Bạo lực, chuyên quyền không thu phục nhân tâm
Hoàng Trung Kiên
Đăng ngày 07/06/2009 lúc 02:02:58 EDT
http://www.thongluan.org/vn/modules.php?name=News&file=article&sid=3830
(Tường trình hành vi thô bạo của nhân viên A42 thuộc Tổng cục an ninh Bộ Công an, chà đạp lên quyền căn bản con người được ghi trong Bản tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh nhà nước Việt Nam, được qui định trong Tuyên ngôn nhân quyền Quốc Tế, các nhà Lãnh đạo Việt Nam tham gia ký kết năm 1982)
Kính gửi: Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam.
Đồng kính gửi:
- Uỷ ban nhân quyền Quốc tế.
- Các tổ chức phi chính phủ, tổ chức Phóng viên không biên giới.
- Các cơ quan Thông tin đại chúng, những người yêu chuộng sự công bằng dân chủ trong nước và nước ngoài.
Thưa quí vị,
Khoảng 9h ngày 21 tháng 5 năm 2009 tôi từ phòng tiếp dân Bộ lao động Thương Binh xã hội (LĐTBXH) ra sân có một thanh niên chào đích danh và hỏi : «Anh Kiên lên từ bao giờ?»
Tôi nhìn người thanh niên lạ hỏi lại: “Anh là ai, tại sao lại biết tên tôi?”
Người thanh niên giới thiệu tên Trung và nói: “Anh Kiên quên rồi sao? Anh em mình đã gặp nhau”. Trung áp sát bảo tôi lên xe.
Tôi trả lời: “Thực tình tôi không quen anh!”.
Thấy sắc mặt Trung đổi màu rồi nắm tay phải tôi nói giọng lạnh lùng: “Mời anh lên xe”. Cùng lúc bên trái tôi cũng có người nắm tay. Biết không thể cưỡng được cũng không xác định được họ là ai. Chẳng lẽ những kẻ bị tôi tố cáo thuê người hãm hại? Tôi quyết định: dù họ là ai cũng phải đánh động để người dân biết mình bị bắt cóc giữa thanh thiên bạch nhật trong lòng thủ đô ngàn năm văn hiến này. Tôi đạp mạnh chân vào cửa xe rồi hô lớn: “Cướp, cướp! Bà con ơi cứu tôi! Cướp!”
Hai người vội vã đẩy tôi vào xe ngồi kèm hai bên. Trong xe có một phụ nữ và người lái xe ngồi sẵn, chiếc xe bốn chỗ lao nhanh vào dòng xe trên phố.
Tôi hỏi: “Các anh là ai? Muốn gì ở tôi, tại sao lại giở trò bắt cóc tôi?”
Trung nói: “Chúng tôi là CA, tôi mời anh lên xe đàng hoàng đấy chứ, anh kêu cũng chẳng ai giúp được”.
Tôi nói: “CA thi hành công vụ không mặc sắc phục phải giơ thẻ ra để chứng minh là CA chứ! Lý do gì các anh lại hành động với tôi như thế?”
Trung nói: “Anh cứ đi rồi biết!”
Khi xe dừng, mọi người xuống xe. Trung đóng cửa lại nói: “Anh cứ ngồi trong đó”. Một lúc sau Trung ra bảo tôi xuống xe đi lên gác hai. Tôi thấy tấm bảng trong hội trường ghi CA phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy. Ổn định chỗ ngồi xong, Trung nói: “Chúng tôi là CA bộ mời anh đến đây để làm rõ một số vấn đề”.
Người phụ nữ ngồi đối diện tôi nói tiếp: “Theo nguôn tin từ thùng thư tố giác tội phạm có đơn tố cáo anh tổ chức, xúi giục những người khiếu kiện biểu tình ở công viên Lê Nin.”
Tôi nói: “Xin chị cho biết quí danh, và tôi khẳng định người nào tố cáo tôi như thế là vu khống, vì tôi không biết công viên Lê Nin ở đâu.”
Người phụ nữ giới thiệu tên Vân (sau tôi thấy người ta gọi chị là Vụ). Chị bảo một thanh niên đang chuẩn bị giấy tờ: “Em đưa đơn cho anh ta xem.”
Người thanh niên đưa cho tôi đơn tố cáo viết bằng bút bi. Tôi lướt nhanh thì không thấy tên người tố cáo.
Tôi nói: “Các anh chị là CA chẳng lẽ không biết pháp luật quy định đơn nặc danh không ghi rõ họ, tên người tố cáo thì không giải quyết?”
Người phụ nữ nói: “Chúng tôi đang thực hiện nhiệm vụ theo luật, tôi đã nói rõ lý do tai sao chúng tôi đưa anh tới đây.”
Tôi lấy quyển Luật Khiếu nại, tố cáo năm 2008 đưa cho chị ta.
Thấy bí, Trung nói: “Chúng tôi là CA không căn cứ luật, có đơn tố cáo anh tổ chức súi dục dân biểu tình vì an ninh quốc gia nên chúng tôi phải làm rõ.
Tôi nói: “CA các anh càng phải thực hiện theo luật. Nhưng thôi, là người ngay tôi sẵn sàng chứng minh”.
Trung yêu cầu tôi bỏ những gì có trong người ra. Tôi thấy khó chịu song vẫn làm theo yêu cầu. Cậu ta bảo tôi để chứng minh thư và điện thoại lại còn cất tất cả đi.
Tôi nói: “Tính tôi ngay thẳng nên đề nghị các anh, chị cần gì cứ nói không phải vòng vo.”
Người phụ nữ hỏi: “Anh cho chúng tôi biết hôm qua anh đi đâu, làm gì, gặp ai?”
Tôi trả lời: “Hôm qua tôi đưa mẹ đến Bộ LĐTBXH, buổi sáng không gặp được lãnh đạo. Chiều tôi phải đến Mặt trận trung ương. Mẹ tôi bảo: xong việc mày cứ sang đám hiếu bên Thanh Trì. Hôm qua tôi gặp nhiều bạn bè, anh em…”
Người phụ nữ nói: “Chúng tôi biết anh đã gặp ai, làm gì, yêu cầu anh thành khẩn.”
Tôi nói: “Chị đã biết rồi thì cần gì phải hỏi! Thôi chị cứ nói thẳng chị cần biết tôi gặp ai, vì tôi gặp rất nhiều người nên không biết ai là người các anh, chị cần.”
Người phụ nữ hỏi: “Hôm qua anh có gặp ông Vi Đức Hồi không?”
Tôi trả lời: “Có.”
Người phụ nữ hỏi tiếp: “Ông Hồi hẹn gặp anh à, gặp ở đâu, nói chuyện gì?”
Tôi trả lời: “Chúng tôi không hẹn nhau. Trước hai tuần anh Toàn điện hỏi thăm tôi và bảo khi nào lên Hà Nội thì qua nhà chơi. Sáng nay ở Bộ LĐTBXH, tôi điện cho anh Toàn, anh bảo trưa qua nhà, tôi nhận lời. Điện cho anh Toàn xong tôi lại điện cho anh Hồi. Anh nói đang ở Hà Nội. Vậy là chúng tôi hẹn gặp nhau ở bờ hồ. Trưa tôi ra bờ hồ chờ không thấy, đầu giờ chiều tôi đến Mặt trận trung ương nhận báo tin số 795/TD-MTTW ngày 06/1/2009 đã chuyển đơn tôi đến Bộ trưởng Bộ LĐTBXH để giải quyết. Tôi định trở lại Bộ. Anh Hồi điện nói đã đến bờ hồ nên tôi ra gặp. Gặp anh Hồi tôi cũng kể với anh tôi đưa mẹ đi. Có khả năng là phải ở lại 2- 3 ngày, vì còn sang đám hiếu và mua chiếc máy tính. Trưa nay định vào anh Toàn chơi rồi nhờ anh ấy nhờ mua hộ.
Anh Hồi nói: “Máy tính thì chỉ cần ra Bách khoa.”
Tôi bảo: “Thế anh đưa em đi, mua được em sang đám hiếu luôn mai trở lại Bộ cũng được.”
Anh Hồi hỏi: “Còn mẹ em thì sao?”
Tôi bảo: “Mẹ em cũng dặn thế rồi. Bà vẫn lên Bộ, ở chán họ lại cho xe đưa về, anh thấy rồi. Họ biết sai mà không sửa, 40 năm bà đi lại, dưới đá lên, trên lại đạp xuống, mặc dù Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước có ý kiến, dư luận đã lên tiếng. Thậm chí ông Mạnh làm Chủ tịch Quốc hội đã xem xét ký nháy vào đơn chỉ đạo, vụ việc vẫn không được làm sáng tỏ. Thực tình em không muốn cho bà đi nhưng ở nhà bà bức xúc nên phải cho đi. Khi đi, anh Bắc CA phường, ông Phong CA thành phố đến hỏi em cũng nói những nơi sẽ đến, không phải thấy Quốc hội họp mà mình đi. Ông Phong biết rõ, ở trụ sở tiếp dân tỉnh em chỉ lên tiếng khi thấy người ta làm những điều ngang ngược. Sáng nay ông Tạo phòng PA 38 CA tỉnh Ninh Bình điện hỏi em, nói: ‘tỉnh không tiếp thì phải lên trung ương chứ!’.”
Anh Hồi bảo: “Quyền lợi gia đình em cứ dựa theo luật pháp mà làm. Quốc hội họp mình đến không giải quyết được gì, người ta lại cho là mình quấy rồi. Mình phải giữ để người ta không vin cơ gây khó dễ…”
Anh Hồi gọi xe ôm chở tôi đến cửa hàng hỏi chiếc máy 3.000.000đ (ba triệu). Tôi lấy tiền trả xong, phân vân gọi anh Hồi ra bảo: ‘giá chiếc này ở dưới em là 4.900.000đ (bốn triệu chín trăm nghìn) sao trên này lại rẻ thế’. Anh Hồi cũng không biết gì về máy. Nghĩ một lúc anh bảo để anh gọi thằng bạn xem hộ. Gọi điện xong anh hỏi tôi có biết Phương Anh không?”
Tôi nói: “Hồi đầu năm anh em mình gặp mặt, khi đầu bị CA làm khó sau ra quán Lan Chín có một bàn CA ngồi cạnh, mình và họ lại cụng bia nhau… Phương Anh là cậu cắt tóc bốc phải không?”
Phương Anh ra. Cậu ấy bảo chúng tôi dẫn xem máy. Vừa vào Phương Anh đã nói đây bằng máy cũ, nếu anh chỉ có 3.000.000đ (ba triệu) em dẫn đi mua cây mới còn mành, mua cũ vẫn dùng tốt. Phương Anh bảo tôi và anh Hồi đi bộ đến một cửa hàng gần đó hỏi chiếc mới 4.000.000đ (bốn triệu) có bảo hành 2 năm. Tôi quyết định mua nên đặt tiền cọc để họ lắp máy. Phương Anh rủ đi uống bia. Chúng tôi đến một quán bên hè đường uống. Trò truyện khoảng một tiếng. Sau đó anh Hồi bảo Phương Anh: ‘Cậu xem chở mình ra xe để mình về.’ Chúng tôi chia tay nhau ở đây.
Người phụ nữ hỏi: “Anh quen ông Hồi khi nào, đã gặp mấy lần, anh biết ông ta là người thế nào không?”
Tôi trả lời: “Tôi biết anh Hồi ở buổi gặp mặt đầu xuân năm cụ Chính mất. Đến nay chúng tôi gặp nhau ba lần. Trước đây anh Hồi đứng đầu cơ quan tuyên truyền đảng kiêm hiệu Trưởng trường Đảng huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn. Do bất đồng chính kiến anh đã ly khai Đảng”.
Người phụ nữ hỏi: “Ông Hồi và Phương Anh cho anh bao nhiêu tiền?” Tôi phản đối. Chị ta đổi giọng: “Ông Hồi và Phương Anh thì không có tiền, nhưng tiền bọn họ tiêu xài và cho các anh là bọn họ cấu kết với Nguyễn Gia Kiểng, một tổ chức phản động ở nước ngoài cung cấp để chống phá Đảng và Nhà nước”.
Tôi nói: “Các anh, chị dựa vào một đơn nặc danh vu khống tôi tổ chức biểu tình, tôi đã chứng minh là không; giờ lại vu khống anh Hồi cho tôi tiền. Nếu anh Hồi, ông Thích Quảng Độ hay người Mỹ cho, tặng tôi tiền mà không có điều kiện tôi vẫn nhận vì pháp luật không cấm việc nhận, cho, tặng, biếu tiền…”
Sau đó họ lên lớp: “Anh thấy Mỹ hô hào dân chủ, nhưng đem quân đi đánh hết nước này đến nước khác, thực tế chỉ làm cho các nước mất ổn định như Irắc…Thái Lan đa đảng mà suốt ngày bạo động, biểu tình làm mất ổn định xã hội. Nước ta trước năm 1986 cũng có sai lầm nhưng Đảng ta dám nhìn thẳng vào sự thật để sửa sai. Trên 20 năm đổi mới kinh tế nước ta đã biến chuyển rõ rệt, đời sống nhân dân được nâng cao, nên các thế lực phản động lấy chiêu bài dân chủ để chống phá Đảng và Nhà nước. Chắc anh xem trên mạng anh thấy tay Toàn với Phương Anh viết bài đả nhau chẳng ra thể thống gì. Anh phải học bác Chính, bác Hồng Hà, người ta làm người ta nhận”…
Tôi không tranh luận với họ mà ngồi theo dòng suy nghĩ của mình, tự hỏi tại sao Đảng lại cho cơ quan chuyên chính bảo vệ Đảng sẵn sàng chụp mũ cho người vô tội. Phải chăng vì thế mà vụ Tổng cục 2 nhiều Tướng lĩnh lên tiếng từ đại hội Đảng 8 đến nay vẫn bị làm ngơ. Phải chăng họ không biết từ năm 1986 khi Đảng buộc phải chấp nhận cơ chế thị trường, bởi trước đó kinh tế trong nước đã đến bờ vực thẳm. Tôi nhớ khoảng năm 1977 tôi đã sống trong môi trường quân đội, hồi đó cả tuần chúng tôi không biết hạt cơm. Sáng ăn mì hạt gọi là “bo bo” trưa ăn mì bột, tối lại ăn bột mì…Khi Đảng hô hào đổi mới một số đảng viên có chức quyền cũng nhanh chóng đổi đời. Sa đoạ về lối sống, suy thoái về đạo đức, tệ tham nhũng quan liêu cửa quyền có nguy cơ thành quốc nạn, thời đó một nữ sinh năm thứ hai - Khoa ngữ văn - Trường đại học tổng hợp Hà nội có bài “Mùa xuân nhớ Bác” viết tặng anh Lê Đức Thọ, tác giả bài thơ “Lẽ sống”, anh Hồ Thiện Ngôn tác giả bài “Đọc thơ của anh”
“…Đồng chí không bằng đồng tiền
Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp
Có ai thấu chăng! và có ai phải sửa
Mỗi mùa xuân về con lại càng thêm nhớ Bác,
Lòng vẫn hằng mơ ước
Bác Hồ được sống đến hôm nay
Làm nóng mặt trời xua tan hết mây
Trừ những thói đời làm dân oán than
Có mắt giả mù, có tai giả điếc
Thích nghe nịnh hót, ghét bỏ lời hay
Trấn áp đấu tranh, dập vùi khốn khổ…”
Họ buộc tôi ký biên bản tôi không ký. Lý do: tôi đã chứng minh kẻ tố cáo giấu tên đã vu khống, tôi không vi phạm pháp luật.
Trung bảo nghỉ trưa và nói có ý răn đe: “Lát nữa làm việc với tôi anh sẽ biết.” Khi họ đi, một cậu rất trẻ lên canh chừng. Tôi đưa cậu ta xem báo Tiếng Nói Việt Nam có hai bài lên tiếng việc của gia đình tôi.
Mọi người trở lại mang cho tôi hai chiếc bành mì. Tôi không ăn. Trung hỏi lại những gì tôi đã trả lời nên tôi không nói. Trung lại bắt tôi bỏ đồ trong người ra, tôi không bỏ. Anh ta mắng nhiếc tôi quan hệ với thằng này là phản động, thằng kia là phản động, “Bọn nó dạy khi làm việc với CA thì không ký biên bản, đúng không?” Sau đó anh ta quay sang xúc phạm gia đình tôi: “Mày đưa mẹ mày đi kiện, không biết nhục à? Mày là thằng đàn ông sống thế nên vợ nó bỏ là phải…”
Tôi phản đối: “Mày không có quyền động đến chuyện gia đình tao, mày là thằng nói càn”…
Trung nói: “Mày dám gọi CA bằng mày à?”
Tôi nói: “Mày chả có gì thể hiện là CA, mày cũng không có tính cách người CA, mày bao nhiêu tuổi mà gọi tao bằng mày?”
Trung lồng lên, đưa hai tay móc hàm tôi tuyên bố: “Hôm nay tao sẽ vặn răng cho mày khỏi to mồm.”
Tôi giằng tay ra. Hắn lấy hai tay đánh vào hai bên tai. Mắt tôi hoa lên, tôi co cẳng đạp vào người hắn. Có lẽ hắn được Đảng bao che quen đánh người, chưa ai dám phản kháng; nên khi bị tôi phản kháng hắn như con thú xông vào đánh vào ngực, vào hai tai tôi. Mọi người thấy hắn đánh tôi nhiều quá túm lại can. Sau hắn lại dựng cớ: “Chưa ai chửi mẹ tao, hôm nay mày chửi mẹ tao, tao phải giết mày.”
Người phụ nữ vào đẩy hắn ra rồi ngồi ghế cạnh tôi.
Người trẻ coi tôi lúc trưa tên là Tâm nói nhỏ: “Anh cứ bỏ những gì trong người ra theo yêu cầu của ông ấy.”
Tôi nói: “Lúc sáng nó bắt anh bỏ ra rồi. Anh là con người, hắn không thể bắt gì phải làm theo. Em yên tâm, nó có thể giết anh chứ không khuất phục được anh.”
Tôi khạc ra máu. Tâm nhìn tôi ái ngại. Người viết biên bản bảo: “Chắc máu ở môi anh.”
Tôi sờ thấy môi mình bị sưng.
Trung ra vào gầm gừ bắt tôi bỏ đồ trong người ra, tôi không bỏ. Hắn lại đánh. Tôi bảo: “Mày chỉ cưỡng bức tao chứ không bao giờ tao bỏ ra lần thứ hai.”
Cuối cùng hắn phải thọc tay vào túi tôi lấy đồ ra. Thấy tấm thẻ gia đình “liệt sĩ”, hắn đay nghiến: “Bố mày, anh mày có công với đất nước, mày lại phản phúc đi nghe theo bọn phản động.”
Tôi nghĩ chắc thằng này cũng đọc Đối Mặt của anh Vi Đức Hồi nên hắn chửi tôi y như thằng bạn anh Hồi chửi. Hắn tiến lại sát tôi, gằn giọng: “Mày nhìn vào mắt tao để biết khi làm CA phải như thế nào.”
Bất chợt tôi nghĩ mình phải nhìn xem khi con người mất hết bản tính có khác gì con thú. Tôi quay lại nhìn thẳng vào mắt Trung thấy mắt hắn vằn đỏ. Trung tưởng tôi đã làm theo ý nên đổi giọng: “Bây giờ tôi tạm giữ điện thoại và thẻ ATM của anh.”
Sau đó Trung ra ngoài. Một lát sau trở lại, Trung nói: “Vừa rồi tôi nóng nên có hành động quá mức, tôi xin lỗi anh.”
Tôi thực sự bất ngờ mặc dù đang đau nhưng thấy rất vui vì sự thật chứng minh bạo lực không thể khuất phục được ý chí con người.
Tôi đứng dậy bắt tay nói: “Trung đã xúc phạm đến chuyện riêng gia đình tôi, không biết trong lúc bức xúc tôi có văng ra câu Đ. mẹ không, bởi câu này tôi không quen dùng, là thằng đàn ông. Trung lấy cớ đó mà đay nghiến, đánh tôi một cách dã man. Tôi cũng nói thẳng: bắt tay nhưng tôi vẫn phải tường thuật lại cho mọi người biết.”
Sau đó Trung lại trả điện thoại và thẻ ATM cho tôi và hỏi: “Giờ anh đi đâu?” Tôi bảo: “Tôi ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng.”
Họ chỉ đường cho tôi. Ra khỏi cổng họ lại bảo tôi lên xe, vì họ đi qua đó. Chạy được một đoạn Trung xuống xe nghe điện thoại. Lên xe Trung bảo: “Theo yêu cầu của xếp lại phải làm việc với anh Kiên.”
Họ đưa tôi đến CA phường Đội Cấn, quận Ba Đình. Chụp ảnh xong lại thu điện thoại, thẻ ATM và hẹn sáng mai 8h30 sẽ đến 110 Cầu Giấy đón tôi để làm việc tiếp.
Tôi ra vườn hoa Mai Xuân Thưởng ăn cơm cùng vợ chồng cô em cũng bị chính quyền cưỡng chế nhà nhiều năm phải nằm ở Hà Nội thưa kiện. Tôi kể chuyện bị CA đánh, cô em lấy dầu cho tôi xoa bóp. Thấy ngực đau tức khó chịu sợ bị gẫy x-ương nên bảo chị Dương Thị Xuân chở đi viện. Chị Xuân đưa tôi đến Bệnh viện Việt Nam - Cuba ở 37 Hai Bà Trưng. Có hai thanh niên bám theo. Tôi vào khám, chụp X - quang Bác sĩ cho uống thuốc và truyền dịch tại viện. Không biết ai thông tin anh Toàn vào viện chụp ảnh tôi đang truyền chụp ảnh. Xong, anh đi một lúc rồi quay lại nói với mọi người tôi quê ở Ninh Bình đi hỏi quyền lợi gia đình bị CA đánh.
Lúc này bệnh viện và mọi người mới biết tôi bị CA đánh, vì khi vào viện Bác sĩ hỏi tôi nói: “Bị ngã tay lái xe máy đâm vào ngực. Anh Toàn hỏi: “Mấy đứa đánh em?” tôi giơ tay lên ra hiệu có một.
Nửa đêm tôi đau Bác sĩ lại cho tôi uống thuốc. Sáng ra, họ giới thiệu tôi sang Bệnh viện Xanh Pôn để khám chuyên khoa.
Đến Bệnh viện Xanh Pôn khám tôi cũng nói bị ngã tay xe máy đập vào ngực. Bác sĩ khám xong cho thuốc và dặn: “Do bị chấn thương ở đầu cuống tim nếu thấy đau khó thở phải đi khám lại ngay.”
Sau đó tôi ra vườn hoa tìm vợ chồng cô em, thấy cậu ghi biên bản hôm qua đi cùng một người nữa. Họ bảo tôi ra xe rồi chở đến CA phường Bưởi làm việc.
Hôm nay thay người phụ nữ là cậu thanh niên. Họ lại bảo tôi bỏ đồ ra, thấy có USB, họ hỏi ai đưa, tôi nói: “Của tôi vẫn sử dụng.” Họ bảo hôm qua làm gì có. Tôi không tranh cãi, bảo: “Các anh mang đi kiểm tra thì khắc biết. Trung mượn hai quyển sổ khám bệnh của tôi đi photo. Cậu thanh niên mang USB đi kiểm tra. Trở lại cậu ta bảo trong USB có bài của ông Hồi. Họ bảo tôi xuống phòng máy vi tính chứng kiến để họ in từ USB. Xuống phòng máy in không được vì máy tính bị nhiễm vi rút. Tôi bảo: “Các anh mang ra máy ngoài mà in.” Cậu ghi biên bản hôm qua lấy giấy bút hỏi, tôi không trả lời. Cậu ta giải thích: “Hôm qua anh không ký biên bản nên phải hỏi lại, hôm nay anh không ký cũng được, chúng tôi gọi người làm chứng ký.”
Cậu thanh niên in các bài trong USB về đưa tôi xem và bảo tôi ký. Tôi xem qua rồi ký. Cậu ta hỏi: “Anh đọc bài của ông Hồi thấy thế nào?”
Tôi trả lời: “Theo tôi anh Hồi viết là sự thật.”
Sau đó họ đưa biên bản, bảo tôi đọc. Tôi không đọc. Họ ấn vào mặt. Tôi quay đi nói: “Các anh cứ việc mượn người ký.”
Cậu thanh niên mới khó chịu chạy đi, chạy lại quanh tôi. Thấy căng thẳng Trung đến bên tôi nói: “Theo yêu cầu của xếp, anh không ký thì ghi “tôi không ký”… Hôm qua con anh cũng điện nhắn anh về đóng tiền học cho cháu. Anh ký xong rồi về không các cháu mong.”
Thấy họ nói nhiều tôi cầm tờ giấy ghi: “Tôi bị ép buộc” rồi ký. Họ bảo anh không đọc biên bản à, anh ghi thêm là. “Tôi bị ép buộc ký”.
Tôi nói: “Không cần đọc vì đằng nào tôi về cũng viết tường trình lại cho mọi người biết, tôi chỉ ghi thế các anh thích cứ ghi thêm vào.”
Sau đó Trung thu USB của tôi bỏ vào phong bì dán lại và bảo tôi ký. Tôi thấy trên phong bì in chữ Tổng cục an ninh - A42. Trung đưa tôi chiếc phòng bì hôm qua đựng điện thoại và thẻ ATM của tôi, Trung bảo: “Anh bóc ra và viết giấy đã nhận lại đồ”.
Tôi bóc ra, bật điện thoại có chuông đổ. Nhìn số, tôi nói: “Anh Hồi gọi.” Trung bảo: “Anh cứ nghe, đừng nói làm việc với CA. Tôi mở loa to đặt ở bàn nói chuyện. Anh Hồi hỏi tình hình thế nào rồi. Tôi thuật lại cho anh nghe và nói: “Em đang chuẩn bị về”.
Anh Hồi hỏi: Hôm qua CA giữ điện thoại của em, thế rồi sao?” Trung ra hiệu cho tôi là tôi đang về. Tôi bảo anh Hồi: “Sáng nay em ở bệnh viện ra vườn hoa, CA họ đón ở đó rồi đưa em đi chỗ nào em không biết làm việc qua, rồi họ trả lại đồ.”
Anh Hồi động viên tôi: “Cứ an tâm, mọi người trong nước và nước ngoài biết cả rồi. Sau đây em có tố cáo không?”
Tôi nói: “Trước mắt em sẽ tường trình cho mọi người biết sự thật, còn tố cáo thì mình gửi đến Bộ Công an sau.”
Anh Hồi chào rồi tắt máy.
Trung có vẻ khó chịu nói: “Tôi biết thế nào anh cũng tố cáo, đấy là quyền anh nhưng tôi nói trước để anh biết, anh viết cho đúng, nếu không anh lên Hà Nội không thể qua tôi được.”
Tôi nói: “Trung Kiên không bao giờ viết sai. Quan điểm của tôi: viết đúng sự thật là mình tôn trọng mình và chỉ viết sự thật người đọc mới tôn trọng.”
Trung nói: “Chuyện hôm qua tôi sai nên đã xin lỗi, anh Kiên cũng thể hiện rất đàn ông, bắt tay tôi. Hôm nào có dịp tôi sẽ về Ninh Binh đến gia đình thăm bà, có khả năng tôi sẽ đưa cả vợ con tới. Còn chuyện anh đi hỏi quyền lợi của gia đình, chúng tôi không can ngăn, nếu cơ quan tôi giúp được chúng tôi sẵn sàng. Tôi cũng nói thẳng nếu anh còn quan hệ với bọn phản động chống phá Đảng và Nhà nước thì buộc chúng tôi phải xử lý theo luật!”
Tôi nói: “Từ hôm qua đến nay tôi không tranh luận với các anh. Hôm nay tôi chỉ nói ngắn gọn để các anh hiểu. Tôi đã đọc những bài viết của anh Hồi. Tôi thấy anh Hồi đang đấu tranh với mặt trái của xã hội, tôi và anh Hồi đồng quan điểm. Đảng Cộng Sản cũng kêu gọi mọi người nói thẳng nói thật. Theo quan điểm của tôi bọn phản động là một số kẻ đang núp mình trong tổ chức Đảng Cộng Sản Việt Nam để đục khoét tài sản của nhà nước và ức hiếp dân lành. Chính chúng đã làm xói mòn lòng tin của dân với Đảng, làm cho những người đảng viên chân chính bất bình. Đó là sự thật, Đảng phải thừa nhận hiện nay tệ tham nhũng, quan liêu, cửa quyền đang gia tăng có nguy cơ thành quốc nạn. Trong Đảng cũng có người tốt, kẻ xấu. Những người đấu tranh trong phong trào dân chủ cũng có người lợi dụng đục nước béo cò… Một tập thể muốn tiến được phải có sự đấu tranh…Tôi quan hệ với ai là quyền của tôi luật pháp không cấm. Chuyện giữa tôi và Trung, tôi muốn nói cho Trung biết. Nỗi đau tôi mất cha và anh trong cuộc chiến tranh, khi tôi chỉ là đứa trẻ nỗi đau đó ập đến rồi tan nhanh. Mẹ Trung cũng như mẹ tôi, nhưng mẹ tôi gần 40 năm đi tìm công lý bị các ông quan cách mạng chà đạp nỗi đau đó còn gấp vạn lần.”
Tôi không nói tiếp được, nghẹn lại. Vết thương hôm qua đau nhói. Tôi ôm ngực. Mọi người nhìn tôi im lặng. Lúc sau Trung nói: “Anh em mình đã thông cảm với nhau. Giờ tôi chân tình trả tiền xe ôm đưa anh ra bến xe Giáp Bát để anh về.”
Tôi nhất trí. Trung bảo hai người dẫn tôi ra họ bắt xe rồi trả tiền. Tôi lại bị ho, phải ôm ngực. Người thanh niên trẻ mới làm việc hôm nay hỏi tôi: “Anh đau lắm à?”. Tôi gật đầu, bắt tay hai người, hẹn ngày gặp lại.
17h ngày 22/5/2009, tôi về đến nhà. Mẹ tôi nói: “Bà ở bộ bị họ lừa lên xe nói đưa sang Quốc hội để giải quyết, nhưng lại đưa bà về nhà. Từ sáng tới giờ bà mới ăn gói mì tôm. Các cháu bảo hết tiền mua cái ăn nên không thổi cơm. Tôi vội đi mua sữa cho bà uống tạm. Người đầu tiên đến gặp tôi là anh Bắc CA phường Nam Thành. Tôi nói bị CA bộ đánh, anh Bắc rất ngạc nhiên, hỏi tên người đánh và lấy bút ghi. Anh nói: “Thật tình chúng em không biết gì chuyện này. Nếu có biết chắc chỉ có CA tỉnh. Khoảng 19h ông Phong CA thành phố Ninh Bình lại đến nói: “Thấy chú Bắc nói anh vội xuóng xem tình hình thế nào.”
Tôi kể lại toàn bộ sự việc cho ông Phong nghe. Ông thở dài nói: “Thế chú tính sao?” Tôi nói: “Tôi cũng nói sự thật với tất cả mọi người như tôi nói với anh, và tôi sẽ có bảng tường trình sự việc sau.”
Những ngày tiếp theo anh, em bạn bè gói điện thăm hỏi. Cả những người tôi chưa quên biết cũng điện đến hỏi thăm và cảm thông. Rồi những người dân thấp cổ bé họng họ cũng chẳng sợ hãi đến thăm tôi. Có cả CA chứng kiến. Có anh bạn là Thầy thuốc, 1h đêm biết tin tôi bị CA đánh anh điện hỏi thăm. Nhà anh cách nhà tôi 30km, đang đêm anh đi xe máy ra để xem bệnh cho tôi. Nghe kể lại, anh rất bất bình trước việc làm của những người đại diện cho cơ quan công quyền. Anh nói: “Tôi không hiểu nhiều nhưng tại sao người ta lại có quyền cấm người ta quan hệ với nhau?”
Không biết Trung đánh tôi theo nghiệp vụ thế nào, hai ngày sau mắt trái tôi lại bị tụ huyết. Tôi phải đi khám lấy điều trị tiếp. Hiện tại sức khẻo của tôi vẫn chưa bình phục.
Thưa quí vị,
Những ngày qua anh, em điện thăm hỏi, tôi cũng đã nhờ mọi ngươi lên tiếng. Nay tôi tường trình lại nội dung, nhờ các cơ quan thông tin đại chúng chuyển đến các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam, đến Thường trực Uỷ ban nhân quyền Quốc Tế, các tổ chức phi Chính phủ, tổ chức Phóng viên không biên giới và những người yêu chuộng sự công bằng, dân chủ trong nước cũng như nước ngoài lên tiếng để quyền căn bản của con người phải được tôn trọng, để kỷ cương được nghiêm minh, để những người thực thi pháp luật không thể chà đạp lên pháp luật.
Tôi xin nhắc lại lời người xưa đã dạy:
“…Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn
Lấy chí nhân thay cường bạo…”
Các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam nên biết: Bạo lực, Độc đoán, Chuyên quyền chắc chắn không thu phục được nhân tâm.
Ninh Bình ngày 30 tháng 5 năm 2009
Người tường trình:
Hoàng Trung Kiên
Công dân, bộ đội xuất ngũ
Số nhà 66 đường Tây Thành, phường Nam Thành,
thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình
Điện thoại: 0989.203.278
No comments:
Post a Comment