Nguyễn Quang Dy
Posted
by adminbasam on
01/12/2015
Gần
đây, nhiều người nói đến “thoát Trung”. Có lẽ vì đó là tâm nguyện của nhiều người
Việt yêu nước. Nhưng “thoát Trung” thế nào, khi Trung Quốc nắm chặt từ đầu đến
chân (như cái vòng “kim cô”). “Thoát Trung” bằng cách gì khi dân trí và trách
nhiệm cộng đồng thấp lè tè nhưng lòng tham và tính tự phụ lại cao ngất; Các tổ
chức trì trệ và phân liệt (dysfunctional) trong khi các doanh nghiệp nếu chưa
chết cũng sa vào “bẫy thu nhập trung bình”.
Có người
nói taị sao người Miến Điện làm được mà người Việt Nam lại không làm được. Đúng
thế, người Việt tuy “không thua kém ai”, nhưng tại sao không tìm đâu ra Thein
Sein hay Aung San Syu Kyi? Miến Điện cũng khốn khổ vì độc tài và tham nhũng,
nhưng tại sao hai phía lại bắt tay được với nhau để hòa giải? Có lẽ vì họ còn
biết tự trọng dân tộc và nghĩ đến tương lai quốc gia (trong khi người Việt chỉ
nghĩ đến cái túi tiền riêng). Họ cũng đầy tham nhũng, nhưng không tham đến nỗi
“ăn không chừa cái gì”. Hình như có một sự khác biệt.
Nhiệm
vụ bất khả thi (mission impossible)
Có người
nói “thoát Trung” là vô vọng. Đúng vậy! Kể từ sau Thành Đô, Trung Quốc đã tròng
được cái “vòng kim cô” vào đầu Việt Nam. Cánh tay dài của Trung Quốc như cái
vòi bạch tuộc đã luồn lách tới mọi ngóc ngách, mọi lĩnh vực (kể cả “cấm địa”).
Tại sao họ làm được như vậy? Không phải vì họ quá giỏi mà vì ta quá hèn.
Về kinh
tế, hầu hết các dự án lớn đều rơi vào tay các nhà thầu EPC của Trung Quốc. Cái
gì béo bở phải “ưu tiên cho bạn” (vì “16 chữ vàng” và “đại cục”). Nếu bạn có
thua thầu cũng phải để bạn thắng, vì “trên” đã chỉ đạo như vậy (nếu không là mất
chức!). Ngay cả dự án xây trụ sở Bộ Công An cũng phải để họ làm (đương nhiên là
họ cài nhiều “con bọ”).
Về tài
nguyên, rừng vàng biển bạc cũng phải dâng cho “bạn”. Bạn đòi cái gì phải chiều
cái đó, không ai dám cưỡng lại “lệnh trên” (hay ý bạn). Từ cho thuê rừng đầu
nguồn (305 ngàn ha), đến khai thác boxite trên cao nguyên (Tân Rai, Nhân Cơ),
và chiếm lĩnh bờ biển miền Trung (Vũng Áng, Hải Vân). Tóm lại, họ đã nắm được gần
hết những nơi đắc địa có ý nghĩa chiến lược. Dù đứng tên Trung Quốc (trực tiếp)
hay đứng tên công ty con mang quốc tịch khác (gián tiếp) hòng che mắt thiên hạ,
thì ai cũng biết đó là bàn tay Trung Quốc.
Làm dự
án đến đâu họ đem theo người Trung Quốc đến đấy (như một hình thức di dân trá
hình). Nay họ đang thực hiện chính điều mà Mao đã từng nói với Lê Duẩn trước
đây (ý đồ di dân Trung Quốc đến các nước Đông Nam Á). Thời chiến tranh chống Mỹ,
Trung Quốc đã đòi đưa nhiều sư đoàn vào Việt Nam đóng quân, với danh nghĩa giúp
Việt Nam đánh Mỹ, nhưng thực chất là nhằm những ý đồ đen tối khác (nhưng sau đó
phải rút).
Hiện
nay tại Vũng Áng có 10.000 lao động Trung Quốc. Có nhiều ý kiến lo ngại về rủi
ro an ninh, nhưng Bộ LĐTB&XH vẫn khẳng định là họ làm “đúng quy trình”.
Trong khi Việt Nam và các nước khác phản đối Trung Quốc san lấp đảo nhân tạo,
xây dựng sân bay và căn cứ quân sự trên các đảo tại Trường Sa, thì nghe nói một
số người Việt ở miền Trung vẫn khai thác cát để bán cho Trung Quốc xây đảo. Người
Việt thật hồn nhiên.
Về văn
hóa tư tưởng, các kênh truyền hình Việt Nam tràn ngập phim Trung Quốc. Năm
ngoái (sau vụ dàn khoan HD 981) các phim Trung Quốc đột nhiên biến khỏi màn
hình TV (chắc là vì “nhạy cảm”). Nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy, như không có
chuyện gì! Vấn đề không phải là phim ảnh của Trung Quốc có vấn đề, mà văn hóa
tư tưởng của người Việt có vấn đề.
Đến tận
bây giờ mà cán bộ văn hóa tư tưởng Việt Nam vẫn ngoan ngoãn sang Trung Quốc tập
huấn (chắc để quán triệt “16 chữ vàng”). Đến tận bây giờ mà cái loa phường (bắt
chước kiểu tuyên truyền từ thời cách mạng văn hóa) vẫn còn tồn tại. “Thoát Mao”
còn chưa xong, nói gì đến “Thoát Trung”. Nhưng nếu không “thoát Trung” thì chắc
không thoát được “Bắc thuộc”. Cách đây 25 năm ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch đã cảnh
báo.
Thực
ra, Việt Nam đã từng “thoát Trung” (1979) khi xoay trục 180 độ, đoạn tuyệt với
Trung Quốc và đi theo Liên Xô (là đồng minh chiến lược) để đánh Khmer Đỏ (là
tay sai của Trung Quốc). Chống Trung Quốc là chuyện bình thường (trong lịch sử),
nhưng chưa bao giờ có một quốc gia nào lại ghi vào Hiến Pháp rằng một quốc gia
khác là “kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” (mà trước đó hai nước đã từng thân
thiết “như môi với răng”).
Đánh Khmer
Đỏ là việc làm chính đáng, nhưng chiếm đóng Campuchea quá lâu là phiêu lưu về
quân sự và ấu trí về chính trị, mắc vào cạm bẫy của Trung Quốc trong trò chơi
quyền lực. Trong gần một thập niên (sau 1979) hình ảnh và vị thế quốc tế của Việt
Nam đã tụt xuống nấc thấp nhất. Cả Mỹ, Trung Quốc, Tây Âu, Nhật và ASEAN đã xúm
vào cô lập và lên án Việt Nam. Đó là một thời kỳ đen tối và khó khăn, cả về đối
nội và đối ngoại.
Chiến
tranh Đông dương lần Thứ ba” (chống Trung Quốc) là một thảm họa đối với một đất
nước nghèo vừa thoát khỏi cuộc Chiến tranh Việt Nam đẫm máu. Phải “thoát
Trung”, nhưng cách “Thoát Trung” cực đoan đó là một sai lầm ấu trĩ. Liên minh
quân sự với Liên Xô để chống Trung Quốc (được Mỹ ủng hộ) tuy là cần thiết,
nhưng cái được chỉ là ảo tưởng, còn cái mất thì vô cùng to lớn. Đó là hệ quả của
tư duy chiến lược cực đoan. .
Một thập
niên sau đó, Viêt Nam lại xoay trục 180 độ lần nữa tại Thành Đô (1990). Từ
“thoát Trung” cực đoan, Việt Nam lại “nhập Trung” cực đoan không kém, biến “kẻ
thù trực tiếp và nguy hiểm nhất” thành “đồng chí 4 tốt” với “16 chữ vàng”. Thay
vì bình thường hóa quan hệ thì lại biến nó thành quan hệ bất bình thường. Những
gì đang diễn ra tại Biển Đông hiện nay là hệ lụy tất yếu của Thành Đô, một tầm
nhìn chiến lược ấu trĩ.
Ma
trận thoát Trung (exit China matrix)
Làm thế
nào để “thoát Trung” cũng giống như “biến điều không thể thành có thể”. Tại sao
trong lịch sử, người Việt đã từng làm được? Người Việt đã từng (hai lần) đánh
thắng quân Nguyên (1258 & 1285), thắng quân Minh (1427), thắng quân Thanh
(1789) để “thoát Trung”. Việt Minh đã từng thắng quân Pháp (1954) và Việt Cộng
đã từng thắng quân Mỹ (1975).
Trước
đây người Việt đã làm được vì trên dưới một lòng. Còn bây giờ thì hình như trên
dưới hai lòng, trong ngoài chia rẽ, vẫn chưa hòa giải. Đây chính là nút thắt cổ
chai (bottleneck) phải tháo gỡ. Nhưng có người lại nói hòa giải là vô vọng. Thiện
tai, thiện tai!
Còn nhớ
năm 1990 là một bước ngoặt trọng đại. Đó là thời điểm khủng hoảng (như ung thư
giai đoạn cuối) của hệ thống XHCN, khi bức tường Berlin xụp đổ và các quốc gia
cộng sản thay nhau xụp đổ theo như những lâu đài xây trên cát. Thành trì của
CNCS là Liên Xô cũng bị rung chuyển tận nền móng và sụp đổ theo (1991). Đó là một
bước ngoặt lịch sử.
Trung
quốc cũng khó tránh khỏi số phận phải thay đổi tương tự, nếu phái cải cách Hồ
Diệu Bang và Triệu Tử Dương không bị thanh trừng, nếu phong trào Thiên An Môn
không bị đàn áp khốc liệt. Nhưng TQ đã lựa chọn dùng bạo lực đàn áp đẫm máu
phong trào Thiên An Môn, và thanh trừng phái cải cách. Ngay cả Đặng Tiểu Bình
(vốn chủ trương cải cách) cũng quyết định hy sinh đàn em của mình (Hồ Diệu Bang
và Triệu Tử Dương) và ủng hộ đàn áp bằng bạo lực. Đấy chính là bước ngoặt sống
còn mà những người cộng sản Trung Quốc đã quyết liệt lựa chọn, và những người
CS Việt Nam đã mụ mẫm đi theo Trung Quốc.
Đấy
cũng chính là một vết đen của Đặng Tiểu Bình trong lịch sử, làm tôi bất đồng với
giáo sư Ezra Vogel (là thày của tôi ở Harvard) tác giả cuốn “Đặng Tiểu Bình và
sự Chuyển đổi của Trung Quốc” (Deng Xiaoping and the Transformation of China”).
Đặng Tiểu Bình có công dẫn dắt cải cách thành công, nhưng cũng là một người tàn
bạo và nham hiểm.
Cuối
1989 và đầu 1990 là thời điểm phong trào “Đổi mới” của Việt Nam đang thắng thế
như diều gặp gió, tạo ra một cơ hội hiếm có để thay đổi thực trạng đất nước.
Nhưng cũng đúng lúc đó thì bức tường Berlin và CNCS ở Liên Xô/Đông Âu xụp đổ,
và phong trào Thiên An Môn bị lãnh đạo Trung Quốc đàn áp đẫm máu. Đứng trước những
biến động đó, Nguyễn Văn Linh và một số lãnh đạo VN đã bị choáng ngợp và hoảng
sợ, quyết định đi theo Trung Quốc (bằng mọi giá) để bảo tồn chế độ Cộng sản (ở
Việt Nam và Trung Quốc).
Đó là bối
cảnh và nguyên nhân đã xô đẩy những người Việt Nam chủ trương cải cách nửa vời
vì thiếu tầm nhìn và bản lĩnh chiến lược, sa vào cạm bẫy Thành Đô, tự rước lấy
cái “vòng kim cô” (trung thành mù quáng với ý thức hệ), cho đến tận bây giờ,
khi muốn “thoát Trung” thì đã quá muộn. Nhưng muộn còn hơn không. Vậy làm thế
nào để “thoát Trung”?
Có lẽ
phải học hỏi người Miến Điện (tuy thực tế hai nước khác nhau). Có lẽ phải bắt đầu
bằng tự trọng dân tôc và nâng cao dân trí. Chỉ đòi tự do dân chủ là không đủ,
mà phải hiểu thực chất về nó, phải biết cách vận dụng nó vào thực tế. Một khi
có tự do dân chủ, nhưng nếu không hiểu đúng và không có năng lực thực hành thì
cũng vô nghĩa. Như nhiều người đòi học tiếng Anh, nhưng tại sao học mãi vẫn
không nói được?
Cũng
như đòi tự do kinh doanh, nhưng nếu không hiểu thực chất kinh tế thị trường,
không biết phải làm thế nào để tồn tại, thì vô nghĩa. Phải chăng vì ngộ nhận và
chủ quan nên hàng trăm ngàn doanh nghiệp đã bị chết oan. Tham gia WTO (hay TPP)
là một cơ hội tốt, nhưng nếu không hiểu gì về hội nhập, và không có năng lực hội
nhập thì cũng vô nghĩa. Đòi hỏi quyền chính đáng là môt chuyện, nhưng làm được
hay không là chuyện khác.
Nó giống
như hội chứng ra khỏi hang động (thời nguyên thủy). Có người không muốn ra khỏi
hang (vì lâu đã thành quen không muốn thay đổi). Có người ra khỏi hang, bị
choáng ngợp bởi ánh sáng mặt trời nên hoảng sợ, lại chui vào hang. Thoát ra khỏi
hang (hay cái hộp ý thức hệ) không đơn giản. “Thoát Trung” hay “Thoát Á” cũng vậy.
Trước hết phải thoát ra khỏi cái bóng của mình, để biết mình thực sự là ai và cần
phải làm gì.
Nếu Việt
Nam “nhập Trung” (1990) như bị ma ám nên sa vào “trận đồ bát quái” (hay ma trận
ý thức hệ) thì nay muốn “thoát Trung” Viêt Nam cũng phải vận dụng ma trận đó để
thoát ra. Nguyên tắc của binh pháp là “vào bằng cửa nào phải ra bằng cửa đấy”.
Nếu trước
đây chúng ta đã sa vào ma trận “nhâp Trung” bằng cửa “ý thưc hệ” thì bây giờ
cũng phải “thoát Trung” bằng cửa ý thức hệ. Thực ra đó là một “cửa ảo” vì ý thức
hệ đó dựa trên một tiền đề vốn không có, nhưng do ngộ nhận nên “ảo biến thành
thật”. Ngộ nhận về ý thức hệ sẽ dẫn đến ngộ nhận về bạn và thù. Vì vậy, trước hết
phải phản tỉnh để thoát ra khỏi sự u mê lẫn lộn, như thoát ra khỏi cái hang
(hay cái hộp ý thức hệ) đã giam hãm tư duy.
Thứ
hai, phải thoát khỏi sợ hãi (freedom from fear) trong tâm thức, đã giam mình
trong hang, không dám ra ngoài để tiếp nhận ánh sáng mặt trời (là sự thật). Anh
sáng trong hang không phải mặt trời, và hình ảnh của mình trong hang cũng là giả
và sai lạc (vì ánh lửa phản chiếu lên tường). Muốn nhận ra thật giả, phải thoát
khỏi bóng tối trong hang.
Thứ ba,
muốn thoát khỏi sợ hãi, phải có bầy đàn và có tổ chức. Vì vậy, phải trên dưới đồng
lòng. Thời xưa cũng vậy, thời nay cũng vậy. Nếu vì cực đoan và thù hận mà phân
hóa, tranh chấp nhau từng tí, nên không thể hòa giải, thì cũng vô vọng.
Thứ tư,
phải chấp nhận rủi ro và cái giá phải trả cho sự thay đổi. Đó là từ bỏ thói
quen và hoài niệm của những năm tháng sống trong hang. Đó là từ bỏ những tài sản
và công cụ đã mất công tích tụ qua nhiều năm tháng, để dấn thân vào một thế giới
mới. Cái được và cái mất là một bài toán nan giải, nếu người ta không dám chấp
nhận thách thức và rủi ro.
Thực tế
loài người đã trải qua nhiều lần chuyển đổi như vậy, và lần nào cũng phải đứng
trước nan đề “ra khỏi hang” (hay ra khỏi cái hộp kín). Người Nhật đã “Thoát Á”
thành công để trở thành một cường quốc. Người Miến Điện đang “thoát Trung” và
thoát khỏi chế độ độc tài quân sự (như thoát khỏi bóng tối trong hang) để đón
nhận ánh sáng mặt trời.
Thay
cho lời kết
“Thoát
Trung” không phải là môt khẩu hiệu chính trị, như nhiều khẩu hiệu suông khác đã
trở thành thời trang trong môt đất nước tụt hậu nhưng lại sính hàng hiệu.
“Thoát Trung” phải là hành động cụ thể của từng người, từng tổ chức, từng doanh
nghiệp…
“Thoát
Trung” là vô nghĩa nếu không còn tự trọng dân tộc, nếu dân trí và trách nhiệm cộng
đồng quá thấp, nhưng lòng tham và tính tự phụ lại quá cao. “Thoát Trung” sẽ vô
vọng nếu không biết mình thực sự là ai, và không biết làm thế nào để thay đổi
thực trạng…
Và cuối
cùng, “thoát Trung” cũng vô nghĩa nếu chúng ta bỏ lỡ cơ hội cuối cùng, vì thay
đổi “quá ít và quá muộn” (too little too late).
NQD
1/12/2015
Bài
nhận được qua email.
No comments:
Post a Comment