Miền
Tây là vựa lúa của cả nước và thế giới, nhưng lại nổi tiếng là "vùng
trũng" về giáo dục. Nhìn qua cách mà các đại học ở đây đối xử với các nhà
khoa học thì sẽ thấy miền Tây sẽ còn mang danh hiệu này trong tương lai. Tôi muốn nói đến trường hợp của Doãn Minh
Đăng (1), người mà chính quyền Cần Thơ sẽ đưa ra xử ngày hôm nay vì những
lí do "trời ơi" (2). Câu chuyện của anh Đăng cùng với những sự kiện gần
đây làm cho người ta nhìn miền Tây hiền hoà như vùng đất dữ đối với giới khoa học.
Câu
chuyện của anh Doãn Minh Đăng (3)
thì cũng dài dòng và phức tạp như câu chuyện của cô Vũ Thị Nhuận (4). Lần đầu tiên có người gửi cho tôi đường link để
đọc, tôi rất ấn tượng với anh ấy. Ấn tượng về cách trình bày sự kiện một cách mạch
lạc, và kèm theo chứng cứ cụ thể. Anh còn nói rõ là có thể anh có cái nhìn chủ
quan, và tôi thích cách nói như thế. Tôi thầm nghĩ đây phải là một người làm
khoa học tốt. Và quả thật, thành tích khoa học của anh ấy rất tốt (5); nếu ở nước
ngoài (hay ở Trường ĐH Tôn Đức Thắng) thì anh ấy có thể là ứng viên cho chức
Assistant Professor rồi.
Nhưng
không may cho anh, vì địa lí cũng là định mệnh, vì cái nơi anh đang công tác
làm khó anh đến cùng. Đại khái câu chuyện
như thế này: Giữa tháng 3/2015 anh ấy được phép đi dự một hội nghị ở Hà Nội,
anh không có báo cáo trong hội nghị, và anh cũng không xin hỗ trợ kinh phí từ
Trường Đại học Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ. Nhưng đến cuối tháng 3/2015 thì
ban giám hiệu ... kiếm chyện. Họ đem những chuyện quá khứ ra để phê phán tinh
thần kỉ luật của anh ấy. Tôi nói "kiếm chuyện" là đúng, vì thuở đời
nay, là hiệu trưởng mà đòi giảng viên mình phải trình báo những chi tiết như đi
dự phiên họp nào, lúc nào! (Có lẽ ban giám hiệu nghĩ giảng viên là trẻ con, sợ
đi lạc chăng? Xúc phạm ghê gớm!)
Anh
Đăng không đồng ý với yêu cầu đó. Đến đầu tháng 4/2015 thì ban giám hiệu quyết
định tạm ngưng chức phó trưởng khoa của anh Đăng. Thế rồi sự việc lún sâu vào
những tiểu tiết (?) và những tranh cãi cá nhân giữa anh Đăng và ông hiệu trưởng Dương Thái Công, mà phần bất
lợi dĩ nhiên thuộc về anh Đăng. Anh Đăng không có phương tiện để giải trình câu
chuyện, nên anh phải dùng đến internet như Google và facebook để trình bày sự
việc, mà các bạn có thể đọc trong đường link (3). Ấy thế mà ông Dương Thái Công
cho rằng anh Đăng vi phạm Điều 19 Luật Viên chức vì “Xúc phạm danh dự, nhân phẩm,
uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp.”
Hệ quả
sau cùng là anh Đăng bị cách chức chuyên môn, và điều động sang làm nhân viên
Phòng đào tạo của trường từ tháng 11/2015. Ai cũng thấy đây là một hình thức hạ
nhục giảng viên. Mà, có vinh dự gì chứ, khi một giảng viên có khả năng lại bị
chính Trường hạ nhục. Tôi nghĩ cái nhục và hèn thật ra là thuộc về Trường, chứ
không phải thuộc về nạn nhân là anh Đăng. Dùng cả hệ thống và dựa vào qui định
vô lí chỉ để loại bỏ một giảng viên thì quả là bất xứng và ... thiếu quân tử
tính.
Câu
chuyện của anh Doãn Minh Đăng chắc chắn không mới và cũng chưa phải là chuyện
sau cùng. Những người được cho đi đào tạo ở nước ngoài, sau khi về Việt Nam thì
bị loại ra khỏi hệ thống. Tôi gọi đó là số phận của những con "rùa biển"
(nói theo cách nói của người Tàu) mà tôi có lần đề cập trước đây (6). Một bạn đọc
còn cho biết rằng trước đây ở trường em ấy, có một người tốt nghiệp tiến sĩ ở
châu Âu về nước thì bị đảng bộ giao nhiệm vụ trông giữ thư viện và phòng máy
tính! Trớ trêu một điều là trong khi các đại học leo lẻo nói rằng họ thiếu người
tài, họ chào đón người tài, nhưng khi người tài về với họ thì bị đày đoạ cho đến
khi phải bỏ trường ra đi. Mà, bỏ ra đi cũng không yên thân, họ còn tìm cách kiện
ra toà để ... đòi tiền. Chẳng hiểu cái hệ thống gì mà thấp kém và hèn hạ đến nỗi
chỉ đi hại một vài người.
Đối với
người bị hại (hay nạn nhân) thì họ không có tiếng nói. Ít khi nào báo chí đăng
những bài viết giải trình của họ. Còn ở Trường thì theo cái truyền thống
"kiểm điểm" và văn hoá liên luỵ, ít ai dám ra mặt ủng hộ họ, cho dù họ
có lẽ phải. Thành ra, ở VN, một khi cái hệ thống nó quyết định đày đoạ ai đó,
thì khả năng rất cao là nạn nhân chỉ bị đè bẹp và thân bại danh liệt.
May mắn
thay, ngày nay họ còn có internet để lên tiếng giãi bày. Nhưng ở VN, nơi mà thế
giới đánh giá là một trong năm nước "kẻ thù của internet" (7), thì nạn
nhân có khi lại trở thành một nạn nhân khác. Đã có những nhà báo tự do, nhà
văn, trí thức đi tù chỉ vì họ dùng internet để nói lên chính kiến. Trong trường
hợp này, cái phương tiện duy nhất của Doãn Minh Đăng để giải thích câu chuyện của
mình, mà cũng bị tước mất.
Nhưng
trong quá khứ thì internet có khi cũng đem lại công lí cho vài người, và gây tiếng
vang tốt. Hơn 15 năm trước, tôi còn nhớ một anh bạn (nay là một giáo sư toán
bên Pháp) lập hẳn một trang web để phơi bày những nhũng nhiễu, tham nhũng của
nhân viên sứ quán VN tại Pháp. Trang web được rất nhiều người truy cập và biết
được những hành xử quan liêu và tắc trách của sứ quán VN ở ngoài. Trang web làm
cho sứ quán lúng túng, và họ phải thay đổi thái độ phục vụ tốt hơn chút. Đó là
một tác động tích cực.
Một tác
động tích cực khác lớn hơn là trang web "Giáo sư dỏm". Tôi không nhớ
năm ra đời của trang web này, nhưng sau khi nó ra đời thì ảnh hưởng cực kì lớn
trong giới học thuật và khoa học ở VN. Trang này chuyên đi tìm những người được
phong chức danh giáo sư, và họ đối chiếu với tiêu chuẩn thấp nhất ở nước ngoài,
để phong "Giáo sư dỏm" cho họ. Nhóm này tập trung vào việc phong cho
các giáo sư nổi tiếng trong chính trường, sau đó mới phong cho các giáo sư ở đại
học. Nhóm này làm việc vừa tếu táo vừa nghiêm túc. Họ cho ứng viên giáo sư dỏm
giải trình và phản biện. Người đứng ra phản biện là ông Đỗ Trần Cát, ông cho rằng
trang này phong "giáo sư dỏm" cho ông là sai, vì ông có công bố quốc
tế, và thế là trang web phải xin lỗi ông ĐTC, rút tên ông ra khỏi danh sách
giáo sư dỏm.
Khi về
VN, đi đến đâu, tôi cũng nghe người ta bàn tán về trang "Giáo sư dỏm".
Không ai biết nhóm chủ trương là ai, nhưng tôi đoán họ là du học sinh trong
ngành khoa học tự nhiên và máy tính. Nhưng có người nghi ngờ tôi đứng đằng sau
trang web đó! Sự nghi ngờ này xuất phát từ trang web trích ý kiến và bài viết của
tôi, và do sự nghi ngờ đó mà tôi mất bạn. Phải vài năm sau tôi mới giải oan được.
Giới báo chí thì hỏi tôi là họ nói đúng không. Giới khoa học thì hỏi tôi ai đứng
đằng sau, nhưng ai cũng công nhận là họ đã buộc Hội đồng chức danh giáo sư Nhà
nước phải nâng cao tiêu chuẩn. Đó là một tác động rất lớn và tích cực mà tôi
nghĩ ngay cả nhóm chủ trương cũng không nghĩ đến. Nhưng nay thì chắc họ đã về
nước, nên ... im re.
Quay lại câu chuyện của anh Doãn Minh Đăng,
tôi thấy cách hành xử của Trường Đại học Kỹ thuật – Công nghệ Cần Thơ là thiếu
công bằng.
Không ai lại đi hỏi giảng viên về chi tiết đi dự hội nghị. Nếu ai mà hỏi tôi
chi tiết này chắc tôi điên lên và mắng cho một trận. Đó là cách hành xử dựa
trên sự thiếu tin tưởng hoặc thành kiến. Tôi đồng ý với nhận định của anh Đăng
là kiểu quản lí chi li chẳng giống ai như thế là rất phản tác dụng, vì người
tài sẽ không về đó đầu quân, và phẩm chất đào tạo sẽ suy giảm. Cho dù là anh
Đăng có sai phạm thì Trường cũng nên hành xử với giảng viên một cách văn minh,
chứ đâu phải bêu rếu trong giao ban như thế. Đó là cách xử theo kiểu thời Trung
Cổ, chứ không phải cách hành xử của một trường đại học.
Ít khi
nào miền Tây lại lên mặt báo như hiện nay. Bắt đầu là trường hợp của cô Vũ Thị
Nhuận bị Đại học Cần Thơ kiện ra tòa đòi lại tiền vì cô ấy bỏ Trường sang làm
việc cho Trường ĐH Y Dược Cần Thơ. Kế tiếp là những lùm xùm chung quanh ông chủ
tịch An Giang huy động cả bộ máy chính quyền tỉnh ra ăn hiếp một cô giáo và 2
nhân viên khác chỉ vì họ nhận xét rằng ông là người "kênh kiệu". Nay
đến lượt anh Doãn Minh Đăng trở thành nạn nhân của cái hệ thống sơ cứng và kém
thân thiện với người có tài.
Câu nói
"Địa lí là định mệnh" quả là có lí. Với cái đà này thì miền Tây sẽ nổi
tiếng là vùng đất dữ cho người tài và vùng trũng của giáo dục & khoa học.
====
(4) https://www.facebook.com/drtuanvngu…/posts/1489874634658991…
Một trường hợp đi, về, và gặp nạn
Một trường hợp đi, về, và gặp nạn
No comments:
Post a Comment