13.12.2015
Ở
Việt Nam, nhiều người, trong đó có thể có cả một số người trong giới lãnh đạo,
dường như còn mơ hồ trước các âm mưu của Trung Quốc trên Biển Đông. Thực tình,
tôi hoàn toàn không hiểu về cái gọi là “mơ hồ” ấy. Bởi sự thực đã rõ rành rành:
Trung Quốc không hề giấu giếm các âm mưu của họ. Có thể nói, họ đang chơi một
ván bài lật ngửa.
Chính quyền Trung Quốc
luôn luôn khẳng định một số “lợi ích cốt lõi” (core interests) mà họ cương quyết
không nhân nhượng bất cứ ai hết: Đó là Tây Tạng, Đài Loan và Biển Đông đều thuộc về họ.
Sự khẳng định chủ quyền đối với Tây Tạng và Đài Loan đã có từ lâu nên không làm
ai ngạc nhiên. Sự khẳng định thứ ba, mới hơn, từ hơn một thập niên vừa qua,
liên quan trực tiếp đến chủ quyền và quyền lợi của nhiều quốc gia, trong đó, có
Việt Nam. Sự khẳng định này bao gồm hai nội dung chính: Một, Trung Quốc cho tất
cả những hòn đảo, rạn san hô và bãi đá thuộc Trường Sa mà Việt Nam và
Philippines đang trấn giữ vốn thuộc về họ: Chúng bị Việt Nam và Philippines cưỡng
đoạt một cách “phi pháp”. Hai, căn cứ trên quan niệm cho cả Hoàng Sa và Trường
Sa thuộc về họ, Trung Quốc đã vẽ nên tấm bản đồ chủ quyền gồm chín đoạn (còn được
gọi là đường chữ U hoặc lưỡi bò) bao trùm lên phần lớn diện tích Biển Đông. Với
hai nội dung này, Việt Nam có hai điều có thể mất: Một, 29 thực thể, từ đảo đến
bãi đá và rạn san hô ở Trường Sa; và hai, toàn bộ vùng biển bao quanh Hoàng Sa
và Trường Sa.
Có
thể nói việc Trung Quốc chiếm lĩnh toàn bộ Trường Sa và Biển Đông chỉ là vấn đề
khi nào và bằng cách nào chứ không phải là chuyện có hay không. Trung Quốc đã
khẳng định dứt khoát điều đó. Chả có gì để hoài nghi cả.
Để chiếm lĩnh Trường
Sa và Biển Đông, Trung Quốc sử dụng ba sách lược chính.
Thứ nhất là sách lược
tằm ăn dâu
(salami slicing), tức chiếm từ từ, dần dần, mỗi lúc một ít. Trước, Trung Quốc
chiếm Hoàng Sa: Việt Nam không phản đối. Sau, Trung Quốc công bố con đường lưỡi
bò vắt ngang qua vùng biển vốn thuộc về Việt Nam: Việt Nam không phản đối. Gần
đây, Trung Quốc cho giàn khoan vào thềm lục địa Việt Nam để thăm dò dầu khí: Việt
Nam chỉ phản đối lấy lệ. Rồi Trung Quốc cải tạo các bãi đá ở Trường Sa thành đảo
nhân tạo: Việt Nam im lặng. Hầu như tất cả các nhà quan sát quốc tế đều tiên
đoán, một lúc nào đó, Trung Quốc sẽ công bố vùng nhận dạng hàng không tương ứng
với con đường lưỡi bò trên biển.
Xin
lưu ý là để chống lại sách lược tằm ăn dâu này, Mỹ đã điều chiến hạm đến gần
các hòn đảo mới cải tạo ở Trường Sa của Trung Quốc: Trung Quốc chỉ phản đối lấy
lệ. Nhưng ở đây có hai vấn đề: Một, Mỹ không thể cứ đưa chiến hạm đến Trường Sa
mãi được; hai là Việt Nam không mạnh và cũng không tự tin như Mỹ nên sẽ không
dám đưa tàu thuyền đến gần các hòn đảo ấy. Cái “không dám” ấy sẽ được xem như một
hành động mặc nhiên thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông. Sau này,
khi Trung Quốc tuyên bố vùng nhận dạng hàng không tương ứng với con đường lưỡi
bò trên biển cũng vậy. Mỹ cũng sẽ bất chấp những lời tuyên bố ấy và họ sẽ cho
máy bay lượn qua lượn lại trong vùng nhận dạng ấy để chứng tỏ là nó phi pháp và
vô giá trị. Nhưng Việt Nam thì khác. Sợ, mỗi lần có tàu bè đi ngang qua Biển
Đông hoặc có máy bay đi ngang qua vùng nhận dạng hàng không, Việt Nam sẽ xin
phép Trung Quốc: Đến lúc ấy, Trung Quốc bất chiến tự nhiên thành.
Sách lược thứ hai của
Trung Quốc là ngăn chận mọi nỗ lực quốc tế hoá hoặc đa phương hoá các tranh chấp
trên Biển Đông.
Sách lược này bao gồm hai nội dung chính: Một là yêu cầu Mỹ không can thiệp vào
các cuộc tranh chấp ấy; hai là phá vỡ tất cả các nỗ lực thống nhất quan điểm về
Biển Đông của khối ASEAN. Trung Quốc chủ trương mọi tranh chấp cần được giải
quyết song phương, giữa Trung Quốc và các nước liên hệ. Bằng cách này, Trung Quốc
làm suy yếu mọi đối thủ. Bởi mọi quốc gia tranh chấp đều nhó, yếu và, với nhiều
mức độ khác nhau, đều lệ thuộc vào Trung Quốc. Ở phương diện này, chúng ta thấy
ngay là Việt Nam đã sập bẫy Trung Quốc khi chấp nhận biện pháp song phương
trong các cuộc tranh chấp về chủ quyền trên Biển Đông với Trung Quốc.
Sách lược thứ ba của
Trung Quốc là mua chuộc. Cho đến nay, Trung Quốc hoàn toàn thành công trong việc
mua chuộc Thái Lan và, đặc biệt, Campuchia. Hầu hết các cuộc hội nghị của khối
ASEAN những năm gần đây đều thất bại trong việc có một thông báo chung nhằm lên
án âm mưu xâm chiếm Biển Đông của Trung Quốc. Có năm thông báo chung không ra đời.
Có năm thông báo chung chỉ nhắc đến tình hình phức tạp trên Biển Đông nhưng lại
hoàn toàn không nhắc đến tên Trung Quốc. Nguyên nhân gây nên những thất bại ấy
đều xuất phát từ một nước: Campuchia, quốc gia vốn được xem là thân cận nhất của
Việt Nam.
Không loại trừ khả
năng Trung Quốc cũng đã mua chuộc được khá nhiều người trong giới lãnh đạo Việt
Nam.
Lâu nay, nói đến giới lãnh đạo Việt Nam, hầu như ai cũng biết là họ chia thành
hai phe: phe thân Trung Quốc và phe thân Tây phương. Chúng ta hoàn toàn không
biết chính xác người nào thuộc phe nào. Tuy nhiên, quan sát các động thái của
nhà cầm quyền Việt Nam đối với các vấn đề liên quan đến Biển Đông, chúng ta
cũng có thể thấy phe thân Trung Quốc khá nhiều và khá mạnh. Chính cái phe ấy
làm cho mọi nỗ lực thoát Trung đều yếu ớt và không có hiệu quả. Cũng chính cái
phe ấy làm cho mọi con đường ngả sang Tây phương, chủ yếu là Mỹ, cứ quanh co,
khúc khuỷu, không có một định hướng nào rõ ràng.
Quan
sát các phản ứng của chính quyền Việt Nam đối với ba sách lược kể trên, tôi cho
việc mất Trường Sa và Biển Đông vào tay Trung Quốc chỉ còn là vấn đề thời gian.
Sớm hay muộn, vậy thôi.
-------------------------------
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
* Blog của Tiến sĩ Nguyễn Hưng Quốc là blog cá nhân. Các bài viết trên blog được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.
No comments:
Post a Comment