Tuesday, December 22, 2015

Gay cấn hội nghị trung ương 13 (Người Buôn Gió)





Thứ Hai, ngày 21 tháng 12 năm 2015

Hội nghị trung ương ĐCSVN lần thứ 13 họp hai ngày không đi đến thống nhất về nhân sự. Trong khi hội nghị đang họp thì trên mạng internet xuất hiện lá thư được cho là của thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Lá thư được gửi đến toàn thể đảng viên ĐCSVN của Nguyễn Tấn Dũng dài 9 trang, nêu lên 12 điểm mà ông Dũng muốn thanh minh về những tin đồn có dụng ý xấu với ông và gia đình ông.

 Đặc biệt trong lá thư, ông Dũng có viết hoa chữ TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ.

Trước đây đã có nguồn tin nói rằng, khi trung ương Đảng CSVN quyết định nới độ tuổi cho 4 ứng cử viên vào các chức TBT, Chủ tịch Quốc Hội, Chủ tịch nước, thủ tướng. Lập tức nhiều uỷ viên BCT trong độ tuổi được nới  như  Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Lê Hồng Anh, Phạm Quạng Nghị, Lê Thanh Hải...đều có nguyện vọng được tham gia ứng cử vào các chức vụ trên. Chỉ duy nhất có thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng không làm đơn xin tái ứng cử và bộ trưởng quốc phòng Phùng Quang Thanh làm đơn xin nghỉ vì lý do bệnh tật.

 Ở lần này, trung ương có quyền đề cử, giới thiệu người ra ứng cử. Có thể ông Dũng không làm đơn xin ứng cử, nhưng chuyện các uỷ viên trung ương đề cử ông lại là chuyện khác. Ông Dũng trong lần tự kiểm điểm trước đây đã nói - Tôi không xin chức, đảng phân công gì tôi làm nấy.

 Như vậy chuyện ông Dũng không xin tái ứng cử là có thật, cũng như ông tin tưởng vào các uỷ viên trung ương sẽ hậu thuẫn cho mình đánh bạt các đối thủ.

 Nếu ông Dũng tự tin vào phần đông số uỷ viên trung ương đảng sẽ ủng hộ mình. Các đối thủ của ông là Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng sẽ dựa vào đâu.?

 Hai ông Trọng và Sang càng về cuối càng bộc lộ là những con người có nhiều thủ đoạn khó lường, không phải là những người chân chất như người ta vẫn lầm tưởng. Việc thuyết phục được đàn em cũ của Nguyễn Tấn Dũng là Nguyễn Xuân Phúc phản lại Dũng một cách ngoạn mục, khiến cho Dũng khốn đốn liên tiếp vài năm. Đến khi Nguyễn Bá Thanh trưởng ban nội chính Trung Ương đột tử, cơn nguy biến của Dũng mới tạm chấm dứt. Lần này có thể hai ông Sang, Trọng lại chơi đòn lặp lại, đó là ve vãn thứ trưởng công an, phụ trách an ninh Tô Lâm vào Bộ Chính Trị, đổi lại Tô Lâm đứng ra khẳng định những tố cáo về sai phạm của ông Dũng là có thật. Ông Sang vừa qua đã  phong hàm giáo sư cho tướng Tô Lâm, đồng thời ra một nghị định cho phép tướng công an nào có hàm giáo sư có thể phục vụ công tác thêm 10 năm nữa. Một sự ưu ái công khai cho tướng Tô Lâm ở tuổi về hưu năm tới đây.

 Tuy số lượng uỷ viên trung ương Đảng ủng hộ ông Dũng đông, nhưng nếu tính chất lượng quyết định thì chỉ có hai phe công an và quân đội là có trọng lượng nhất. Về phía công an dường như không phải mối lo ngại của ông Dũng, bởi ông vốn từng là thứ trưởng công an, trong nhiều năm qua ông luôn được ủng hộ từ phía công an. Đặc biệt là khối an ninh vốn nắm giữ nhiều thông tin bí mật của các uỷ viên trung ương Đảng và BCT. Về phía quân đội, mới đây ông Dũng đã cho đàn em của mình là Nguyễn Thiện Nhân, ứng cử viên chức thủ tướng đi uý lạo phe quân đội. Ông Nhân trong đợt này đã tặng cho quân đội một số tiền cổ với hàm ý, nêú phe của ông Dũng thắng và ông Nhân là thủ tướng sẽ đảm bảo quyền lợi  vất chất cho quân đội.

 Phần cao trào quyết định cục diện chức TBT có thể đến từ chức thủ tưởng. Nếu ông Nguyễn Xuân Phúc được chọn làm thủ tướng thì Nguyễn Tấn Dũng sẽ rời chính trường và chuẩn bị nhận đòn thù như tổng thanh tra chinh phủ Nguyễn Văn Truyền đã nhận. Các đòn đánh sẽ tập trung vào việc làm ăn của con gái ông Dũng là Nguyễn Thanh Phượng sau đó sẽ đến việc vô hiệu hoá hai con trai ông là Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết và các em trai ông Dũng.

Ngược lại nếu ông Nguyễn Thiện Nhân được chọn là thủ tướng, ông Dũng có thể thở phào. Vấn đề còn lại ông có thể nhường cho hai đối thủ của mình là Sang, Trọng giành nhau chức TBT, còn ông làm chủ tịch nước đầy quyền uy như người bảo trợ ông là Lê Đức Anh đã từng có.

 Việc tung ra cho dư luận lá thư giãi bày 12 điểm bị công kích ở ngay tại thời điểm trung ương đang họp bàn nhân sự , là một đòn cáo già bậc thầy của Nguyễn Tấn Dũng. Hầu hết những chỉ trích trong 12 điểm đó đều là những vấn đề cũ, đã được nêu ra trước đây và  bị ông Dũng hoá giải nhiều lần. Lá thư được đưa ra và gửi đích thân Nguyễn Phú Trọng, như một hàm ý chế giễu sự già nua, trì trệ, chỉ chăm chăm đi soi mói những điều cũ kỹ, lặp lại như một kẻ nhỏ mọn, chấp vặt của những kẻ đứng đằng sau những tố cáo ấy.

 Có thể ông Sang, Trọng không tạo được sự ủng hộ của quân đội công an và phần đông uỷ viên trung ương để giúp hai ông tiếp tục duy trì địa vị bây giờ thêm nhiệm kỳ nữa. Nhưng không ai dám chắc hai ông sẽ chơi đòn Trạng Chết Chúa Cũng Băng Hà. Đó là hai ông Sang, Trọng cùng thống nhất đưa ra phương án nhân sự mới, trong đó những người quá tuổi đều phải về hưu.

 Do lớp lãnh đạo chủ chốt của BCT khoá trước như Trọng, Sang, Dũng ...nắm quá nhiều quyền lực, không có sự chuẩn bị cho lớp kế cận. Một dàn lãnh đạo mới sẽ mang nhiều yếu tố khó lường. Quyền lực sẽ bị phân tán, sự tranh giành sẽ khốc liệc hơn. Cơ hội của dân chủ, tiến bộ gần phương Tây và nguy cơ tiếp tục lệ thuộc sâu hơn vào Trung Quốc sẽ rất rõ ràng.

 Nếu hội nghị trung ương 13 đi đến giải pháp tất cả những người quá tuổi phải về, một lớp lãnh đạo mới lên thay thế . Những năm tới chắc chắn biến động diễn ra trên hầu hết tất cả lãnh vực kinh tế, ngoại giao, an ninh quốc phòng. Nhưng khả năng điều đó xảy ra là hiếm, kiểu gì bằng những ngón đòn hiểm mà khó có ai làm được, Nguyễn Tấn Dũng sẽ vẫn ở lại và sừng sững trong chính trường Việt Nam như một bố già đầy quyền lực.

Được đăng bởi Thanhhieu Hieubui vào lúc 18:33 





No comments: