Sunday, December 13, 2015

“Những con đường nằm nghe nắng mưa” (FB Nguyễn Văn Tuấn)






Bài này, "Đặt tên đường ở Sài Gòn trước 1975 rất khoa học, có tính giáo dục cao" (1), có lẽ là một cách công nhận cách đặt tên đường của chính quyền miền Nam thời trước 1975 là hợp lí và có ý nghĩa lịch sử. Nếu giả định đó đúng thì bài báo cũng là một cách gián tiếp phê phán cách đặt tên đường tuỳ tiện sau 1975 là phản lịch sử? Riêng tôi thì vấn đề mà báo nêu làm tôi nhớ đến một câu ca rất giàu chất thơ của Trịnh Công Sơn: Những con đường nằm nghe nắng mưa ...

Tôi nghĩ cách đặt tên đường cũng một phần nào đó nói lên cái tầm văn hoá và trình độ lịch sử của người đặt tên. Nhìn như thế thì chính quyền VNCH trước 1975 quả thật có tầm văn hoá và trình độ lịch sử rất tuyệt. Như phản ảnh qua tác giả vô danh mà nhiều người chỉ trích dẫn là "The X file of W.A.R" (2) và tôi cũng có lần nhận xét (3). Họ đặt tên đường theo quá trình lịch sử từ cổ đại đến hiện đại. Từ ngoại thành đi vào trung tâm thành phố là đi quãng đường mấy ngàn năm lịch sử, qua Hồng Bàng, An Dương Vương, Hùng Vương, rồi Trần Hưng Đạo, Trần Nhân Tông, v.v. Nhà Nguyễn là gần trung tâm nhất vì đó là triều đại cận kề nhất. Cuối cùng là hội tụ lại đường Thống Nhứt, đẹp và rộng, dẫn thẳng vào Dinh Độc Lập, trung tâm quyền lực thời đó. Họ không lấy tên những nhân vật chính trị của chế độ để áp đặt vào những con đường mang tên lịch sử đó. Tôi nghĩ đó cũng là thái độ tôn kính các bậc tiền nhân.

Nhưng thời nay thì rất khác, vì cách đặt tên đường xem ra chẳng theo một qui luật nào cả, và các nhân vật xa lạ chiếm hết những con đường chính. Lúc mới sau 1975, tôi rất ngạc nhiên khi người ta lấy tên sự kiện như "Đồng Khởi", "Cách mạng Tháng Tám", hay tên đường với ngày (3/2). Tuy nhiên, sau này có dịp ra ngoài này và tìm hiểu trong thế giới cộng sản thì tôi không ngạc nhiên nữa, vì đó cũng là các đặt tên đường ở Liên Xô và mấy nước XHCN cũ. Không biết các bạn thì sao, chứ mỗi lần đi trên con đường Lê Duẩn thênh thang, tôi cứ bị ám ảnh vào cái thời bao cấp và ăn bo bo sau 1975. Nghe tên bác ấy là tôi nghĩ ngay đến cái thời đau khổ. Lại có những tên đường rất kì cục như Đồng Đen (không nhớ ở quận nào nhưng tôi đã đi qua), hay đường nghe tên rất chiến tranh, Tên Lửa (ở gần Bình Chánh)! Do đó, nó cũng chẳng có ý nghĩa lịch sử gì hết!

Sau 1975, chúng ta biết là có những đợt thay đổi tên đường theo sau đổi tên thành phố. Nhìn qua cách đổi tên đường, có thể đoán được rằng mấy người trong chính quyền hiện nay không ưa Triều Nguyễn, vì những ông vua và quan của triều này bị cho biến đi gần hết. Vài ví dụ :

* Gia Long là một ông vua gây ra nhiều tranh cãi, nhưng là người có công mở rộng bờ cõi phía Nam và khai sáng Triều Nguyễn; ông ấy phải "nhường" chỗ cho cậu bé Lý Tự Trọng. 

* Minh Mạng là một ông vua nổi tiếng thơ ca, nhưng đành phải nhường cho Ngô Gia Tự (chẳng biết ông này là ai).

* Thiệu Trị cũng là vua Triều Nguyễn, nay bị Trần Hữu Trang làm cho biến mất. 

* Tự Đức bị cho lên đường, và thay vào là cái tên lạ hoắc Nguyễn Văn Thủ. 

* Đồng Khánh bị Trần Hưng Đạo chiếm, nhưng sự thay đổi này chẳng ai thắc mắc. 

* Duy Tân là con đường đẹp đã đi vào thơ ca, nhưng nay thì bị Phạm Ngọc Thạch cho lên đường biến mất luôn. 

* Khải Định cũng là một vị vua Triều Nguyễn, nhưng sau 1975 thì ông bị đuổi đi và nhường cho Nguyễn Thị Tần (là ai?) 

* Hiền Vương (tức chúa Nguyễn Phúc Tần là một nhân vật quan trọng trong sử và mở mang bờ cõi về phía Nam, bị cô Võ Thị Sáu chiếm và đuổi đi. 

* Còn những tướng lãnh và danh nhân đời Nguyễn như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Nguyễn Văn Thành, Petrus Ký, Trương Minh Giảng, Võ Di Nguy, Võ Tánh, v.v. bị cho lên đường gần hết.

Cách sửa tên đường cũng thể hiện bất kính với tiền nhân và ngạo mạn lịch sử. Một chuyên gia về đô thị và nhà sử học là TS Nguyễn Khắc Thuần nói thẳng rằng ông "không đồng ý cách đặt tên đường của TP như lâu nay," (4) nhưng ông cũng chẳng làm gì được, vì chỉ là một thành viên trong Hội đồng tên đường, nên phải làm theo số đông. Ông Thuần nhận xét rằng "Phải nói rằng trước năm 1975, tuy có một số tên đường chỉ phù hợp với đặc trưng chính trị riêng của chế độ cũ nay cần phải thay thế nhưng còn lại, nhìn chung việc chọn và đặt tên đường khá tốt. Những cụm tên đường phản ánh mối quan hệ lịch sử giữa các nhân vật và sự kiện đã hình thành khá rõ. Sự lộn xộn về tên đường phố chỉ mới xuất hiện sau năm 1975 bởi hồi đó, thành phố đã trao việc không đúng người" (4).

Tên đường của một thành phố cũng là những kí ức. Một khi chúng ta đã ở đâu đó và quen với những con đường thì đó cũng là kỉ niệm một thời. Xoá bỏ hay thay đổi tên đường, do đó, là một hình thức xoá bỏ kí ức. Đối với những người lớn lên trước 1975 ở trong Nam thì quả thật việc thay đổi tên đường là một cái sốc. Như tôi nói, có những con đường đi vào thi ca, như "Con đường Duy Tân cây dài bóng mát", mà viết lại "con đường Phạm Ngọc Thạch cây dài bóng mát" thì nó chẳng có chất thơ chút nào cả! Hay như một nhạc sĩ miền Bắc là Phú Quang cũng luyến tiếc cái tên Catinat (nay là "Đồng Khởi") khi anh ấy viết bài "Catinat cafe buổi sáng", chứ nếu viết "Đồng Khởi cafe buổi sáng" thì còn gì chất thơ! Nhà phê bình văn học Hoàng Ngọc Hiến có một nhận xét rất hay là Trịnh Công Sơn là người đã phát hiện cái chất thơ của những con đường Sài Gòn, bởi thế ông từng viết "Những con đường nằm nghe nắng mưa".

Nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có sáng tác một ca khúc thật hay về Sài Gòn, mà trong đó có những câu:

Ðêm nhớ về Sài Gòn
Thấy phố phường buồn xưa chưa nguôi
Những con đường thèm đôi chân vui
Ðường chia li vẫn ngóng tin nhau
Tình lẻ loi canh thâu

Bây giờ nếu ông có về thăm lại Sài Gòn thì càng lẻ loi canh thâu, do những tên đường thân quen đã thay tên đổi họ. Có thể nói rằng cách đặt tên đường hiện nay nó chẳng những thiếu chất thơ, mà nghiêm trọng hơn là còn xoá sử. Ở một khía cạnh nào đó, những cái tên đường mới còn mang tính dung tục và ngạo mạn với lịch sử. Thành ra, khi Ts Nguyễn Khắc Thuần nói "TP.HCM nên xóa sạch tên đường để đặt lại" (4) không phải là một phát biểu cực đoan chút nào.

===

(2) Tôi không biết ai là tác giả của bài mà VNN đăng lại. Khi tìm trên mạng, thấy nhiều nơi đăng lại và chỉ đề "Nguồn: The X file of W.A.R". Đây cũng là thói quen xấu của nhiều người Việt; họ không chịu ghi rõ tên nguồn và không chỉ ra địa chỉ đường link, mà chỉ viết chung chung. Nhất là giới báo chí, họ chỉ ghi là "theo ..." mà tôi nghĩ là rất ... mất dạy (hiểu theo nghĩa không được dạy cách trích dẫn nguồn).










No comments: