Wednesday, June 3, 2009

23 NĂM ĐI GIẬT LÙI

23 năm đi giật lùi
Đỗ Quang Tuấn Hoàng

Thứ Tư, 3/6/2009, 10:01 (GMT+7)
http://www.thesaigontimes.vn/Home/thoisu/doisong/19438/
(TBKTSG) - Chiếc Honda gầm gừ đưa chúng tôi về đến căn nhà nhỏ nằm ở cuối thôn Mỹ Yang, thôn tận cùng của xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, thì trời đã sẫm tối. Ném cái bao dứa bê bết bùn đất đựng chiếc máy rà kim loại vào góc nhà, Bình móc ba tờ 5.000 đồng nhàu cũ trong túi quần đưa cho mẹ. Đấy là tiền công của hai chúng tôi sau cả ngày trời sục sạo trong những cánh rừng ở Kon Chiêng, Kon Thụp, cách thôn 40 - 50 ki lô mét, để rà phế liệu.

Bỗng dưng mất đất

Thôn Mỹ Yang gồm 90 hộ gia đình, là người dân từ các huyện Mỹ Văn, Mỹ Hào, Tiên Lữ, Văn Lâm... của tỉnh Hưng Yên đi theo lời kêu gọi của Nhà nước, vào xây dựng vùng kinh tế mới theo ba đợt: 1986, 1987 và 1988. Khi đến nơi mới, mỗi nhà được chia 3-5 sào đất vườn, còn thì tự khai hoang.
Năm 1989, Ban kinh tế huyện Mang Yang chia cho thôn 42 héc ta trước thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã Kon Dỡng để bà con lấy đất canh tác. Nhưng ngày ấy, do rừng thiêng nước độc, bà con người Kinh ở vùng đồng bằng chuyển vào, không hợp thủy thổ nên bị sốt rét hành hạ đến vàng da, rụng tóc.
Đã vậy, bà con cũng không quen làm nương rẫy. Vậy là nhiều khu rẫy bị họ bỏ hoang cho cỏ mọc rậm rì, nhiều gia đình không chịu được điều kiện sống khắc nghiệt đã dắt díu nhau trở lại quê hương. Rắc rối bắt đầu nảy sinh.

Tháng 10-1990, một sáng, bà con dân làng Mỹ Yang ngỡ ngàng khi thấy một đoàn người cùng xe ủi, máy xúc ồ ạt đổ bộ đến, ngang nhiên biến phần đất canh tác của bà con trong thôn thành công trường.

Ngạc nhiên và bức xúc, dân làng ùa nhau ra ngăn cản nhưng những tốp thợ lái máy ủi, máy xúc bảo họ cũng chỉ được thuê đi san ủi mặt bằng, không biết gì. Tuyệt không một người có trách nhiệm nào của chính quyền địa phương xuống giải thích cho bà con lấy một lời. Chẳng mấy chốc, 42 héc ta đất được chia và nhiều diện tích đất rừng bà con tự khai hoang được, tổng cộng là hơn 100 héc ta bị san phẳng.

Tháng 6-1991, những bầu bạch đàn giống được xuống gốc. Lúc này, bà con mới biết diện tích đất mà mình đã đổ bao mồ hôi, công sức và cả máu, những mong biến sỏi đá thành cơm ấy bị UBND tỉnh Gia Lai chuyển chủ quyền cho Công ty Nguyên liệu giấy Mang Yang.


Cày thuê cuốc mướn cũng không yên

Tính đến nay, sau 22 năm thành lập, thôn Mỹ Yang đã đi giật lùi. Hiện 76 hộ với 304 nhân khẩu chỉ có chưa được 90 héc ta đất gọi là canh tác được thì đều đã bạc màu, còn lại hơn 130 héc ta là dốc đứng hoặc triền dốc, mưa một trận là đất trôi tuột hết nên không trồng trọt được. Đất màu mỡ ở những thung lũng thì đồng bào dân tộc Bahna ở các thôn lân cận canh tác, đất bằng phẳng thì Công ty Nguyên liệu giấy Mang Yang trồng bạch đàn, đẩy bà con vào cảnh cùng cực: sống giữa đại ngàn mà không có đất canh tác.
Chị Đỗ Thị Dình bắt đầu cuộc trò chuyện với chúng tôi bằng lời ta thán: “Dân làng này cày thuê cuốc mướn cũng không yên”. Vợ chồng chị dắt díu nhau vào đây từ tháng 12-1987. Hiện tại, gia đình tám người này có 40 héc ta đất nhưng chỉ trồng được 2 héc ta cao su, 5 sào đất vườn thì chỉ trồng được cây bời lời và sắn. Ngừng tay hái lá sắn về muối làm dưa, người phụ nữ khắc khổ khoát tay về bốn phía để giúp tôi hình dung khu đất vườn của gia đình chị rồi ngán ngẩm: “Hầu hết là đất đen pha cát, chúng tôi đã đổ bao nhiêu phân xuống mà cũng không cải tạo được chất đất. Đất bạc màu nên sắn trồng cũng còi cọc, chỉ tốt lá chứ chẳng có mấy củ. Bời lời nếu chăm bón tốt thì năm năm sau mới có người đến mua về làm hương (nhang), chăm bón không tốt thì phải bảy năm sau mới được thu hoạch. Giá cả thì phụ thuộc vào thương lái nên cuối cùng, công xá của chúng tôi cũng chẳng bõ bèn gì”.

Tình cờ đi ngang, thấy chúng tôi, anh Trần Quốc Tĩnh, Trưởng thôn, sà vào góp chuyện. Gia đình anh vào định cư ở thôn Mỹ Yang từ năm 1986, tính cả đất được chia và đất tự khai hoang, nhà anh có 7 héc ta nhưng chỉ thực canh tác được 3 héc trồng cao su. “Đất bằng, đất tốt thì bị lấy mất, đất vườn thì bạc màu, đất đồi dốc chỉ hợp với cây công nghiệp nhưng muốn trồng thì phải có vốn, phải tìm được đầu ra; không có cần câu nên cả thôn, người sang các xã lân cận làm thuê, người lên rừng rà mảnh bom, đạn kiếm bữa độ nhật”, anh Tĩnh xót xa.

Lẽ thường, người nông dân phải được hạnh phúc khi làm chủ ruộng đất, đằng này, với bà con dân làng Mỹ Yang, nụ cười đến với họ khi được đi cày thuê, cuốc mướn. Chả là, không có đất sản xuất nên họ phải khăn gói sang các thôn, xã trong vùng xin thuê đất để canh tác, giá thuê 1 héc ta là 3 triệu đồng/năm. Đắt đỏ vậy nhưng nào đã yên. Chị Đỗ Thị Dình cho biết: “Thường thì chỉ đất khó canh tác người ta mới cho thuê. Mình đổ công đổ của cải tạo ruộng rẫy nhưng mới trồng tỉa được một năm, đến năm thứ hai, chủ đất đã đi đặt cây rồi và năm thứ ba thì đòi lại đất. Như thế chả khác gì mình đi phát nương làm rẫy, cải tạo đất cho họ. Cam phận vậy mà cũng chẳng có đất để thuê!”.

Hiện việc thuê mướn đất sản xuất của nhân dân thôn Mỹ Yang trông cả ở xã Lơ Pang. Trung bình mỗi héc ta, nếu chịu khó chăm bón, trừ chi phí và may mắn nông sản được giá thì bà con thu về được 50% tổng thu, tương đương 4-5 triệu đồng.

Từ nguồn vốn ODA của Chính phủ Pháp tài trợ, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho mỗi hộ dân vay 10 triệu đồng/héc ta để thực hiện dự án trồng cây cao su thổ điền. Nhưng “lúc hướng dẫn làm thủ tục, cán bộ ngân hàng phổ biến cho bà con là đến năm thứ 8 mới bắt đầu phải trả nợ mà lãi chỉ phải tính có 0,8%/năm và bà con được trả dần bằng 25% sản lượng mủ cao su khi thu hoạch. Thế nhưng, thực tế là ngay khi giao tiền, ngân hàng đã ghi lãi 1,35%/năm. Giờ trót đầu tư, phóng lao thì phải theo lao thôi chứ cũng chưa nhìn thấy đầu ra cho cây cao su ở đâu cả”, ông Đặng Xuân Hay, Bí thư chi bộ thôn Mỹ Yang, ngậm ngùi.

“Chắc chắn tái nghèo”

Đó là khẳng định của ông Hay. Ông phân tích: “Hiện cả thôn còn thuê được 39,5 héc ta đất nương rẫy và 4 héc ta ruộng lúa nước nên còn cầm cự được, nhưng chỉ vài ba năm nữa, đất không thuê được, nghề phụ không có thì bà con tái nghèo là cái chắc. Hiện giờ đã có tới 11/76 hộ nằm trong diện đặc biệt khó khăn...”.

Mỗi năm, bà con có sáu tháng chăm sóc và thu hoạch sắn, sáu tháng nhàn rỗi thì chín người mười việc. Phụ nữ, trẻ em thì đi cuốc đất, làm cỏ, thu hoạch nông sản thuê. Đàn ông, thanh niên thì mỗi ngày vượt 40-50 km vào rừng rà phế liệu. Biết là hiểm nguy rình rập sau mỗi bước chân nhưng đã vào bước đường cùng, họ đâu được quyền lựa chọn.

Suốt mấy ngày ở thôn Mỹ Yang, điều được nghe nhiều nhất là bà con không hiểu tại sao ngày ấy người ta lại chọn vùng đất cằn cỗi, bạc màu ở thâm sơn cùng cốc này mà đưa bà con đến lập làng. Sai lầm ở công tác di dân đã đành, phần đất canh tác ít ỏi của bà con cũng bị người ta lấy mất càng làm nhân dân thêm khốn khó. Ước nguyện của bà con là được trả lại diện tích đất mà Công ty Nguyên liệu giấy Mang Yang đã lấy trước đây để canh tác, ổn định đời sống.

Được biết, nhiều năm nay, Đảng bộ, chính quyền thôn đã nhiều lần kiến nghị với UBND xã Đắk Yă, huyện Mang Yang, và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Gia Lai nhưng họ vẫn chỉ nhận được sự im lặng. Thậm chí, ông Hay còn cho biết: “Trong cuộc họp giao ban mới đây tại trụ sở UBND xã, khi tôi chất vấn chuyện mất đất canh tác của thôn Mỹ Yang, ông Nguyễn Văn Hiền, Chủ tịch UBND xã Đắk Yă, đã nói rằng Công ty Nguyên liệu giấy Mang Yang cổ phần hóa rồi, chả biết đâu mà lần, từ nay đừng hỏi chuyện này nữa”.


Còn trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Nguyễn Tấn Dũng, Phó chủ tịch UBND xã Đắk Yă, phân bua: “Phần đất ấy (của dân làng Mỹ Yang) Công ty cổ phần Trồng rừng công nghiệp Gia Lai (tên hiện nay của Công ty Nguyên liệu giấy Mang Yang) đã trồng rừng ổn định rồi, họ cũng được cấp giấy chủ quyền đất nên xã không biết làm gì hơn ngoài việc kiến nghị lên huyện, tỉnh”.


No comments: