Nguyễn Vũ Mộc Thiêng - Thanh Niên Online
10:11
AM - 03/12/2015
Báo Thanh Niên vừa có bài viết “Trường phổ
thông chỉ dạy 4 môn”. Đọc xong muốn á khẩu. Ngành giáo dục là máy cái, đào tạo
con người, nhân tố quyết định mọi thành bại của đất nước. Đáng lo thay, máy cái
này đang bị hư.
Việt
Nam thua kém, tụt hậu so với thiên hạ cũng bởi con người. Đây là tử huyệt của đất
nước bao nhiêu năm nay và ngày càng trầm trọng.
Thời
bao cấp, nhà nước độc quyền giáo dục là do chiến tranh. Sau khi thống nhất, vẫn
độc quyền vì không dám tin dân. Đến thời mở cửa, cho phép dân làm giáo dục dưới
tên gọi dân lập, một dạng trá hình núp bóng vì nhà nước chỉ hùn vốn tinh thần,
trên danh nghĩa tên gọi. Trường dân lập là loại hình đặc biệt chỉ Việt Nam mới
có. Dần dà có thêm tư thục như các nước.
Xưa,
đóng cửa bao cấp về giáo dục một cách cực đoan. Nay, mở cửa xả láng, ai cũng có
thể lập trường, cũng có thể làm thầy. Đại học, cao đẳng mở ra như nấm sau mưa.
Giáo dục trở thành ngành kinh doanh béo bở. Thế là nạn chạy bằng để làm thầy
song hành chạy đua với bệnh chạy bằng để thăng quan tiến chức, ngày càng nhức
nhối.
Lâu nay
dạy đại học, tôi ngờ ngợ có gì bất ổn bởi độ vênh kiến thức của nhiều sinh viên
ở từng bộ môn. Từ lỗi chính tả sơ đẳng, mù ngoại ngữ đến các môn xã hội. Sự hụt
hẫng không thể lý giải. Báo Thanh Niên đã phần nào vén màn bí mật, giải đáp
không chỉ là tình trạng học lệch mà những người làm giáo dục đang mắc bệnh gian
dối trầm kha. Trước, chỉ biết nạn học tủ, học gạo để đi thi do chương trình bất
cập. Nay, hai năm rõ mười, lãnh đạo một số trường ngoài công lập đã tổ chức
"tham nhũng có hệ thống", gian dối từ chuyện dạy đến việc cho điểm, hợp
thức hóa cho học sinh tốt nghiệp. Tham nhũng về vật chất còn có thể thu hồi và
đền bù. Tham nhũng kiểu này cực kỳ nguy hại và vô phương cứu chữa.
Chuyện
động trời xảy ra ngay tại TP.HCM, trung tâm giáo dục, nơi giáo dục có điều kiện
tốt nhất để phát triển. Lãnh đạo nhà trường, nhiều vị là thạc sĩ, tiến sĩ, toàn
những người đáng kính, lại đầu têu bày trò dối trá. Rồi bao nhiều thầy cô tòng
phạm. Cả phụ huynh và học sinh cũng hưởng ứng, vì có lợi cho mình trong việc chạy
đua tốt nghiệp phổ thông và vào đại học. Chuyện tày đình mà bao năm nay xã hội
không biết hoặc biết nhưng vẫn giả điếc làm ngơ, cho rằng "Ở đâu chả vậy
?".
Tôi
không tin là quản lý ngành giáo dục vô can trong việc này. Bệnh thành tích, áp
lực về chỉ tiêu tốt nghiệp đã làm mờ lương tâm của các vị. Nếu các vị thật lòng
không hay biết thì cũng không thể chấp nhận vì năng lực quản lý quá kém.
Từ khi
còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông, môi trường chuẩn mực về đạo đức, các em
đã được dạy và học cách gian dối, đối phó để có lợi cho mình. Sự công bằng
trong học tập và thi tuyển đã bị vứt vào sọt rác từ lâu. Đào tạo như vậy, sản
phẩm ra trường sẽ méo mó, xã hội không hỗn loạn nhiễu nhương mới lạ. Ai phải chịu
trách nhiệm về chuyện động trời này ? Hay là lại đùn đẩy, đổ cho tập thể và cơ
chế. Tập thể cũng là con người. Cơ chế cũng do con người làm ra. Nếu không dám
xử lý triệt để, mọi nỗ lực cải cách để phát triển xã hội cũng như "gió vào
nhà trống", chỉ là hô khẩu hiệu.
Tôi học
phổ thông ở miền Nam trước 1975. Từ lớp 10 đã học thêm sinh ngữ 2 (chứ không phải
ngoại ngữ) và phân ban tùy theo năng khiếu và định hướng nghề nghiệp. Thi tốt
nghiệp đủ các môn nhưng tùy theo môn chính, phụ mà có hệ số tương ứng. Cả thế
giới đều làm như vậy. Còn Việt Nam cứ khăng khăng làm khác thiên hạ. Tôi đề nghị
Thủ tướng chính phủ mở Hội nghị Bình Than về giáo dục, chứ không phải Hội nghị
Diên Hồng.
Lâu
nay, nhiều người, kể cả thầy cô giáo cũng nhầm lẫn về 2 hội nghị này. Hội nghị
Diên Hồng (1284) do Thái Thượng hoàng Trần Thánh Tông chủ trì, mời đại diện các
bô lão cả nước về dự để hỏi về quyết định chủ trương "Hòa hay chiến"
khi quân Nguyên Mông sang xâm lược Việt Nam lần thứ 2. Còn hội nghị Bình Than
(1282) do vua Trần Nhân Tông chủ trì, họp các tướng lĩnh bàn về sách lược đánh
Nguyên Mông.
Hội nghị
Bình Than về giáo dục Việt Nam nên được mở rộng cho toàn dân góp ý và hiến kế,
thông qua các kênh báo chí. Sau 3 tháng, sẽ tổng hợp ý kiến, cử đại biểu về dự
hội nghị toàn quốc và quyết định chiến lược cuộc Cách mạng giáo dục triệt để và
đồng bộ. Trong tình thế hiện nay, theo tôi, không thể giao cho Bộ Giáo dục và
những chuyên gia phòng lạnh, cứ đổi mới đổi lui, loay hoay như kiến bò miệng
chén.
Bệnh đã
nặng lắm rồi, cần cấp bách và ưu tiên chữa trị. Tốt nhất là sau đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ 12, đầu xuân 2016.
Nguyễn
Vũ Mộc Thiêng
Bài
viết thể hiện văn phong và góc nhìn của tác giả, một doanh nhân tại TP.HCM.
-----------------------
Mời
tham khảo tài liệu về chính sách giáo dục của VNCH
Trần Văn Chánh
No comments:
Post a Comment