Hàng triệu nông dân trắng tay vì bị thu hồi đất
VietCatholic News
(16 Jun 2009 19:04)
http://vietcatholic.net/News/Html/68278.htm
HÀ NỘI (TH).- Thu hồi đất bừa bãi rồi bỏ đó hoặc làm sân gôn (goft) phục vụ quí tộc đỏ, xây nhà ở bán kiếm lời, xây các khu công nghệ hay nhà máy thải chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường, đảng và nhà nước CSVN đẩy hàng triệu nông dân vào vòng thất nghiệp và gia đình của họ sống trong nghèo đói.
Một bài viết trên tờ “Thời Báo Kinh Tế Việt Nam” cho hay như vậy hôm Thứ Hai 15 Tháng Sáu 2009.
“Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông Thôn, việc thu hồi đất nông nghiệp trong 5 năm (2003-2008) đã tác động đến đời sống của trên 627,000 hộ gia đình với khoảng 950,000 lao động và 2.5 triệu người”.
Bản tin nói trên viết như vậy và chỉ ra cho thấy riêng “đồng bằng sông Hồng là vùng có diện tích đất bị thu hồi lớn nhất trong những năm qua” chiếm 4,4% tổng diện tích đất nông nghiệp của khu vực.
Hàng chục năm qua, nông dân đã kéo về Hà Nội biểu tình trước các cơ quan trung ương và tư dinh của đám lãnh tụ Cộng Sản, phản đối các vụ nhà cầm quyền khắp các tỉnh cướp đất gọi là “qui hoạch”. Một số được đền bù với giá rất thấp không đủ để họ mua nhà mua đất để sống ở nơi khác, một số thì bị cướp trắng. Họ đã khiếu kiện ở các địa phương không có kết quả nên phải kéo về trung ương.
Theo bài viết của TBKTVN “Mặc dù các địa phương đã ban hành nhiều chính sách cụ thể như bồi thường, hỗ trợ giải quyết việc làm, đào tạo chuyển đổi nghề, hỗ trợ tái định cư đối với nông dân bị thu hồi đất... nhưng trên thực tế 67% lao động nông nghiệp vẫn giữ nguyên nghề cũ sau khi bị thu hồi đất, 13% chuyển sang nghề mới và có tới 25 - 30% không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định.”
Nhiều lời tố cáo phổ biến trên Internet cho thấy những vụ biểu tình tập thể chống đền bù giải tỏa bất công đã bị đàn áp và những người bị qui chụp tội cầm đầu đều bị bỏ tù.
Bài viết của TBKTVN dựa theo thống kê của Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn CSVN nói hậu quả của chính sách tước đoạt đất đai của nông dân, “Kết quả là 53% số hộ dân bị thu hồi đất có thu nhập giảm so với trước đây. Chỉ có khoảng 13% số hộ có thu nhập tăng hơn trước. Trung bình mỗi hộ bị thu hồi đất có 1.5 lao động rơi vào tình trạng không có việc làm và mỗi ha đất nông nghiệp bị thu hồi có tới 13 lao động mất việc làm, phải chuyển đổi nghề nghiệp”.
Khu vực nông thôn Việt Nam tập trung khoảng 75% dân số cả nước. Người dân quanh năm tập trung vào việc làm ruộng. Những khi không làm ruộng thì kiếm thêm một việc gì đó để sống.
Kiếm việc ở khu vực thành thị không phải là dễ nên tỉ lệ thất nghiệp ở các khu vực nông thôn rất cao. Bị cướp đoạt mất đất sản xuất, nhiều người đã chạy tới các khu công nghệ hay các thành phố để kiếm việc nhưng không phải tất cả đều may mắn.
Theo TBKTVN “Trung bình mỗi ha đất nông nghiệp thu hồi ở vùng đồng bằng sông Hồng, có 15.33 người bị mất việc làm, cá biệt có địa phương như Hà Nội, 1 ha đất thu hồi có tới gần 20 lao động bị mất việc làm.
Một báo cáo mới đây của Ủy Ban Nhân Dân thành phố Hà Nội cho biết, từ nay đến năm 2010 thành phố Hà Nội có kế hoạch thu hồi, chuyển mục đích sử dụng khoảng 5,201 ha đất nông nghiệp, tức là sẽ có khoảng 20 vạn lao động nông nghiệp phải chuyển nghề do bị mất đất sản xuất nông nghiệp.
Cũng theo báo cáo này, Hà Nội thu hồi khoảng 1,000 ha đất mỗi năm, trong đó 80% là đất nông nghiệp. Nếu tính riêng từ năm 2005 đến nay, thành phố đã thu hồi 1,720 ha đất, tương đương 57,580 hộ dân mất đất sản xuất; 5,927 hộ phải tái định cư. Trong số đó, có 3.5 vạn hộ bị thu hồi 30% diện tích đất nông nghiệp, chiếm 60% số hộ bị thu hồi đất”.
Bài viết của tờ TBKTVN nhìn nhận rằng, “cơ chế chính sách chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ chưa được quan tâm đúng mức. Cùng với việc mở rộng các khu công nghiệp, tốc độ đô thị hóa nhanh ở các quận, huyện ven thành phố như Từ Liêm, Gia Lâm, Tây Hồ... khiến Hà Nội không còn đất canh tác và có khoảng 100,000 lao động trong độ tuổi cần việc làm mỗi năm.”
Nhà cầm quyền CSVN từng rêu rao rất nhiều lần là phải giải quyết trước chỗ ở, giải quyết việc làm, đất sản xuất cho người dân trước khi giải tỏa đất đai, nhà cửa. Nhưng đó chỉ là những lời tuyên truyền để xoa dịu quần chúng. Thực tế, báo chí trong nước đã có rất nhiều bài viết cho thấy, các khu gọi là “tái định cư” cho các công trình lớn trên cả nước từ đập thủy điện Sơn La, khai thác bauxite ở Lâm Ðồng, khu đô thị mới Thủ Thiêm v.v... đều giống nhau. Người dân đều bị lừa ra khỏi nhà và rơi vào sự khốn đốn, đói khổ.
“Ðánh đổi cho sự phát triển theo hướng hiện đại và công nghiệp hóa này là hàng chục vạn người trong độ tuổi lao động đã mất dần khả năng tự tạo việc làm trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp” TBKTVN viết.
Theo kết quả điều tra của ban quản lý các khu công nghiệp Bắc Ninh, mà tờ TBKTVN thuật lại ở các huyện Quế Võ, Tiên Du và thành phố Bắc Ninh, thì trung bình “mỗi lao động nông nghiệp bị thu hồi 697 m2 đất. Nếu tính cho giai đoạn 2006 đến 2010 thì với 6229,56 ha đất dự kiến chuyển mục đích sử dụng vào các ngành phi nông nghiệp, số lao động nông nghiệp trong các hộ thu hồi đất cần chuyển đổi nghề sẽ lên tới 89,376 người, tăng 1.7 lần so với giai đoạn 2001 - 2005.”
Ðối với các tỉnh phía Nam “Diện tích đất bị thu hồi ở vùng Ðông Nam Bộ chiếm 2.1% diện tích đất nông nghiệp. Chỉ riêng Sài Gòn, từ năm 1998 đến nay, để thực hiện khoảng 800 dự án, đã có trên 100,000 hộ dân bị giải tỏa, phần lớn thuộc các quận, huyện ngoại thành”.
Xưa nay họ chỉ quen công việc đồng ruộng nên “chất lượng lao động nông thôn còn thấp, cả về trình độ văn hóa lẫn chuyên môn kỹ thuật. Có đến trên 83% lao động nông thôn chưa từng qua trường lớp đào tạo chuyên môn kỹ thuật nào và khoảng 18.9% lao động nông thôn chưa tốt nghiệp tiểu học trở xuống. Vì vậy khả năng chuyển đổi nghề nghiệp, tìm kiếm hoặc tự tạo việc làm tốt hơn đối với nhóm lao động này là không đơn giản.”
Hiện nay, ít nhất 52,700 ha đất trong đó có 10,500 ha đất nông nghiệp đã được cấp cho 145 dự án làm sân golf phục vụ giải trí cho quí tộc đỏ. Con số này được mô tả là “nhiều gấp 10 lần” trung bình trên thế giới, đẩy nông dân vào đường cùng.
TH
No comments:
Post a Comment