Saturday, December 26, 2015

LS Nguyễn Văn Đài bị bắt: Vì sao báo nhà nước không “đánh hôi”? (Lê Dung / SBTN)





Lê Dung / SBTN
T7, 12/26/2015 - 20:16

Hơn 10 ngày sau khi luật sư Nguyễn Văn Đài bị chụp mũ điều 88 “tuyên truyền chống nhà nước’’ và bị Bộ công an bắt giam, vẫn chưa thấy báo chí nhà nước lên tiếng “bình luận”.

Thậm chí cả những tờ báo đảng đầy kiên trung như Quân Đội Nhân Dân, Nhân Dân, Công An Nhân Dân cũng hầu như lắng tiếng. Tin tức duy nhất mà báo giới nhà nước đăng tải chỉ là một nội dung thông tin về vụ bắt bớ luật sư Nguyễn Văn Đài trên cổng thông tin điện tử của Bộ công an.

Hiện tượng lắng tiếng trên là khác biệt khá nhiều với những vụ việc bắt bớ trong năm 2014. Vào giữa năm 2014, Bộ công an bắt blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cô Minh Thúy – cộng sự của anh. Ngay lập tức một số báo đảng “bày tỏ quan điểm” và tấn công Nguyễn Hữu Vinh dữ dội.

Tương tự vào cuối năm 2014 khi Công an Sài Gòn bắt hai blogger Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập và đặc biệt là blogger Nguyễn Ngọc Già, báo đảng và cả báo chính trị - xã hội cũng “đánh hôi” không thương tiếc.

Nhưng hiện tượng lắng tiếng của báo nhà nước trước vụ bắt luật sư Nguyễn Văn Đài phải chăng đang phác ra một chỉ dấu khác thường? Phải chăng Bộ công an chưa tìm đủ lý cớ để quy tội đối với luật sư Đài? Và bản thân cơ quan  này cũng cảm thấy quá khiên cưỡng trong hành động bắt giam này? Hay phải chăng báo chí nhà nước không còn quá xem trọng những vụ bắt bớ như vậy, đặc biệt trong bối cảnh những cuộc đấu đá nội bộ trước đại hội đảng đang nổ ra, nên đã quyết định không tham gia “đấu tố” luật sư Đài?

Và cũng không thể phủ nhận một khả năng khác là thái độ lên tiếng khá mạnh mẽ của Hoa Kỳ, các nước Tây Âu cùng cộng đồng dân chủ quốc tế đang khiến nhà nước Việt Nam cảm thấy bị “việt vị” khi bắt luật sư Đài?

Một chi tiết khác cũng cho thấy sự khác biệt đáng kể: nếu vào năm 2014, Bộ công an đồng loạt khởi tố cả blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và Minh Thúy, thì cho đến nay, trường hợp Lê Thu Hà – cộng sự với luật sư Đài và bị bắt cùng thời điểm với anh – vẫn chưa thấy công bố quyết định khởi tố. Tình hình này có thể cho thấy trước sức ép ngày càng lớn của cộng đồng quốc tế, Bộ công an đang có phần lưỡng lự, mà không thể quy kết “hoạt động có tổ chức” đối với luật sư Đài và cô Lê Thu Hà như đã từng quy kết đối với Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh và cô Minh Thúy.

Không nhận được sự hưởng ứng của báo giới nhà nước, kể cả báo đảng, vụ Bộ công an bắt giữ luật sư Đài và cô Lê Thu Hà có thể sẽ bị truy vấn vào một thời điểm nào đó sau đại hội 12 của đảng cầm quyền, tức sau tết nguyên đán 2016. Nếu sức ép của cộng đồng quốc tế đủ mạnh, vẫn có hy vọng chính quyền Việt Nam phải trả tự do cho luật sư Đài và cô Hà.

Lê Dung / SBTN




No comments: