Saturday, December 5, 2015

[Tích hợp môn sử] Kết nhưng chưa hết! (Nguyễn Thị Hậu)





Nguyễn Thị Hậu
Viet-studies  5-12-2015

Sau rất nhiều ý kiến bày tỏ sự bức xúc về chuyện tích hợp môn Lịch sử và đưa thành môn tự chọn,  những tranh luận không chỉ về vị thế của môn học này mà còn cả về nội dung phương pháp dạy và học… thì sự kiện kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa 13 thông qua Nghị quyết “lệnh” giữ môn lịch sử như một môn học độc lập, cùng với tâm trạng vui mừng chung của xã hội có lẽ những người nghiên cứu và giảng dạy lịch sử càng thấy  lo lắng nhiều hơn. 

Những người thực tâm lo lắng cho việc dạy và học Sử không coi đây là “thắng lợi” của phe “bảo thủ” (có người cho rằng  phản đối tích hợp là bảo thủ). Bởi vì tất cả chỉ cho thấy, một lần nữa Bộ GD&ĐT  đã có phần chủ quan khi đưa ra những đề án cải cách giáo dục mà nhiều thế hệ học sinh từng ít nhiều chịu “hậu quả”!

Trong cuộc tranh luận này không  bên nào thắng! Không giữ môn Sử độc lập thì tương lai gần môn sử sẽ chết hẳn (trong trường học) vì không còn là lịch sử như một bộ phận quan trọng chính yếu trong dòng chảy văn hóa của dân tộc; còn nếu môn sử “độc lập” mà không thay đổi quan điểm về nội dung, cách dạy và học thì môn sử tiếp tục... chết lâm sàng (như hiện nay) vì sự khô cứng giáo điều và có phần phiến diện!

Trước đó, về tình trạng dạy và học môn sử quá bi đát, có ý kiến cho rằng, "trách nhiệm đó thuộc về giới nghiên cứu lịch sử".  Nhưng cần nhìn nhận rõ trách nhiệm chính trong việc này là của Bộ Giáo dục và Đào tạo là nơi quyết định về nội dung, cấu trúc sách giáo khoa, thời lượng, cách soạn giáo án và lên lớp, nhất là vấn đề môn lịch sử không phải là môn thi bắt buộc hàng năm… kể cả việc không kịp thời chấn chỉnh tình hình dạy và học lịch sử khi xã hội có nhiều phản ứng . Giới nghiên cứu sử học cũng có trách nhiệm gián tiếp khi có một số công trình nghiên cứu không mới cả về phương pháp tiếp cận và đánh giá sử liệu. Những công trình có kết quả mới thì chưa/ không phổ biến, phổ cập cho xã hội cũng như “liên ngành” để đưa vào giảng dạy ở bậc phổ thông.

Tuy nhiên có thể nhận thấy rằng vai trò của thầy cô giảng dạy lịch sử từ các trường đại học đến trường phổ thông rất quan trọng để môn sử còn hay mất! Trong lịch sử qua nhiều giai đoạn bi thương nhất của dân tộc, môn lịch sử vẫn giữ được vị thế và ý nghĩa của nó trong lòng tất cả nhân dân Việt Nam là nhờ vai trò rất lớn của những nhà giáo truyền dạy lịch sử. Những nhà giáo bằng tri thức khoa học, bằng lòng yêu nghề vô điều kiện, bằng tình yêu sâu sắc với sử học nói riêng và truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung… đã mang đến cho những thế hệ người VN sự hiểu biết và tình yêu đất nước, lòng tự hào với truyền thống lịch sử  tốt đẹp cùng với sự nhận thức sâu sắc những sai lầm, yếu kém của những triều đại đã qua! Điều đó hiện nay nhiều nhà giáo chưa làm được. Tất nhiên, nghiên cứu và giảng dạy lịch sử không nằm ngoài thực trạng xã hội: đó là nhu cầu và sự khuyến khích của xã hội với giới trẻ đi vào những ngành nghề kinh tế, kỹ thuật, thương mại, truyền thông… mà không khuyến khích các ngành nghề thuộc khối Xã hội nhân văn.

Việc Quốc hội ra “quyết định giữ môn sử” hôm nay chỉ như một liều thuốc hồi sức cấp cứu, việc dạy và học sử cần phải tiếp tục cứu chữa thậm chí phải đại phẫu để môn sử không thể tồn tại như đã! Trước khi chủ trương quan điểm về môn Lịch sử  có thể đổi mới thì sự thay đổi của những giảng viên, giáo viên lịch sử  sẽ là bước mở đầu để khơi gợi niềm yêu thích lịch sử của giới trẻ. Thời đại thông tin với những phương tiện khoa học kỹ thuật mới, phương tiện truyền thông mới là sự hỗ trợ tuyệt vời cho những bài giảng lịch sử tránh sự khô cứng, giáo điều vì cung cấp nguồn tài liệu phong phú, mở ra sự  nhận thức đa chiều ngày càng gần với sự thật lịch sử.

Lịch sử/ sử học không thể là “độc quyền” trong việc gìn giữ truyền dạy  truyền thống. Kiến thức, tri thức lịch sử có mặt trong nhiều lĩnh vực của xã hội như đạo đức, văn học nghệ thuật, văn hóa dân gian…  Đó chưa phải là sự “tích hợp” như một khoa học (việc mà Bộ GD&ĐT đang làm) mà chính vì tự thân những câu chuyện, sự kiện, nhân vật lịch sử có giá trị ở khía cạnh đó nên xã hội đã sử dụng, vận dụng vào những lĩnh vực khác nhau. Vì vậy giáo dục truyền thống lịch sử là quá trình “liên thông” giữa gia đình, xã hội, trường học, thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhưng nhà trường giữ vai trò chính yếu giáo dục lịch sử với tư cách là một khoa học: cung cấp tri thức, phương pháp nhìn nhận, đánh giá lịch sử và từ đó rút ra những bài học cho hiện tại và tương lai. Làm sao để cho lớp trẻ thấy lịch sử không xa lạ với thế hệ mình và thế hệ trẻ được quyền “can dự” vào lịch sử bằng sự nhận thức độc lập.

“Sử học phục vụ chính trị ở tính chất khoa học khách quan của nó chứ không phải ở sự minh họa chính trị”.  Vai trò đó của lịch sử chỉ có thể thực hiện được thông qua  giới nghiên cứu và giảng dạy lịch sử một cách thực sự khoa học. Khi giới “làm sử” và dạy sử còn “bảo thủ” chưa thay đổi thì thực tế lịch sử cũng không còn là một môn khoa học.

Môn lịch sử trong trường phổ thông – cũng như nhiều môn học khác mà môn sử chỉ là một trường hợp điển hình - sẽ còn cần phải  tiếp tục nghiên cứu cải cách sao cho có hiệu quả tốt nhất và phù hợp với xu thế của thế giới hiện đại. Nhưng làm gì thì làm, tích hay chia, độc lập hay liên thông… cũng  xin đừng để “bên nào thắng thì học sinh cũng bại” (ý thơ của Nguyễn Duy) khi lịch sử đích thực và những ý nghĩa của nó ngày càng biến mất trong sách giáo khoa và trong tâm thức thế hệ trẻ.

Nguyễn Thị Hậu

Tác giả gởi cho viet-studies ngày 4-12-15

------------------------------


Bình luận :

Ai nói cũng hay cả, nhưng thực tế ra sao với thầy cô giáo ?  Mời xem tài liệu dưới đây để biết thực tế mà đấu tranh cho lẽ phải :

Cô Giáo bị buộc thôi việc vì khuyến khích học sinh tìm hiểu thông tin trên Internet 




No comments: