NHÓM
PV - (LĐ) Số 286
7:9
AM, 10/12/2015
Công
nhân Cty giày Vĩnh Nghĩa (Bến Cát, Bình Dương) bị ngộ độc nằm la liệt.
Thịt
lợn được nuôi bằng Salbutamol - chất có khả năng gây ung thư, rau được chăm bón
bằng thuốc “kích phọt” cực độc… xuất hiện tràn lan trên thị trường. Ngoài bữa
ăn gia đình tự chế biến, “thị trường béo bở” nhất mà gian thương cố gắng tuồn
thịt bẩn, rau độc vào là những bếp ăn tập thể của hàng triệu công nhân lao động
(CNLĐ), với mỗi suất ăn chỉ hơn 10.000 đồng. Chưa bao giờ, chất lượng bữa ăn của
CNLĐ lại đáng báo động như hiện nay.
Nỗi
lo mầm bệnh từ bữa ăn ca
B.V.V
(26 tuổi, công nhân Cty TNHH TM-DV-SX Chánh Ích, Đồng Nai) vẫn còn ám ảnh bữa
cơm bị ngộ độc thực phẩm tại Cty, kể: “Bữa ăn đó, dù cơm có mùi thiu nhưng ai
cũng cố gắng ăn để có sức làm việc. Tuy nhiên ăn xong khoảng một tiếng, mọi người
bắt đầu cảm thấy nhức đầu, choáng váng, đau bụng rồi lăn ra xỉu”. Qua kiểm tra,
cơ quan chức năng phát hiện bếp ăn tập thể tại Cty chưa có giấy chứng nhận đủ
điều kiện an toàn thực phẩm. Ngày ăn 1 bữa ở Cty, còn lại là ăn ở nhà, chợ của
CNLĐ ở KCN-CX giá phải rẻ, từ rau, đậu phụ đến thịt, cá để đáp ứng được túi tiền
của người mua. Nhưng nguồn thực phẩm, rau củ quả lấy từ đâu, nguồn gốc thế nào
không mấy ai để ý.
Cuối
tháng 11, vụ việc lực lượng chức năng tỉnh Bình Dương phát hiện và tiêu hủy gần
5 tấn thịt heo không rõ nguồn gốc, bốc mùi hôi thối khiến rất nhiều CNLĐ lo lắng
bởi không biết có bao nhiêu tấn thịt lợn nhiễn khuẩn, nhiễm độc được tiêu thụ từ
trước tới nay. Theo lời khai của chủ lô hàng là Nguyên Văn Cao, số lượng
thịt thối này mua từ các lò giết mổ gia súc tại Đồng Nai để đem về Bình Dương
tiêu thụ. Số lượng thịt được phát hiện khi đang chuẩn bị tuồn vào khu chợ thực
phẩm Đông Đô (khu phố 1B, phường An Phú, thị xã Thuận An, Bình Dương) dành cho
CNLĐ. Đây chỉ là vụ điển hình bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời, còn rất nhiều
vụ vận chuyển thực phẩm bẩn, thịt thối khác không bị phát hiện được tuồn vào
các chợ gần các KCN-KCX trên các tỉnh, thành khu vực miền Đông Nam Bộ, để bán
cho CNLĐ.
Chưa
hết, một khảo sát của Viện Dinh dưỡng Quốc gia về khẩu phần ăn dành cho CNLĐ
cho thấy bữa cơm CNLĐ chỉ có khoảng 12% protein, 16% chất béo, còn lại 72% là
chất bột. Với mức này, năng lượng khẩu phần và các chất dinh dưỡng đều không đảm
bảo. Mức độ đạt được so với nhu cầu đề nghị về năng lượng khẩu phần và các chất
dinh dưỡng đều chưa đạt chuẩn (là 2.300 Kcal/ngày/người). Và để nạp được mức
năng lượng cần thiết ấy, bữa ăn của CNLĐ phải đầy đủ các dưỡng chất như tinh bột,
protein, lipid, glucid, axid béo không no, các loại vitamin khoáng chất. Với mức
khẩu phần ăn ca được áp dụng trong các doanh nghiệp (DN) như hiện nay, phần lớn
CNLĐ chưa có bữa ăn đủ dinh dưỡng để phục hồi sức khỏe, đáp ứng yêu cầu của
công việc hằng ngày. Và quan trọng hơn nữa là cả nước hiện nay có gần 260
KCN-KCX, trong đó có DN có gần 10.000 CNLĐ, chủ yếu là thanh niên - những người
đang ở độ tuổi sinh sản. Chất lượng bữa ăn không tốt không những ảnh hưởng đến
năng suất lao động, sức khỏe bản thân, mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến thể chất
của những thế hệ sau này.
Theo
nhận định của một cán bộ Sở Y tế tỉnh Đồng Nai, tình trạng ngộ độc thực phẩm tại
các bếp ăn đông CNLĐ luôn tiềm ẩn nếu không được kiểm tra, giám sát chặt chẽ. Bởi
mỗi suất ăn của CNLĐ chỉ hơn 10.000 đồng, song hầu hết các DN đều hợp đồng thuê
các đơn vị bên ngoài cung cấp. Họ cung cấp các suất ăn đương nhiên phải kiếm lời,
do vậy thực chất bữa ăn đó có đúng với số tiền mà DN trả hay không rất khó kiểm
soát. “Mỗi suất ăn chỉ hơn 10.000 đồng khó mà đảm bảo chất lượng thực phẩm
tươi, sạch được. Để hạn chế ngộ độc xảy ra, mỗi DN nên có bộ phận giám sát, kiểm
tra chặt chẽ thức ăn do các nhà thầu cung cấp, tránh khoán trắng cho họ tự biên
tự diễn” - vị cán bộ y tế nói.
Chung
tay vì bữa cơm ngon - sạch cho công nhân
Trước
thực trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan thiếu kiểm soát, nhiều DN
tự tìm cho mình phương án ứng phó để bảo vệ sức khỏe cho CNLĐ. 4 năm qua CĐ Cty
may Việt Thắng tự đứng ra nhận tổ chức nấu ăn cho CNLĐ của 5 đơn vị thành viên
với hơn 2.600 CNLĐ và chưa để xảy ra ngộ độc thực phẩm. Bà Đàm Minh Hoa - Chủ tịch
CĐ, kiêm phụ trách bếp ăn Cty may Việt Thắng - chia sẻ: “Để làm được điều này,
chúng tôi ký hợp đồng mua thịt, cá, trứng, rau, nước mắm, nước tương từ các đơn
vị uy tín hay chợ đầu mối. Đặc biệt, chúng tôi còn mua các bộ que thử hàn the về
để trực tiếp kiểm tra thực phẩm. Vào 9h mỗi ngày, phòng y tế Cty đều xuống nhà
bếp lấy mẫu thức ăn để kiểm tra có chất Ecoli và lưu giữ mẫu thức ăn 24 tiếng
theo quy định”.
Tương
tự, TCty may Việt Tiến lâu nay cũng tự tổ chức nấu và cung cấp suất ăn giữa NLĐ
với khoảng 9.500 suất ăn mỗi ngày và chưa xảy ra vụ ngộ độc nào. Tuy nhiên, ông
Ngô Thành Phát - Chủ tịch CĐ TCty may Việt Tiến - cho biết: “Tình trạng thịt lợn,
thịt gà nhiễm các chất độc hại Salbutamol, Vàng O được phản ánh gần đây khiến
chúng tôi rất lo lắng. Bởi chưa biết sẽ xử lý như thế nào, xét nghiệm những chất
này nghe đâu rất tốn kém. Hơn nữa chúng tôi cũng chưa nắm rõ được quy trình lấy
mẫu để mang đi xét nghiệm như thế nào. Để bảo vệ CNLĐ, trước mắt chúng tôi cũng
chỉ biết khuyến cáo những nhà cung cấp thực phẩm cho bếp ăn của các đơn vị phải
đảm bảo nguồn hàng tươi sạch, nếu vi phạm sẽ bị cắt hợp đồng”. Còn y sĩ Ngô Khước
- Trưởng nhóm y tế, Cty CP TM-DV dệt may Thành Công - băn khoăn: “Trước tình trạng
thịt lợn, thịt gà bị sử dụng những loại chất cấm cực độc và có thể dẫn đến gây
ra bệnh ung thư, thực sự chúng tôi rất lúng túng. Trước mắt cũng chỉ biết dùng
mắt thường và kinh nghiệm để quan sát. Còn việc xét nghiệm để tìm ra các loại
chất cấm này hiện chúng tôi không thể làm được gì”.
----------------------------
Cần
khởi kiện chủ bếp ăn gây ngộ độc cho công nhân
Trao
đổi với PV Báo Lao Động xung quanh các ý kiến cho rằng phải khởi kiện chủ sử dụng
lao động, các cơ sở chế biến thực phẩm gây ngộ độc cho công nhân, TS Nguyễn
Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) - cho rằng: Việc này được
pháp luật quy định rõ ràng và là việc hết sức cần thiết. Theo quy định của Luật
An toàn thực phẩm, những cơ sở gây ngộ độc phải bồi thường toàn bộ chi phí điều
trị, thậm chí là bồi thường cho số ngày nghỉ của công nhân, nếu chứng minh rằng
có ảnh hưởng đến sức khoẻ của công nhân phải bồi thường cả sức khoẻ cho công
nhân nữa. Thêm nữa, cơ sở đó phải chịu toàn bộ chi phí điều tra xác định nguyên
nhân ngộ độc, thu hồi thực phẩm, chi phí tiêu huỷ thực phẩm (nếu có).
Để
giải quyết tình trạng ngộ độc thực phẩm tập thể ngày càng gia tăng như hiện
nay, việc đầu tiên là phải tăng giá trị khẩu phần ăn cho công nhân, thứ hai là
phải tăng cường thanh tra kiểm tra giám sát, kiên quyết không để các cơ sở
không có giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh mà vẫn cung cấp thức ăn cho công
nhân. Thứ ba, cần tăng cường vai trò giám sát của các tổ chức CĐ, đặc biệt là
vai trò của CĐCS, CĐ của các doanh nghiệp. Điều này rất quan trọng. Thứ tư, 70%
các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể là do thực phẩm được mua từ nơi khác, thức ăn
được chế biến sẵn và vận chuyển khẩu phần ăn từ nơi khác đến. Do quá trình vận
chuyển không đảm bảo, thời gian để lâu. Chúng tôi khuyến nghị nên có quy định,
khi các tỉnh phê duyệt dự án nhà máy là phải dành ra quỹ đất để xây bếp ăn tập
thể ngay tại chỗ.
GIANG THÙY LINH
No comments:
Post a Comment