Sunday, June 7, 2009

HIỀN NHƯ CÔ TẤM

Hiền như cô Tấm?
Hoàng Cúc
Đăng ngày 06/06/2009 lúc 12:29:43 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3829
Thủa cắp sách tới trường, tôi từng được dạy rằng người Việt mình bản chất hiền lành vị tha, cần cù hiếu học… Một thời, tôi từng đinh ninh rằng đó là chân lí bất di bất dịch. Thế nhưng, những chất vấn bâng quơ trong những cuộc chuyện phiếm đôi khi buộc tôi phải đặt lại vấn đề về những điều tưởng chừng như là những sự thật hết sức giản đơn chẳng cần bàn cãi. Những chuyến đi đây đó, mắt thấy tai nghe nhiều chuyện vui buồn cũng khiến tôi phải suy nghĩ nhiều về những khuyết tật của dân tộc mình. Trong bài viết này tôi xin nói tới sự hiền lành của người Việt.

Từ một chuyện cổ tích

Lúc ấu thơ, quấn quýt bên chân ông bà cha mẹ, lũ nhóc được nghe biết bao nhiêu chuyện cổ tích. Những chuyện đó thường rất hấp dẫn, vì nó mở ra cho trẻ nhỏ một thế giới tưởng tượng phong phú, một chân trời kì thú đầy ắp mộng mơ, đồng thời hàm chứa những bài học bổ ích. Chuyện Tấm Cám là một trong những câu chuyện như thế. Trẻ nhỏ người Việt ít ai chưa từng được nghe kể câu chuyện này.
Trong trí óc của tôi, hình ảnh Cô Tấm thật chăm chỉ hiền lành. Có lẽ chẳng riêng gì tôi lưu giữ trong trí nhớ hình ảnh đó. Lời ví von “đẹp như Cô Tấm”, “hiền như Cô Tấm”, “chăm chỉ như Cô Tấm”… dường như xuất hiện khá nhiều không chỉ trong ngôn ngữ đời thường mà trong cả văn chương nghệ thuật. Tôi vẫn còn nhớ lõm bõm lời một bài hát ca ngợi những cô gái quê hương quan họ rằng “những Cô Tấm ngày xưa như vẫn còn (í) đây trong (i) mùa trẩy (ì) hội”.
Nhưng rồi một hôm, khi ngồi nói chuyện với nhau về việc giáo dục con cái, một cô bạn đã buột miệng nói với tôi rằng: Tớ nói với các cậu nhé, người Việt mình dạy con cái những điều ác đến khủng khiếp. Ai đời bọn trẻ ngây thơ như thế, mình lại đi kể cho chúng câu chuyện lừa giết em bằng cách giội nước sôi, rồi xả thịt ra làm mắm gửi cho dì ghẻ. Dù đó là kẻ thù từng lập mưu giết mình đi chăng nữa, nhưng người làm chuyện cực ác như thế mà vẫn được nêu lên như là tấm gương hiền lành thì tớ chỉ có thể nói được là quái gở và quái ác!Tôi giật mình nhận ra rằng lời cô bạn quả là đơn giản và chính xác. Dù cho câu chuyện nhắm đến bài học chính là làm ác sẽ bị trừng phạt, nhưng một dân tộc chấp nhận một chuyện cổ tích có những chi tiết như thế làm bài học về đạo lí ở đời dành cho đám trẻ thơ ngây thì quả là có điều gì không ổn thật.

Và một thần tượng khác

Chuyện cổ tích Tấm Cám với góc nhìn do cô bạn nêu ra khiến tôi liên tưởng tới một nhân vật khác. Con người này được nhiều người tôn xưng là “vĩ đại”. Mặc dù là một trong những nhân vật chính trong những cuộc chiến nướng quân khủng khiếp nhất trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, là người từng sụt sùi xin lỗi đồng bào vì trót đổ oan cho vài trăm vạn và giết nhầm chừng vài chục vạn đồng bào, là đồng tác giả của cuộc nồi da nấu thịt kéo dài trên 20 năm thiêu sống khoảng vài triệu thanh niên, người đó vẫn được rất nhiều người Việt coi như đoá sen tinh khiết, vô tì tích, kể như vô can trong mọi biến thiên chính trị xã hội đầy máu và nước mắt của đất nước. Con người đó chỉ là biểu tượng cho những điều tốt đẹp, chứ không chịu chút trách nhiệm nào về cả một hệ thống phi nhân tàn bạo do ông ta gây dựng, một hệ thống đã làm tan nát đất nước cũng như những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam!
Tôi thiển nghĩ việc ca ngợi ông ta là một người tài ba xuất chúng, là một nhà chính trị thông minh lỗi lạc, là một nhà ngoại giao bặt thiệp, hay ngay cả với cái danh hão của một nhà văn hoá thế giới (!) đi nữa, dẫu sao vẫn còn có thể tạm chấp nhận được. Nhưng sau từng đó những biến động chết chóc, những cuộc thảm sát rùng rợn, những thảm trạng không ngừng tiếp tục gieo họa do chính ông ta gây ra cho đất nước và con người Việt Nam, việc vẫn cố ca ngợi ông ta như là nhân phẩm, là lương tri, là biểu tượng đạo đức của thời đại, rồi còn biết bao điều cao cả chỉ có ở bậc thần thánh cũng cố gắng gán nốt cho ông ta, việc đó chỉ nên gọi là quái gở và quái ác.
Thật ra, những chuyện “đổi mới” mà giới lãnh đạo Việt Nam tiến hành từ vài chục năm nay đã và đang khẳng định triệt để sai lầm khủng khiếp trong đường lối của vị “lãnh tụ vĩ đại”, khi đưa cả dân tộc lao vào ngõ cụt bế tắc.
Tôi thấy dường như có một nét tương đồng nào đó giữa việc nêu gương Cô Tấm hiền lành và chuyện ca ngợi tấm gương đạo đức của ông ta. Dù sao đó vẫn chỉ là một lối so sánh khập khiễng vì thực ra, so sánh có bao giờ không khập khiễng!

Đến hiện trạng tụt dốc thê thảm về đạo lí

Tôi tự hỏi mình rằng việc dạy trẻ thơ bằng bài học Tấm Cám, rồi nhồi vào đầu chúng tấm gương của con người “vĩ đại” nọ liệu có liên quan gì tới thực trạng xã hội thê thảm hiện nay hay không. Phải chăng đó là những căn nguyên của tâm thức hai mặt, nói một đàng phải hiểu một nẻo, nói hiền nhưng làm ác, một kiểu dối trá ác độc được nguỵ trang khéo léo bằng vỏ bọc hiền hòa khả ái? Khủng khiếp thay, điều này lại nằm cả trong đường lối giáo dục theo truyền thống dân gian lẫn hệ thống giáo dục chính thống hiện nay!
Là một người Việt, tôi cảm thấy tủi hổ và đau đớn khi ngày nào cũng đọc trên báo những vụ làm nhục quốc thể diễn ra nhan nhản, những vụ giết người cướp của, dùng súng dùng dao thanh toán nhau một cách man rợ. Thời gian gần đây những vụ giết người không gớm tay dường như xuất hiện ngày càng nhiều, với mức độ ngày càng ghê gớm hơn. Mạng người, sự sống ở Việt Nam mình mới rẻ rúng một cách khủng khiếp, thật quái gở và quái ác!
Nguyên nhân chính của tình trạng này là hệ thống giáo dục học đường đã trở nên nhếch nhác, tương quan thầy trò mất chất giữa bối cảnh tổng quát của một hệ thống chưa bao giờ thôi dối trá và lừa lọc. Nhưng không thể phủ nhận một nguyên nhân khác không ít quan trọng là các bậc phụ huynh chỉ thích đưa con em vào những ngôi trường danh tiếng, nhưng thực ra lại đào tạo theo kiểu luyện gà nòi, lơ là trong việc dạy dỗ con em những điều đơn giản để thành người lương thiện.
Nhìn lại, tôi thấy dường như xứ sở chúng ta rất thiếu những câu chuyện đơn giản, xúc tích và gần gũi với đời sống người Việt Nam, như kiểu cuốn Tâm hồn cao thượng đối với trẻ nhỏ người Ý được Edmond de Amicis viết ra.
Người Việt mình có thật sự hiền lành và hiếu hòa hay không? Xem lại chuyện Tấm Cám, nhìn vào một thần tượng “vĩ đại”, đọc những thông tin về sinh hoạt và đời sống hằng ngày, tôi không dám đáp lại bằng một câu trả lời khẳng định. Nên chăng, chúng ta cần xem lại một cách có hệ thống việc giáo dục con em chúng ta, khởi đi từ lòng can đảm dám xô đổ những thần tượng hay bóng ma quái ác và quái gở để kiến tạo một tương lai tươi sáng, bền vững và cao quí hơn?

Hoàng Cúc

© Thông Luận 2009


No comments: