Sunday, December 6, 2015

Những hậu quả phá sản của hai thành phố Bạc Liêu và Cà Mau (Radio Chân Trời Mới phỏng vấn ông Lý Thái Hùng)





Radio Chân Trời Mới phỏng vấn ông Lý Thái Hùng
Cập nhật: 6/12/2015

Radio Chân Trời Mới (Thanh Thảo): Trong những ngày vừa qua, Thành ủy Bạc Liêu và Thành Phố Cà Mau ở miền Tây Nam Bộ rơi vào tình trạng hết tiền hoạt động đã tạo một sự chú ý lớn trong dư luận. Chú ý vì đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng phá sản trong hệ thống hành chánh của chế độ cộng sản vốn được trung ương nuôi dưỡng một cách rất chu đáo theo mô hình “bao cấp”.
Bên cạnh sự phá sản của hai thành phố được coi là giàu có ở miền Tây trù phú cùng với tình trạng nợ nần chồng chất của các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nuớc lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tương đương với 68 tỷ Mỹ Kim đã khiến cho lãnh đạo CSVN rơi vào tình huống khó khăn. Để tìm hiểu vấn đề này xin mời quý thính giả theo dõi phần nhận định sau đây của ông Lý Thái Hùng, Tổng Bí Thư Đảng Việt Tân trong chương trình hôm nay.

Thanh Thảo: Ông nhận định ra sao về sự kiện hai thành phố Bạc Liêu và Cà Mau bị nợ nần chồng chất và hết tiền hoạt động?
Lý Thái Hùng: Theo những tin tức loan tải thì Thành ủy Bạc Liêu đang mang nợ khoảng 5 tỷ đồng tương đương 230 ngàn Mỹ Kim và nhất là hết tiền hoạt động kể từ tháng 12/2015. Trong khi đó Thành phố Cà Mau cũng đã hết tiền hoạt động và trả lương cho nhân viên từ tháng 12/2015 cũng như đang mang số nợ lên đến 300 tỷ đồng (tương đương 13 triệu Mỹ Kim).

Đây là hai thành phố trù phú ở miền Tây Nam bộ mà mang nợ và hết tiền hoạt động cho thấy hai vấn đề sau đây:

Thứ nhất là các cơ quan đảng, nhà nước địa phương đã không chỉ tiêu xài hoang phí mà còn che giấu các số liệu chi tiêu để lúc nào trên sổ sách cũng còn dư, đạt chỉ tiêu hầu lập thành tích láo để xin tiền từ trung ương. Ban chấp hành khóa trước chi tiêu thâm thủng qua khóa sau và kéo dài liên tục trong nhiều nhiệm kỳ, nhưng vì cán bộ lãnh đạo sẵn sàng bao che lẫn nhau nên đã có thể giấu kín các hiện tượng hết tiền trong một thời gian dài bây giờ mới đổ bể, và sẽ có nhiều vụ tương tự không thể che giấu được nữa sẽ lộ ra trong nay mai.
Khi tình hình kinh tế gặp khó khăn, Trung ương cắt ngân sách hỗ trợ và nhất là địa phương không thể thu được thuế từ người dân; nhưng lại quen với thói chi tiêu kiểu phóng tay vô tội vạ nên một số đảng bộ đã rơi vào tình trạng hết tiền hoạt động là vì vậy.

Thứ hai, bức tranh kinh tế của Việt Nam bắt đầu ảm đạm từ năm 2010 khi hàng loạt tập đoàn kinh tế, tổng công ty bị phá sản hoặc làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất khiến cho Trung ương phải đổ tiền vào nuôi các tập đoàn kinh tế, hết tiền hỗ trợ cho các địa phương. Nhưng các địa phương vốn quen lối sống dựa vào ngân quỹ của Trung ương do những mối quan hệ phe nhóm nên đã tiêu xài một cách vô tội vạ.
Đến khi trung ương và địa phương thay đổi nhân sự nhân đại hội XII, mối quan hệ cộng sinh giữa trung ương và địa phương không còn như trước để giúp đỡ, ứng trước tài chánh tiêu xài nên vì thế mới dẫn đến tình trạng là trên giấy tờ ghi thì còn tiền, nhưng trong thực tế là hết tiền dẫn đến hiện tượng phá sản của một số địa phương.

Nói tóm lại, sự nợ nần chồng chất và hết tiền hoạt động của hai Thành ủy Bạc Liêu và Thành phố Cà Mau đã cho thấy là hệ thống bao cấp trong bộ máy quyền lực của đảng CSVN đã và đang trên đường băng hoại.

Thanh Thảo: Thông thường CSVN sẽ phải giúp cho các địa phương chi trả tiền nợ, hoặc cung cấp tiền hoạt động. Tại sao lần này lãnh đạo CSVN lại không chịu giúp mà để cho các thành phố khai phá sản?
Lý Thái Hùng: Trong phiên thảo luận ở Tổ về tình hình kinh tế - xã hội tại Quốc hội vào ngày 23/10 vừa qua, ông Bùi Quang Vinh, Bộ trưởng đầu tư và kế hoạch cho biết ngân sách nhà nước năm 2015 là 255.750 tỷ đồng. Ngân sách này được phân phối như sau: địa phương là 131.500 tỷ đồng. Trung ương còn lại là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản chi khác thì còn 45.000 tỷ đồng.
Ngân sách mà CSVN hoạch định nói trên dựa theo nguồn thu giá dầu thô 100 Mỹ Kim/thùng. Nay tình hình giá dầu thô liên tục giảm giá và hiện nay chỉ còn ở ngưỡng cửa 50 Mỹ Kim/thùng, khiến cho Hà Nội gặp khó khăn trong vấn đề ngân sách, tức là nguồn thu không còn đủ để cung ứng cho số ngân sách là 255.750 tỷ đồng.
Lúc đó ông Vinh báo động là ngân sách Trung ương đã cạn kiệt và vì thế CSVN đã đưa ra hai phương án: 1/ In thêm 35.000 tỷ đồng; 2/ Bán công khố phiếu quốc tế 3 tỷ Mỹ Kim, để vừa có tiền trả các khoản nợ đáo hạn và nhất là hỗ trợ một số chi tiêu chưa tháo khoán.
In thêm tiền sẽ có rủi ro bị nạn lạm phát và bán công khố phiếu quốc tế không dễ dàng vì uy tín trả nợ của chế độ rất thấp. Tuy nhiên, nếu thực hiện được hai giải pháp này thì cũng chỉ thêm được khoảng 100,000 tỷ đồng, chưa thể bù đắp vào những khoản thiếu hụt trầm trọng của ngân sách quốc gia.
Với bức tranh ảm đạm của tình hình ngân sách như vậy, Trung ương không còn có thể giúp cho các địa phương như đã hứa. Rốt cuộc là một số địa phương không biết điều chỉnh lại ngân sách chi tiêu, vẫn tiếp tục phóng tay tiêu xài thì phá sản là chuyện đương nhiên.

Thanh Thảo: Việc hết tiền hoạt động chắc chắn không chỉ có hai thành phố mà sẽ có nhiều nơi khác nữa do tình trạng phóng tay chi tiêu quá mức của cán bộ các cấp. Theo ông nhận định thì vấn đề này đang bắt đầu dấu hiệu gì thưa ông?
Lý Thái Hùng: Chắc chắn là sự kiện phá sản, hết tiền hoạt động không chỉ dừng ở hai thành phố Bạc Liêu và Cà Mau mà sẽ còn nhiều địa phương, kể cả một số ban ngành trực thuộc trung ương. Đây là hiện tượng phát sinh lần đầu tiên trong bộ máy đảng CSVN khi mà trung ương không còn là bầu sữa để cho các địa phương mặc tình bòn rút.
Trong bộ máy độc tài, Trung ương nắm toàn bộ quyền lực và chi phối mọi địa phương dựa trên hai thứ quyền lực. Đó là tiền và nhân sự. Nhân sự là yếu tố cộng sinh giữa các phe nhóm sẵn sàng thỏa hiệp với nhau để cầm quyền qua các thời kỳ.
Sự thỏa hiệp này lâu bền hay không tùy theo khả năng cung ứng tiền, tức là ngân sách hoạt động và chi tiêu qua các công trình xây dựng, hay những buổi tiệc liên hoan dưới nhiều hình thức, để bòn rút thật mà kê khai giả hầu che mắt dư luận. Và đây là nguyên nhân dẫn đến lý do vì sao trong hồ sơ thì còn dư tiền mà trong thực tế thì hết tiền. Điều này cho thấy hai dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất là cách tẩu tán đất đai, tài sản của địa phương cho cán bộ với giá rẻ mạt nhưng trên giấy tờ thì ghi con số rất lớn, đã không còn hiệu quả và đang bị phanh phui trước công luận. Đa số các địa phương thích phóng đại con số thu hoạch lớn, mọi dự án đều đạt hơn mức chỉ tiêu bình thường để xin ngân sách hoạt động với sự hỗ trợ ngầm của những cán bộ ở trung ương và cứ như thế kéo dài trong nhiều năm trời, địa phương và trung ương tiêu xài hoang phí và bòn rút làm của riêng trên những con số giả.

Thứ hai là sự phá sản của hai địa phương có tiềm năng kinh tế cao ở Nam Bộ đã cho thấy là bệnh thành tích của các địa phương đã trở thành mối đe dọa sự tồn vong của chế độ CSVN. Do nhu cầu tuyên truyền về sự ưu việt của xã hội chủ nghĩa, Hà Nội đã cố dựng ra những báo cáo màu hồng với những từ ngữ như vượt chỉ tiêu, khắc phục khó khăn, đạt mục đích… để khỏa lấp khó khăn. Chính bệnh thành tích này mà cả nước đã sống trong giả dối và đó là lý do vì sao Việt Nam ngày một tụt hậu so với thế giới.
Nói tóm lại, qua sự phá sản của hai thành phố đã khởi đầu một dấu hiệu Trung ương sẽ mất dần khả năng kiểm soát khi không còn đủ sức hỗ trợ phương tiện để nuôi các âm binh tại các địa phương.

Thanh Thảo: Khi mà các địa phương khai phá sản vì hết tiền hoạt động sẽ không dừng ở đây mà sẽ lan tỏa ra các bộ máy Trung ương. Nếu tình hình này xảy ra liệu CSVN sẽ đối phó ra sao và tình hình Việt Nam sẽ như thế nào thưa ông?
Lý Thái Hùng: Để cứu các địa phương có đủ tiền hoạt động, CSVN sẽ phải tiến hành ba phương cách.
Thứ nhất là in thêm tiền để phân bố cho các địa phương có tiền trả lương cho nhân viên. Hậu quả là sẽ khiến đồng tiền mất giá và lạm phát xảy ra.
Thứ hai là in và phát hành công khố phiếu quốc tế như họ đang làm hiện nay để vay 3 tỷ Mỹ Kim khẩn cấp hầu trả nợ đáo hạn. Hậu quả là làm cho khoản nợ công sẽ gia tăng và có thể dẫn đến phá sản như Hy Lạp.
Thứ ba là dựa vào Trung Quốc để vay mượn tiền như Hà Nội đã từng làm trong quá khứ. Mới đây Trung Quốc đã cho CSVN vay 1 tỷ đồng nhân dân tệ, nhân dịp Tập Cận Bình viếng thăm vào đầu tháng 11 vừa qua. Hậu quả là chế độ Hà Nội càng ngày càng lệ thuộc vào Bắc Kinh, dẫn đến nguy cơ tan rã vì sự bất mãn của quần chúng trước những hành động bá quyền của Trung Quốc trên biển Đông.
Cả ba phương cách nói trên đều dẫn đến nhiều nguy cơ cho chế độ. Do đó mà CSVN không dễ dàng áp dụng dù có thể in thêm tiền hay vay mượn từ Trung Quốc.
Tóm lại, CSVN đã để cho tình hình rơi vào tình huống quá bi đát khi mà sự cải tổ cơ cấu kinh tế hoàn toàn thất bại do sự chi phối quá lớn của các nhóm lợi ích và chỉ còn chờ mong phép lạ xảy ra khi tham gia vào TPP.
Nhưng TPP lại là một đấu trường mới với những luật lệ ràng buộc phức tạp và không khoan nhượng cho bất cứ sai lầm nào, nên càng khiến cho lãnh đạo CSVN – do nhu cầu sống còn - phải mạnh tay loại bỏ những cơ quan, doanh nghiệp làm ăn thua lỗ, kể cả việc cắt, không tài trợ cho các địa phương, hay đúng ra, hiện tượng phá sản không còn là một điều mà chế độ có thể chủ động ngăn chặn hay thực hiện trong tiến trình cải tổ, mà là dấu hiệu con bệnh nan y đang bắt đầu phát tán không còn che giấu được nữa trong guồng máy ruỗng nát XHCNVN.

Thanh ThảoXin cảm ơn ông Lý Thái Hùng.

---------------------------

Trung Điền
Cập nhật: 4/12/2015

Hôm 30/11 vừa qua, nhiều tờ báo như Tiền phong, Tuổi trẻ, Vietnamnet, Lao Động đã loan tin về việc Thành ủy Bạc Liêu thuộc tỉnh Bạc Liêu hết kinh phí hoạt động kể từ đầu tháng 12 năm 2015. Không những thế, kinh phí hoạt động của Thành ủy đã thiếu từ mấy tháng nay và hiện đang mắc nợ nhiều tỷ đồng.

Sự kiện nói trên bắt đầu được bàn tán công khai ra ngoài xã hội khi xảy ra vụ “náo loạn” trong cuộc bàn giao giữa hai ban chấp hành cũ mới của Thành ủy tại văn phòng của ông Nguyễn Quốc Minh, chánh văn phòng Thành ủy hôm 16/10.

Sau buổi họp bàn giao, ông Trà Văn Bắc, phó bí thư Thành ủy ra về liền bị bà Đỗ Thu Hương, thủ quỹ Thành ủy đã nóng giận cầm bình trà đập xuống bàn khiến mảnh vỡ bình trà bay khắp phòng. Lý do bà Hương nóng giận là theo biên bản bàn giao tài chánh ngày 18/10, quỹ của Thanh ủy còn đến 2,748 tỷ đồng nhưng thực tế bàn giao không còn một đồng nào.

Sự “náo loạn” nói trên chỉ là giọt nước làm tràn ly do bất mãn về tình hình tiêu xài của ban lãnh đạo cũ đã để lại cho ban lãnh đạo mới một ngân khoản nợ lên đến gần 5 tỷ đồng gồm: các khoản chi từ biên soạn lịch sử đảng đến tiếp khách, khám sức khỏe cho cán bộ là 2,818 tỷ đồng, nợ bảo hiểm xã hội chưa đóng 478 triệu đồng, tiền cán bộ Thành ủy tạm ứng cho các chi phí hoạt động chưa hoàn trả là 1,691 tỷ đồng.

Số tiền nợ 5 tỷ đồng (tương đương 230 ngàn Mỹ Kim) của Thành ủy Bạc Liêu không phải là con số lớn so với những tiền nợ không thể đòi được của các doanh nghiệp lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, Bạc Liêu được nổi tiếng là một trong những tỉnh trù phú nhất ở miền Tây Nam bộ; nhưng qua sự “phá sản” của Thành ủy, dẫn đến sự ẩu đả giữa hai ban chấp hành cũ mới cho thấy là vấn đề nợ nần trong bộ máy đảng CSVN không chỉ ở lãnh vực kinh tế mà đã lan sang tới hành chánh.

Nợ của các doanh nghiệp

Trong một báo cáo hôm 23/11, Bộ tài chánh CSVN cho biết là số nợ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty khi kết thúc năm 2014 lên đến 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 8% so với năm 2013.

Trong số này, số vay của các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng là 550.000 ngàn tỷ đồng. Một số doanh nghiệp có số nợ vay ngân hàng lớn như Tập đoàn dầu khí là 174.000 tỷ đồng, Điện lực là 108.000 tỷ đồng. Tổng công ty hàng hải là 32.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, các Tập đoàn kinh tế, tổng công ty còn nợ nước ngoài trong năm 2014 là 381.000 tỷ đồng, trong đó vay vốn ODA của chính phủ lên đến 118.000 tỷ đồng, vay nước ngoài được chính phủ bảo lãnh là 124.000 tỷ đồng.

Theo công bố của Ngân hàng thế giới thì tính đến cuối năm 2014, tổng số nợ công (bao gồm nợ của chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ của chính quyền địa phương) được ước tính là 2,35 triệu tỷ đồng (tương đương 110 tỷ Mỹ Kim) chiếm 59% GDP của Việt Nam.
Nhưng vấn đề quan trọng không phải là tình trạng nợ nần của các doanh nghiệp mà chính là tình hình không thể nào trả nợ đã vay của các doanh nghiệp mà Bộ tài chánh gọi là “nợ khó đòi”.

Trong số 1,5 triệu tỷ đồng nợ tính đến 2014 (tương đương 68 tỷ Mỹ Kim) thì nợ khó đòi là 13.570 tỷ đồng. Điều đáng chú ý, đứng đầu nợ khó đòi là những tập đoàn kinh tế lớn như Tập đoàn dầu khí 3.113 tỷ đồng, Tập đoàn bưu chính viễn thông là 1.807 tỷ đồng, Tập đoàn viễn thông quân đội là 616 tỷ đồng, Tổng công ty công nghiệp xi măng là 613 tỷ đồng. Tập đoàn than khoáng sản là 608 tỷ đồng.

Tổng cộng có 28 Tập đoàn và Tổng công ty ở trong tình trạng nợ nần chồng chất và hệ số nợ vượt cao hơn ngưỡng cửa an toàn, lên tới hơn 48 lần như Tổng công ty phát thanh truyền hình thông tin (tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu lớn hơn 48,27 lần), nhưng vẫn tiếp tục được nhà nước bơm tiền để sống… lây lất dưới định hướng xã hội chủ nghĩa.

Do tình trạng nợ nần chồng chất và không thể trả nổi, mới đây Bộ tài chánh lại đề nghị xóa nợ cho các doanh nghiệp nhà nước lên đến 1.000 tỷ đồng. Nói một cách khác là nhà nước đành phải biếu không 1.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ.

Nợ của bộ máy đảng, chính quyền

Không thu được nợ thì làm sao mà thu được thuế từ các doanh nghiệp nhà nước, nên bộ máy hành chánh đã rơi vào tình trạng hết tiền hoạt động là chuyện đương nhiên.

Ngày 23/10 tại phiên thảo luận Tổ ở quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội, Bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh đã báo động rằng ngân sách hoạt động của chính phủ chỉ còn 45 ngàn tỷ đồng.

Theo ông Bùi Quang Vinh thì ngân sách nhà nước năm 2015 là 255.750 tỷ đồng, nhưng trong đó chi cho ngân sách địa phương là 131.500 tỷ đồng. Ngân sách trung ương còn lại là 154.000 tỷ đồng, trừ đi vốn nước ngoài và các khoản chi khác thì còn 45.000 tỷ đồng.

Với một bộ máy hành chánh cồng kềnh nuôi non 1 triệu công chức ở các cơ quan trung ương mà chỉ còn 45.000 tỷ đồng (tương đương với 2 tỷ Mỹ Kim) để hoạt động, đủ thấy là các cơ quan hành chánh cãi vã nhau như Thành ủy Bạc Liêu là chuyện thường tình.

Tuy nhiên việc thiếu tiền đã trở nên báo động vào những tháng cuối năm 2015 vì có hai khoản chi phụ trội là tổ chức các buổi lễ kỷ niệm cái gọi là 40 năm chiến thắng miền Nam Việt Nam và đại hội đảng bộ các cấp, để bầu đại biểu tham dự đại hội đảng XII dự trù diễn ra vào tháng 1/2016.

Đây là hai dịp mà cán bộ các cấp sẽ vung tay tiêu tiền dưới nhiều danh mục như tiệc chiêu đãi lãnh đạo cấp trên, chiêu đãi các đại biểu về dự đại hội, tiền di chuyển và nhất là tiền “cảm ơn” những cựu cán bộ đã chịu…. về hưu. Có nơi còn tổ chức cho cán bộ sắp về hưu du lịch Canada để gọi là đi học cách xổ số vân, vân…

Mặc dù hết tiền ở cả Trung ương lẫn địa phương; nhưng các cơ quan hành chánh đảng và nhà nước vẫn phải “hoạt động” nên họ thi đua nhau vay nợ dưới các hình thức vay tín dụng ưu đãi, vay kho bạc nhà nước, kể cả việc nhờ chính phủ bảo lãnh để vay qua ODA.

Vì thế, tình trạng nợ xấu ở các ngân hàng không chỉ đến từ doanh nghiệp nhà nước mà đến từ những cơ quan hành chánh địa phương tiêu xài phung phí; nhưng không có khả năng trả nợ.

Lý do dễ hiểu là vì muốn các địa phương phải quy phục trung ương nên Bộ chính trị đã dành nhiều dễ dàng cho địa phương vay tiền, nhất là vay từ kho bạc nhà nước.

Theo bản tin của Trung tâm nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng hàng hải (Maritime Bank) đưa ra vào sáng 23/11 cho thấy là nếu 5 tuần tiếp theo (thời gian còn lại của năm 2015) mà kho bạc nhà nước vẫn phát hành như tuần trước thêm 35.000 tỷ đồng thì sẽ đưa tổng mức tiền in ra của năm 2015 lên đến 210.000 tỷ đồng, vượt qua tổng lượng phát hành năm ngoái.
Ngoài việc cho kho bạc in thêm tiền, nhà cầm quyền CSVN còn phát hành trái phiếu bán thị trường vốn quốc tế lên đến 3 tỷ Mỹ Kim để cơ cấu lại nợ trong nước.

Kẽ hở của nạn tham ô

Nhìn vào những con số nợ của các doanh nghiệp lên hàng triệu tỷ đồng thì nợ nần của các cơ quan đảng không thấm vào đâu. Tuy nhiên hình ảnh này cho thấy là lãnh đạo các ban ngành từ kinh tế, thương mại cho đến hành chánh đều tiêu xài một cách vô tội vạ, vì có sẵn kho bạc in thêm tiền để đáp ứng các nhu cầu đòi hỏi của địa phương.

Đây là kẽ hở phát sinh ra nạn tham ô cửa quyền - mà CSVN tuy đã nhận dạng - nhưng không bao giờ có thể tận diệt, vì con vi khuẩn tham ô này được bộ chính trị nuôi dưỡng để phục vụ cho quyền lực tập trung của trung ương.

In thêm tiền hay mượn thêm nợ để tiêu là một hành vi “tự sát” trên đường dài vì sẽ tạo ra những khủng hoảng kinh tế trầm trọng. Từ lạm phát, mất giá trị đồng tiền, các nhà đầu tư và nhân tài bỏ chạy khỏi nước để thoát thân, tới giá hàng nhập cảng tăng vọt khiến sản xuất đình trệ khi Việt Nam hiện nay đang phải dựa rất nhiều vào nguyên vật liệu nhập cảng để sản xuất; các thế hệ tương lai của Việt Nam sẽ è cổ trả nợ.

Trong hoàn cảnh này, chỉ có một thiểu số đặc quyền, đặc lợi tiếp tục sống phè phỡn, giàu có trong khi cả nước đưa nhau “xuống hố” theo đúng quy luật chủ nghĩa xã hội.

Trung Điền




No comments: