Ngô Nhân Dụng
August 20, 201
Tổng Thống Donald Trump rất thích thị trường chứng
khoán lên cao và cũng thích thú đánh thuế quan trên hàng hóa nhập cảng từ Trung
Quốc. Ông đã bắt đầu thấy hai sở thích này không đi đôi với nhau.
Hơn một năm qua, mỗi lần ông Trump báo tin cuộc
thương thuyết với Chủ Tịch Tập Cận Bình sắp có kết quả tốt, chỉ số S&P 500
của thị trường New York đều tăng lên ngay.
Ngay cả khi ông Trump cho biết không làm gì cả, thị
trường cũng mừng. Ngày 1 Tháng Bảy vừa qua ông báo tin sẽ không đánh thêm thuế
quan trên hàng Trung Quốc trong vòng một tháng, S&P 500 tăng 0,6%. Nhưng đến
ngày 1 Tháng Tám, ông Trump bất ngờ nói sắp đánh thuế 10% trên $300 tỷ mặt hàng
Trung Quốc, chỉ số Dow Jones trên thị trường tụt mất 475 điểm và S&P 500
cũng mất 1.7% ngay trong giờ đầu, sau phục hồi lại một phần.
Ngày 13 Tháng Tám, ông Trump rút lại một nửa số hàng
mới sắp bị đánh thuế, S&P 500 tăng lên 1.1% trong ngày. Nhưng ngày hôm sau
giá chứng khoán lại xuống và S&P 500 đang trở về với giá trị ngày 1 Tháng
Tám. Các nhà đầu tư có vẻ không tin rằng ông Tập Cận Bình cảm động và đáp ứng
cho thiện chí nhượng bộ của tổng thống Mỹ.
Tổng Thống Donald Trump không vui mỗi lần thị trường
chứng khoán xuống. Nhưng ông đổ lỗi cho rất nhiều người khác. Một là ông chủ tịch
Quỹ Dự Trữ Liên bang (Fed), Jerome Powell. Hai là báo chí. Tổng Thống Trump bảo
rằng các báo, đài loan tin về các dấu hiệu kinh tế xấu nhiều quá khiến giới đầu
tư mất niềm tin. Ông Trump cũng đổ lỗi cho các nhà chính trị đảng Dân Chủ nhưng
đó là chuyện tự nhiên không cần nói.
Trong ba “thủ phạm” mà ông Trump cho là đang gây ra
tình trạng thị trường không lên cao như ông muốn, có lẽ ông Jerome Powell là
người ông hy vọng xoay chuyển nhất. Không phải vì chính ông Trump đã bổ nhiệm
ông chủ tịch Fed, nhưng mà vì có rất nhiều lý do để ông Powell phải tìm cách
đáp ứng.
Khi thị trường chứng khoán tụt xuống vì giới đầu tư
lo lắng kinh tế sẽ trì trệ, thì chính những người lãnh đạo Fed cũng lo lắng như
họ; và phải tìm cách đối phó. Họ không có bổn phận giúp giới đầu tư làm giàu
hơn nhưng họ có trách nhiệm với cả nền kinh tế.
Kinh tế Mỹ vẫn lên đều đều là nhờ người tiêu thụ
chưa ngừng bỏ tiền mua sắm. Khi thị trường xuống, nhiều người mất tiền, những
người khác cũng lo lắng và họ sẽ bớt tiêu thụ.
Vì vậy tháng trước, Quỹ Dự Trữ Liên Bang đã cắt lãi
suất căn bản (lãi suất mà các ngân hàng thương mại phải trả cho Fed nếu cần vay
để bù cho đủ số tiền dự trữ bắt buộc ở Ngân Hàng Trung Ương Fed). Họ cắt lãi suất
lần đầu sau 10 năm, vì lo cuộc chiến tranh mậu dịch đang làm cho hoạt động kinh
tế toàn cầu giảm bớt sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ. Nhưng Fed chỉ cắt 0.25%, làm
Tổng Thống Trump và nhiều người thất vọng. Ông Powell giải thích rằng kinh tế Mỹ
vẫn vững chắc, tỷ lệ thất nghiệp vẫn thấp nhất, cho nên không cần cắt nửa phần
trăm như nhiều người tiên đoán.
Hiện nay ai cũng tin rằng trong phiên họp Tháng Chín
này Quỹ Dự Trữ Liên bang sẽ cắt lãi suất nhưng chưa biết sẽ cắt bao nhiêu. Tổng
Thống Trump, ngày 19 Tháng Tám, mới “tuýt” rằng trong kỳ họp tới Fed phải cắt
ít nhất 100 điểm, tức là 1%. Nếu Fed cắt theo ý ông tổng thống, lãi suất căn bản
sẻ là từ 1% đến 1.5%.
Nếu Fed cắt lãi suất như ông Trump đề nghị, thị trường
chứng khoán có thể lên ngay. Bởi vì, trên nguyên tắc, khi lãi suất thấp hơn thì
những người đang làm chủ trái phiếu, nhất là công trái của nhà nước, có thể bán
trái phiếu có lời ngay; và họ sẽ đi mua cổ phần vì hy vọng kinh tế sẽ được kích
thích lên cao.
Nhưng ông Jerome Powell sẽ phải tính toán rất kỹ. Nếu
cắt ngay 1% bây giờ thì lợi, hại ra sao? Hiện nay trong thị trường, người ta
tiên đoán từ giờ đến cuối năm 2019 Fed sẽ cắt lãi suất khoảng nửa phần trăm,
trong hai lần Tháng Chín và Tháng Mười Hai, mỗi lần 0.25% nữa.
Nhưng ông Powell còn những mối lo khác. Khi Ngân Hàng
Trung Ương cắt lãi suất thì mong tạo nên hậu quả là người ta tiêu thụ và đầu tư
nhiều hơn. Nhưng hiện nay lãi suất đang ở mức rất thấp rồi, mua công trái chính
phủ Mỹ thời hạn 10 năm chỉ kiếm được mức lời (yield) 1.6% một năm thôi. Giảm
lãi suất hơn nữa, không chắc đã thúc được mọi người vay thêm tiền để chi ra.
Các xí nghiệp sẽ đầu tư khi nào họ thấy có triển vọng kiếm lời, chứ không phải
chỉ vì dễ vay tiền. Nếu kinh tế thế giới, đặc biệt là nước Tàu và Âu Châu, bắt
đầu trì trệ rồi (kinh tế Anh Quốc và Đức đều tụt giảm trong quý thứ nhì năm
nay) thì triển vọng kiếm lời không cao lắm.
Hơn nữa, không phải cứ lãi suất xuống thì các ngân
hàng sẽ cho vay dễ dàng hơn. Hiện nay mức lời của các ngân hàng thương mại
(profit margins) đang rất thấp. Cuộc nghiên cứu của Oxford Economics cho biết rằng
hiệu quả của việc cắt lãi suất trên nền kinh tế bây giờ không còn chắc chắn như
10 năm trước.
Cho nên ông Powell sẽ phải tính toán rất kỹ trước
khi quyết định cắt lãi suất bao nhiêu phần trăm. Mối lo lớn nhất của ông, và giới
lãnh đạo Ngân Hàng Trung Ương Mỹ, là nếu cắt nhiều quá thì khi kinh tế suy
thoái thật sẽ “không còn gì để cắt nữa!”
Khi kinh tế bắt đầu suy thoái Ngân Hàng Trung Ương
nào cũng cắt lãi suất để kích thích nó tăng trưởng trở lại. Cắt lãi suất là thứ
“vũ khí” đầu tiên được dùng để phục hồi hoạt động kinh tế. Nếu kinh tế chưa xuống
mà đã cắt nhiều quá, thì cũng giống như chưa giáp trận mà đã dùng bom đạn, sợ
mai mốt “hết đạn!”
Năm 2007, khi kinh tế bắt đầu xuống vì cuộc khủng hoảng
tiền vay mua nhà không trả được, Ngân Hàng Trung Ương Mỹ đã cắt lãi suất nửa phần
trăm (0.5%) ngày 18 Tháng Chín. Nhưng trước đó, lãi suất căn bản là 5.25%, cắt
đi cũng chỉ xuống tới 4.75%.
Sau đó Fed còn cắt lãi suất nhiều lần nữa để kích
thích kinh tế, đến Tháng Mười Hai, 2008, thì lãi suất căn bản xuống tới từ zero
đến .25%.
Nếu ông chủ tịch Fed Jerome Powell cắt lãi suất 1%
như Tổng Thống Trump đề nghị thì ông sẽ tự chặt chân chặt tay và bắn hết đạn của
mình, không còn dùng được thứ dụng cụ kích thích kinh tế này nữa, khi nền kinh
tế di xuống thật!
Tổng Thống Trump quan tâm nhất là cuộc bỏ phiếu năm
2020. Còn ông Powell lo cho tương lai cả nền kinh tế.
Nhưng một hậu quả đầu tiên nếu Fed cắt lãi suất ngay
1% trong vài tuần lễ nữa là thị trường chứng khoán có thể sẽ tụt giảm. Vì hành
động này có vẻ báo trước nền kinh tế sắp đi xuống thật, cần phải bơm tiền vào cấp
cứu!
Ngày Thứ Ba, 20 Tháng Tám, ông Robert Shiller, từng
đoạt giải Nobel về kinh tế học, đã cảnh cáo như vậy trên đài CNBC: Cắt lãi suất
nhiều quá sẽ trở thành một tiếng chuông báo động! Các xí nghiệp sẽ giảm bớt đầu
tư (hiện nay họ đã giảm bớt vì mối lo không biết cuộc chiến tranh mậu dịch sẽ
kéo dài bao lâu). Người tiêu thụ sẽ tiết kiệm để phòng hờ. Cả hai phản ứng đó
có thể biến mối lo kinh tế suy thoái thành sự thật!
Ông Trump có thể giảm bớt áp lực làm thị trường chứng
khoán đi xuống nếu ông thỏa hiệp được với ông Tập Cận Bình. Muốn vậy, ông cần đổi
chiến thuật đối phó với Trung Cộng, không còn nhấn mạnh đến thuế quan nữa.
Hơn một năm qua, tăng thuế quan hàng mua của Trung
Quốc không giúp cho cán cân mậu dịch nước Mỹ bớt thâm thủng. Chiến thuật dọa nạt
của ông Trump không làm cho ông Tập chịu đầu hàng mà còn giúp Tập kích thích tự
ái dân tộc của người Trung Hoa trong lục địa.
Kinh tế Trung Quốc đã bắt đầu trì trệ vì cơ cấu quản
lý vẫn muốn tập trung quyền hành trong tay đảng Cộng Sản. Nó giảm tăng trưởng từ
trước khi bị ông Trump đánh thuế.
Nay ông Tập Cận Bình có thể giải thích với dân rằng
họ sẽ chịu khó khăn hơn không phải vì đảng Cộng Sản chọn cách làm kinh tế sai lầm,
mà chỉ vì bị nước Mỹ tấn công! (Ngô Nhân Dụng)
No comments:
Post a Comment