Vì lợi nhuận, doanh nghiệp “giết” môi trường?
Ngày 02.06.2009 Giờ 20:25
http://www.sgtt.com.vn/Detail29.aspx?ColumnId=29&newsid=52306&fld=HTMG/2009/0602/52306
Thà chấp nhận vi phạm rồi bị phạt hành chính còn hơn là phải bỏ cả núi tiền để đầu tư công nghệ xử lý chất thải – thực tế ấy đã được Phòng cảnh sát môi trường (CSMT) công an TPHCM cảnh báo từ lâu nhưng các cơ quan chức năng vẫn không có cách nào để ngăn chặn, hậu quả là môi trường đang từ từ chết.
Danh sách các doanh nghiệp vi phạm nhưng các cơ quan chức năng không thể áp dụng biện pháp mạnh ngày càng dày thêm. Cụ thể, cuối tháng 4.2009, tại huyện Hóc Môn, lực lượng lực lượng cảnh sát môi trường (CSMT) TP đã phát hiện hệ thống XLNT của Công ty TNHH Phạm Thu hệ thống XLNT (công suất 500m3/ngày) không hoạt động. Nước thải được cho chảy qua một đường cống ngầm chôn sâu dưới lòng đất cách công ty gần 500m, rồi đổ thẳng ra lòng kênh Xáng. Trước đó, tại huyện Nhà Bè, lực lượng CSMT cũng bắt tận tay, công ty Cổ phần thuộc da Hào Dương xả thẳng nước thải ra sông Đông Điền qua 5 ống xả. Huyện Bình Chánh, CSMT cũng bắt quả tang Công ty TNHH Tân Đức Thảo (đơn vị chuyên xử lý ô nhiễm môi trường về chất thải nguy hại) ký hợp đồng thu gom hơn 150 tấn chất thải nguy hại mang về xử lý bằng cách… chôn sâu dưới lòng đất (?!).
Chưa hết, số liệu của sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) còn kinh hoàng hơn. Chỉ tính trong tháng 5-2009, sở này đã ban hành hơn 10 quyết định xử phạt doanh nghiệp không thực hiện quản lý, chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định. Đơn cử như Công ty TNHH Như Kiệt (số 13 Nguyễn Trãi, phường 2, quận 5); Công ty TNHH Shing Việt (Km 9 xa lộ Hà Nội, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức… Tuy bị bắt quả tang nhưng những đơn vị này chỉ bị phạt với mức phạt tiền 10 triệu đồng, vì có chung một hành vi vi phạm là thu gom, quản lý và xử lý chất thải nguy hại không đúng theo quy định. Ở phạm vi rông hơn, sở này cho biết chỉ, trong năm 2008, có gần 300 quyết định xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực môi trường được ban hành. Trong đó, có gần phân nửa quyết định xử phạt các doanh nghiệp do chưa thực hiện thu gom, quản lý và chuyển giao chất thải nguy hại đúng quy định.
Một cán bộ của CSMT bức xúc, cứ nhìn vào số tiền bị phạt cao nhất và số tiền mà doanh nghiệp đó sinh lời khi bất chấp sự nguy hại của môi trường thì có thề dễ dàng trả lời cho câu hỏi: vì sao ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng.
Chỉ biết hát bài ca… hy vọng
Có thể lấy phân tích của một vị đại biểu HĐND sau đây để minh chứng cho bài toán lợi nhuận của doanh nghiệp: Để chuyển giao xử lý một tấn chất thải nguy hại, doanh nghiệp phải chi trả cho đơn vị thu gom từ 2 triệu – 7 triệu đồng (tùy loại chất thải). Còn với chất thải rắn công nghiệp thì doanh nghiệp chỉ phải đóng khoản tiền vài chục ngàn đồng/tháng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp đã không ngại ngần khi trộn chất thải nguy hại vào chất thải rắn công nghiệp để giảm chi phí chi trả cho việc xử lý chất thải nguy hại.
Mánh khóe như vậy, nhưng khi bị các cơ quan chức năng sờ gáy thì họ lại tỏ ra khờ khạo khi cho rằng, họ không thể phân biệt đâu là chất thải nguy hại và đâu là chất thải rắn công nghiệp hoặc không thể tìm đâu ra đơn vị thu gom, xử lý chất thải nguy hại (!?).
Sự lờn mặt của DN nguy hiểm đến nỗi, Thượng tá Nguyễn Văn Hoàng Hải, Trưởng Phòng CSMT Công an TP.HCM phải nói thẳng, rất nhiều DN với mục đích kiếm lợi nhuận bằng cách tiếp kiệm chi phí, nhiều DN chỉ vận hành hệ thống chất thải mang tính đối phó, thậm chí không vận hành mà tìm cách xả trực tiếp các loại chất thải ra môi trường.
Chế tài “nhẹ cân” đến mức, Sở NN & PTNT TPHCM cũng phải kêu than. Theo đại diện sở này thì, thông thường khi quyết định kiểm tra phải thông báo cho DN được kiểm tra biết khi tiến hành kiểm tra. Chính biết yếu điểm này nên các doanh nghiệp thường thực hiện tốt việc vận hành hệ thống xử lý chất thải ngày kiểm tra, hoặc đối phó bằng cách tạm ngưng hoạt động sản xuất. Trường hợp kiểm tra đột xuất, DN thường từ chối phối hợp với lý do không có chủ DN hoặc người đại diện để làm việc. Đó là chưa kể, các DN thường thiết kế đường ống ngầm nhưng không có sơ đồ hệ thống đường ống gây nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, giám sát việc xả chất thải.
Theo sở TNMT, biện pháp hiệu quả nhất để buộc doanh nghiệp phải thực hiện tốt công tác quản lý, chuyển giao chất thải đúng quy định là xử phạt. Nhưng với mức phạt khoảng 10 triệu đồng/lần phạt là quá thấp so với lợi nhuận mà họ thu được nhờ trốn chuyển giao chất thải nguy hại. Do đó nếu biện pháp chế tài không được tăng nặng và thực hiện triệt để hơn thì doanh nghiệp sẽ vẫn chọn lợi nhuận thay vì phải có trách nhiệm với lợi ích môi trường và cộng đồng.
Còn thượng tá Hải kết luận, tuy bằng chứng vi phạm của các đơn vị bị bắt quả tang chất thải nguy hại ra môi trường rất rõ ràng nhưng không thể truy tố trước pháp luật vì luật pháp còn nhiều bất cập.
Tùng Quang
No comments:
Post a Comment