19/6 Tưởng nhớ cậu và ngoại
Huỳnh Ngọc Tuấn
Đăng ngày 16-6-2009
http://danchimviet.com/articles/1209/1/196-Tng-nh-cu-va-ngoi/Page1.html
Gia đình của ngoại tôi là một gia đình khá “đặc biệt”. Ông ngoại tôi mất sớm, lúc chỉ mới 40 tuổi, để lại một người vợ trẻ và năm đứa con dại.
Mẹ tôi là con gái đầu và duy nhất. Sau mẹ là bốn người em trai. Ông ngoại mất được một thời gian thì bà ngoại bị bệnh và mù cả hai mắt. Mẹ tôi tần tảo buôn bán nuôi bốn người em trai. Một năm sau, cậu Ba của tôi đi quân dịch. Vì là một ngư dân trẻ, thành thạo việc đi biển nên cậu ba tôi vào hải quân. Từ đó cậu lênh đênh trên biển cả một đời.
Từ ngày cậu Ba vào hải quân, mẹ tôi cùng đỡ vất vả hơn. Tiền lương ít ỏi cậu gởi về cho ngoại ăn trầu, cho mẹ tôi nuôi ba người em còn lại.
Một năm sau, cậu Năm cũng vào quân đội (người con thứ tư của ngoại tôi, bị chết khi còn trong bụng mẹ nên không biết là trai hay gái).
Cậu Năm đi học lái xe, rồi đóng quân ở Đà Nẵng. Nhiều lần cậu về thăm nhà, có khi trên đường chở hàng cho quân đội cậu “tranh thủ” tạt về thăm, quẳng xuống cho mẹ tôi mấy bao gạo. Tiền lương của người lính quân xa cũng khá, cho nên mẹ cũng may được một ít quần áo đẹp để mặc…,rồi mẹ đi lấy chồng.
Rồi bốn năm sau nữa (theo lời mẹ tôi kể), cậu Sáu cũng đi quân dịch, đó là thời Đệ Nhất Cộng hoà. Bà ngoại mù loà bây giờ sống với cậu Út. Cậu Út đi biển để kiếm cá tươi cho ngoại ăn và cũng để “viện trợ” cho gia đình tôi.
Năm 1963, lúc đó tôi bốn tuổi, ngày giỗ ông ngoại cả ba cậu đều về (gia đình tôi lúc này vẫn còn sống ở quê ngoại, chưa chuyển lên Tam Kỳ). Ai cũng mặc đồ quân nhân trông oai phong lẫm liệt. Các cậu chưa ai có vợ nên rất quý anh em tôi, nhất là tôi, các cậu dành nhau bồng bế hôn hít.
Tôi nhớ mang máng, khi khách khứa đã đi về hết, chỉ còn có cha mẹ tôi, bà ngoại, các cậu và anh em chúng tôi, trên một khoảng sân hẹp của ngôi nhà tranh ấm cúng, trước sân nhà là cây bầng cao (anh em tôi vẫn thường nhặt ăn trái bần chín thơm phức rơi đầy khoảng sân rộng). Ba cậu trải chiếu ngồi trên sân, buổi chiều mùa thu hiu hắt buồn, vừa uống bia vừa nói chuyện, họ cười nói rất to. Họ kể về đời lính, về những trận đánh, về những chiến tích có thật và cả tưởng tượng của họ…
Tôi còn nhỏ quá, không nhớ gì nhiều, chỉ còn nhớ một đoạn cậu Ba nói:
- Chừ mình đang ăn uống đây bọn Việt cộng xông vào thì tính răng?
Cậu Sáu móc trái lựu đạn màu xanh (người ta vẫn gọi nó là lựu đạn mãng cầu vì trên thân nó có những rãnh hằn sâu như trái mãng cầu (người quê tôi vẫn gọi trái na là trái mãng cầu). Cậu chuyền qua chuyền lại trên tay rồi vừa nói vừa cười:
-Tôi cho chúng nó ăn trái mãng cầu này.
Còn cậu Năm thì kéo chiếc áo ngắn mặc lót ở trong lên để lộ ra cái báng súng lục màu thép đen.
- Tôi có cái “giò heo” đây.
Rồi họ cười ầm ĩ. Cậu út hiền lành ít nói chỉ cười buồn buồn... Lúc này tôi còn bé, không biết được tâm sự của cậu Út.
Sau này tôi nghe mẹ kẻ cậu buồn vì mình chưa đủ tuổi để vào quân đội, đơn giản là chỉ muốn được “oai” như các anh.
Các cậu tôi chỉ là những ngư dân chất phác, họ coi chiến tranh chỉ là cơ hội cho tuổi trẻ tung hoành. Họ vào lính là để thoả chí “tang bồng” thế thôi. Họ chống Cộng vì đó là trách nhiệm công dân, tôi không biết các cậu tôi hiểu gì về cộng sản, nhưng khi nói về Việt cộng họ tỏ ra khinh bỉ và căm ghét.
Hai năm sau nữa thì cậu Út cũng vào quân đội, khi đó cậu chỉ mới mười bảy tuổi. Vì thiếu tuổi nên cậu dùng giấy khai sinh của cậu Sáu. Thời đó, Việt Nam Cộng Hoà quản lý con người rất lỏng lẻo, họ không truy xét xem cậu Út có man khai không?! Mấy năm sau cậu Út hy sinh với cái tên Mai Đức Dũng tức là tên của cậu Sáu tôi.
Tôi nhớ có lần cũng là ngày giỗ của ông ngoại, các cậu về thăm gia đình chúng tôi (lúc đó đã chuyển lên sống ở quận lị Tam Kỳ). Sau khi đã ngà ngà say, họ lại cãi nhau rất to tiếng.(lúc đó vào khoảng năm 1967, tôi được tám tuổi). Lý do cãi nhau là vì ai cũng cho binh chủng của mình là nhất. Mỗi người họ đều tự hào, đều ca ngợi về binh chủng mà họ đang phục vụ. (Sau này tôi từng chứng kiến những trận đánh nhau rất to tại Thị xã Tam kỳ giữa những người lính với nhau, cũng xuất phát từ lòng tự hào binh chủng).
Họ cãi nhau to tiếng đến nỗi cha tôi phải can thiệp còn mẹ tôi thì mắng họ, đến lúc đó họ mới thôi. Không được cãi nhau nữa, họ lăn ra ngủ như chết.
No comments:
Post a Comment