Tuesday, December 22, 2015

Ký sự trình diện tháng 12/2015 (FB Lê Công Định)






Sáng ngày 10/12 tôi đến trụ sở Công an phường trình diện. Lần này mọi người chuyển sang phòng họp của Ủy ban nhân dân phường bên cạnh. Cuộc trò chuyện giữa những người đàn ông quen thuộc. Tôi nhận xét việc chọn ngày hôm ấy gặp nhau có ý nghĩa hay, vì đó là ngày quốc tế nhân quyền.

Một anh an ninh hỏi tôi vì sao ngày quốc tế nhân quyền có ý nghĩa cho buổi làm việc bình thường này. Tôi giải thích rằng lý do tôi phải đi trình diện có liên quan đến quyền làm người, nên sự trùng hợp như vậy đương nhiên đầy hứng khởi đối với tôi. Không ai đáp lại.

Một anh khác hỏi tôi nhận định thế nào về tình hình gần ngày đại hội Đảng Cộng sản. Tôi nói thông tin trên mạng chỉ toàn những cuộc tranh giành quyền lực nội bộ ở cấp cao, mà thú thật đối với tôi ai là Tổng Bí thư và ủy viên Bộ Chính trị cũng vậy thôi.

Tôi giải thích: “Nếu hệ thống chính trị không thay đổi, thì ngay cả người tài tham gia vào bộ máy chính quyền cũng không làm được gì. Dư luận vừa qua bàn tán và chỉ trích những gương mặt mới được bổ nhiệm ở các tỉnh thành. Tôi nhìn vào khía cạnh khác, đó là trong một thể chế nhà nước như hiện tại họ sẽ tạo nên những thay đổi chính sách nào khiến tình hình kinh tế-xã hội đang rất tồi tệ có thể biến chuyển theo chiều hướng tốt đây?”
“Cũng như nhiều người quan tâm thời cuộc ở Việt Nam, tôi kỳ vọng sự kiện đại hội Đảng Cộng sản lần này sẽ tạo ra những thay đổi bước ngoặt về chính trị và kinh tế, chứ không chỉ là cải cách nửa vời sau các kỳ đại hội trước. Tuy nhiên, tôi không tin các gương mặt lãnh đạo nổi trội hiện giờ có thể mang đến thay đổi như thế.”

Một anh an ninh nói: “Phải cải cách từng bước chứ đâu thể nhanh chóng được. Việt Nam có những đặc thù, không giống các nước khác.”
Tôi đáp: “Gần 30 năm sau khi đưa ra chính sách đổi mới mà vẫn cứ biện minh cho việc không chấp nhận thay đổi do những đặc thù này nọ, thì đến bao giờ Việt Nam mới trở thành một nước phát triển? Chẳng có đặc thù nào cả, chỉ có đặc thù duy nhất là chính quyền không muốn cải cách thật sự vì sợ mất chế độ thôi.”

Tôi nói tiếp, “Nhìn sang Campuchia, trên nhiều phương diện Việt Nam còn thua kém ngay cả quốc gia từng một thời phụ thuộc vào mình.”
Anh an ninh phản biện: “Kinh tế Campuchia sống dựa vào viện trợ của phương Tây thì có gì hay đâu, đó là sự phát triển không bền vững.”

Tôi đáp: “Ngày nay không ai hoạch định chính sách phát triển kinh tế quốc gia đơn thuần dựa vào viện trợ cả. Thông tin của anh không chính xác. Không nước nào cho Campuchia tiền để xài không, mà đó là hình thức cấp vốn vay ODA. Về phương diện này, Việt Nam cũng nhận vốn vay ODA, khác gì Campuchia? Mặt khác, nước đang viện trợ nhiều nhất cho Campuchia chính là Trung Quốc, chứ không phải một nước phương Tây nào.”
“Trở lại vấn đề cải cách thể chế chính trị. Sau khi Việt Nam rút quân khỏi Campuchia vào năm 1989, nước này chỉ mất vài năm chuyển hóa thành quốc gia dân chủ. Năm 1993 họ đã tổ chức thành công cuộc tổng tuyển cử tự do đa đảng đầu tiên. Điều cốt lõi là các nhà lãnh đạo Campuchia thực tâm chấp nhận thay đổi, đặc biệt ông Hunsen. Cần lưu ý, mô hình chính trị trước đó của Campuchia hoàn toàn giống Việt Nam. Vậy quan điểm về sự thay đổi từng bước chỉ là ngụy biện, dùng để che đậy ý định không muốn thay đổi.”

Anh an ninh hỏi: “Ngoài thể chế, anh nghĩ cần cải cách gì?”
Tôi nói ngay: “Cải cách hành chính. 30 năm qua vẫn hô hào cải cách hành chính, mà nền hành chính vẫn nhiêu khê và hành dân là chính.”

Anh ấy hỏi tiếp: “Đã có những chuyển biến tốt hơn, chẳng lẽ anh không thấy? Nếu là anh, anh sẽ thay đổi gì về hành chính?”
Tôi trình bày: “Có một số chuyển biến, nhưng chưa đủ và quá chậm chạp. Lẽ ra đã phải thay đổi hẳn sau ngần ấy năm. Vấn đề căn bản là tư duy về công vụ. Công chức thi hành công vụ nhằm mục đích phục vụ dân. Muốn phục vụ dân phải tin dân trước đã.”

Anh an ninh cắt ngang: “Nhà nước vẫn luôn tin dân đấy thôi.”
Tôi đáp: “Đó là tin trên lời nói để tuyên truyền, chứ về phương diện hành chính vẫn chưa tin.”

Anh ấy im lặng nhìn.
Tôi nói tiếp: “Khi tin dân, nhà nước không đặt ra những thủ tục và đòi hỏi các loại giấy tờ phiền phức để ngăn ngừa sự gian dối. Ở các nước khác, người ta suy nghĩ theo hướng ngược lại. Nhà nước đặt niềm tin vào dân trước, nên không cần bắt buộc phải chứng minh lòng vòng đủ loại giấy tờ, thủ tục hành chính vì thế trở nên đơn giản. Nếu ai gian dối sẽ bị trừng phạt nặng theo luật định.”

Anh an ninh bảo: “Ở các nước đó dân trí cao, còn Việt Nam cần thêm thời gian để ý thức công dân khá hơn.”
Tôi nói: “Sự gian dối và vi phạm luật pháp nước nào cũng có, bất kể dân trí cao hay thấp. Dựa vào lý do dân trí thấp để chú trọng ngăn ngừa sự lạm dụng của người dân, thì hậu quả sẽ là một nền hành chính cồng kềnh, đến nỗi hàng năm các bộ ngành phải rà soát loại bỏ hàng trăm giấy phép con, mà năm nào cũng vẫn phát sinh thêm như nấm sau cơn mưa.”

Tôi đưa ra ví dụ: “Chẳng hạn, vấn nạn hóa đơn đỏ. Vì không tin doanh nghiệp khai thật chi phí để trốn thuế, nên chính quyền đẻ ra loại giấy tờ kỳ quặc mà chẳng nước nào có. Chi phí in và quản lý hóa đơn đỏ đã gây tốn kém nghiêm trọng cho ngân sách trong nhiều năm, nhưng thử hỏi có nhờ đó mà thu thêm nhiều thuế không? Trên thực tế, cán bộ thuế vẫn qua mặt nhà nước thương lượng với doanh nghiệp, ăn tiền và giúp họ nộp thuế ít hơn. Đã vậy một loại tội phạm mới xuất hiện, đó là “mua bán hóa đơn đỏ”. Tưởng ngăn ngừa được sự gian dối của doanh nghiệp, nhưng lại càng làm nghiêm trọng hơn tình trạng gian dối, trong khi nền hành chính thuế tiếp tục nặng nề thêm. Đó là một trong hàng ngàn ví dụ về sự thất bại của tư duy công vụ không tin dân.”

Tôi kết luận: “Để cải cách hành chính, phải thay đổi tư duy công vụ, đặt niềm tin khi phục vụ, tức chữa cái gốc của vấn đề, chứ không phải chỉ chữa phần ngọn, như rà soát văn bản, lập chính phủ điện tử, v.v…, tuy cũng cần thiết nhưng không tạo nên chuyển biến thực sự. Hàng ngàn đề án cải cách hành chính được soạn thảo từ trung ương đến địa phương gần 30 năm nay, mà người dân vẫn ngán ngẫm khi bước chân đến cửa công quyền, thì rõ ràng đó là nền hành chính thất bại. Và cũng vì nền hành chính rối rắm ấy mà quốc nạn tham nhũng càng bất trị.”

Anh an ninh khác chuyển đề tài: “Gần đây có vẻ anh viết nặng lời hơn.”
Tôi hỏi: “Thật sao?”

Anh ấy bảo: “Chẳng hạn trong bài gần đây về vụ án Huỳnh Văn Nén, anh gọi nền tư pháp là man rợ và rừng rú.”
Tôi đáp: “Thế các anh không thấy nó man rợ và rừng rú thật sao? Bắt giam, đánh đập buộc nghi can nhận tội oan, rồi xử nặng, suýt tử hình, sau hơn 17 năm mới thả ra, chỉ một lời xin lỗi rồi thôi. Đền bù bao nhiêu cũng không đủ cho tội ác đày đọa con người đó. Vậy các anh nghĩ nên dùng từ gì để mô tả nền tư pháp như vậy?”

Các anh an ninh cùng nói: “Anh nên dùng từ nhẹ nhàng hơn, từ anh dùng gây sốc quá! Đâu phải cán bộ điều tra nào cũng vậy, anh quơ đũa cả nắm là không đúng.”
Tôi đáp: “Tình trạng dùng nhục hình bức cung ngày càng nghiêm trọng có căn nguyên từ nhu cầu phá án lập công, bất chấp luật pháp và nhân quyền, điều đó không thể chấp nhận được. Điều tra viên nói riêng và công an nói chung có quá nhiều quyền hành, muốn đánh đập ai thì đánh. Người bị tình nghi phạm tội cũng không thể đương nhiên bị đánh như vậy.”

Một anh nói: “Đâu thể nào cứ chết trong đồn công an thì đổ thừa cho công an. Nhiều khi họ bị đánh bên ngoài rồi vào đồn công an chết.” Anh khác nói: “Vẫn có thể ngồi treo cổ chết, không nhất thiết phải treo cao. Dùng quần áo siết cổ trong tư thế ngồi là dễ nhất.”
Tôi lắc đầu: “Các anh thừa biết và dân ai cũng biết sự thật ra sao. Phải tìm cách tránh tình trạng đó, chứ không phải bào chữa và lấp liếm nó cho xuôi tai.”

Tôi nói tiếp: “Vụ anh Nguyễn Văn Đài bị hành hung ở Nghệ An cho thấy ở nhiều nơi công an ngày càng bất chấp luật pháp của chính nhà nước. Hành động như thế đâu khiến ai sợ hãi, ngược lại càng làm người ta quyết tâm. Sử dụng côn đồ đánh đập công dân sẽ dẫn đến tình trạng vô luật pháp không kiểm soát được về sau, mà lẽ ra nhà nước nên tránh mới phải.”

Một anh trả lời: “Chắc anh Đài chọc giận dân giang hồ ở đó nên bị chúng nó tấn công.”
Tôi bật cười: “Giang hồ đi trên xe Camry che bảng số sao?”

Anh ấy bảo: “Xe Camry nói gì, giang hồ còn có máy bay riêng.”
Tôi gật đầu: “Vậy tôi hiểu đó là loại giang hồ nào rồi! Thật ra, các anh không cần tranh luận cách như thế với tôi, vì tôi chỉ góp ý và các anh cũng thừa hiểu câu chuyện ra sao. Tôi mong muốn một xã hội thanh bình, chứ không loạn lạc và bất an như hiện tại.”

Anh khác nói: “Anh không muốn loạn lạc mà lại kêu gọi đa đảng sao?”
Tôi trả lời: “Đa đảng không có nghĩa là loạn lạc. Tôi không có nhu cầu cầm quyền, nên đối với tôi đảng nào cầm quyền cũng được, kể cả Đảng Cộng Sản, miễn xã hội có dân chủ và quyền con người được tôn trọng.”

Một anh cắt ngang một cách mỉa mai: “Anh không thích cầm quyền, nhưng người ta đã sắp sẵn ghế tổng thống cho anh rồi!”
Tôi bật cười: “Thế à? Nếu có tham vọng chính trị, tôi đã chọn con đường tiến thân trong bộ máy nhà nước này để vừa có chức vụ vừa có tiền bạc, chứ không chịu cảnh đi tù và mất tất cả, còn tương lai thì vô định. Tôi thích cuộc sống tự tại và không quan tâm chức quyền, nên các anh không cần quá lo lắng bị mất chế độ!”

Anh khác hỏi: “Vậy anh dự định làm gì sau này?”
Tôi đáp: “Như đã nói, tôi thích nghề luật sư và giảng dạy luật.”

Anh ấy nói: “Thật ra luật pháp đâu cấm anh tư vấn luật ngay cả khi anh không có giấy phép hành nghề luật sư. Chúng tôi nghĩ anh không thiếu việc để làm sau này. Anh cứ làm đi, kiến thức và kinh nghiệm mới quan trọng, chứ với anh giấy phép có quan trọng gì đâu.”
Tôi cám ơn anh ấy.

Một anh nhắc: “Chỉ còn một lần trình diện nữa thôi. Đáng lẽ 6/2/2016 là ngày anh kết thúc quản chế, nhưng chúng tôi sẽ gia hạn thêm 2 ngày vì anh bị phạt vi phạm 2 lần.”
Tôi hỏi lại: “Như vậy sẽ là ngày 8/2/2016, tức mùng một Tết Nguyên Đán? Cơ sở nào để các anh gia hạn thêm 2 ngày?”

Anh ấy nói: “Trong luật có ghi.”
Tôi đáp: “Tôi đã đọc điều khoản đó và xin nói thẳng cách diễn giải của anh không đúng luật. Không ai có quyền gia hạn án quản chế, trừ tòa án, nhưng phải thông qua một phiên tòa được tổ chức hợp pháp.”

Anh ấy cười: “Anh xem lại đi, tôi nghĩ mình đúng.”
Tôi cũng cười: “Thôi được, các anh cứ gia hạn thêm 2 ngày quản chế, không đáng kể đối với tôi, nhưng tôi sẽ mời các luật sư cùng tham gia phân tích và bình luận xem các anh diễn giải và áp dụng luật đúng hay sai, để tất cả mọi người cùng quan sát. Hơn nữa, vào ngày mùng một Tết, các anh vẫn sẵn sàng gặp tôi để trao quyết định kết thúc quản chế?”

Anh khác nói: “Ngày lễ tết không làm việc thì dời sang ngày làm việc sau đó.”
Tôi đáp: “Các anh có quyền dời ngày trao quyết định, nhưng sự tự do của tôi không lệ thuộc vào việc nhận quyết định đó hay không từ các anh, cứ đến ngày ấy tôi sẽ tự do đi lại, không ai có quyền cản trở.”

Mọi người nhìn nhau.
Tôi đề nghị: “Sau thời hạn quản chế, tôi rất sẵn lòng gặp gỡ các anh đều đặn như hiện nay để chúng ta xây dựng niềm tin với nhau. Đối thoại và lắng nghe luôn giúp hóa giải khoảng cách giữa đôi bên.”

Các anh đều vui vẻ: “Chỉ sợ anh không muốn thôi, chứ chúng tôi luôn thích gặp anh trao đổi nhiều đề tài.”
Tôi nói: “Làm việc với nhau gần 3 năm trời, nên dù ở vị trí khác nhau, tôi cũng có chút cảm tình dành cho các anh. Nên sẽ rất vui nếu chúng ta vẫn thường xuyên gặp nhau, tất nhiên không phải ở phường, mà ở nơi khác thoải mái hơn.”

Mọi người đều đồng ý.

Buổi làm việc kết thúc, tôi bước xuống thang bộ. Chợt gần trước một căn phòng cửa để mở, có tiếng gọi: “Anh Định ơi, có người cần gặp.”
Tôi liền bước đến, thật bất ngờ, nàng Phó Chủ tịch Phường đứng tươi cười chờ đợi. Tôi líu lưỡi. Cuộc đời lạ ở chỗ đó, vừa mới tranh luận hăng say đủ lý lẽ trước bao người, bây giờ chỉ một người cũng đủ làm mình á khẩu!

Thấy tôi lúng túng, nàng chìa tay ra bắt. Tôi càng bối rối. Rồi chợt, “tôi nắm bàn tay nhỏ nhắn ngậm ngùi, em vẫn để yên trong tay tôi nóng bỏng ...” (Quê Hương, Giang Nam).

Cô nàng nói trước: “Mấy hôm nay tôi bận nhiều việc cuối năm nên không tham dự cùng anh. Nghe nói chỉ còn một buổi làm việc nữa, tôi sẽ cố gắng đến lần sau.” Tôi gật đầu, run rẩy, rồi nói một câu hớ hênh, lầm lỗi, có thể gây ngộ nhận chết người: “Chị đến với tôi nhé!” Không hiểu sao nàng cũng gật đầu.

Tôi đứng ngây người, nhìn nàng quay vào phòng, khép cửa. Lưng áo trắng mỏng manh đến mất hồn! Quay sang xung quanh thấy nhiều ánh mắt nhìn tôi cười chúm chím. Chút xấu hổ, nhưng lòng lâng lâng khó tả. Ngoài kia, vài cụ già lụm khụm bước vào, có lẽ cần chứng giấy tờ hành chính. Ôi, mắt biếc năm xưa nay đâu? Bỗng thấy không nỡ đến đây 30 năm nữa….






No comments: