Tuesday, June 2, 2009

BẮC KINH XOÁ BỎ NHỮNG TRANG SỬ ĐEN TỐI TRONG KÝ ỨC NGƯỜI TRUNG QUỐC

Bắc Kinh xóa bỏ những trang sử đen tối trong ký ức người Trung Quốc
Thanh Thủy
Bài đăng ngày 02/06/2009 - Cập nhật lần cuối ngày 02/06/2009 18:17 TU
http://www.rfi.fr/actuvi/articles/114/article_3723.asp
Do muốn bám lấy vai trò độc quyền lãnh đạo, đảng Cộng sản Trung Quốc cố gắng thanh lọc quá khứ với hy vọng là thời gian sẽ xóa đi những trang sử đen tối nhất. Không một quyển sách sử nào ở Trung Quốc nói đến nạn đói đầu thập niên 60 do phong trào "Đại nhảy vọt", hay thời kỳ "Cách mạng Văn hóa", nói chi đến vụ thảm sát Thiên An Môn

Đề tài được báo giới Pháp hôm nay đề cập là vụ Thiên An Môn hai mươi năm sau. Tờ Libération thực hiện một hồ sơ đặc biệt tám trang. Bài báo mở đầu hồ sơ đã trình bày Trung Quốc ngày nay như là một nơi mà dân chúng sống thoải mái, tự do làm giàu, tiêu xài, giải trí, đi du lịch và xem phim thế giới qua những bản sao chép lậu.
Nhưng nếu bạn viết một bài báo bị xem là « bất hợp pháp » hoặc bạn tiếp xúc với một nhân vật không được chính quyền chấp nhận hoặc bạn nghiên cứu sâu về một đề tài bị xem là cấm kỵ thì tức khắc bạn được « mời đi uống trà » với nhân viên công an mặc thường phục. Những nhân viên này biết từng chi tiết trong lý lịch của bạn và biết rõ những cuộc tiếp xúc của bạn. Sau đó bạn phải ký một bản tự kiểm thảo, cam kết là kể từ nay sẽ ngưng mọi hoạt động nhằm lật đổ chính phủ.

Những lỗ hổng trong ký ức tập thể Trung Quốc.
Trong bài xã luận của hồ sơ đặc biệt về Thiên An Môn, nhà báo Libération nhận thấy là từ năm 1949 Trung Quốc được thành lập với những lỗ hổng trong ký ức tập thể.
Do muốn bám lấy vai trò độc quyền lãnh đạo, đảng Cộng sản Trung Quốc ra sức thanh lọc quá khứ với niềm hy vọng là thời gian sẽ xóa đi những trang sử đen tối nhất. Không một quyển sách sử nào ở Trung Quốc nói đến nạn đói đầu thập niên 60 do phong trào « Đại Nhảy vọt » gây ra mà hậu quả là có 30 triệu người chết đói.
Ít ai đã kể lại cho con cháu trong gia đình nghe về thời kỳ Cách mạng Văn hóa. Và ngày nay không một tờ báo nào đề cập đến sự kiện xảy ra ngày 4 tháng 6 năm 1989, mà chính quyền gọi là một « sự cố chính trị ».
Chỉ nội việc công khai nêu lên sự kiện này hay đòi tìm hiểu sự thật bị đánh giá là một hành động « vi phạm an ninh quốc gia », có thể dẫn đến một bản án nhiều năm tù giam.

Lịch sử Thiên An Môn được viết tại Hồng Kông hay Hoa Kỳ.
Phong trào dân chủ vĩ đại, diễn ra tại Quảng trường Thiên An Môn, đã bị xóa hẳn, cũng như bị xóa đi bản tổng kết đầu tiên mà thành phó Bắc Kinh đã đưa ra ngày 30 tháng 6 năm 1989 : đó là hàng trăm người lính bị thiệt mạng, 6000 nhân viên lực lượng an ninh bị thương, hơn 3000 thường dân bị thương và hơn 200 người chết, trong đó có 36 sinh viên.
Lịch sử của Thiên An Môn được viết tại những nơi khá, ở Hồng Kông, hay Hoa Kỳ, với những con số hàng ngàn người chết.
Để biết rõ sự thật Libération khuyên chúng ta phải đến gặp những người đấu tranh vì nhân quyền, những luật gia cương quyết bảo vệ quyền công dân hay một vài người của phong trào Thiên An Môn hiện nay còn ỏ trong nước.
Ông Bào Đồng, 76 tuổi, xưa kia là cánh tay phải của cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, Triệu Tử Dương. Ông Bào Đồng hiện đang sống ở Bắc Kinh và ông tự hào là, từ ngày ông ra khỏi tù, ông đã cung cấp công ăn việc làm cho 24 nhân viên Nhà nước có nhiệm vụ theo dõi ông ngày đêm.
Dân chúng ở Trung Quốc không nghe nói đến ông Bào Đồng. Nhưng ngược lại ông được báo chí ngoại quốc nhắc đến nhiều. Do vậy mà ông tự đánh giá mình là sản phẩm Trung Quốc chỉ dành đẻ xuất khẩu.

Luật sư Trung Quốc đấu tranh cho một Nhà nước pháp quyền.
Hồ sơ đặc biệt về thiên An Môn của Libération trình bày trường hợp của hơn một trăm luật gia Trung Quốc dám thách thức chế độ độc tài Trung Quốc bằng cách khai thác triệt để các văn bản của pháp luật và họ không e ngại bị đàn áp.
Như trường họp của một luật sư họ Lưu thuộc tỉnh Quảng Đông và được Libération kể lại. Ngày 12 tháng năm vừa qua ông đi tàu điện ngầm với một áo thun có in hàng chữ : « Một đảng độc nhất, chế độ độc tài, thảm họa khắp nơi ». Chỉ vài phút sau ông bị công an vây quanh, vì hàng chữ in trên áo của ông mang tính chất « muốn lật đổ chính quyền ».
Luật gia này liền phản đối : « Đây là một khẩu hiệu của đảng Công sản Trung Quốc vào năm 1946, khi đảng này chống lại Quốc dân đảng. Không có một đạo luật nào cấm nêu lên những khẩu hiệu của đảng Cộng sản Trung Quốc. Nếu các ông bắt tôi vì tội này thì tôi sẽ kiện các ông ! ».
Giai thoại kể trên thể hiện cuộc đấu tranh hằng ngày của nhiều luật sư Trung Quốc : giúp cho người dân nắm rõ các quyền của một công dân và buộc các ngành cảnh sát và tư pháp phải tổn trọng các quyền này.
Nói cách khác, mục đích của họ là biến Trung Quốc thành một Nhà nước pháp quyền.
Theo Libération, có khoảng hơn một trăm luật gia can đảm sống rải rác trên cả nước, một con số không là bao so với hàng chục ngàn luật gia thích phục vụ cho quyền của doanh nhân hơn là quyền của con người. Họ nghiên cứu rất tỉ mỉ bản hiến pháp Trung Quốc và họ tìm ra đủ luận cứ để bảo đảm bình dẳng và công lý cho người dân Trung Quốc.
Đây là một cuộc đấu tranh dài lâu và nhiều luật sư đã bị bắt giam và đánh đập, như luật sư mù Trần Quan Thành bị giam cầm từ nhiều năm nay hay luật sư Cao Trí Thịnh bị mất tích từ mấy tháng qua.

Thiên An Môn bị xoá hẳn trong ký ức tập thể.
Tờ công giáo La Croix đưa trên trang nhất hàng tựa « Im lặng về Thiên An Môn ». Tờ báo cho biết là hai mươi năm sau cuộc đàn áp phong trào sinh viên ở Bắc Kinh, chính quyền Trung Quốc vẫn không chịu công nhận bản chất và quy mô rộng lớn của các vụ biểu tình mùa Xuân năm 1989.
Sự cố này vẫn còn là một đề tài cấm kỵ tại Trung Quốc. Phần lớn thanh niên không biết gì cả về ngày 4 tháng 6 năm 1989. Một sự kiện trọng đại bị xoá hẳn trong ký ức tập thể.
Ngay cả thế hệ cha ông cũng không muốn nhắc đến như thể họ không muốn con cháu giữ lại một hình ảnh không tốt đẹp về đảng Công sản. Thậm chí có những người ở Trung Quốc nghi ngừ Thiên An Mân là một chuyện do báo chí Tây phương bịa đặt ra để bôi nhọ Trung Quốc, một quốc gia cộng sản.

Một vài gương mặt trong phòng trào sinh viên đòi dân chủ năm 1989.
Một bài diều tra trên Le Monde nói về cuộc sống ngày nay của một số gương mặt nổi bật trong phong trào sinh viên đấu tranh đòi dân chủ ở Thiên An Môn cách nay 20 năm.
Vào lúc đó người được báo đài nhắc đến nhiều nhất là Ngô Nhĩ Khai Hy, người Duy Ngô Nhĩ. Năm nay 41 tuổi, ông sống tại Đài Loan và ngày giờ của ông được chia ra giữa việc quản lý một quỹ đầu tư và viết những bài bình luận chính trị cho nhiều tờ báo.
Vương Đan, vốn được xem là bộ óc của phong trào sinh viên, đã ngồi tù trong chín năm những không bị đánh đập vì lúc đó trường hợp của anh được cộng đồng quốc tế theo dõi. Hiện nay Vương Đan đang theo học tại trường đại học Oxford ở Anh.
Thiệu Giang, năm nay 42 tuổi, đang làm luận án tiến sĩ chính trị tại Westminster và cùng lúc là tác giả của một trang blog cho tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International).
Thẩm Đông là sinh viên trẻ tuổi nhất vào lúc đó và đang học môn sinh học tài trường đại học ở Bắc Kinh. Năm 1989 anh được tuần báo Mỹ Newsweek chọn làm một trong 100 nhân vật nổi bật trong năm. Sau cuộc đàn áp, anh chạy trốn ra nước ngoài và theo học môn xã hội học tại Boston rồi sau đó tại Harvard. Giờ đây, ở tuổi 40, anh đứng đầu một công ty trong ngành nghe nhìn với khoảng 40 nhân viên và có chi nhánh tại California, Đài Loan và Bắc Kinh.
ThẨm Đông tuyên bố với Le Monde : « Giới lãnh đạo Bắc Kinh đã thiết lập một Nhà nước công an rất thực tiễn : họ chỉ làm những gì cần thiết để bảo đảm cho vị trí của họ. Và huyền thoại cộng sản có ích lợi duy nhất là biện minh cho một chế độ độc tài chuyên chính ».
Đối với Thẩm Đông, sự biến chuyển hiện nay của đất nước ông mang một khiá cạnh nguy hiểm tiềm tàng vì nó che khuất một điều chính yếu : đó là phẩm cách con người. Và do chính quyền buộc dân chúng phải che giấu một sự kiện đau đớn, nhu cầu về dân chủ thể nào cũng sẽ bùng nổ trở lại

No comments: