Saturday, October 17, 2020

LÍNH NGHĨ GÌ? - THỔ NHĨ KỲ : CHIẾC GAI NHỌN TRONG MẮT NATO và HOA KỲ (Vann Phan / Người Việt)

 


Lính Nghĩ Gì? – Thổ Nhĩ Kỳ: Chiếc gai nhọn trong mắt NATO và Hoa Kỳ   

Vann Phan/Người Việt

October 17, 2020

https://www.nguoi-viet.com/cuu-chien-binh/linh-nghi-gi-tho-nhi-ky-chiec-gai-nhon-trong-mat-nato-va-hoa-ky/

 

SANTA ANA, California (NV) – Ngày 15 Tháng Mười, 2020, báo chí thế giới đồng loạt đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đang hoàn tất việc chuẩn bị để bắn thử, lần đầu tiên, hệ thống phòng thủ chống máy bay được coi là tối tân nhất thế giới do Nga chế tạo và được quốc gia thành viên duy nhất trong khối NATO này đặt mua cách nay ba năm.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/CCB-Tho-Nhi-Ky-gai-NATO-1-1536x1024.jpg

Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan (phải) và Tổng Thống Nga Vladimir Putin tham dự lễ khai trương dự án đường ống dẫn khí Turkstream hôm 8 Tháng Giêng, 2020, tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. (Hình: Burak Kara/Getty Images)

 

Đây là một tin mừng và cũng là một thắng lợi nữa cho Tổng Thống Nga Vladimir Putin, nhưng lại là một đòn chí tử giáng vào Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là khối NATO, và vào Hoa Kỳ, nước cầm đầu liên minh này. Bởi vì, đây chính là chiếc đinh cuối cùng đóng vào cỗ quan tài của một khối liên minh Tây phương đang rạn nứt, từng tồn tại từ thời Chiến Tranh Lạnh (1947-1991) cho tới nay.

 

Ai cũng biết Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia theo Hồi Giáo duy nhất trong khối NATO, kể từ năm, sáu năm nay, đang là kẻ “đâm sau lưng các chiến sĩ” Liên Âu và Hoa Kỳ qua đường lối ngang bướng và đầy thách đố của nhà lãnh đạo độc tài nước này, Tổng Thống Tayyip Recep Erdogan.

 

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho tới thời cựu Tổng Thống Abdullah Gul (2007-2014), Thổ Nhĩ Kỳ vẫn là một nước thành viên đáng tin cậy của khối NATO và là đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ trong nhiệm vụ trấn giữ biên thùy phía Đông của Âu Châu chống lại những hoạt động thù địch của Liên Xô thời Chiến Tranh Lạnh và của nước Nga dưới “triều đại” Putin. Hơn thế nữa, Thổ Nhĩ Kỳ còn là quốc gia Hồi Giáo có quan hệ thân thiện và chưa hề đánh nhau với với Israel bao giờ.

 

Nhưng những tình cảm tốt đẹp mà các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ dành cho các nước Tây phương – và cả Israel – bỗng đột ngột chấm dứt kể từ khi ông Recep Erdogan lên nắm quyền tổng thống (từ năm 2014) tại quốc gia Hồi Giáo thế tục từng được tiếng là ôn hòa và cởi mở, nằm giữa Hắc Hải và Địa Trung Hải tại vùng Trung Đông.

 

 

Những xung đột giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Tây phương thời Recep Erdogan

 

Trong mấy năm gần đây, giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Tây phương trong khối NATO đã nảy sinh những khác biệt chính sách dẫn tới những xung đột chính trị ngày càng trầm trọng:

 

- Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ bóp nghẹt nền dân chủ trong nước: Tổng Thống Erdogan có khuynh hướng độc tài và chủ trương nặng tay đàn áp phe đối lập, nhất là đảng PKK của người Kurds và phe của Giáo Sĩ Fethullah Gulen, cũng như giới hạn các quyền tự do, dân chủ của dân chúng.

 

- Vụ Thổ Nhĩ Kỳ không được gia nhập Liên Hiệp Âu Châu: Liên Âu cố tình trì hoãn việc để cho Thổ Nhĩ Kỳ trở thành quốc gia thành viên duy nhất theo Hồi Giáo gia nhập khối này, viện lý do Ankara không đủ tiêu chuẩn của một nền dân chủ hoàn chỉnh.

 

- Vấn đề chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ muốn tiêu diệt người Kurds: Đây là mối xung đột lớn nhất giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ khi Tổng Thống Recep Erdogan, một mặt tìm cách gạt đảng đối lập PKK của người Kurds ra ngoài nền chính trị trong nước, mặt khác đem quân đánh nhóm dân Kurds, người bạn đồng minh thân thiết của Hoa Kỳ đang chiến đấu chống quân Hồi Giáo ISIS tại Syria, và còn tấn công ngay cả nhóm người Kurds tự trị bên trong lãnh thổ Iraq nữa.

 

- Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ muốn độc quyền hành động trong cuộc chiến tranh Syria: Hoa Kỳ rất bực mình vì Thổ Nhĩ Kỳ không chịu hợp tác với mình trong cuộc chiến chống chế độ độc tài của Tổng Thống Bashard al-Assad tại Damascus mà chỉ muốn nới rộng vùng trái độn giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria trên phần đất phía Bắc của Syria mà thôi, với mục đích ngăn chặn người Kurds tại Syria khỏi kết hợp với người Kurds bên trong Thổ Nhĩ Kỳ để đòi quyền tự trị.

 

-Vụ đảo chánh hụt Tổng Tống Recep Erdogan: Đây cũng là một đầu mối quan trọng trong những xích mích giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hoa Kỳ trong cuộc đảo chánh hụt chống Tổng Thống Recep Erdogan hồi năm 2017, dẫn tới hậu quả là Ankara muốn Washington cho dẫn độ Giáo Sĩ Gulen đang tị nạn tại Hoa Kỳ, kẻ bị tình nghi chủ mưu cuộc đảo chánh, về nước để trị tội nhưng yêu cầu đó luôn bị Washington khước từ.

 

https://www.nguoi-viet.com/wp-content/uploads/2020/10/CCB-Tho-Nhi-Ky-gai-NATO-2-1536x1024.jpg

Một giàn hỏa tiễn phòng không S-400 Triumf trong cuộc diễn tập diễn binh tại Novorossiysk ở Nga hôm 18 Tháng Sáu, 2020. (Hình: Kirill Kudryavtsev/AFP via Getty Images)

 

- Vụ tranh chấp quyền lợi tại Cyprus và Libya: Kể từ năm 1974 Cyprus đã bị chia thành hai miền Nam-Bắc, với miền Nam ngã theo Hy Lạp và miền Bắc ngã theo Thổ Nhĩ Kỳ. Nay thì cuộc tranh chấp quyền lợi về các mỏ khí đốt ngoài khơi đảo Cyprus tại Địa Trung Hải và vụ bênh và chống hai phe xung đột nhau tại Libya (thời hậu Gadaffi) càng làm trầm trọng hơn mối thù nghịch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cùng với những quốc gia Liên Âu khác, như Pháp và Đức.

 

- Vụ Hoa Kỳ loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình chế tạo chiến đấu cơ F-35: Đây chỉ là hậu quả của việc Thổ Nhĩ Kỳ không chịu nghe theo lời khuyến cáo của Hoa Kỳ và khối NATO mà đi mua hệ thống S-400 của Nga, dù Thổ Nhĩ Kỳ đang là một nước có chân trong tiến trình đa quốc gia chế tạo phản lực cơ chiến đâu tàng hình F-35 Joint Strike Fighter của Hoa Kỳ. Cụ thể là Mỹ không cho Thổ Nhĩ Kỳ tiếp tục sản xuất một số những bộ phận cần có cho chiếc chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ 5 này.

 

- Vấn đề Thổ Nhĩ Kỳ chơi trò bắt chẹt Mỹ và khối NATO dựa vào vị thế tối quan trọng của các Eo Biển Bosphorus và Dardanelles của Thổ Nhĩ Kỳ tại cửa ngỏ phía Tây Hắc Hải thông ra Địa Trung Hải: Vai trò thiết yếu mang tính chiến lược của hai eo biển nói trên, từ thời Chiến Tranh Lạnh đến nay, để Hải Quân Nga có thể đi ra phía Đông Địa Trung Hải càng làm cho Recep Erdogan thêm hợm hĩnh đối với Hoa Kỳ và các nước Tây phương.

 

 

Những bước “đâm sau lưng chiến sĩ” của Thổ Nhĩ Kỳ

 

Ảnh hưởng suy tàn của Hoa Kỳ tại Trung Đông, do việc siêu cường Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump dần dà rút lui khỏi vùng Trung Đông để nhường cả ảnh hưởng lẫn những cuộc  tranh chấp dai dẳng trong vùng lại cho hai cường quốc khu vực, là Thổ Nhĩ Kỳ và Nga, đã mạnh mẽ khuyến khích Thổ Nhĩ Kỳ khinh thường nước Mỹ và Tây phương, dẫn tới việc Tổng Thống Recep Erdogan chơi những đòn “đâm sau lưng chiến sĩ” các nước được coi là đồng minh của mình trong khối NATO qua các bước đi sau đây:

 

- Thổ Nhĩ Kỳ đã hạ độc thủ với Mỹ và khối NATO khi chọn mua hỏa tiễn phòng không S-400 của Nga. Năm 2017, Tổng Thống Recep Erdogan, vì muốn bắt tay với nhà độc tài Putin của Nga để làm chỗ dựa mà duy trì nền độc tài của mình và để tung hoành ngang dọc mà không bị cản trở, bỗng dưng quyết định mua các giàn hỏa tiễn phòng không tối tân S-400 của Nga thay vì hệ thống hỏa tiễn phòng không Patriot của Mỹ. Điểm khủng hoảng ở đây là, trong khi các phi cơ và võ khí tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ đều nằm trong hệ thống trang, thiết bị do Tây phương sản xuất, thì S-400 là thứ võ khí chuyên trị các trang, thiết bị đó, gây bất mãn và sợ hãi cho cả Hoa Kỳ lẫn các nước khác trong khối NATO. Nói huỵch toẹt ra, ai cũng biết rằng, vì Recep Erdogan đã gây quá nhiều xích mích với Mỹ và NATO nên ông vẫn sợ, một ngày nào đó, biết đâu Mỹ và khối liên minh xuyên Đại Tây Dương này sẽ đem quân đánh ông, vả lúc đó S-400 là loại võ khí phòng thủ hữu hiệu nhất đã được Nga thiết kế đặc biệt nhằm chống lại các chiến đấu cơ do Mỹ, Pháp, Anh và Thụy Điển chế tạo, kể cả loại F-35 được coi là tối tân nhất thế giới hiện nay.

 

- Nhát dao kế tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ chém vào da thịt của Mỹ và các nước trong khối NATO chính là vụ Ankara, hồi Tháng Mười Hai, 2019, đe dọa đuổi quân Mỹ đi và đóng cửa Căn Cứ Không Quân Incirlik của họ nếu Hoa Kỳ dám tiến hành lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ về những vụ đán áp các phần tử đối lập trong nước và ý đồ liên kết với Nga để gây khó cho Mỹ và khối NATO. Incirlik là một căn cứ chứa võ khí nguyên tử của NATO và là nơi xuất phát các chiến đấu cơ cũng như trực thăng Mỹ hành quân chống ISIS trên khắp vùng Trung Đông từ thời Tổng Thống George W. Bush cho tới nay.

 

 

Vì đâu nên nỗi?

 

Có ít ra là hai lý do chính yếu có thể giải thích vì sao xảy ra cuộc xung đột được coi như không thể hàn gắn được giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ cùng các nước Tây phương: Đó là tham vọng “đế quốc” của Recep Erdogan và sự thể, sau khi không còn là một cường quốc Cộng Sản nữa, Nga vẫn tiếp tục là đối thủ nguy hiểm của khối NATO và Hoa Kỳ, thay vì là một nước bạn theo đúng luận lý học (logic), khiến Thổ Nhĩ Kỳ lại trở thành quan trọng như xưa đối với quyền lợi chiến lược của các nước Tây phương.

 

Cũng giống như Tổng Thống Putin muốn trở lại thời đại huy hoàng của Đế Quốc Liên Xô (1917-1991) hay Giáo Chủ Iran Khomeini muốn khôi phục ảnh hưởng lớn mạnh của Vương Quốc Ba Tư xưa (từ thế kỷ 6 trước Tây Lịch đến hạ bán thế kỷ 20), Tổng Thống Erdogan vẫn muốn Thổ Nhĩ Kỳ quay trở lại thời đại vàng son của Đế Quốc Ottoman (từ thế kỷ 14 tới thế kỷ 20) khi lãnh thổ và thế lực của quốc gia này tỏa rộng từ Tây Á qua Bắc Phi và sang tới tận Nam Âu.

 

Phải chăng giải pháp hay nhất là, để nhổ đi cái gai nhọn Thổ Nhĩ Kỳ trong con mắt của Hoa Kỳ và Liên Âu, đồng thời làm cho ông Recep Erdogan cụt hứng trong sách lược chuyên môn bắt chẹt của ông, Hoa Kỳ và Tây phương phải làm sao coi Nga của Vladimir Putin không còn là thù địch của khối NATO nữa mà trở thành nước bạn của mình? (Vann Phan) [qd]

 

 

 

 

 

No comments: