Cuộc gặp gỡ thú vị
Ghi chép của Trần Khải Thanh Thủy
Friday, June 19, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96773&z=2
Trong cơn mưa đổ sầm sập, đến mức “phố uốn thành dòng sông uốn quanh”, ngập nửa bánh xe, tôi bỗng nhận được cú điện thoại gọi đến.
Nhấc ống nghe lên, tôi nhận ra tiếng một người ngoại quốc gọi tên mình bằng chất giọng đặc biệt ấn tượng: Tràn Khại Than Thụy.
Với thứ tiếng Anh vay mượn của tôi từ ngót nghét 30 năm trời nay, cho dù được cứu vớt trong 9 tháng 10 ngày ở tù, cũng không cứu tôi ra khỏi dòng ngôn ngữ mà người đầu dây gọi, trong khi tôi yêu cầu ông ta nói tiếng Việt, thì ông ta “no, no” hoài và khó khăn lắm tôi mới hiểu được ông ta tên Bernd, muốn gặp tôi trong vòng một tiếng nữa.
Chưa biết ra khỏi nhà bằng cách nào trong cảnh mưa trắng trời, trắng đất như thế này, thì đầu dây lại có tiếng nói. Lần này là tiếng người Việt nói tiếng Nam... Chỉ vẽ vòng quanh vài phút mới hiểu rằng ông Bernd đang ở Sài Gòn, vì vậy cuộc gặp đành ấn định vào ngày mai, khi ông bay ra Hà Nội.
Ðặt ống nghe xuống, tôi thở phào nhẹ nhõm, cũng may ông đang ở Sài gòn, nơi chợt nắng, chợt mưa, rồi chợt tắt, nếu không, cả tôi và ông đều chỉ còn cách ngồi trong nhà nhìn trời mà khóc theo mưa, vì Hà Nội (dù đã từng tăng trưởng kinh tế tới 8.5 %, chỉ đứng sau các thành tựu kinh tế của Trung Quốc!), đã làm gì có xe lội nước? Ngay cả nút giao thông Kim Liên - nơi hầm chui cơ giới hiện đại nhất Việt Nam vừa được khai thông một tiếng đã bị ngập, người và xe máy, ô tô, lóp ngóp đi trong mưa, ướt lướt thướt như chuột lột, thì những nơi khác, do người dân “thực” được từ thời Pháp thuộc, cách đây gần trăm năm, bị xuống cấp trầm trọng, còn ngập đến mức nào?
Cuối cùng một ngày chờ đợi cũng qua nhanh, tôi cùng chị bạn đi taxi đến khách sạn Sophia plaza - cạnh Hồ Tây, để gặp ông theo lời hẹn.
Vừa tiến vào tiền sảnh của khách sạn, giữa lúc chúng tôi lúng túng chưa biết vào bằng cách nào vì không đem theo chứng minh thư, và điện thoại của ông có thể không gọi được, ông đã tiến ra, cao lêu đêu và nụ cười rạng rỡ, bất giác làm tôi nhớ lại nhận định của một học giả: “Nụ cười là phương tiện giao tiếp duy nhất không cần phiên dịch, ngôn ngữ”.
Nhờ nụ cười cởi mở và cái bắt tay lịch thiệp của ông mà chúng tôi lập tức quen nhau ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Trong căn phòng nhỏ của khách sạn, nơi cửa kín, phòng sang, ông tự nói về mình: ông là Bernd Musch - giám đốc đài phát thanh ARD tại Ðức, chuyên đặc trách về khu vực Ðông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Trong chuyến đi này, ngoài việc quan tâm đến con người và đất nước Việt Nam, điều mà ông cần phản ánh bằng tiếng Anh và tiếng Ðức trên đài ARD - là vấn đề nhân quyền của Việt Nam. Vì vậy ông muốn gặp một số nhân vật tiêu biểu trong hàng ngũ đấu tranh đòi hỏi dân chủ thật sự, những người mà ông biết - luôn là nạn nhân của sự độc tài phi nhân - như vợ ông - một cư dân Ba Lan - phải tị nạn sang Ðức, và bị cấm trở lại quê hương khi đảng Cộng Sản Ba Lan còn chưa sụp đổ.
Câu hỏi đầu tiên ông đã đặt ra cho tôi là:
- Bà cảm nhận thế nào về việc Luật Sư Lê Công Ðịnh bị bắt. Việc bắt khẩn cấp một luật sư như Ðịnh có phải là điều cần thiết như nhà nước Cộng Sản công bố không?
Tất nhiên, tôi khẳng định sự hèn nhát, dối trá, bạc nhược của nhà nước này, sợ tất cả những tiếng nói trung thực, những đảng phái manh nha hình thành, những lãnh đạo trẻ tuổi, nhiệt huyết, có tầm vóc, uy tín, theo phương án: “Bóp chết gà từ trong trứng”. Huống hồ một người học giỏi, tài cao, có tâm với đất nước như Ðịnh: Sẵn sàng từ bỏ tất cả danh vọng, tiền tài, địa vị để đi theo tiếng gọi của con tim, để đấu tranh cho một nền pháp lý thực sự tự do, dân chủ ở Việt Nam. Trong cảnh “tranh tối tranh sáng”, nhà cầm quyền Cộng Sản đã lợi dụng bóng tối độc tài để bắt Ðịnh khi ánh sáng dư luận còn chưa kịp gối đầu lên thay thế.
Có vẻ như hài lòng với câu trả lời của tôi qua cách phiên dịch của chị bạn đi cùng, ông gật gù rồi quay sang đặt câu hỏi:
- Tôi nghe nói trước đây bà đã từng bị bắt.
- Vâng tôi nhớ lại thời điểm hơn 2 năm trước, ngày 21 Tháng Tư 2007 để trả lời:
- Tôi bị bắt trước ngày 30 Tháng Tư chín ngày, một ngày nhạy cảm của dân tộc tôi khi chính quyền Cộng Sản xua quân vào lấn chiếm miền Nam, để lại vết thương sau 34 năm còn rỉ máu...
- Trong tù họ đối xử với bà ra sao?
- Như tất cả các tù thường phạm khác. Rất tồi và vô cùng tệ hại. Ðiều này tôi xin khẳng định rõ ràng vì đã chứng kiến những nhà tù ở Ðức qua Net hoặc trên sách báo. Vẻn vẹn 15 kg gạo, 15 kg rau, 15 kg củi, 3 lạng thịt và nửa ký cá một tháng. Không được quyền sử dụng giấy bút, không được phép gọi điện thoại, hoặc gặp gỡ thân nhân trong cả thời gian dài. Trong khi chỗ ở vô cùng chật chội, tối tăm. Người ít là 60cm, người nhiều là 2m, còn thông thường là 80 cm. Tất nhiên bị coi là những công dân hạng bét, cần phải cải tạo tư tưởng chống đối, tiến bộ, tránh lây nhiễm trong cộng đồng, nên chúng tôi còn phải chịu cả áp lực về tinh thần và bản thể:
Thiếu thốn, đói rét, chất lượng cuộc sống chỉ là một sự hành hạ triền miên, ăn cơm cục, uống nước đục, toàn thân phù nề, ngứa ngáy vì thiếu chất và thiếu khí. Chỉ thời gian và sự ô nhiễm là thừa ứ, nên ai cũng mắc chứng bệnh phù thũng và ngứa ngáy khắp người, đặc biệt là vùng kín.
- Tại sao bà lại dấn thân vào con đường nguy hiểm này?
- Vì chúng tôi không thể sống quỳ, cha ông chúng tôi là những thế hệ Cộng Sản đầu tiên, đã bị đảng lừa trắng mắt, trắng tay, nên chúng tôi phải vùng lên để cùng nhau xóa bỏ những đam mê, bưng bít, những dối trá, lọc lừa, để con cháu chúng tôi không bị độc tài đè đầu, cưỡi cổ, không bị tiêm nhiễm tư tưởng Hồ Chí Minh, quốc tế Cộng Sản, học thuyết Mác Lê - thọc huyết loài người.
- Bà có điều gì lo ngại cho sức khỏe cũng như sự đàn áp của chính quyền không?
- Về cơ bản, chúng tôi chấp nhận, coi nỗi đau của dân tộc là nỗi đau của mình. Ðã dấn thân vào con đường lớn của tương lai, của hội nhập toàn cầu, là phải biết chấp nhận sự thiệt thòi, hy sinh. Biết ủ đau thương trong hiện tại để sinh nở cái oai hùng cho tương lai con cái sau này, đưa tiền đồ dân tộc ra khỏi vòng luẩn quẩn, tăm tối. Hơn nữa bên cạnh tôi luôn có cả một hàng rào nhân ái bao bọc, trước là 3 triệu đồng bào hải ngoại, nhưng hiện tại và sắp tới sẽ là tất cả những con người có lương tri tại quốc nội.
Ngừng lại để thưởng thức vị sinh tố ngay trước mặt, cũng là dành thời gian để chị bạn chuyển ngữ, thấy ông Bernd vẫn tỏ ý lắng nghe, tôi tiếp tục bày tỏ quan điểm của mình:
- Nếu đấu tranh công khai trực diện tôi không sợ, vì tôi biết mình đang đi theo lẽ phải của cha ông, đi bằng niềm tin của gần 7 tỷ người trên thế giới, nhưng tôi rất coi thường những trò hạ đẳng, bẩn thỉu, đê tiện do nhà nước Cộng Sản nghĩ ra. Cụ thể, suốt 3 tháng vừa rồi, nhà tôi tràn ngập những... bông hoa văn hóa - lúc vàng , khi đen của đảng - gồm chuột chết, xác nhuyễn thể, xương động vật thối ngâm trong dầu bẩn, đặc biệt là phân tươi.
Không tin vào sự thực này, Bernd nhíu mày - những nét nhăn sâu vạch ngang vầng trán:
- Thật ư? Ai là kẻ gây ra cho bà những hiểm họa kinh khiếp này?
- Quyền lực đỏ và xã hội đen, thưa ông. Nói chính xác hơn đó là những kẻ nghiện ngập, nợ án, được công an thuê đến theo chủ trương lớn của đảng, thông qua các nghị quyết CP - nghị quyết chính phủ - nghị quyết c... phân v.v... Cho đến ngày 4 Tháng Năm, chủ trương này mới tạm dừng lại mà chưa biết đảng còn tiếp tục ra chỉ thị CP nào nữa không?
Gật gù, tư lự, đôi mắt xanh luôn linh hoạt chuyển động trên sống mũi cao, cương trực, ngài Bernd phá tan không khí mát lạnh do điều hòa nhiệt độ trong phòng bằng một câu hỏi nóng:
- Bà viết bài bằng cách nào, các tác phẩm trong nước của bà có được sử dụng không?
- Tất nhiên là không, 18 tác phẩm của tôi in trong nước bị phong toả, bị thu hồi và trả về không thương tiếc từ tất cả các đại lý lớn nhỏ trong số 31 tỉnh thành cả nước, và hiện tại còn không dưới vài nghìn cuốn bị “tù” oan như vậy... Còn bản thân tác giả bị bôi nhọ, bóp méo thành suy đồi đạo đức, làm tay sai cho lưu vong phản động hay các thê lực thù địch ở nước ngoài.
Trong lúc chị bạn dịch, tôi nảy ra một ý nghịch ngợm, một sự liên tưởng so sánh, thú vị:
- Nếu hôm nay công an biết tôi đến đây để gặp ông, thì lập tức ông cũng sẽ trở thành thế lực thù địch đối với họ, như tất cả đồng bào tôi ở hải ngoại, hay những vị dân biểu các nước thích can thiệp vào nội bộ Việt Nam, mong muốn nhà nước độc tài phải sửa đổi luật lệ, chính sách, mở đường cho tự do nhân quyền ở Việt Nam.
Ðôi mắt xanh biếc của ông lập tức ánh nên những nét cười tinh nghịch, pha lẫn nét trầm buồn tế nhị, ông thú nhận:
- Ở Việt Nam, tôi đang trải nghiệm lại những giây phút trước đây khi vợ tôi còn là một thiếu nữ Ba Lan chống lại đảng độc tài, luôn bị công an rình rập theo dõi, và bản thân tôi hôm nay cũng phải nói dối người... tháp tùng mình là tôi bị đau lưng, không đi đâu cả, để có thể bố trí gặp bà vào giờ phút muộn mằn này. Chính vì anh ta tin là thật, nên 9 giờ kém tôi mới được tự do mời các bà đến đây, hỏi chuyện.
Câu chuyện xoay sang một hướng mới, vui vẻ và nóng hổi tính thời sự, không kém phần hài hước:
- Từ ngày thêm được chữ “nhà” dân chủ, mỗi chúng tôi phải chấp nhận “cưới” thêm dăm bảy chú khuyển áo vàng bên cạnh. Ngay khi nhận thiếp mời họp mặt hoặc cưới xin ai đó, chúng tôi đều giao nhiệm vụ cho nhau, ngày ấy ngày nọ mỗi người phải dắt theo 5, 7 chú để đám cưới thêm phần rôm rả, trong cưới, ngoài canh.
Chỉ ra phía ngoài khuôn cửa, ông Bernd làm điệu bộ nhún vai, lè lưỡi, lắc đầu, điệu bộ rất hài hước, tự nhiên:
- Nếu anh ta không tin tôi mà bỏ đi, thì bây giờ có lẽ chúng ta cũng đang trong cảnh như vậy.
Kết thúc phần chủ đề ngoài luồng, tôi buồn bã chốt lại:
- Vì thế ngôi nhà của chúng tôi không chỉ đơn thuần là nơi trú ngụ, nuôi dưỡng tâm hồn tình của mình và những đứa con mà còn có thêm một chức năng chiến lược vô cùng quan trọng nữa, là... nơi nhốt mình. Thậm chí không được ra chợ mua thức ăn, không được đến đón con ở trường, không được gặp mẹ đẻ... Bị canh 24/24 tiếng, đêm nằm nghe rõ tiếng giầy lộp cộp của các chú công an, tiếng ho hắng, chuyện trò, xen lẫn tiếng gầm gừ, ăng ẳng của anh em nhà họ khuyển, tiếng nguyền rủa độc địa: “Mẹ kiếp, vì mấy đồng lương mà nhục hơn chó”, cả hơi thuốc khét lẹt của những chú chấn hai cho phả vào tận trong nhà qua khe cửa hẹp...
Nhìn đồng hồ đã gần 10 rưỡi, trong khi ông giám đốc đã có dấu hiện mệt mỏi do cả ngày di chuyển chờ đợi trên máy bay, đánh lạc hướng cơ quan an ninh, chúng tôi quay lại chủ đề chính, nhằm phục vụ cho bài viết sắp tới, cũng là một trong phần việc của chuyến xâm nhập thực tế này.
- Bà có sử dụng Internet không? Có bị gây trở ngại gì phía nhà cầm quyền không?
- Có chứ, đó là phương tiện tối ưu nhất giúp tôi có thể buôn lậu chữ nghĩa qua biên giới, sau nhiều lần bị bắt tại quán nét, bị tịch thu phương tiện làm việc. Cụ thể từ ngày 16 Tháng Tám 2006 tôi bị cắt nét, cắt điện thoại di động, điện thoại bàn liên tục, bị tràn vào nhà thu liền 4 máy vi tính, 2 máy scan, hàng chục ổ USB chứa đầy dữ liệu và hàng nghìn lá đơn của bà con dân oan.
- Họ lý giải như thế nào về việc làm này? Mục đích họ làm như vậy để làm gì?
- Với kẻ độc tài thì không có mục đích nào khác nhằm chặn đứng những tiếng nói trung thực, làm ảnh hưởng tới sự tự tung tự tác của họ. Vì vậy họ làm tất cả để bao vây kinh tế, để triệt tiêu nguồn sống, triệt tiêu mầm phản kháng trong mỗi nhà dân chủ, đấu tranh, theo đúng quan điểm của họ từ trước tới nay: “Theo thì sống, chống thì chết”. Khi gà chưa gáy sáng, đánh thức những trái tim lầm lạc, thì trong bóng đêm, ma quỷ luôn nói rằng “việc làm của chúng tao là đúng, là tuân thủ luật pháp, là chủ trương của nhà nước độc quyền này”.
- Công an có thể làm những việc khủng khiếp như vậy sao - tràn vào nhà đọc lệnh, cướp bóc? Bernd nhướn cặp mắt xanh biếc dưới đôi lông mày bạc lên hỏi.
- Vâng, vì đặc thù của nhà nước Cộng Sản Việt Nam là chỉ đào tạo ra những công cụ thừa hành, công cụ kiếm tiền một cách ngu trung, không đào tạo ra những con người biết suy nghĩ, cân nhắc đúng, sai, phải, trái.
Trong lúc ngài giám đốc mắt tròn mắt dẹt, tôi nói thêm:
- Mỗi nhà dân chủ chúng tôi bị cả trăm công an ký sinh sống bám vào để đục khoét tâm huyết, bản thể, để chúng tôi hoàn toàn gục ngã ý chí, còn kẻ ký sinh trùng này thì ăn no bẫm xác trên những đồng thuế của toàn dân.
Sợ ông chưa hiểu, trong khi chị bạn vẫn cố gắng bám sát những ý tưởng của tôi để truyền đạt lại, tôi nói cụ thể hơn:
- Trường hợp anh Ðỗ Nam Hải, mỗi tháng “giúp” công an tiêu tốn 100 triệu đồng. Nơi nào đồng tiền không sinh lợi thì nơi đó bị coi là nguyên nhân của lạm phát. Ðợt đổ “bô xít phân tươi” vào cửa nhà tôi cũng vậy, tốn kém lên tới cả vài chục triệu, vì hễ tiến hành đổ là phải cử người canh hai đầu ngõ ngăn cấm người qua lại để kẻ kia khệ nệ bê “tư tưởng Hồ Chí Minh đổ vào”. Tiền thuê kẻ nợ án, nghiện hút, tiền nuôi bảo vệ, tiền bồi dưỡng cán bộ chiến sĩ công an làm nhiệm vụ canh gác, tiền mua ổ khóa, xích sắt, xô thùng, bình hộp, khẩu trang, bao tay v.v... ròng rã suốt ba tháng trời, tất cả đều được tính thành ngày công, chiến tích trong chiến dịch “trấn áp tội phạm phản động, chống Ðảng, bác” để nhận tiền thi đua khen thưởng.
Không thông tỏ tiếng Anh, không biết chị bạn dịch cụm từ “công an Việt Nam là những vật thể ký sinh sống bám trên lưng những nhà dân chủ, cũng như tầng lớp lãnh đạo đảng là những ký sinh trùng nguy hiểm sống bám trên cơ thể 80 triệu người Việt Nam” như thế nào, mà ngài Bernd cười lớn, tỏ ra rất thích thú, nhắc đi nhắc lại cụm từ này, rồi cả hai quay ra trao đổi bằng tiếng Anh, quên cả tôi đang ngồi trơ khấc bên cạnh.
Trước khi chia tay, nhớ lại kỷ niệm cũ với ngài Dân Biểu Na Uy Piter Get Mark, tôi liền vui vẻ kể lại:
- Tôi hy vọng sáng mai ông vẫn ở lại khách sạn này, không vì gặp tôi mà sáng sớm bị công an vào tận phòng ngủ gõ cửa cảnh báo: “Chúng tôi đã biết tất cả mọi việc làm của ông, đề nghị ông rời khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng nữa, nếu không buộc chúng tôi phải dùng biện pháp mạnh”.
Ðáp lại, ông bảo:
- Biết Việt Nam là một nước nguy hiểm cho những người tôn trọng nhân quyền, nên tôi chỉ ở lại dăm ngày, sau đó sẽ bay sang Singapore, nơi tôi có một studio ở đó.
- Singapore? Tôi hỏi lại đầy ngạc nhiên thích thú vì lẽ Singapore là một nước nhỏ nhưng giàu hơn Việt Nam cả trăm lần, nơi được coi là thu nhập cao nhất khu vực Ðông Nam Á, cũng là nơi có môi trường xanh sạch đẹp nhất, trại tù ít nhất, tỷ lệ tham nhũng ít nhất, trái ngược hoàn toàn với Việt Nam, cái gì cũng xấu nhất nên đi đâu cũng nghe bà con đặt vè...
Xe chạy chầm chậm, đầu tôi ngổn ngang bao nhiêu ý nghĩ, nhất là câu vè của bà con miền Nam đang tràn lan trên mạng, mà tôi chỉ dám chỉnh sửa lại đôi chữ cho phù hợp niêm luật và thêm vào hai câu cuối cho tròn mạch nghĩ:
“Việt Nam hạng nhứt ai ơi
Nhứt cư - như cứt bạn thời biết chưa?
Ăn cướp, ăn cắp, dối lừa
Quan to, chức lớn, mứa thừa, loạn luân...
Chỉ thương cái gọi là dân
Quanh năm suốt tháng làm thân phận rùa”
Nhìn thành phố chuyển về đêm trong ánh sáng muôn hồng nghìn tía, bên cạnh nhạc xập xình từ các quán ăn nhà hàng là những người lao động mặt mày bệch bạc, nhợt nhạt vì kiếm ăn, mệt nhọc đẩy những chiếc xe lăn tự chế, trên chỏng chơ nồi niêu xoong chảo, bát đĩa ấm chén, bàn ghế sứt sẹo, vênh váo... tôi chợt nhớ lại câu nói hôm trước đã nhờ Lê Thị Công Nhân dịch cho nhà báo Na Uy và hôm nay lại là nhà báo Ðức - qua người dịch vô cùng thương quý, thân thiết với em, đó là: “Việt Nam là một tấm áo ngủ sặc sỡ nhưng bên trong đầy những rận”.
Hà Nội đêm 17 Tháng Sáu 2009
Trần Khải Thanh Thủy
No comments:
Post a Comment