nước khác chỉ có tội phản bội quốc gia. Các chính sách thì cần sự phản biện, chính ông Nông Đức Mạnh đã từng cho, tức là đã từng nói rằng cần nuôi dưỡng cái kênh phản biện bởi phản biện là cần thiết. Cần thiết cho bất cứ một cơ chế nào”.
-----------------------------------
DB Loretta Sanchez: Mỹ không thể ‘làm ngơ’ vụ bắt LS Lê Công Định
Báo VN nói về ông Nguyễn Sỹ Bình (BBC)
Nói về Lê Công Định (BBC).
Ông Nguyễn Sỹ Bình nói gì? (BBC).
BS Nguyễn Ðan Quế: 'Hà Nội phải hổ thẹn khi bắt LS. Lê Công Ðịnh”
Tuesday, June 16, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96596&z=1
Lời tòa soạn: Trưa Thứ Bảy 13 Tháng Sáu, Cục An ninh Ðiều Tra của Bộ Công An nhà nước Cộng Sản Việt Nam đã bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Ðịnh. Lệnh bắt quy chụp Luật sư Ðịnh tội danh “tuyên truyền chống phá nhà nước và có hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Từ Sài Gòn, Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế, một người tranh đấu dân chủ nổi tiếng tại Việt Nam và từng bị chế độ giam tù trên 20 năm, đã cho biết quan điểm của mình về việc Luật sư Lê Công Định bị bắt qua điện thoại với nhà báo Đinh Quang Anh Thái.
***
Bác Sĩ Nguyễn Ðan Quế:
“Luật Sư Lê Công Ðịnh là người yêu nước. Ông đã từng bào chữa cho nhiều người đấu tranh dân chủ là Luật Sư Lê Thị Công Nhân, Luật Sư Nguyễn Văn Ðài, nhà báo Ðiếu Cầy Hoàng Hải... Luật Sư Ðịnh đã viết nhiều bài bày tỏ lòng thiết tha yêu nước, kêu gọi đa nguyên chính trị để phát triển đất nước.
Luật Sư Ðịnh còn cam đảm bác bỏ quan điểm của Thủ Tướng nhà nước Hà Nội Nguyễn Tấn Dũng khi ông Dũng nói rằng Việt Nam chưa cho phép có báo chí tư nhân. Luật Sư Ðịnh cũng lên tiếng về việc Bộ Chính trị đảng Cộng Sản Việt Nam để mất quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cùng một phần lớn biển Ðông.
Ông còn mạnh mẽ phản đối kế hoạch khai thác bauxite tại cao nguyên Trung phần. Luật Sư Ðịnh cho rằng Bộ Chính Trị đảng Cộng Sản đã sợ hãi, hèn nhát cúi đầu để cho Trung Quốc khai thác bauxite tại cao nguyên.
Ông cũng là người đang nỗ lực nghiên cứu một bản hiến pháp mới cho Việt Nam và một đường lối mới cho đất nước chúng ta. Theo tôi, ông là một luật sư giỏi và là người hết sức nhiệt thành với đất nước, với đồng bào mà bất cứ người nào có lương tri cũng kính trọng ông.
Tôi nghĩ rằng, giới lãnh đạo chế độ hiện nay hẳn phải hổ thẹn khi ra lệnh bắt giữ Luật Sư Ðịnh. Nếu họ không biết hổ thẹn thì họ không còn là người nữa. Hành động bắt giam Luật Sư Ðịnh cho thấy, Bộ Chính Trị Cộng Sản một lần nữa đã thách thức cả thế giới khi họ tiếp tục chà đạp nhân quyền và những quyền căn bản của người dân Việt Nam.
Bắt giữ Luật Sư Ðịnh, chế độ Hà Nội đã rõ ràng muốn tiêu diệt những người đang tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ tại Việt Nam. Người Việt trong và ngoài nước cần phải mạnh mẽ lên tiếng và phản đối đến cùng vụ bắt bớ ngang ngược này.
Chúng ta phải lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Cộng Sản thả vô điều kiện và tức khắc Luật Sư Lê Công Ðịnh.”
No comments:
Post a Comment