Súc vật hóa con người
Ngô Nhân Dụng
Thursday, June 11, 2009
http://www.nguoi-viet.com/absolutenm/anmviewer.asp?a=96375&z=7
Trong Hồi Ký của Một Thằng Hèn, nhạc sĩ Tô Hải tố cáo “Âm mưu súc vật hóa con người được tiến hành rất có tổ chức” của đảng Cộng Sản ở Việt Nam, “là tội lớn thứ hai sau tội giết người.” Vì nó biến đổi hệ thống giá trị của nhiều thế hệ người Việt khiến cho bây giờ họ thấy “không có gì quý hơn đồng tiền!”. (trang 398)
Vì không được cơ hội bảo vệ phẩm giá con người cho nên, Tô Hải kể, “Cha con, vợ chồng sẵn sàng kiện cáo, tranh cướp, thậm chí đâm chém nhau” chỉ vì muốn giành nhau một mối lợi. Ông nêu thí dụ một nhà thơ nổi tiếng đã kiện con trai của mình để giành lại một mảnh vườn trước căn phòng của một thi sĩ bạn thân đã chết.
Nền tảng đạo đức của nước ta bắt đầu bị phá từ thời cải cách ruộng đất, bây giờ thuật lại nhạc sĩ vẫn còn thấy xấu hổ. Phương pháp đấu tố của Mao Trạch Ðông không chỉ nhắm giết người mà còn có mục đích hủy hoại những quy tắc đạo lý cổ truyền: “Thử hỏi trước kia ở đất nước ta có thời đại nào làng xóm giết nhau, cha bị con đấu tố, vợ chỉ mặt chồng giữa sân đình gọi là ‘thằng kia!’ rồi đưa ra đầu làng bắn bỏ hay không?”( trang 235)
Vì sợ hãi guồng máy độc tài cho nên, Tô Hải thú nhận, “Tất cả chúng tôi đều sống giả, sống bằng cái đầu và trái tim của người khác... chính tôi, một nạn nhân đồng thời cũng là một tội đồ... là kẻ cố bám lấy cuộc sống, cố nuốt mọi cục phân thối hoắc... mà vẫn làm ra vẻ tươi cười.” (235)
Nhà văn Solzhenitsyn từng nhận xét là một chế độ độc tài cần hai thứ khí cụ: áp bức và dối trá, có cái này phải có cái kia, thiếu một cái không được. Người nào đã chọn cai trị dân theo lối độc tài thì hệ quả tất nhiên là người đó phải dùng cả hai khí cụ: Phải khủng bố, áp bức dân. Và phải dựng lên một bộ máy dối trá, che đậy, lừa bịp cả thế giới.
Ðấu tố, giết người, là những phương cách tiêu diệt những thành phần khó kiểm soát, đồng thời cũng đe dọa những người khác. Nếu không dụ dỗ được thì ép buộc các văn nghệ sĩ phải “làm ra vẻ tươi cười” đóng vai trò “cung văn,” “minh họa,” đó là guồng máy dối trá giúp bảo vệ chế độ.
Chế độ Cộng Sản ở Việt Nam không sáng chế ra những phương pháp cai trị đó. Chính họ đã học được từ các bậc thầy Mao Trạch Ðông, Stalin và Lenin. Người học trò giỏi của những “đại sư quốc tế” này là Hồ Chí Minh. Ai cũng biết Hồ Chí Minh vẫn đề cao Stalin và Mao Trạch Ðông như các vị thánh sống. Ông Hồ nói, theo Nguyễn Văn Trấn kể lại, “Bác cháu chúng ta có thể nhầm chứ đồng chí Stalin không thể nào nhầm được.” Ông cũng nói, “Những điều gì cần viết đã có Chủ Tịch Mao Trạch Ðông viết cả rồi, tôi không cần viết sách nữa.”
Nhưng các bài học quan trọng nhất giúp Hồ Chí Minh thành công trong việc chiếm chính quyền ở nước ta không phải do sách vở dạy mà do kinh nghiệm sống của chính ông. Ông Hồ đã có mặt ở Liên Bang Xô Viết trong những năm chế độ này thi hành các chính sách đàn áp tàn bạo cũng như những vụ xử án dối trá chưa bao giờ thấy trong lịch sử.
Bài học lớn mà Hồ Chí Minh học được ở cả Liên Xô lẫn Trung Quốc là trong lúc thời thế tao loạn thì kẻ nào tàn ác nhất cuối cùng sẽ thắng. Bá thuật sẽ thắng vương đạo. Ðạo đức, nhân nghĩa, chỉ để nói, để tuyên truyền mà thôi; nếu lấy nhân nghĩa ra dùng thì cũng chỉ nên dùng trong thời bình. Còn trong thời loạn, ai dám giết nhiều người kẻ đó sẽ làm chúa thiên hạ. Hồ Chí Minh đã là một Tào Tháo của nước Việt Nam, lại được Stalin đào luyện những bá thuật quốc tế mới do Lenin truyền dạy nữa.
Nhóm Bôn Sơ Vích và Lenin đã thắng trong cuộc nội chiến Nga 1917 - 1920 vì họ dám giết người tàn bạo nhất so với các phe khác. Chế độ Cộng Sản mà Lenin dựng lên đã tồn tại được cũng vì sau khi cướp quyền được rồi họ vẫn dám giết hết những người có ý kiến chống đối. Nếu quá tay giết cả những người không chống mình cũng không sao! Ðó là quy tắc luân lý mới của Lenin nhưng cũng là một quy tắc xử sự của Tào Tháo: Thà mình phụ người còn hơn người phụ mình! Stalin theo đúng chính sách đó để củng cố quyền hành cá nhân, bằng cách tiêu diệt ngay các đồng chí cũ có thể cạnh tranh với mình. Hồ Chí Minh có mặt ở nước Nga trong những năm khủng bố nặng nề đó, ông đã nhập tâm. Và sau này ông lại học được thêm các phương pháp của Mao Trạch Ðông, ông đủ thông minh để thấy Mao còn hay hơn Xít vì thường giết người mà không cần dùng đến đội hành quyết. Ðem người ta ra đấu tố, bỏ đói cho tới chết; dùng “quần chúng nhân dân” làm quan tòa buộc tội, xử tử hình; cùng lúc đó dùng đội ngũ văn công ca ngợi tội ác của mình; đó là những phương pháp Mao Trạch Ðông đã dùng rồi được Hồ Chí Minh áp dụng một cách trung thành.
Người ta thường chú ý đến những tội ác của Stalin mà không chú ý đến thời Lenin sống ngắn ngủi. Trong cuốn sử The War of the World, Niall Ferguson chép một bức thư mà Lenin gửi cho các người lãnh đạo Bôn Sơ Vích ở Penza, ngày 11 Tháng Tám năm 1918, ra lệnh họ phải giết những “phú nông” (kulak) để thực hiện việc cướp thóc lúa nuôi Hồng quân,
“Các đồng chí! Bọn kulak nổi lên phải bị đè bẹp không thương xót... Phải hành động để làm gương cho chúng thấy. 1) Treo cổ (tôi nhấn mạnh, treo cổ để mọi người phải trông thấy) ít nhất 100 tên kulak hút máu người. 2) Công bố tên họ chúng nó. 3) Lấy hết thóc lúa của chúng nó... Phải làm sao để trong vòng 100 dặm chung quanh mọi người đều phải thấy, phải biết chuyện, phải run sợ, và kêu lên với nhau: Họ đang đi giết bọn kulak và họ sẽ đi giết hết bọn kulak...
Tái Bút: “Hãy dùng các đồng chí cứng rắn nhất!” (trang 150)
Không lãnh tụ nào trong cuộc nội chiến ở Nga dám ra lệnh cho phe mình giết nhiều người như đám Bôn Sơ Vích dám làm. Ferguson tính là không kể các người chết vì chiến tranh, “trong những năm từ 1918 đến 1920 có 300,000 vụ hành quyết vì lý do chính trị. Không phải chỉ có những người thuộc các nhóm đối nghịch bị giết mà cả những người Bôn Sơ Vích cũ dám cả gan phản đối đám lãnh tụ mới.” (trang 152)
Dưới thời Lenin, trại lao động tập trung đầu tiên đã được lập ra, đến năm 1920 đã có mấy trăm trại tập trung, làm mẫu cho những trại giam sau này mà Stalin và Hitler bắt chước. Chính tổ chức mật vụ (Cheka) nảy ra sáng kiến “cải tạo” các tù nhân bằng lao động khổ sai. Trại Solovetsky lập ra năm 1923, sang năm 1924 được chính thức gọi là trại cải tạo. Với sáng kiến của Naftaly Aronovich Frenkel, một tù nhân người gốc Do Thái được tuyển để đóng vai cai tù, trại này có chính sách cho những người tù khỏe mạnh ăn no, còn người yếu cho chết đói không sao. Theo Ferguson thì dưới thời Stalin có ít nhất 18 triệu người, đàn ông, đàn bà, và trẻ con đã đi qua các cổng trại tập trung cải tạo (Mao Trạch Ðông có sáng kiến gọi là Lao Cải: Cải tạo con người bằng công việc lao động). Nhưng con số những người đã bị công cuộc tập thể hóa nông nghiệp của Stalin buộc vào đường cùng phải chết đói còn cao hơn nữa.
Ðối với các vị Chúa Ðỏ thì những cái chết đó không có gì đáng kể. Một cán bộ của Stalin giải thích cho cấp dưới nghe về cuộc đấu tranh giữa đảng Cộng Sản và các nông dân không chịu vào tập thể, “Năm nay là một năm đấu sức giữa chúng ta với chúng nó coi bên nào mạnh hơn. Phải qua một trận đói chúng mới biết ai làm chủ. Hàng triệu người đã chết, nhưng chương trình tập thể hóa nông nghiệp sẽ tồn tại mãi mãi. Chúng ta đã thắng!” (trang 204)
Hồ Chí Minh đã chứng kiến những cảnh đó khi tới Nga lần đầu để được đào luyện trong trường cán bộ quốc tế của Stalin, với vai trò đem chủ nghĩa Cộng Sản gieo rắc khắp nơi trên thế giới. Không phải Lenin hay Stalin nói, mà chính Trotsky đã nói câu này, “Con đường dẫn tới Paris và London đi qua Afghanistan, vùng Punjab và Bengal (Ấn Ðộ).” Dù Stalin đã giết Trotsky nhưng ông ta vẫn theo tấm bản đồ bành trướng đó. Trong số các cán bộ được Stalin đào tạo, hai người thành công nhất là Kim Nhật Thành ở Bắc Hàn và Hồ Chí Minh ở Việt Nam.
Cho nên chúng ta không ngạc nhiên nếu Hồ Chí Minh đã sử dụng tất cả các phương pháp dùng bạo lực và dối trá mà Stalin đã thử dùng rất có hiệu quả trong việc cướp quyền hành và củng cố quyền hành. Các phương pháp khủng bố bằng bạo lực ở nước ta có thể nói đã giảm bớt cường độ so với các gì Stalin đã làm, vì văn hóa phong tục Việt Nam khác với tác phong của người Nga. Về bạo lực, chính Mao Trạch Ðông mới là khuôn mẫu mà Hồ Chí Minh đã noi theo. Nhưng về mặt dối trá thì giữa Mao và Stalin không khác gì nhau. Việc sử dụng các văn nghệ sĩ vào việc đánh bóng chế độ, ca ngợi lãnh tụ đã được Stalin dùng trước, sau đến Hitler và Mao Trạch Ðông. Hồ Chí Minh đã áp dụng giống hệt ở Việt Nam.
Chính những hành động đó là cái Nhạc sĩ Tô Hải gọi là “súc vật hóa con người.”
Khi một chế độ độc tài chỉ dùng bạo lực để giết chóc, đe dọa dân, khủng bố dân, thì họ độc ác nhưng vẫn chưa phi nhân.
Có những chế độ không những độc ác mà còn tìm cách hạ thấp nhân phẩm của mọi người dưới quyền, khiến cho họ trở thành hèn hạ, mất tư cách. Ðó mới là biến con người thành “súc vật” thật sự. Tất nhiên, muốn làm cho tất cả mọi người trở thành hèn hạ, đê tiện thì trước đó phải dùng đến các biện pháp tàn ác để đe dọa. Nhưng cái tội biến con người thành những kẻ hèn hạ, mất cả khái niệm về nhân phẩm còn kinh khủng hơn nữa. Tô Hải cho cái tội “súc vật hóa con người” đứng hàng thứ hai sau tội giết người. Có thể đổi lại cũng được. Tội giết người không nặng bằng, nếu vẫn để cho các nạn nhân ngẩng đầu lên chết xứng đáng làm người. Còn hơn bắt người ta sống như súc vật.
No comments:
Post a Comment