Tuesday, June 2, 2009

CỘNG SẢN VIỆT NAM MỞ CHIẾN DỊCH ĐẤU TỐ MỚI ?

Cuộc đấu tố mới?
Nhã Nam
03/06/2009 1:00 sáng
http://www.talawas.org/?p=5406
Ngay khi mạng lưới blog cá nhân nổi tiếng nhất Việt Nam
Yahoo! 360 loan báo sẽ chấm dứt hoạt động, có lẽ có nhiều quan chức, nhiều sĩ quan an ninh Việt Nam thở phào nhẹ nhõm. Yahoo đã gỡ cho họ một mối lo ngại lớn lao cùng một cộng đồng ngày càng nguy hiểm.

Blogger Điếu Cày bị bắt
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/nn1.jpg

Dù vậy, ngay trên trang 1 của tờ báo Đảng Sài Gòn Giải phóng ngày Chủ nhật 31/5/2009 trong mục Sự kiện và Vấn đề, bài “
Cuộc chiến trên thế giới ảo“, tác giả Ngô Ngọc Ngũ Long đã phải thừa nhận: “Người ta ước tính hiện nay có hơn 2 triệu blog cá nhân đang hoạt động tích cực trên thế giới ảo, chỉ mới 3 năm gần đây, nhưng nó đã trở thành một vấn nạn làm đau đầu các cơ quan chức trách“.
Quả thế, cộng đồng những người trẻ và ưa thích phản biện các vấn đề xã hội đã tìm được một công cụ hết sức hữu hiệu để phổ biến, truyền đưa và phê bình thoải mái những vấn đề mà họ quan tâm. Yahoo! 360 đã đáp ứng niềm khao khát to lớn những trao đổi thông tin không hiện hữu trên phương tiện truyền thông “lề phải”. Họ đã liên kết lại thành một cộng đồng mạng đông đúc, ồn ào và gây tiếng vang lớn ở Việt Nam thời gian qua, mà tôi tạm gọi là “phong trào dân báo” với blogger nổi tiếng nhất là Điếu Cày - Nguyễn Văn Hải, người bị bắt ít nhất 3 lần giữa đường phố Sài Gòn vì phản đối Trung Quốc và phải lãnh cái án 30 tháng tù vì tội danh bịa đặt là “trốn thuế” (!). Giờ đây, khi Yahoo! 360 Việt Nam chấm dứt, cộng đồng blogger đông đúc ấy đã bị xé tơi ra và đang cố cứu vãn những bài viết và tìm một chốn nương thân mới bằng các trang mạng khác như Facebook, WordPress, BlogSpot, Multiply, và Opera.

Trở lại bài báo trên SGGP, tác giả Ngô Ngọc Ngũ Long sau vài dòng đánh giá những mặt tích cực (đương nhiên) của Internet (như thông lệ của các bài báo lề phải), bắt đầu hướng mũi tên tẩm đầy chất độc nhắm vào cộng đồng “dân báo”, ông bắt đầu bằng những quy chụp: “Bất kỳ ai cũng có quyền lên blog xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà nước mà khó có bức tường nào ngăn nổi (!). Và từ đó vô số những blog cá nhân với những nickname V.A, T.K, C.W.N, T.D.K, B.L, S.O.H, L.M.P, T.H, T.V.N, T.G.L, C.D.W, B.L cùng một hệ thống nhất quán đã đồng loạt lên tiếng với một chủ trương rõ ràng không hề giấu giếm”. Tất nhiên, Ngô Ngọc Ngũ Long không dám nêu đầy đủ những nickname đã làm ông và các cấp trên của ông đau đầu, người đọc chỉ có thể đoán mò dựa theo mức độ nổi tiếng của các blogger như Vàng Anh, Tắc Kè, Tiếng Dân Kêu, Bút Lông, Lê Minh Phiếu, Blacky, v.v. Tác giả Ngô Ngọc Ngũ Long chắc chắn không thể nào đọc hết vài trăm entry của mỗi blogger, đã vội vã quơ tất cả các bài viết (entry), của tất cả các blogger trên vào một rọ “xuyên tạc sự thật, thách thức trắng trợn cơ quan luật pháp nhà nước“, vì nếu ông đọc hết và khách quan ông sẽ nhận ra có vô số bài viết nóng hổi tình yêu nước, nhiều bài viết tha thiết tình cảm, nhiều tiếng kêu uất nghẹn của nông dân mất đất…, chứ chẳng hề như cái mũ méo mó mà ông đang vội vã cố chụp vào đầu họ.

Ngô Ngọc Ngũ Long kết tội tiếp: “Tùy theo mức độ công khai hay ảo mà có từng mức độ chống phá khác nhau. Nhưng tựu trung cũng cùng mục tiêu: phủ nhận những giá trị lịch sử, truyền thống, kích động giới trẻ phản kháng chế độ”. Rõ ràng, chỉ vài blogger mà ông vừa nêu đã làm cơ quan an ninh mạng nhọc công sức truy tìm, đột nhập, hù dọa và phá hủy những trang nhật ký cá nhân của họ. Như trường hợp blogger Vàng Anh mà ông nêu dẫn chứng “Và ta cũng không ngạc nhiên khi tuy chỉ là một trang blog cá nhân như V.A lại được tôn vinh, cổ vũ trên trang Sanfrancisco Chronicle với tựa đề rất kêu “Bloggers, những dòng máu anh hùng mới ở Việt Nam” với khẳng định: Với hệ thống Internet không dây, đường truyền tốc độ cao có sẵn tại các tiệm cà phê và các trường đại học trên Việt Nam, các blogger đang ngày càng thách thức hệ thống kiểm duyệt và Đảng Cộng sản cầm quyền” và công khai ca ngợi những kẻ chống đối “Họ nổi tiếng nhờ những quan điểm chống đối chính quyền và họ đưa lên mạng những sự kiện không hề xuất hiện trong hệ thống truyền thông của giới trẻ“.

Điều không ít người biết là trước khi Ngô Ngọc Ngũ Long viết cả tuần lễ, Blog Vàng Anh đã bị an ninh mạng phá hủy (hacked). Cộng đồng blogger “dân báo” thực sự đã trở thành một lực lượng đối đầu nguy hiểm cho chế độ. Cộng thêm vào đó là những trang tin Việt ngữ như BBC, RFA, RFI, talawas, Đàn Chim Việt, Da Màu, Tiền Vệ, Đối Thoại, Ý Kiến… ngày càng nở rộ. Và nhà báo Roger Cohen, nhà bình luận quốc tế nổi tiếng thế giới của New York Times với bài viết “
Nỗi bức bối diễn biến hòa bình” (Peaceful evolution angst) cho rằng Đảng Cộng sản Việt Nam đã xác định kẻ thù số một là “diễn biến hòa bình”. Họ không sợ một cuộc cách mạng long trời lở đất mà sợ sự xâm nhập, mưa lâu thấm đất (drip) của nền dân chủ tự do. Ổn định được coi là giá trị trên hết nhưng các nhân vật trong Bộ Chính trị vẫn mất ngủ vì “diễn biến hòa bình” và “Chính những hoạt động này có nguy cơ phá hàng rào đỏ của Đảng và thậm chí vào tế bào của hàng ngũ cán bộ…“. Đến đây thì người gác cổng của Đảng Ngô Ngọc Ngũ Long không thể nhịn được nữa và phải tung thêm đòn “Tưởng không gì rõ ràng hơn nữa. Và rõ ràng nhất là cuộc chiến ấy đang từng ngày từng giờ đánh vào tâm não của gần 20 triệu người ngồi trước máy tính mà trong đó đa phần là giới trẻ…”. Cuộc chiến” mà ông nói đến (lưu ý: ông viết chữ “cuộc chiến” không có dấu ngoặc kép) đã đẩy cộng đồng “dân báo” vào thế đối đầu trực diện với Đảng CSVN.

Bìa cuốn "Hồi kí của một thằng hèn" của Blogger "nhat sy bao thu", tức nhạc sĩ Tô Hải
http://www.talawas.org/wp-content/uploads//2009/06/nn2-400x326.jpg

Câu kết bài bình luận của Ngô Ngọc Ngũ Long: “Nhưng tư tưởng giới trẻ hiện nay ra sao vẫn còn là một tảng băng chìm, còn cái trước mắt có thể nhìn thấy rõ nhất đó chính là sự suy thoái biến chất của một số văn nghệ sĩ mà nước ngoài đang tung hô mạnh mẽ tôn vinh họ như là một anh hùng của thời đại…” là một kết luận ai oán vì rõ ràng công cuộc “học tập tư tưởng Hồ Chí Minh” mà Đảng ra sức cổ xúy đã thành công cốc, và còn khiến những ai ít theo dõi sát sao cảm thấy khó hiểu, ai là “một số văn nghệ sĩ” đang được “tôn vinh” trên? Dĩ nhiên, Ngô Ngọc Ngũ Long cũng không dám nêu đích danh, nhưng dựa vào một loạt bài cả trên SGGP này lẫn báo Văn nghệ Công an (bài “
Làm sao nói thay mọi người“) mới đây, ta có thể đoán đích ngắm kế tiếp chính là nhạc sĩ Tô Hải, người vừa xuất bản cuốn Hồi ký của một thằng hèn ở Mỹ, blogger lớn tuổi nhất (82 tuổi) của cộng đồng blogger Việt Nam với nickname “nhat sy bao thu“. Ông nhạc sĩ già yếu gõ bàn phím không nổi, phải nhờ cô con gái nhỏ bé gõ thay cũng khiến an ninh văn hóa lao đao.

Bài “Mặt trận không tiếng súng” cũng của Ngô Ngọc Ngũ Long trên SGGP ngày 10/5 viết: “Mà đau đớn thay, những tiếng thở dài phản kháng ấy lại bắt nguồn từ một số văn nghệ sĩ lão thành, những người đã đóng góp rất nhiều công lao cho chiến thắng của dân tộc. Những trang viết tự hối, những lời nguyền rủa vào chính cái nghèo, cái gian nan của đất nước mình trong chiến tranh, những “giọt nước mắt thương cảm cho sự hy sinh vô ích” của nhân dân… Chính những lời phản tỉnh u tối của những người nhân danh đi qua 2 cuộc kháng chiến ấy là những phát đại bác đang đánh vào não trạng của một thế hệ trẻ đang lớn lên sau hòa bình, những công dân rường cột của đất nước. Một mặt trận cực kỳ đau xót, bởi nó không có tiếng súng, bởi không ai thấy mặt kẻ thù, mà kẻ thù thì cứ từng ngày len lỏi vào tư tưởng, vào trái tim của từng người… Ông Ngô Ngọc Ngũ Long than vãn “đau đớn thay” nhưng hàm chứa trong đó là lời công khai phát động một mặt trận mới.

Trong số báo SGGP trước đó một ngày (30/5), như để gia tăng cường độ cho mặt trận mới còn có thêm bài bình luận Hồi ký - Tự truyện:
Sự thật trong mắt ai? của tác giả Phạm Khải có đoạn: “Hiện nay, trên nhiều trang web đang xuất hiện những cuốn hồi ký, tự truyện mà tác giả là một số trí thức, văn nghệ sĩ tên tuổi. Mặc dù đây đó đã có những bài báo mạnh mẽ lên tiếng bày tỏ thái độ về tính mục đích, độ trung thực của những cuốn sách này, song, như một sự “ma đưa lối, quỷ dẫn đường”, xem chừng đang có một số tác giả muốn “tiếp bước” trong việc chuẩn bị tung ra dư luận những ấn phẩm dạng này. Dường như với họ, cơ hội biết được một số điều “khác lạ” so với cái “biết chung” của mọi người đang là một “báu vật” mà họ không dễ gì chịu để vuột mất. Họ đâu biết rằng, “sự thật” đâu phải là tất cả nếu như đó chỉ là “sự thật tủn mủn”, không làm thay đổi được bản chất của vấn đề“.
Rõ ràng, bức màn che kín những thâm cung đang bị xé ra, ánh sáng của sự minh bạch hóa thông tin khiến nhiều người run sợ. Những “bài báo mạnh mẽ” mà Phạm Khải nói đến chưa đủ sức mạnh trấn áp tiếng nói “một số tác giả” đang chuẩn bị tung ra. Vụ hồi ký “Đi tìm cái Tôi đã mất” của ông đại tá nhà văn Nguyễn Khải, hồi ký của GS Nguyễn Đăng Mạnh… với những hé lộ về lãnh tụ, về giai cấp cầm quyền đã là những cú sốc làm Đảng choáng váng. Phạm Khải còn dẫn một câu ngạn ngữ Tây phương: “Không có vĩ nhân dưới con mắt của kẻ hầu phòng” để nói “Thực tế, con người luôn tìm ra những vĩ nhân để tôn thờ, và những hình tượng ấy sẽ không bao giờ bị hao tổn chỉ bởi cách nhìn nhỏ nhen, dung tục của những kẻ hầu phòng”, cách nói như trên đã mạt sát những người viết hồi ký trái ý Đảng (và cả những người hầu phòng).

Bằng bài bình luận này, Phạm Khải cũng chuẩn bị dư luận để phát động một mặt trận mới như hiệu triệu của ông Ngô Ngọc Ngũ Long? Bất giác, tôi liên tưởng đến thời kỳ Đảng phát động phong trào chống “Nhân văn - Giai phẩm” hơn nửa thế kỷ trước. Liệu đang có một phong trào đấu tố “Nhân văn -Giai phẩm”mới?

© 2009 Nhã Nam
© 2009 talawas blog



No comments: