Thursday, October 15, 2020

LỐI THOÁT CUỐI CÙNG KHỎI CHẾ ĐỘ CHUYÊN CHẾ (David Frum - The Atlantic)

 


Lối thoát cuối cùng khỏi chế độ chuyên chế

Ký giả Chủ lực David FrumThe Atlantic

Tạp chí Tháng 11/2020

Dịch bởi: Người Mỹ Gốc Việt

14 tháng 10 2020

https://www.nguoimygocviet2020.com/2020/10/loi-thoat-cuoi-cung-khoi-che-o-chuyen.html

 

Nước Mỹ sống còn sau một nhiệm kỳ của Trump. Nó sẽ không sống còn sau một nhiệm kỳ thứ hai.

 

Câu hỏi quan trọng nhất trên lá phiếu 2020 không phải là Joe Biden hay Donald Trump, hoặc đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. Câu hỏi quan trọng nhất là: Liệu Trump có thoát được với sự tham nhũng của mình - liệu các chiến thuật gian dối và độc đoán của ông ta có thành công không?

 

Nếu câu trả lời là có, hãy sẵn sàng cho nhiều hơn thế. Rất nhiều hơn thế.

 

Người Mỹ đã quá hào phóng với những quyền lực to lớn cho chức vụ tổng thống. Họ cũng đã tìm cách ràng buộc các quyền lực đó bằng luật pháp. Tuy nhiên, những Người sáng lập nước cộng hòa này hiểu rằng riêng chỉ luật pháp sẽ không bao giờ có thể loại bỏ những rủi ro vốn có trong quyền lực của tổng thống. Họ đã lo lắng không ngừng về viễn cảnh có một người thực sự tồi tệ giành được cương vị đó - một Caesar hoặc một Cromwell, như Alexander Hamilton đã băn khoăn trong tập tài liệu “Người liên bang số 21” (“Federalist No. 21”). Họ xây dựng những hạn chế: một hệ thống phức tạp để lựa chọn tổng thống, một Quốc hội để hạn chế ông ta, thể thức luận tội để loại bỏ ông ta. Các giải pháp của họ đã hoạt động trong hai thế kỷ rưỡi. Trong thời đại của chúng ta, hệ thống đó thất bại.

 

Trong những năm của Trump, các định chế đã nhiều lần thất bại trong việc kiểm tra tham nhũng, lạm dụng quyền lực và thậm chí cả bạo lực ủng hộ Trump.

 

Khi Trump nhậm chức, tôi đã xuất bản một câu chuyện trang bìa trên tạp chí này, lập luận rằng nhiệm kỳ tổng thống của ông ấy có thể đưa nước Mỹ vào con đường chuyên chế. Tôi đã viết “Theo tất cả những dấu hiệu sớm có, nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ ăn mòn sự liêm chính của công quyền và nền pháp quyền — và cũng gây ra những thiệt hại không thể kể đến đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, liên minh phương Tây và các chuẩn mực dân chủ trên toàn thế giới. Thiệt hại đã bắt đầu, và nó sẽ không sớm hoặc dễ dàng đảo ngược. Tuy nhiên, chính xác mức độ thiệt hại được phép gây ra là một câu hỏi bỏ ngỏ.”

 

Bây giờ chúng ta có thể đo lường mức thiệt hại đã có. Khi chúng ta gần đến cuộc bỏ phiếu năm 2020, chính quyền Trump đang cố gắng làm tê liệt Cơ quan Bưu điện để thay đổi kết quả bầu cử. Tổng thống đã từ chối thành công việc tuân theo trát đòi hầu tòa từ các ủy ban quốc hội do các thành viên của đảng đối lập chủ trì. Ông ta đã bỏ qua các nguyên tắc đạo đức, các quy tắc lộn xộn về đảm bảo an ninh và đóng cửa hai cuộc điều tra phản gián về các liên kết kinh doanh ở Nga của ông ta, một của FBI, một của Cố vấn đặc biệt Robert Mueller. Ông ta đã giao cho cảnh sát trại giam và cảnh sát công viên thực hiện các nhiệm vụ mới với tư cách là người thi hành công vụ đường phố, qua mặt Lực lượng Vệ binh Quốc gia và FBI. Như năm 2016, ông một lần nữa hoan nghênh sự giúp đỡ của Nga cho chiến dịch tranh cử của mình — chỉ lần này, ông kiểm soát các cơ quan đang từ chối trả lời các câu hỏi của Quốc hội và người dân Mỹ.

 

Những người có thể giảm thiểu mối đe dọa mà Trump gây ra tìm an ủi ở những điểm yếu của cá nhân ông: sự lười biếng, sự thiếu hiểu biết của ông về cơ chế chính phủ. Nhưng tổng thống không hành động một mình. Các chính trị gia Đảng Cộng hòa, những người thường được kỳ vọng sẽ kiềm chế Trump, thay vào đó lại đang tạo điều kiện và trao quyền cho ông.

 

Có lẽ sự thay đổi hệ luỵ nhất mà Trump đã thực hiện là ở thái độ của Đảng Cộng hòa đối với nền dân chủ. Tôi đã làm việc trong chính quyền của George W. Bush, người tổng thống đầu tiên kể từ những năm 1880 đã thắng phiếu Đại cử tri đoàn mặc dù thua phiếu phổ thông. Bush nhận ra kết quả này là một vấn đề chính trị to lớn. Sau khi Tòa án Tối cao ra phán quyết có lợi cho ông vào ngày 13 tháng 12 năm 2000, tổng thống đắc cử hứa sẽ điều hành theo kiểu lưỡng đảng và hòa giải. Ông nói trong một bài phát biểu tại thủ phủ bang Texas, nơi ông đang kết thúc nhiệm kỳ thống đốc:  “Tôi không được bầu để phục vụ một đảng, mà để phục vụ một quốc gia. Tổng thống Hoa Kỳ là tổng thống của mọi người Mỹ, thuộc mọi chủng tộc và mọi xuất thân. Cho dù bạn có bầu cho tôi hay không, tôi sẽ cố gắng hết sức để phục vụ lợi ích của bạn, và tôi sẽ làm việc để nhận được sự tôn trọng của bạn.”

 

Bạn có thể tin rằng Bush đã thất bại trong lời hứa đó - nhưng ông đã lập lời hứa đó bởi vì ông nhận ra một vấn đề. Hai thập kỷ sau, Trump đã bình thường hóa quy tắc thiểu số dường như rất bất thường vào tháng 12 năm 2000.

 

Đảng Cộng hòa trong những năm Trump đã quen với việc cạnh tranh theo các quy tắc có lợi cho họ. Họ đã sợ rằng trừ khi các quy tắc có lợi cho họ, họ sẽ thua. Và vì vậy, họ đã học cách nghĩ về các quy tắc thiên vị là cần thiết, phù hợp và công bằng - và coi mọi nỗ lực sửa chữa các quy tắc đó là một cuộc tấn công trực tiếp vào sự sống còn của họ.

Những gì tôi viết vào năm 2017 chỉ trở nên đúng hơn vì: “Chúng tôi đang phải trải qua thử thách nguy hiểm nhất đối với chính phủ tự do của Hoa Kỳ mà những ai còn đang sống từng gặp phải.”

 

Để hiểu hệ thống của Hoa Kỳ đã thất bại như thế nào trong nhiệm kỳ đầu tiên của Trump — và làm thế nào nó có thể thất bại hơn trong bốn năm nữa — chúng ta hãy xem xét kỹ hơn một số hành vi lạm dụng của Trump và hướng chúng có thể phát triển trong nhiệm kỳ thứ hai.

 

.

Lạm dụng quyền lực ân xá

 

Vào ngày 10 tháng 7 năm 2020, Trump đã giảm án cho người cộng sự lâu năm của mình là Roger Stone. Như thông tin của chính Stone cho biết, ông ta đã đóng vai trò trung gian giữa chiến dịch tranh cử của Trump và WikiLeaks vào năm 2016. Nếu Stone hợp tác với các nhà điều tra liên bang, những tiết lộ có thể gây nguy hiểm cho Trump. Thay vào đó, Stone đã nói dối Quốc hội và đe dọa các nhân chứng khác.

 

Ngay khi Stone lẽ ra phải vào tù, Trump đã giảm án. Việc giảm án đó hữu hiệu cho việc che đậy hơn là một sự ân xá đơn thuần. Một người được giảm án được giữ quyền của Tu chính án thứ Năm khỏi phải làm chứng; một người được ân xá mất quyền đó.

 

Sự khoan hồng của Trump đối với Stone nhắc nhở những người có thể có tội khác — những người như Paul Manafort và Ghislaine Maxwell — hiểu rõ về những lợi ích tiềm năng đối với họ khi họ giữ im lặng về Trump.

 

Làm thế nào mà Trump thoát được với việc sử dụng quyền lực công vì lợi ích cá nhân theo cách này? Không có gì để ngăn cản ông ta. Hiến pháp tôn trọng quyền lực của tổng thống. Các hành xử của chính phủ  được thiết lập từ lâu đời đã không khuyến khích các tổng thống sử dụng nó theo ý thích. Nhưng một nhiệm kỳ thứ hai của Trump có thể buộc các cộng sự phạm luật vì ông ta — và sau đó bảo vệ họ khi họ bị bắt và đối mặt với hình phạt. Ông ta có thể ân xá cho người thân của mình — và thậm chí cố gắng ân xá cho chính mình.



Lạm dụng nguồn lực của chính phủ để thu lợi cá nhân

 

Vào ngày 28 tháng 8 năm 2020, sau khi tổng thống phá vỡ tiền lệ — và, nếu các nhân viên liên bang ngoài tổng thống và phó tổng thống tham gia vào việc lập kế hoạch cho sự kiện, có thể vi phạm luật — bằng cách chấp nhận đề cử của Đảng Cộng hòa trong khuôn viên Nhà Trắng, báo New York Times đã báo cáo:

 

Các trợ lý của ông Trump cho biết ông rất thích thú trước sự thất vọng và tức giận mà ông gây ra khi tổ chức một sự kiện chính trị ở Bãi cỏ phía Nam của Nhà Trắng, phá vỡ các quy tắc thông thường và tạo nên vấn đề về vi phạm luật đạo đức công vụ. Các trợ lý giấu tên để thảo luận về các cuộc trò chuyện nội bộ cho biết, ông vui trước thực tế là không ai có thể làm bất cứ điều gì để ngăn cản ông.

 

"Không ai đã có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn ông ta." Không ai đã ngăn Trump chuyển tiền thuế của người dân vào các doanh nghiệp cá nhân của mình. Không ai đã ngăn cản ông ta bất chấp trát đòi hầu tòa của Quốc hội để xem xét liệu ông ta có vi phạm luật thuế và ngân hàng hay không. Không ai đã ngăn cản ông ta tuyển dụng và thăng chức cho người thân của mình. Không ai đã ngăn cản ông ta sử dụng các nguồn lực của chính phủ cho các mục đích đảng phái. Không ai đã ngăn cản ông gây áp lực và kêu gọi các chính phủ nước ngoài giúp đỡ chiến dịch tái tranh cử của ông. Không ai đã ngăn cản ông ta sử dụng quyền lực của mình đối với Sở Bưu chính để ngăn cản việc bỏ phiếu mà ông ta nghĩ rằng sẽ làm tổn thương ông ta.

 

Trump nhận thấy dễ dàng đến độ ngạc nhiên việc sử dụng Bộ Tư pháp như một lá chắn để chống sự kiềm toả các hành vi sai trái của mình. Đạo luật Hatch cấm hầu hết việc sử dụng các nguồn lực của chính phủ cho các mục đích đảng phái. Tuy nhiên, theo phép lịch sự lâu đời, việc thực thi luật đó đối với những người được bổ nhiệm cấp cao của tổng thống được nhường cho tổng thống. Nó chỉ giả định rằng tổng thống sẽ muốn tuân thủ. Nhưng nếu ông ta không muốn thì sao? Cơ quan liên bang độc lập được giao nhiệm vụ thực thi Đạo luật Hatch, Văn phòng Công tố đặc biệt, đã phát hiện 9 trợ lý cấp cao của Trump vi phạm luật, và đã khuyến nghị Trump yêu cầu họ từ chức. Ông ta đã bỏ qua khuyến nghị đó.

 

"Không ai có thể làm bất cứ điều gì để ngăn chặn ông ta." Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, Trump đã thanh trừng nhiều tổng thanh tra khỏi các bộ trong Nội các và trừng phạt những người tố giác. Trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump, chính quyền sẽ hoạt động đen tối hơn bao giờ hết để che đậy tham nhũng và vi phạm an ninh quốc gia. Bộ Tư pháp sẽ trở nên đồi trụy hơn bao giờ hết, trở thành công ty luật riêng của Trump và chi tiền thuế của người dân để bảo vệ ông trước hậu quả của hành vi sai trái cá nhân của ông. Sự siêu chính trị hóa của Bộ Tư pháp và Bộ An ninh Nội địa sẽ lan sang các cơ quan khác. Dấu tích cuối cùng của đạo đức công vụ và độc lập trong Đảng Cộng hòa sẽ biến mất.



Chuyển công quỹ cho bản thân và các công ty của ông ta

 

Trong lịch sử 230 năm của Hoa Kỳ, không có tổng thống nào trước Trump từng cố gắng chuyển những đồng tiền công quỹ vào các công ty của riêng mình — vì vậy chưa có Quốc hội nào bận tâm đến việc cấm cụ thể kiểu hoạt động như vậy. Thay vào đó, luật đạo đức công vụ của Mỹ chủ yếu dựa vào việc công khai thông tin. Khi các quy định về công khai thông tin được đưa ra cách đây nửa thế kỷ, người ta đặt giả thiết rằng, nếu được cung cấp thông tin cần thiết, hệ thống chính trị sẽ khống chế hành vi sai trái.

 

Nhưng giả định đó bắt nguồn từ thời kỳ mà các đảng ít gắn kết hơn - và công chúng ít phân cực hơn - như bây giờ. Siêu quyền lực của Trump là sự vô liêm sỉ tuyệt đối của ông ta. Ông ta ăn cắp một cách trắng trợn. Ông ta nhận hối lộ trong một khách sạn nằm ngay giữa Đại lộ Pennsylvania. Những người ủng hộ ông không phản đối. Đảng của ông trong Quốc hội vẫn bằng lòng. Mức độ tham nhũng này trong đời sống của người Mỹ là chưa từng có. Trump thực sự đã bỏ túi nhiều hơn từ Đảng Cộng hòa so với từ Bộ Tài chính Hoa Kỳ - số tiền mà bạn có thể tưởng tượng rằng những người Cộng hòa đã quyên góp cho việc bầu cử các Đảng viên Cộng hòa khác và ban hành các chính sách có lợi cho họ, không phải để làm giàu cho Trump - khi mà đảng và các ứng cử viên của nó vẫn tiếp tục tổ chức sự kiện này đến sự kiện khác tại các cơ ngơi của Trump, chứng minh lòng trung thành bằng cách cho phép mình bị cướp bóc. Sự sẵn sàng để giúp cho túi tiền của gia đình Trump đã trở thành một dấu hiệu của sự tuân thủ và bản sắc, giống như việc đi ủng cao bồi trong chính quyền George W. Bush.

 

Kết quả của sự đồng lõa của Đảng Cộng hòa gần như bao trùm này đối với tham nhũng cá nhân của Trump là sự vô hiệu hoá khả năng hành động của Quốc hội khi tham nhũng bị tiết lộ. Trước đây, trát đòi hầu tòa của Quốc hội là trát đòi hầu tòa của Quốc hội; tất cả các thành viên đều chia sẻ quan tâm với việc nó được tuân thủ. Bây giờ trát đòi hầu tòa chỉ đơn thuần là một lời mời từ bất kỳ bên nào tình cờ chiếm đa số trong một viện của lưỡng viện đã ban hành lệnh đó. Các đảng viên Cộng hòa tại Hạ viện vui vẻ ủng hộ Trump khi ông làm ngơ trát đòi hầu tòa từ các chủ tịch Dân chủ của các uỷ ban, đặt ra một tiền lệ mà một ngày nào đó có thể sẽ được sử dụng để chống lại họ.

 

Trump có rất nhiều điều để che giấu, cả với tư cách là tổng thống và doanh nhân. Cái giá phải trả cho sự sống còn về chính trị và kinh tế của ông là việc phá hủy quyền giám sát của Quốc hội và việc làm mất uy tín của báo cáo trung thực của các phương tiện truyền thông có trách nhiệm. Trong một nhiệm kỳ thứ hai của Trump, việc tái phân vùng bầu cử một cách cực đoan và đàn áp cử tri mạnh mẽ hơn bao giờ hết của các thống đốc đảng Cộng hòa sẽ trở thành con đường duy nhất để tồn tại của đảng này ở một quốc gia nơi đa số cử tri phản đối mạnh mẽ Trump và đảng của ông. Đảng Cộng hoà sẽ hoàn tất quá trình chuyển đổi thành một đảng cực đoan.



Kích động bạo lực chính trị

 

Trump đã sử dụng bạo lực như một nguồn lực chính trị ngay từ khi ông lần tuyên bố ứng cử vào mùa hè năm 2015. Nhưng khi triển vọng tái đắc cử của ông bị mờ đi vào năm 2020, bạo lực chính trị đã trở thành trọng tâm trong thông điệp của Trump. Ông ta muốn nó nhiều hơn nữa. Sau khi video được lưu hành cho thấy cậu Kyle Rittenhouse bắn chết hai người và làm bị thương một người thứ ba ở Kenosha, Wisconsin, vào ngày 25 tháng 8, Trump đã nhấn nút like một dòng tweet tuyên bố rằng "Kyle Rittenhouse là một ví dụ điển hình về lý do tại sao tôi quyết định bỏ phiếu cho Trump." Cố vấn của Trump, Kellyanne Conway, nói trên Fox & Friends vào ngày 27 tháng 8,  “Càng nhiều hỗn loạn và vô chính phủ và phá hoại và bạo lực ngự trị, thì càng tốt cho sự lựa chọn rất rõ ràng ai là người giỏi nhất về an toàn công cộng cũng như luật pháp và trật tự.” Hai đêm sau đó, một đoàn xe gồm 600 chiếc gồm những người ủng hộ Trump tiến vào trung tâm thành phố Portland, Oregon, bắn súng banh sơn và xịt hơi cay, hướng tới một cuộc đối đầu mà trong đó một trong số họ bị bắn chết.

 

Những người có vị trí tốt nhất để điều tiết mức độ bạo lực chính trị trong nước là cảnh sát địa phương, những người mà Trump đã hết lần này đến lần khác thúc giục thực hiện công việc của họ theo những cách hỗ trợ ông, bất kể họ cần phải “cứng rắn" đến mức nào. Cảnh sát được đại diện bởi các công đoàn thường đứng về phía với chiến dịch Trump. Trump nói trong một cuộc phỏng vấn tháng 3 năm 2019 với Breitbart News: “Tôi có thể nói với bạn: Tôi có sự hỗ trợ của cảnh sát, sự hỗ trợ của quân đội, sự ủng hộ của nhhóm Những Người đi Xe máy  phò Trump (Bikers for Trump) — Tôi có những người cứng rắn, nhưng họ không chơi cứng rắn - cho đến khi họ đi đến một điểm nhất định, và sau đó họ sẽ rất tệ, rất tệ."

 

Lời kêu gọi của Trump dựa trên ý thức về chủng tộc và sự phẫn nộ về chủng tộc đã kích thích chủ nghĩa khủng bố phân biệt chủng tộc da trắng ở Hoa Kỳ và thế giới, từ vụ tàn sát nhà thờ Hồi giáo ở New Zealand (mà thủ phạm đã nhắc đến Trump) đến vụ giết người ở giáo đường Do Thái Pittsburgh đến vụ xả súng hàng loạt ở El Paso, Texas và Gilroy, California. Trong những tuần gần đây, bạo lực chính trị đã gây ra những cái chết ở Kenosha và Portland. Một nhiệm kỳ thứ hai của Trump sẽ chỉ kích động thêm sự kinh hoàng như vậy.

 

Người mà các Nhà sáng lập lo sợ đã bước vào văn phòng cấp cao mà họ tạo ra — và tiếp tục lạm dụng văn phòng đó theo những cách mà họ sợ hãi. Bây giờ người đàn ông đó đang tìm kiếm một nhiệm kỳ thứ hai, một nhiệm kỳ sẽ còn bị lạm dụng và nguy hiểm hơn. Chiến lược tranh cử của Trump là vũ khí hóa Đại cử tri đoàn để tái đảm bảo nhiệm kỳ tổng thống của Hoa Kỳ trước sự phản đối của đa số người dân đang sống và bỏ phiếu ở đó. Nếu ông ta có thể kích hoạt nỗi sợ hãi của số người da trắng ở Minnesota, Wisconsin và Michigan đủ đông, ông ta có thể thành công - đánh bại số lượng lớn hơn nhiều người Mỹ muốn ông ta ra đi. Mọi kịch bản hợp lý về thành công trên phiếu Đại cử tri đoàn đều hàm ý một thất bại trên số phiếu phổ thông thậm chí còn nhiều hơn so với 2,9 triệu phiếu bầu mà ông đã thua kém vào năm 2016.

 

Đó là một mánh khóe của những người theo chủ nghĩa dân túy độc tài như Trump khi tự xưng là lãnh đạo của “dân chúng,” ngay cả khi đa số cử tri từ chối họ. Người theo chủ nghĩa dân túy độc tài định nghĩa “dân chúng” để loại trừ bất kỳ ai có suy nghĩ khác biệt. Chỉ những người đi theo ông ta mới được coi là công dân hợp pháp.

 

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là người theo chủ nghĩa dân túy độc tài tôn trọng những người theo ông ta. Ông ta đang khai thác thành kiến ​​của họ vì lợi ích của riêng ông ta, không phải vì lợi ích của họ. Trump sử dụng quyền lực để làm giàu cho bản thân và làm suy yếu bất kỳ thể chế luật pháp hoặc đạo đức nào cản trở việc tự làm giàu của ông. Ông ta nắm giữ quyền lực bằng cách thổi bùng lên những phẫn uất và thù hận. Nhiệm kỳ thứ hai sẽ có nghĩa là ăn cắp nhiều hơn, phá hoại thể chế hơn, kích động sự cố chấp nhiều hơn.

 

Truyền thuyết kể rằng vào những năm 1870, “Ông chủ” William Tweed, chính trị gia nổi tiếng tham nhũng của Thành phố New York, đã chế nhạo những người chỉ trích của mình bằng câu nói: “Bạn định làm gì về điều đó?” Việc Trump không ngừng chà đạp pháp luật và sự liêm chính cũng có hiệu quả tương tự. Quốc hội đã không làm gì cả. Vì vậy, nó tuỳ vào cử tri.

 

Các cử tri của năm 2020 sẽ đi bỏ phiếu trong bối cảnh suy thoái kinh tế khủng khiếp, với hàng triệu người mất việc vì Trump xử lý sai đại dịch coronavirus. Nhưng đất nước này cũng đang phải đối mặt với một cuộc suy thoái dân chủ, một sự bóp nghẹt từ-trên-đỉnh đối với quyền tự do của người dân thường nhằm tác động đến chính phủ của họ. Liệu Tổng thống sẽ tuân theo luật hay phớt lờ chúng? Liệu công quỹ sẽ được sử dụng cho các mục đích công cộng — hay được chuyển hướng để làm lợi cho Trump và những người bạn của ông ta? Các cuộc bầu cử sẽ được diễn ra một cách công bằng — hay bị đảng của tổng thống thao túng để ngăn các phiếu bầu của phe đối lập được thu nhận và kiểm đếm? Liệu quy tắc đa số vẫn là cách của người Mỹ? Hay quy tắc thiểu số sẽ không trở thành một sự kiện quái đản mà trở thành một thói quen lâu dài? Những câu hỏi này đang nằm trên lá phiếu khi người Mỹ đi vào phòng phiếu./.

 

Nguyên bản tiếng Anh:

Last Exit From Autocracy



 

 

 

 

 


No comments: