Trần Quí Cao
10/12/2015
Đại
Hội Thi Đua Yêu Nước Toàn Quốc vừa diễn ra hoành tráng tại Hà Nội ngày
07-12-2015 với sự tham dự của nhiều chức sắc trong chính quyền: Tổng bí thư
Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Ủy ban trung ương MTTQ VN
Nguyễn Thiện Nhân…
Đã
có nhiều bài viết, nhiều ý kiến về Đại Hội này. Báo Thanh Niên, ngày 8-12-2015,
đăng bài của nhà thơ Thanh Thảo “Cho Dân, Cho Nước Được Nhờ” nhận xét về sự kiện
này: “nhiều tấm gương những con người thực sự bình dị nhưng thực sự lớn lao
đã được vinh danh”.
CẢM
NHẬN CỦA TÔI
Đọc
bài báo trên, nếu xét từng câu, câu nào cũng tròn vai. Tuy nhiên, nhìn chung,
tôi thấy toàn bài nhàn nhạt.
Đọc
phần viết về anh Phan Tấn Bện, người nông dân đã sản xuất “những máy móc đáp
ứng đúng nhu cầu sản xuất” của “người nông dân trong xóm làng mình,
trong vùng ĐBSCL rộng lớn của mình”… tự nhiên tôi nhớ tình cảnh thảm hại của
nông nghiệp và nông dân Việt Nam.
Năm 1960, khi chiến tranh hai miền Nam
Bắc chưa lan rộng, nông nghiệp Miền Nam huy hoàng biết bao! Sự nghiệp khai
hoang được đẩy mạnh, tiến bộ khoa học được ứng dụng, dân chúng vùng nông thôn
sung túc. Nông nghiệp Miền Nam tiến bộ hơn Thái Lan thời đó. Bây giờ, hơn nửa thế kỷ sau, nông nghiệp của nước Việt Nam thống nhất thua Thái Lan mọi mặt:
thua trên mặt kỹ thuật canh nông, thua trên mặt tổ chức sản xuất, thua trên mặt
kinh doanh nông sản, thương hiệu…
Đọc
phần viết về bác sĩ Bùi Đình Lĩnh, “người bác sĩ đã dâng hiến 30 năm đời
mình cho nhân dân huyện đảo Phú Quý”… tự nhiên tôi nhớ tình cảnh thảm hại của
ngành y tế và và thân phận “giòi bọ” của người bệnh Việt Nam.
Trước
năm 1975, hệ thống liên hoàn các bệnh viện công và tư của Sài Gòn cung cấp dịch
vụ y tế “đáng mơ ước” cho người dân. Các bệnh viện công (nhà nước) như bệnh viện
Bình Dân, Chợ Rẫy… được gọi là nhà thương thí vì người bệnh không phải trả tiền.
Nơi đó có trình độ y khoa cao cấp với các vị thầy được giới y khoa kính nể về y
đức và trình độ chuyên môn. Nơi đó không có cảnh một giường hai bệnh nhân nằm.
Hãy bước chân vào bệnh viện Chợ Rẫy và Bình Dân hiện nay để có một cái nhìn về
mức độ suy thoái và nhếch nhác khủng khiếp của hệ thống y tế Việt Nam 40 năm
sau ngày đất nước qui về một mối xã hội chủ nghĩa!
Đọc
những dòng tâm sự của Thanh Thảo “chúng ta lại như được an ủi, như được cổ
vũ, như được truyền lửa: hãy bình tĩnh, và tin, rằng trên đời còn bao người tốt
đẹp, bao người giỏi giang, bao người dâng hiến”… Tự nhiên tôi nhớ lại những
giá trị sống rất cốt yếu của dân tộc và của nhân loại như trung thực, nhân hậu,
bác ái, hiếu thảo, công bằng, liêm chính, tinh thần chống ngoại xâm… đã và đang
bị tàn phá nghiêm trọng. Bị tàn phá một cách có hệ thống bởi hệ thống cầm quyền
hiện nay. Giá trị sống là cái khung xác định điều nên làm, điều nên tránh,
chính là cái cốt lõi nhất của một xã hội, một con người. Không có gì tàn phá
các giá trị sống quí báu đó khủng khiếp hơn hơn là cái cách sống, làm việc và ứng
xử của hệ thống cầm quyền vượt ra ngoài khuôn khổ của những giá trị đó một cách
ngang nhiên. Một nhóm người dùng bạo lực thiết lập hệ thống “thiên thu trường
trị” cộng sản trên đất nước Việt Nam bất chấp sự phản đối của đa số dân chúng,
thì làm gì có sự công bằng? Nhân dân, qua kinh nghiệm sống từ thời còn thực dân
Pháp, thời chín năm, thời tổ quốc chia đôi cho tới nay, qua các bài học lịch sử
ngàn năm cha ông để lại, họ dư sức thấy rõ xã hội hiện nay là dối trá, lừa mị,
là bất công, bất bình đẳng, là tham nhũng, ăn hối lộ, là khiếp nhược bỏ lãnh thổ
và tính mạng dân chúng cho giặc xâm lăng Trung Cộng, tệ hơn nữa là đàn áp dân
chúng biểu tình lên án kẻ xâm lăng…
Đó là các lý do tôi thấy bài viết trên
của Thanh Thảo nhạt nhẽo và lạc lõng.
CÁ
NHÂN VÀ XÃ HỘI
Thực
ra, các ông Phan Tấn Bện, Bùi Đình Lĩnh và một số người nhận thưởng khác, nếu sự
thật đúng như báo cáo, đáng hoan nghênh, đáng vinh danh. Tuy nhiên cần phân biệt
rằng cá thể khác với quần thể, cá nhân khác với xã hội. Dù xã hội do các cá
nhân hợp lại mà thành, xã hội lại chịu áp lực, lại có cách hành xử, động thái
phản ứng và tiến hóa (diễn biến) khác hẳn cá nhân. Khi mô tả, đánh giá xã hội,
người ta thường dùng xác suất, thống kê.
Do
đó, trong khi trong xã hội vẫn có các cá nhân đáng tuyên dương, điều này không
thể che lấp sự thật là đất nước đang lâm khủng hoảng trầm trọng.
Tôi
xót xa cho người lính tận tâm bảo vệ lãnh thổ khi nghĩ về hệ thống lãnh đạo tối
cao đánh đổi chủ quyền tổ quốc nhằm giữ yên chiếc ghế quyền lực cá nhân và phe
đảng. Những người linh đó có sẽ trở thành 64 chiến sĩ Gạc Ma vùi thây biển đảo
năm xưa không?
Tôi
xót xa cho số phận và tương lai mịt mờ của nông nghiệp và nông dân Việt Nam
đang cần “giải cứu”. Một Phan Tấn Bện có che được sự thật của ngành cơ khí nông
nghiệp đang chết trên những cánh đồng châu thổ bạt ngàn bởi sự cạnh tranh của
máy móc Trung Quốc, Đài Loan… hay không? có che được được hết nỗi lo sợ của
ngành nông nghiệp Việt Nam èo uột trước ngày hội nhập thế giới hay không?
Tôi
xót xa vì “bao người tốt đẹp, bao người giỏi giang, bao người dâng hiến” “sống
quanh ta” phải lặng thầm, nép mình trước cái bất nhân, bất nghĩa, cái gian tham
vô độ đang cướp đoạt mọi thứ, từ tài sản tới tính mạng con người, một cách
ngang ngược, bạo tàn, vô đạo đức. Xã hội dưới chính thể này bênh vực cái bất
tài, cái vô trách nhiệm, cái bè đảng, cái ăn cắp và ăn cướp của nhân dân, kể cả
ăn cướp tổ quốc! Chưa bao giờ sĩ khí, đạo đức của xã hội xuống thấp như bây giờ!
KẾT
LUẬN
Thanh
Thảo là nhà thơ nên câu chữ trau chuốt. Có thể ông chủ trương nhìn mặt “tích cực”
của xã hội chăng? Tôi vẫn tôn trọng ý hướng này của ông. Tuy nhiên, phần tôi,
tôi có suy nghĩ khác.
Khi
lòng yêu nước, truyền thống chống ngoại xâm, nghĩa xóm làng, lòng trung thực,
lòng nhân hậu… đều bị “đấu tố” bởi lực lượng cầm quyền chính thống của xã hội,
thì xã hội đã bị băng hoại tới mức quá đáng sợ rồi. Nhà văn, nhà thơ hẳn phải
có cái nhìn dự báo, phải thấy trước để biết sợ rằng nếu tiếp tục chính thể độc
tài toàn trị thì Việt Nam sẽ tiến rất nhanh tới mức độ Bắc Hàn! Cho nên, cần đấu
tranh trực diện với thế lực chính thống kia đang kéo đất nước ngược chiều tiến
của văn minh nhân loại! Cái thế lực đang đàn áp và tiêu hủy hết những “người tốt
ở VN”. Tranh đấu với thế lực đó để con số “người tốt ở VN” tăng lên gấp vạn lần,
sự hiện diện của họ trong xã hội là phổ quát tự nhiên, chứ không phải là con số
nhỏ được sơn phết để ru ngủ nhân dân!
Nếu
chúng ta cứ an phận và cảm nhận “như được an ủi, như được cổ vũ, như được
truyền lửa” bởi “người tốt như thế, tận tâm như thế, lòng ngay dạ thẳng
như thế” thì e rằng tới lúc nào đó, trên nước Việt Nam này con số những “người
tốt như thế” chẳng còn lại bao nhiêu!
Trần Quí Cao - 151209
No comments:
Post a Comment