Tuesday, June 9, 2009

BẢO VỆ VÙNG ĐẶC QUYỀN KINH TẾ và LÃNH HẢI VIỆT NAM

Bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế và lãnh hải Tổ quốc
Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
09/06/2009 10:29 (GMT + 7)
http://www.tuanvietnam.net/vn/thongtindachieu/7160/index.aspx
(TuanVietNam) - Việc Trung Quốc ngang nhiên làm điều họ cho là “thi hành quyền chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cả chục năm qua là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta...

LTS Tuần Việt Nam: Việc Trung Quốc ngang nhiên cấm ngư dân các nước đánh bắt cá ở Vịnh Bắc Bộ, kể cả ở các vùng lãnh hải của Việt Nam chiếu theo Hiệp định phân định ranh giới Vịnh Bắc Bộ ký kết với Việt Nam năm 2000 đã gây phản ứng trong dư luận.
Theo yêu cầu của nhiều độc giả, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của hai tác giả Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu - Quỹ Nghiên cứu Biển Đông.
Bài viết thể hiện quan điểm và kết quả nghiên cứu riêng của hai tác giả. (Tuần Việt Nam chưa thể kiểm chứng các sự kiện đưa ra trong bài).

------------------------------------------------

Ngày 17/3, Trung Quốc gửi tàu Ngư chính 311 tới Biển Đông
[1] để “tuần tra nghề cá” và sau đó còn tuyên bố rằng sẽ tăng cường lực lượng tuần tra bằng cách dùng chiến hạm cũ hay đóng tàu tuần dương mới. Việc tuần tra này được tiến hành cả trong một số vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Ngày 19/3, BP tuyên bố chính thức rút ra khỏi dự án với vốn đầu tư 2 tỷ USD có mục đích thăm dò dầu khí tại hai vùng Hải Thạch (trong lô 5.2) và Mộc Tinh (trong lô 5.3) trong bồn trũng Nam Côn Sơn
[2]. Hai lô 5.2 và 5.3 nằm gần đảo Phú Quý, đảo gần bờ của Việt Nam, hơn là đảo Trường Sa (đảo gần đó nhất trong số các đảo trong quần đảo Trường Sa), và cách bờ biển đất liền Việt Nam dưới 200 hải lý. Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định rằng hai lô này nằm trong vùng thềm lục địa tối thiểu 200 hải lý, tức là vùng đặc quyền kinh tế, của Việt Nam[3].
BP đưa ra lý do thương mại cho việc rút ra khỏi dự án mặc dù đã đầu tư 200 triệu USD để thăm dò và đã đánh giá vùng Hải Thạch là có thể có nhiều khí đốt nhất trong bồn trũng Nam Côn Sơn. Trước đó, vào năm 2007, Trung Quốc đã đe dọa quyền lợi thương mại của BP tại nước này để áp lực BP rút ra khỏi dự án với Việt Nam.
Ngày 16/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư chính 44183 tới Biển Đông
[4]. Ngày 19/5/2009, Trung Quốc điều thêm tàu Ngư chính 44061[5]. Cuối tháng 5/2009, Trung Quốc điều thêm 8 tàu nữa[6].

Tàu Ngư Chính 44183 được trang bị đại liên trên boong tàu[7].
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/55/2009/06/bien1.jpg

Như mọi năm khác kể từ năm 1999, Trung Quốc đơn phương tuyên bố cấm đánh cá tại Biển Đông từ vĩ độ 12 trở lên phía Bắc, với cớ bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông. Vùng cấm bao gồm cả vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.
Nếu lý do cho hành động này thật sự là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản ở Biển Đông thì Trung Quốc đã phải phối hợp với Việt Nam, Philippines và các nước khác trong việc cấm đánh cá, vì vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và của Philippines thuộc quyền chủ quyền của Việt Nam và Philippines, và tất cả các nước trên thế giới có quyền đánh cá trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.
Trung Quốc không có quyền như thế trong vùng biển quốc tế và càng không có quyền như thế trong vùng đặc quyền kinh tế của nước khác. Bằng việc hành động một cách đơn phương như thế, Trung Quốc đã cố ý vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam và Philippines đối với vùng đặc quyền kinh tế của hai nước này, và vi phạm quyền đánh cá mà UNCLOS ban cho tất cả các nước trên thế giới trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.
Mục đích của Trung Quốc khi hành động đơn phương không phải là bảo quản nguồn lợi thuỷ sản mà là tỏ với thế giới rằng Trung Quốc làm cái mà nước này gọi là “thực thi chủ quyền một cách hoà bình” ở Biển Đông. Đây là những bước trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc để biến 75% diện tích trên Biển Đông thành “cái ao nhà” của họ.
Trong tháng Năm, một số thuyền đánh cá Việt Nam bị tàu nước ngoài bắt, tịch thu cá, phá hoại, đuổi, và đâm chìm.
Trong một trường hợp cụ thể, ngày 19/5, tàu cá của ông Nguyễn Thanh Thu (huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) số QNg 95048 TS bị một tàu nước ngoài tông chìm trên biển Đông tại tọa độ 10°59’ vĩ độ Bắc, 111°34’ kinh độ Đông
[8]. Tất cả 26 thuyền viên bị rơi xuống biển nhưng may mắn được một tàu cá Việt Nam khác cứu sống.

Tàu cá QNg 95048TS bị tàu nước ngoài tông chìm tại điểm có ký hiệu "X", bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/55/2009/06/bien2.jpg

Trong một trường hợp cụ thể khác, ngày 19/5/2009 tàu cá QNg 94734 TS của ông Lệ (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) bị một tàu nước ngoài tấn công ngay trên ngư trường lấy đi hơn một nửa số cá vừa đánh bắt được
[9]. Đã vậy, trước khi bỏ đi, các thuyền viên của tàu ngoài còn dùng lưỡi lê đâm thủng một chiếc thuyền thúng dùng làm thuyền cứu nạn trên tàu cá.
Ngày 24/5, China News Service của Trung Quốc xác nhận các tàu tuần tra của Trung Quốc đã khống chế thuyền viên tàu nước ngoài và đuổi tàu nước ngoài
[11].

Báo Trung Quốc đăng hình và đưa tin về sự kiện tàu cá QNg 94734 bị tấn công[10].
http://www.tuanvietnam.net/Library/Images/55/2009/06/bien3.jpg

Trước tình hình này, hàng trăm tàu đánh cá miền Trung không dám ra biển ngay trong chính vụ cá của ngư dân
[12].
Những sự kiện này đặt ra nhu cầu bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở Biển Đông.
Trong các vùng biển mà Việt Nam có chủ quyền hay quyền chủ quyền, vùng đặc quyền kinh tế, từ 12 hải lý ra tới tối đa là 200 hải lý, là vùng có diện tích rộng lớn nhất, có nhiều tiềm năng dầu khí nhất, và có nhiều quyền chủ quyền hơn vùng thềm lục địa mở rộng. Vì vậy, vùng đặc quyền kinh tế có tiềm năng đem lại nhiều quyền lợi kinh tế cho Việt Nam nhất.
Thế nhưng Việt Nam có một số hạn chế cần khắc phục trong việc bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của mình.

Khẳng định phạm vi vùng đặc quyền kinh tế

Cho tới khi nộp báo cáo về thềm lục địa cho Ủy ban Ranh giới Thềm Lục địa ngày 6/5/2009 và 7/5/2009, Việt Nam chưa công bố rộng rãi ranh giới cụ thể cho vùng đặc quyền kinh tế của mình ngoại trừ trong Vịnh Thái Lan và Vịnh Bắc Bộ.
Trên nguyên tắc, đó là một điều bất lợi cơ bản cho việc bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam tại Biển Đông. Với thực trạng Trung Quốc có chủ trương và hành động cụ thể để chiếm 75% Biển Đông, xâm phạm nghiêm trọng vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, sự chưa công bố này lại càng gây bất lợi nghiêm trọng. Việt Nam cần phải quảng bá càng rộng rãi càng tốt phạm vi cụ thể của vùng đặc quyền kinh tế tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp của mình, thay vì chỉ tuyên bố nguyên tắc vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý.
Tất nhiên việc quảng bá rộng rãi phạm vi cụ thể của vùng đặc quyền kinh tế tính từ lãnh thổ không bị tranh chấp sẽ không làm cho Trung Quốc ngưng tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế đó. Tác dụng của việc này là làm cho thế giới thấy rõ vùng biển nào thuộc Việt Nam và như thế có hợp lý hay không. Như vậy, mỗi khi Bộ Ngoại giao Việt Nam cần phải phản đối việc Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thế giới sẽ dễ thấy quan điểm của nước nào hợp lý hơn.
Yêu sách của Trung Quốc đối với 75% diện tích Biển Đông là vô lý và Trung Quốc phải ngụy trang cho yêu sách đó bằng sự mù mờ. Việt Nam phải đối trọng điều đó bằng một ranh giới hợp lý và minh bạch.
Sau việc vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế trong báo cáo về thềm lục địa, Việt Nam cần khuyến khích các nhà xuất bản trong nước vẽ ranh giới này trên bản đồ Việt Nam và quảng bá ranh giới này với thế giới và với các cơ quan của Liên Hiệp Quốc.
Ngoài ra, để tranh thủ sự đồng thuận của thế giới, Việt Nam cũng có thể vạch ranh giới vùng đặc quyền kinh tế dùng ngấn thủy triều thấp của bờ biển lục địa và các đảo không bị tranh chấp thay vì dùng đường cơ sở 1982. Như vậy sẽ tăng khả năng đạt được sự đồng thuận trong khi không giảm đáng kể diện tích mà Việt Nam có thể đòi hỏi.
Vì các đảo Hoàng Sa, Trường Sa đang trong tình trạng tranh chấp, vì hiệu lực để tính vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này chưa được xác định và chưa được các nước trong khu vực công nhận, vì vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sẽ nằm chồng lấn lên vùng đặc quyền kinh tế từ lãnh thổ không bị tranh chấp của các nước khác, Việt Nam có thể tuyên bố là sẽ công bố phạm vi vùng đặc quyền kinh tế cho các đảo này sau. Như vậy sẽ phù hợp với tinh thần của Tuyên bố 2002 của ASEAN và Trung Quốc về quy tắc ứng xử về Biển Đông.

Thực thi chủ quyền càng đầy đủ càng tốt trong vùng đặc quyền kinh tế

Việt Nam cần phải đầu tư thêm cho lực lượng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế của mình.
Hiện nay “trung bình một người trong lực lượng Thanh tra vảo vệ nguồn lợi thuỷ sản phải kiểm soát 1000 km² mặt biển và khoảng 25-30 km bờ biển. Cả nước mới chỉ có chưa đến 100 tàu thuyền làm nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra hoạt động nghề cá trên biển, trong đó chỉ có khoảng 25% là có khả năng hoạt động cách bờ từ 50-100 hải lý [trong khi vung đặc quyền kinh tế ra tới cách bờ 200 hải lý]...Kinh phí hoạt động kiểm tra, kiểm soát bình quân chỉ đủ cho Chi cục bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tổ chức được từ ba tới năm chuyến biển/năm với thời lượng từ ba đến bảy ngày”
[13].
Trong tình trạng tính mạng, tài sản, kế mưu sinh của ngư dân Việt Nam bị đe doạ trong vùng đặc quyền kinh tế phù hợp với UNCLOS của Việt Nam, chúng ta không thể chấp nhận được việc thiếu một đội ngũ có khả năng tuần tra vùng đặc quyền kinh tế.
Tính mạng, tài sản và quyền hợp pháp của công dân Việt Nam cần được bảo vệ trong vùng đặc quyền kinh tế không khác gì trên đất liền.
Về lâu về dài, trong tình trạng Trung Quốc tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, nếu Việt Nam thiếu sót trong việc thực thi chủ quyền của mình, trong khi Trung Quốc làm những điều mà nước này gọi là thực thi chủ quyền, thì điều đó ít nhất sẽ tổn hại cho việc tranh thủ dư luận, và không ngăn cản được chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc trên Biển Đông.
Đội ngũ tuần tra vùng đặc quyền kinh tế sẽ đảm nhận nhiều vai trò :
Thể hiện sự hiện diện, thực thi chủ quyền và trách nhiệm của Nhà nước Việt Nam trong vùng đặc quyền kinh tế;
Bảm đảm cho ngư dân Việt Nam không phải lẻ loi khi đối phó với những trường hợp có sự xâm phạm chủ quyền đất nước, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ;
Để cho Trung Quốc không tiến hành những điều mà họ cho là thực thi chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam như ở chỗ không người, hay như đó là vùng đặc quyền kinh tế của họ.
Việc ngư dân Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế không chỉ là quyền và cần thiết cho sự mưu sinh của họ, mà còn quan trọng trong việc khẳng định và thực thi chủ quyền của Việt Nam. Vì vậy ngư dân Việt Nam không chỉ cần được Nhà nước bảo vệ, mà còn phải được Nhà nước hỗ trợ, thí dụ như:
Nhà nước cần hỗ trợ hơn nữa đối với phương tiện để đánh cá xa bờ, để khuyến khích ngư dân đánh cá trong toàn vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thay vì đánh cá gần bờ hơn
[14].
Nhà nước cần tài trợ bảo hiểm cho trường hợp ngư dân Việt Nam bị Trung Quốc bắt phạt hay phá hoại phương tiện đánh cá trong khi hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông.
Đi đôi với bảo hiểm trên, ngư dân cần phải chứng minh được là mình hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam hay trong vùng biển quốc tế giữa Biển Đông. Chứng minh này cũng có ích lợi khi các cơ quan có chức năng của Việt Nam cần phải đấu tranh với Trung Quốc.

Đấu tranh ngoại giao

Quan trọng nhất, song song với các biện pháp trên chính phủ cần có tiếng nói mạnh mẽ hơn nữa nhằm phản đối Trung Quốc. Ngoài việc phản đối mạnh mẽ với Trung Quốc, Chính phủ cần tiến hành các biện pháp để thế giới biết rõ sự bất hợp pháp này của Trung Quốc. Đây là việc đã diễn ra từ lâu, nhưng không phải vì vậy mà chúng ta xem nhẹ. Nếu cứ xem nhẹ, hay tiếp tục thiếu các biện pháp đủ mạnh mẽ, thì hậu quả của nó về sau sẽ khó mà khắc phục được.

***

Việc Trung Quốc ngang nhiên làm điều họ cho là “thi hành quyền chủ quyền” trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam cả chục năm qua là một sự xâm phạm nghiêm trọng đến nước ta. Nó xâm phạm và ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, tài sản và cơ hội kiếm sống của hàng triệu người dân ven biển. Nó còn ảnh hưởng đến chủ quyền thiêng liêng của đất nước và nguy hiểm hơn, là những bước tiến nguy hiểm trong chiến lược “tằm ăn dâu” của Trung Quốc nhằm chiếm trọn Biển Đông. Chúng ta cần nhận thức về tầm nguy hiểm của việc này và cần chủ động, tích cực và kiên quyết hơn nữa trong việc bảo đảm quyền chủ quyền của nước ta đối với vùng đặc quyền kinh tế. Điều đó cũng là điều cần thiết để bảo đảm tính mạng, tài sản và đời sống cho hàng triệu người dân ven biển.

Dương Danh Huy và Lê Minh Phiếu (Quỹ Nghiên cứu Biển Đông)
http://www.seasfoundation.org/


-------------------------------------------------

Ghi chú:


[1]
http://vietnamnet.vn/chinhtri/2009/03/836601/
[2] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2009/03/090320_bp_withdrawal.shtml
[3] http://vietnamnet.vn/chinhtri/2008/08/800731/
[4] http://www.chinadaily.com.cn/cndy/2009-05/15/content_7779091.htm
[5] http://www.chinadaily.com.cn/regional/2009-05/19/content_7792657.htm
[6] http://vitinfo.com.vn/Muctin/Quocte/LA61256/default.htm
[7] China Daily: http://www.chinadaily.com.cn/regional/2009-05/19/content_7792657.htm
[8] http://www.nld.com.vn/2009052003463412P0C1002/tau-ca-vn-bi-tau-nuoc-ngoai-tong-chim-tren-bien-dong.htm
[9] http://www.vietnamnet.vn/kinhte/2009/06/850893/
[10] Báo Tin chiều Chu Giang, http://news.ifeng.com/mil/2/200905/0521_340_1167780.shtml
[11] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/world/2009/05/090526_china_patrol.shtml
[12] http://vietnamnet.vn/kinhte/2009/06/850893/
[13] Trích từ: “Công uớc biển 1982 và chiến lược biển của Việt Nam”, TS Nguyễn Hồng Thao (Chủ biên), Nhà xuất bản chính trị quốc gia, Hà Nội, 2008, trang 288
[14] Theo báo Tuổi Trẻ,
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=319421&ChannelID=3.


Bài cùng chủ đề:
Biển Đông và vấn đề chủ quyền lãnh thổ đất nước
Ứng xử biển Đông: Nghiên cứu kỹ lưỡng, cân nhắc lợi ích
Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 4)
Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 3)
Lãnh hải Việt Nam, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 2)
Lãnh hải VN, luật biển và Biển Đông - những điều cần biết (kỳ 1)

No comments: