Tuesday, June 16, 2009

GIỚI TRẺ VIỆT NAM NGHĨ GÌ VỀ VỤ LS LÊ CÔNG ĐỊNH BỊ BẮT ?

Giới Trẻ nghĩ gì về vụ bắt giữ LS Lê Công Định?
Hiền Vy, thông tín viên RFA
2009-06-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-do-youth-in-Vietnam-think-about-the-arrest-of-lawyer-LeCongDinh-HVy-06152009152747.html
Trưa thứ Bảy 13 tháng 6, cục An ninh Điều tra của Bộ Công an Việt Nam đã bắt khẩn cấp Luật sư Lê Công Định, một thành viên Đoàn Luật sư TP.HCM.
Theo thông báo của cơ quan công an, LS Định bị bắt giữ vì có dấu hiệu phạm hai tội “Tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” và “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Giới trẻ trong nước nghĩ gì về việc này?

Luật sư Lê Công Định. photo courtesy of ThanhNien
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/What-do-youth-in-Vietnam-think-about-the-arrest-of-lawyer-LeCongDinh-HVy-06152009152747.html/LeCongDinh-250b.jpg

Lật đổ chính quyền?
Trước việc luật sư Lê Công Định bị bắt giam khẩn cấp về tội tuyên truyền chống phá nhà nước, anh Trung một cư dân của Sài Gòn cho rằng:
“Những ai mà lên tiếng nói hay những ai làm cái gì có lợi cho đất nước, có lợi cho dân tộc thì đảng Cộng Sản đều qui vào cái tội là vi phạm điều 88 bộ luật hình sự là quấy phá nhà nước hay là điều 258 luật hình sự là lợi dụng quyền tự do dân chủ.
Luật sư Lê Công Định là một người trí thức mà nói lên tiếng nói như vậy thì đảng cộng sản rất là sợ. Họ sợ những người trí thức vì trí thức là một đầu tàu cho những thành phần khác đứng lên”.

Cô Trang Nhung, hiện đang sinh sống tại Hà Nội thì có ý kiến:
“Chính quyền cáo buộc cho luật sư Lê Công Định vi phạm điều 88 là đã hình sự hóa, phỉ mạ cái việc làm của anh. Từ trước đến nay thì chính quyền vẫn dùng điều luật này để cáo buộc những ai có quan điểm khác với chính quyền, chắng hạn như blogger Điếu Cày, luật sư Nguyễn văn Đài, luật sư Lê thị Công Nhân… nói chung là những người bất đồng chính kiến đều có khả năng bị qui vào tội ấy”.

Một cư dân khác của thành phố HCM, tên Quốc, thì nói:
“Tội tuyên truyền chống phá nhà nước thì chỉ có nhà nước kỳ lạ như Việt Nam đây mới có điều luật ấy. Tôi thấy ở các nước khác chỉ có tội phản bội quốc gia. Các chính sách thì cần sự phản biện, chính ông Nông Đức Mạnh đã từng cho, tức là đã từng nói rằng cần nuôi dưỡng cái kênh phản biện bởi phản biện là cần thiết. Cần thiết cho bất cứ một cơ chế nào”.

Tư tưởng Lê Công Định
Trả lời câu hỏi về những bài viết của luật sư Lê Công Định đã ảnh hưởng thế nào lên giới trẻ, cô Trang Nhung cho biết:
“Các bài viết của luật sư Lê công Định cho thấy người viết là một người rất giỏi, có lối suy nghĩ rõ ràng, mạch lạc và những bài viết của luật sư Định giúp em và giới trẻ nói chung, hiểu biết về luật pháp, kinh tế, chính trị.
Các bài viết của luật sư Định chỉ ra những quan điểm rất khách quan công bằng, chứ không phải để đánh phá nhà nước. Những bài viết đó có tác dụng nâng cao dân trí. Những người chưa hiểu rõ về luật pháp và về những vấn đề liên quan đến chính trị thì qua những bài viết này có thể sẽ thấu hiểu thêm nhiều điều”.

Còn anh Quốc thì nhắc đến bài viết “Trả lại Hào Khí Diên Hồng” của luật sư Lê Công Định:
“Những bài viết của anh Định mà tôi đã đọc thì tôi rất xúc động. Tôi cảm thấy chính bản thân mình phải nên có những suy nghĩ như thế. Là một công dân thì nên có những suy nghĩ như trong những bài viết của anh Định, như quan điểm trong bài “Hào khí Diên Hồng”.
Những lời nói của anh, những hiệu triệu của anh sẽ làm cho mình trở thành những công dân tốt hơn chứ không có cái ý đồ lật đổ gì cả. Đọc bài ấy mình cảm giác rằng phải sống tốt hơn, sống có ý nghĩa hơn đối với đất nước, đối với dân tộc”.

Anh Trung cũng cho biết là rất tâm đắc với bài “Trả lại Hào Khí Diên Hồng”:
“Em rất tâm đắc việc luật sư Định đã đưa vấn đề này lên . Rất hay và rất cần thiết cho tình hình bức thiết hiện nay. Luật sư đã nói lên tiếng nói lương tâm của ông”.

Tại sao phải bắt giam?
Theo anh Trung thì mục đích của nhà nước khi bắt giam luật sư Định là nhằm ngăn cản giới trẻ nói lên tiếng nói của họ mà thôi:
“Nhà cầm quyền thấy tiếng nói của luật sư Định mạnh mẽ như ngọn lửa, nên họ phải tìm cách dập tắt ngọn lửa đó để ngọn lửa khác không ngoi lên được”.

Nhưng anh Quốc thì cho rằng việc làm đó chỉ khơi động thêm lòng yêu nước trong người khác:
“Nhà nước giam cầm anh Định như vậy thì mục đích của họ cũng khó đạt được, tức là đừng có nghĩ rằng việc bắt bớ này là đè bẹp những tiếng nói yêu nước khác. Điều đó chỉ kích thích tiếng nói yêu nước khác mà thôi”.

Và chúng tôi xin mượn lời nói của sinh viên Nguyễn Tiến Nam để kết thúc bài phóng sự này:
“Luật sư Định là một người tài giỏi, sự tài giỏi của anh đã được các trang mạng, các trang báo viết đi bên lề phải của Việt Nam ca ngợi anh như là một nhân tài mới của giới luật sư, nên khi anh bị bắt thì sự nổi tiếng đó của anh đã làm cho nhiều người cảm thấy ngỡ ngàng và thấy rằng khi một luật sư, một người bất đồng chính kiến ở Việt Nam nói lên tiếng nói đòi quyền dân chủ, dân quyền thì bị bắt.
Điều này làm cho giới trẻ nghĩ rằng bất cứ người Việt Nam nào nói lên tiếng nói của mình đều bị đàn áp bởi đảng cộng sản Việt Nam, giống như bà Aung San Suu Kyi của Miến Điện. Bà là người đã đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền của Miến Điện mấy chục năm nay.
Bà đã tuân phục luật pháp của Miến Điện nhưng bà không chấp nhận sự độc tài của chính phủ quân Phiệt của Miến Điện. Cũng như luật sư Lê Công Định, anh tuân thủ đầy đủ luật pháp của Việt Nam nhưng anh không chấp nhận sự cai trị độc tài độc đảng của đảng cộng sản Việt Nam và anh mong muốn rằng đất nước ViệtNam phải có sự dân chủ, nhân quyền thật sự”.

(Hiền Vy, thông tín viên RFA)

Bạn nghĩ gì về vụ này? Hãy gửi đến Ban Việt Ngữ ý kiến của Bạn, hoặc tham gia thảo luận tại
Trang blog Ban Việt ngữ RFA

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.


Đến Cả Cách Xưng Hô Cũng Bị Chi Phối
Thiện Giao, phóng viên RFA, Bangkok
2009-06-15
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-media-describes-lawyer-le-cong-dinh-as-a-criminal-06152009151631.html
Một vài bài báo dùng danh từ “luật sư Lê Công Định” hay “ông Lê Công Định” để nói về vụ cơ quan hữu trách “bắt khẩn cấp” luật sư này hôm 13 tháng Sáu vừa qua.
Nhưng nhiều cơ quan truyền thông khác thì lại xưng hô trống không, thậm chí gọi người bị bắt là “y,” đồng thời khẳng định “dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật bắt khẩn cấp Lê Công Định…”
Giới quan sát cho rằng báo chí đã mô tả ông Định như một tội phạm ngay cả trước khi vụ án được khởi tố. Và điều này có thể dẫn đến một số hậu quả.

Luật sư Lê Công Định.Photo courtesy Blog LS. Toan
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/Vietnamese-media-describes-lawyer-le-cong-dinh-as-a-criminal-06152009151631.html/LecongDinh-180.jpg

Phóng viên thiếu trình độ hay làm việc theo chỉ đạo?
Một nhà báo tại Việt Nam nhận định rằng cách thức báo chí đưa tin trong vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định cho thấy truyền thông Việt Nam vẫn chưa rút ra được bài học từ các sự kiện trong quá khứ.
Thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến đã từng bị báo chí mô tả như một tội phạm trong vụ PMU18 ngay cả trước khi ông bị bắt; nhưng rồi nhân vật này đã được tuyên bố gần như trắng án.
Tiếp theo là vụ hai nhà báo Nguyễn Việt Chiến, Nguyễn Văn Hải bị bắt giam vì “lợi dụng chức vụ quyền hạn” trong khi đưa tin về vụ tham nhũng tại PMU18.
Gần đây hơn, Đại Sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam đã gởi thư phản đối đến Tổng Biên Tập Báo Tuổi Trẻ vì một “thư độc giả” liên quan đến ông được đăng trên tờ báo này. Bức thư của Đại Sứ Hoa Kỳ có đoạn nói ông rất buồn khi đọc một bài báo mà cả ông và Tổng Biên Tập Phạm Đức Hải đều biết rằng đó là “một sự bịa đặt hoàn toàn.”
Các sự kiện vừa nêu đều có một vài điểm chung: Báo chí được sử dụng như công cụ để dọn đường dư luận, nhưng chính báo chí cuối cùng phải gánh chịu tất cả hậu quả, mà nặng nề nhất là hậu quả về mặt uy tín trong lòng độc giả.

Một blogger, có tên là Nguyễn Vạn Phú, viết trên blog của ông rằng trong vụ bắt luật sư Lê Công Định, “điều đáng buồn nhất là các bạn phóng viên vẫn quên trích nguồn, cứ lấy phát biểu của bên cơ quan an ninh điều tra như là lời văn của mình.”
Những rắc rối xảy đến cho báo chí trong quá khứ có nhiều vụ bắt nguồn chính yếu từ việc “lấy phát biểu của phía điều tra làm của mình.”

Hồi tháng Mười năm ngoái, báo chí đã từng được “chỉ đạo” khi đưa tin vụ xét xử các phóng viên Nguyễn Văn Hải và Nguyễn Việt Chiến. Các chỉ đạo được đưa ra sau khi ông Tô Huy Rứa, Trưởng Ban Tuyên Giáo Trung Ương, chủ trì một cuộc họp có cả Ban Bí Thư Trung Ương. Trong số các chỉ đạo được đưa ra, có nội dung yêu cầu báo chí “không được bình luận và suy diễn.”
Một đoạn băng ghi âm từng được đưa lên Internet và được công luận tin là âm thanh trong cuộc hội thảo với sự tham dự của Ban Tuyên Giáo, trong đó có ông Tô Huy Rứa, trung tướng công an Vũ Hải Triều đại diện Bộ Trưởng Bộ Công An và ông Hoàng Nghĩa Mai, Phó Viện Trưởng Viện Kiểm Sát Nhân Dân Tối Cao. Nội dung một vài trích đoạn cho thấy cơ quan hữu trách “không thiếu cách bắt” các ông Hải và Chiến. Câu hỏi “lúc nào bắt” chỉ là vấn đề của “dư luận” và “chính trị.”
“Bắt đúng vào lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới tại Việt Nam. Hàng nghìn đại biểu, hàng trăm nhà báo. Chúng ta thiếu gì cách bắt, tôi chắc là ông Quắc, ông Huynh, ông Hải, ông Chiến không chạy trốn. Chúng ta không bắt lúc này thì bắt lúc khác. Trong tay mình mà có gì đâu. Tại sao lại bắt lúc Đại Hội Phật Đản toàn thế giới? Có người nói đây là vô chính trị. Một việc làm vô chính trị.”
“Báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên phản ứng dữ dội. Nhất là ngày 14, tôi đọc bài báo “Phải Trả Lại Tự Do Ngay Cho Các Nhà Báo Chân Chính,” tôi cứ tưởng đây là báo Mỹ cơ, chứ không phải báo mình.”

Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án của Tòa án
Cách đây một tháng, truyền thông Việt Nam cũng đã nhận hậu quả do làm theo “chỉ đạo.” Nguồn tin của chúng tôi cho biết 5 cơ quan truyền thông lớn trong nước đã nhận thư ‘cảnh cáo’ từ luật sư đại diện cho một người Ý trong vụ kiện Vietnam Airlines. Nguồn tin nói rằng, thân chủ đã yêu cầu luật sư của mình “sử dụng mọi công cụ và khả năng pháp lý.” Các cơ quan truyền thông Việt Nam thì bị cảnh cáo đã “xúc phạm” người khởi kiện hãng hàng không Vietnam Airlines.

Trở lại vụ “bắt khẩn cấp” luật sư Lê Công Định. Trong nhiều bản tin đăng tải đồng loạt ngày 13 tháng Sáu, độc giả có thể thấy: luật sư Lê Công Định được mô tả như một tội phạm, cho dầu ông chỉ mới bị bắt có mười mấy giờ đồng hồ trước đó, và cơ quan hữu trách cũng chưa khởi tố vụ án.
Ông Định cũng không hề có cơ hội được lên tiếng trong khi báo giới đồng loạt đưa tin từ cùng một nguồn, là Nhà Nước. Thậm chí, qua đến ngày hôm sau, báo Công An Nhân Dân khẳng định “Dư luận quần chúng nhân dân đồng tình, hoan nghênh các cơ quan bảo vệ pháp luật đã bắt khẩn cấp Lê Công Định, sớm ngăn chặn những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội của Định và đồng bọn.”

Là một luật sư, chắc chắn ông Định biết rất rõ nguyên tắc căn bản: “Không ai bị coi là có tội và phải chịu hình phạt khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.” Cách thức báo chí đưa tin gần như kết luận trong vụ bắt luật sư Định lại một lần nữa mở ngỏ cho khả năng ông Định có thể kiện họ trong tương lai.

Blogger Nguyễn Vạn Phú nhận xét trong bài viết của ông, rằng đã có một số bản tin thể hiện sự chuyên nghiệp khi từ đầu đến cuối luôn luôn dùng từ “ông Lê Công Định” hay “luật sư Lê Công Định.” Trong khi đó, nhiều bản tin khác cứ nói trống không “Lê Công Định,” “Định” hay “y”… Câu hỏi đặt ra là: Tại sao người phóng viên cứ phải luôn bị nguồn tin chi phối, thậm chí chi phối đến cả cách xưng hô?

Copyright © 1998-2009 Radio Free Asia. All rights reserved.

No comments: