Tuesday, June 16, 2009

BÁO TUỔI TRẺ GIỚI THIỆU LS LÊ CÔNG ĐỊNH (25-2-2006)

Ra đi và mang về...
Vào cuộc cạnh tranh toàn cầu...

Thứ Bảy, 25/02/2006, 05:24 (GMT+7)
http://www.tuoitre.com.vn/Tianyon/Index.aspx?ArticleID=124610&ChannelID=89
TT - Thông tin mới nhất của luật sư (LS) trẻ này là anh đã tách ra khỏi một công ty luật hàng đầu của VN để thành lập một công ty luật mới với kế hoạch “trong sáu tháng nữa sẽ thành công ty luật mạnh và trong tương lai gần sẽ thành một tập đoàn LS mạnh trong khu vực”.
Ý tưởng mới nhất anh gửi cho tôi qua mail: “Sẽ chờ cơ hội lập một trường đại học luật tư nhân”... Lại thêm một câu chuyện khó tin từ LS Lê Công Định.

Từ tầng hầm của phòng chưởng khế Sài Gòn
Năm 1989, Định mới ra trường, vào làm việc ở Phòng Công chứng số 1. Ngoài công việc phụ tá cho công chứng viên, Định biết tiếng Pháp nên được giao thêm việc thống kê sắp xếp kho tài liệu dưới tầng hầm của tòa nhà 89 Nguyễn Du. Đó vốn là trụ sở của phòng chưởng khế Sài Gòn trước 1975.
Sáng công tác chuyên môn, chiều làm trong kho tư liệu. Vừa làm vừa tò mò đọc xem thời trước người ta hành xử công việc pháp lý như thế nào. Càng đọc, Định càng sửng sốt khi những kiến thức của một cử nhân luật như mình lại không hiểu hết một văn bản pháp lý của nền hành chính cũ. Trong đầu Định một ý nghĩ lớn dần: trước đây VN từng có một nền văn minh pháp lý rất chuẩn mực.
Cũng thời điểm đó, LS Triệu Quốc Mạnh tập hợp những nhân vật rất giỏi luật của Sài Gòn mở lớp luật ở ĐH Tổng hợp TP.HCM với tiêu chí dạy “theo tinh thần pháp lý thế giới”. “Tôi nghĩ mãi rồi quyết định bỏ việc để đi học tiếp”. Lúc qua trường luật xin xác nhận điểm để miễn một số môn, một thầy giáo cũ biết chuyện tròn mắt hỏi: “Mày có khùng không mà đi học cái lớp vớ vẩn?”.
Nhưng trong cái lớp học ấy, LS Triệu Quốc Mạnh có những bài giảng nổi tiếng về tinh thần pháp lý thế giới; thầy Võ Phúc Tùng (tiến sĩ luật bảo vệ luận án cuối tháng 4-1975) làm Định say mê với “khế ước và nghĩa vụ” theo chuẩn mực của Pháp. Thầy Lương Văn Lý dạy rất hay về công pháp quốc tế... Đó là những giáo sư giỏi nhất chuyện “hạ đo ván” sinh viên trong các kỳ thi.
Càng học, Định thấy hiểu rõ hơn những gì anh đọc trong căn hầm của phòng chưởng khế hồi xưa. Thầy Tùng tạo một ấn tượng lớn từ kiến thức uyên bác cho tới tư cách trong cuộc đời. Có thời điểm khó khăn, phải đi sửa đồng hồ kiếm sống nhưng ông vẫn vô tư: “Học tiến sĩ khó cỡ nào còn học được thì nhằm nhò gì những cái đơn giản này!”. Ông nhận Định làm học trò dạy tiếng Pháp.
Suốt tám năm trời, hai thầy trò cặm cụi ba buổi tối mỗi tuần. Mỗi buổi học xong hai giờ ngôn ngữ, thầy trò lại xoay qua bàn chuyện văn chương Pháp với Victor Hugo, Alexandre Dumas... Có bữa cúp điện, hai thầy trò đốt đèn dầu, mồ hôi nhễ nhại. Chính cái vốn tiếng Pháp dưới ánh đèn dầu này đã tạo điều kiện cho Định vào làm ở văn phòng luật Coudert Brothers. Vị LS đại diện văn phòng này ở Sài Gòn vì mê tiếng Pháp của anh mà nhận vào. Năm đó Định 26 tuổi. Rồi một bước ngoặt mới: suất học bổng đi Pháp...

Đến Paris và Columbia…
“Trước những năm 1997, tôi nghiên cứu luật trong nước, thấy luật mình còn thiếu nhiều quá, muốn làm một điều gì đó nhưng kiến thức không có. Tôi thèm một chuyến đi du học Pháp. Nhưng hồi đó, những suất học bổng chỉ có cán bộ ngành tòa án hoặc người ngoài bộ mới được. Rồi năm 1997, lần đầu tiên người ta cho các đoàn LS dự tuyển các suất học bổng. Tôi bước chân ra khỏi đại sứ quán mà như bay trên mây với suất học bổng ngành luật của Trường đại học Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2).
Vài tháng sau, một ngày đang lang thang ngao du ở châu Âu, có một tin vui không kém: tôi giành được học bổng Fulbright đi Mỹ. Thông tin này thay đổi nhiều thứ với tôi.
Sau vài tháng học ở Paris, tôi nhận ra đại học Pháp thời điểm đó vẫn là sự kéo dài của hệ thống thực dân cũ: trì trệ, bảo thủ. Năm 1998-1999 mà cả trường chỉ có hai máy photo, mượn một đống sách từ thư viện phải mất 3-4 giờ đồng hồ chờ đợi để photo. Giáo sư thì như một vị thánh trên giảng đường, bắt học thuộc lòng y như ở VN chứ không dạy về tư duy pháp lý.
Tôi tranh thủ học thêm một khóa triết của Trường đại học Sorbonre theo lời khuyên của thầy Tùng (“Phải biết căn bản triết học để hiểu nền luật pháp”), đến tháng 5-1999 tôi rời Paris, bỏ luôn những môn thi cuối cùng của bậc thạc sĩ (vào cuối tháng 6-1999) để sang Mỹ học cao học luật ở ĐH Tulane - Columbia”.

“Tôi ủng hộ án lệ!”
Đó là câu đầu tiên và là sợi chỉ xuyên suốt câu chuyện của LS Định. Anh mang ra hai quyển Quyết định giám đốc thẩm của hội đồng thẩm phán, Tòa án nhân dân tối cao năm 2003 -2004 (đó là những bản án ở cấp giám đốc thẩm sửa sai các vụ án khó ở tòa cấp dưới và được xem như một ví dụ về việc áp dụng các điều luật khi xét xử những vụ án tương tự như vậy) rồi nói một cách tự hào: “Đây là một bước rất nhỏ của án lệ tại VN!”.
Do những đặc thù của VN, án lệ là một quãng đường đầy khó khăn và nhiều tranh cãi. Trong một bài viết trên bản tin đoàn LS tháng 7-2003, LS Định thẳng thừng: “Phán quyết của tòa án hiện nay thường thiếu chiều sâu và sự uyên bác trong nhận định và phân tích các vấn đề pháp lý cụ thể. Một số thẩm phán đôi khi phải đưa ra những lời giáo huấn đạo đức không cần thiết cho các bị cáo hoặc các bên tranh chấp nhằm khỏa lấp những khuyết điểm đó”. Cứ thế, cái cách nói đôi khi gay gắt của chàng LS trẻ này khiến không ít người khó chịu.
Và sự “nổi tiếng” của LS Định lại là sự “khùng”. Không ít lần anh từng bị các quan chức một bộ nhắn gửi: “Thằng đó khùng hay sao mà tuyên bố này nọ hoài”. Đó là khi anh truy đến cùng các nguyên nhân khiến luật chưa ra đời đã trở nên lạc hậu: “Bộ luật dân sự của Napoléon xây dựng cách đây 200 năm; Bộ luật dân sự Đức xây dựng cách đây 100 năm - không hề được sửa bởi trước đó những bộ luật này đã kế thừa được hệ thống luật bất thành văn của hàng ngàn năm trước và quan tòa, khi xét xử, nếu thấy không phù hợp thực tế bèn giải thích theo thực tiễn để thay đổi tinh thần của nó.
Đó là sửa luật theo án lệ. Tức nền tảng luật phải bắt nguồn từ cuộc sống và ở các nước, chỉ có quan tòa là người duy nhất giải thích luật, còn ở ta ai muốn giải thích cũng được cả. Nó làm cho luật pháp mất tính thống nhất và vị trí độc lập của quan tòa không cao. Chúng ta có quá nhiều luật nhưng nhiều khi “không xài được” hoặc vừa thông qua đã “chết” rồi vì thiếu tính thực tiễn. Tôi ủng hộ án lệ và chắc chắn luật về án lệ sẽ giải quyết được những điều mà trong thực tiễn chưa có.
Ở VN, người ta có thể trả lại đơn kiện và nói: luật chưa có, Quốc hội chưa ban hành, tôi không xử được. Nhưng ở nước ngoài, người ta sẽ kiện ngay quan tòa vì tội không ban phát công lý”.

Tạm gác giấc mơ tiến sĩ

“Hồi xưa tôi mê luận án tiến sĩ và từng sưu tầm hàng trăm cái ở Paris, từng được chọn làm nghiên cứu sinh tiến sĩ ở Tulane nhưng rồi về nước, một đam mê khác lấn dần vào công việc hằng ngày của tôi: gầy dựng một công ty luật mình thích, góp phần gầy dựng tinh thần thượng tôn pháp luật từ cộng đồng tới doanh nghiệp và cả chính quyền. Tham gia các vụ việc với chính quyền thành phố hoặc các công ty lớn của Nhà nước... tôi thấy vui nhất là ý thức các vị đã có những thay đổi rất rõ. Vụ VN Airlines, vụ Liên đoàn Bóng đá bị thua kiện và mất tiền ở nước ngoài… đã làm người ta giật mình.
Mới đây, trong một cuộc họp của UBND TP.HCM, tôi ngồi nghe ông Nguyễn Văn Đua chỉ đạo: “Làm gì thì làm, phải tuân thủ những qui định pháp lý, tránh để bị kiện” mà thấy mừng. Đã có những vụ mà chính quyền không thể đơn thuần ra quyết định hành chính, ví dụ thành phố “thuê lại quyền sử dụng” công viên 23-9 từ nhà đầu tư nước ngoài. Mà chuyện đó đâu đơn giản: họ cử LS, quăng sách luật ra bàn, cãi nhau tóe lửa...
Tôi nhớ lại LS Đặng Khải Minh, một Việt kiều nhưng tinh thần của ông thì hết sức VN, tìm mọi cách nâng đỡ và vun vén cho LS Việt, ông khuyên chúng tôi phải chuẩn bị hết mọi điều kiện để LS VN mình có thể sánh ngang với khu vực và thế giới khi tham gia cạnh tranh toàn cầu. Chúng tôi vừa làm vừa học, vừa đào tạo những LS trẻ để họ nâng tầm. Giờ đây chúng tôi có thể sang Singapore hay bất cứ quốc gia nào tham gia các vụ kiện, có thể tranh cãi từng từ ngữ với các LS, buộc họ sửa cả văn bản tiếng Anh hay đưa ra các ý kiến pháp lý trong các hợp đồng mua bán, tài trợ... tầm quốc tế cho khách hàng VN.
VN hiện tại chỉ có khoảng hai văn phòng luật đủ mạnh để làm chuyện đó. Tình trạng cạnh tranh cũng đang làm cho LS VN yếu thế thay vì phối hợp để nâng tầm trên trường quốc tế. Ước mơ lớn nhất của tôi là mở một trường đại học luật tư thục đào tạo kiến thức hiện đại và thực tế phục vụ cho phát triển. Nó sẽ hoạt động theo xu hướng như một trung tâm nghiên cứu sản sinh ra các học thuyết pháp lý - chuyện rất quen thuộc ở nước ngoài. Ta không làm mà khoanh tay nhìn là muộn lắm đó!...”.
Nhiều người đã ra đi và nhiều người đã trở về, với một hành trang đầy đặn và một khát vọng về các cuộc chơi lớn cùng bạn bè quốc tế. Mỗi người trong họ đi trên những con đường khác nhau để cùng gặp nhau trong một nỗ lực.

NGUYỄN VĂN TIẾN HÙNG

-----------------------------------------

LS Lê Công Định sinh năm 1968, cử nhân luật ĐH Quốc gia Hà Nội, cử nhân luật ĐH Tổng hợp TP.HCM, cao học luật ĐH Tổng hợp Tulane, Hoa Kỳ. Thành viên Đoàn LS TP.HCM, thành viên Hiệp hội LS Hoa Kỳ; thành viên hội đồng đại diện cho VN, Hiệp hội LS châu Á - Thái Bình Dương. Hiện đang giảng dạy về luật VN cho SV quốc tế trong chương trình trao đổi giữa khoa luật ĐH Cần Thơ và ĐH Tổng hợp Pantheon - Assas (Paris 2), hiện là LS thành viên Công ty DC Lawyers.

No comments: