Wednesday, December 16, 2015

Khát vọng làm người (Tuấn Khanh)





Tue, 12/15/2015 - 16:09 — tuankhanh

Đời thường, một người lái xe có thể bất ngờ thông minh, được thuyên chuyển sang làm lãnh đạo toàn phần của địa phương không? Hoặc một bí thư phường có thể sáng dạ đột biến đến mức chuyển sang làm trưởng phòng giáo dục đào tạo không? Những câu chuyện như vậy xuất hiện trong nước ngày càng nhiều, ngang nhiên, đang là câu hỏi lớn không chỉ cho từng con người Việt Nam, mà còn là câu hỏi mang đầy tính thách thức cho một vận mệnh Việt Nam trên đường đi tới tương lai.

Trong các phương thức sử dụng con người để phát triển, lý luận của Laurence J. Peter là một trong những đề tài rất đáng để đối chiếu với hiện thực xã hội Việt Nam ngay lúc này. Cách nhận định con người với đúng khả năng, được gọi là Nguyên tắc Peter (Peter principle) của ông độc đáo và hấp dẫn đến mức ngành truyền hình Mỹ và Anh đã từng dựng thành nhiều series từ 1995 đến 2000.

Nguyên tắc Peter có rất nhiều ví dụ cụ thể, chỉ cần đọc qua là có thể hiểu ngay. Một trong những ví dụ đó là chuyện ông bảo vệ của một toà nhà công ty. Nhiều năm làm việc ở đây, ai cũng quý ông. Cách ứng xử hoà nhã, vui vẻ và có trách nhiệm khiến ông là một trong những gương mặt được chú ý. Trong một lần đại hội để thay đổi nhân sự trong công ty, ông bảo vệ được chọn cất nhắc lên vị trí giám đốc an ninh của toà nhà. Hầu hết mọi người đều đồng ý và hài lòng với chọn lựa đó, vì không phải mất công đi tìm đâu xa, ngoài phạm vi của công ty cả.

Cái giá của Nguyên tắc Peter xuất hiện từ đây. Từ khi ông bảo vệ đáng yêu khi chuyển lên một vị trí cao hơn đã làm hỏng mọi việc. Tình trạng an ninh của công ty rối loạn, cách điều hành thủ công của ông, vốn chỉ giỏi ứng xử ở cánh cửa ra vào công ty, đã không còn thích hợp với sự vận động của toàn công ty hiện đại đang phát triển. Hơn nữa, ông bảo vệ ngày xưa cũng mất dần những người yêu mến mình bởi vị trí quan trọng mới mẻ khiến ông bất ngờ hách dịch, quan liêu và thích được quà cáp, nịnh hót.

Một trong những tiêu chí quan trọng của Nguyên tắc Peter, vốn đã được thẩm định tính chính xác của nó gần nửa thế kỷ, là "đừng bao giờ cho rằng người thạo việc, có nghĩa là người có khả năng lãnh đạo". Vì nếu chỉ dựa vào khả năng hoàn thành hạn mức cá nhân, người ta có thể dẫn đến một sai lầm nghiêm trọng trong việc quản trị nguồn lực, chẳng hạn như đưa một con trâu vào vị trí chủ tịch hợp tác xã, bởi chỉ tiêu kéo cày của nó.

Cách sử dụng người loanh quanh trong hệ thống hành chính Việt Nam hiện nay, cho thấy sự cùng quẩn của nhân lực và tính bảo thủ trong việc tiếp nhận và phát triển nhân tài cho đất nước, mà Đảng cộng sản đang co cụm trong vòng rào của mình. Một bài báo gần đây lên tiếng chỉ trích việc 11 trong số 12 nhân tài đoạt giải Olympia đã du học nước ngoài và không muốn quay về nước. Thật oan ức cho những con người tài giỏi đó. Hãy tự hỏi, ở vị trí của mình, bạn sẽ chọn một cuộc đời bên ngoài, có sự thăng tiến nghề nghiệp và được nhìn nhận như một con người tự do, hay trở về và xếp hàng để chờ được giao hạn mục của một con vật nhận lệnh kéo cày?

Một đất nước có 90 triệu dân như Việt Nam, chắc chắn nhân tài thì không thiếu. Nếu con người - tri thức không chọn tham gia vào hệ thống, thì hãy tự hỏi hệ thống đó đã làm gì, đã tồn tại cách nào để bị chối bỏ như vậy?

Tình trạng này nhắc cho người Việt nhớ về lịch sử của đất nước mình. Nhà Trần, vào giai đoạn suy tàn, đặc biệt trong thời trị vì của Trần Dụ Tông (1336-1369), đã ra lệnh chỉ cho lấy lẫn nhau trong dòng họ để bảo vệ sự thống trị. Quá mê muội và tự cao tự đại trước các chiến thắng của mình, triều đình bằng mọi cách để gìn giữ quyền lực, bất chấp nhân dân oán thán, căm hận. Việc chỉ tin tưởng và sử dụng con người của mình, bất chấp ngu trung khiến triều đại đó sụp đổ và rơi vào tay họ Hồ.

Mới đây, trong phiên chất vấn của HĐND Tp ngày 10/12,  Phó chỉ tịch UBND thành phố, ông Nguyễn Hữu Tín than thở rằng nhiều quận huyện hiện kiếm không ra cán bộ có khả năng đọc bản đồ quy hoạch thì biết làm sao để giải quyết công việc. Nhưng lời than đó thật vô nghĩa, nếu như hôm nay, nhân tài vẫn không lọt qua được cơ chế quy trình, con người muốn chống lại mỏi mòn và ngu xuẩn của hệ thống đảng nghiệp, có thể bị gọi là "có vấn đề" về tâm lý hay tâm thần.

Đừng ngạc nhiên, khi quá nhiều quan chức hôm qua hay ngày mai lên tiếng nói những điều ngớ ngẩn, vô văn hoá. Khát vọng lãnh đạo từ những kẻ không khả năng - mà Nguyên tắc Peter đã chỉ ra - sẽ mãi là câu chuyện vui cười đến quặn thắt lòng cho những ai còn nghĩ về đất nước mình. Chính cơ chế và những quy trình tự sắp đặt với nhau đã dẫn đến những thế hệ lãnh đạo mà người có tài trong hệ thống khép kín, riêng cho các đảng viên cộng sản, nay đã khan kiệt như mò kim đáy biển.

Còn bao nhiêu con người ngoài hệ thống, như những khán giả đang xem một đại bi kịch của quê hương chưa có màn cuối vô hậu? Sẽ có ai trong số đó, còn mơ mình trở thành một chủ tịch xã, hay chỉ mong được làm người tự do?

------------------------------------------------------------------------
(Minh họa: Tranh đen số 37 của họa sĩ Nguyễn Thái Tuấn)







No comments: