Tuesday, January 20, 2015

Những bất ngờ trên đường chọn lãnh đạo kế vị (Jonathan London)





Jonathan London
Phạm Vũ Lửa Hạ dịch
Posted on January 20, 2015

Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam thường không minh bạch vừa có một màn công khai rầm rộ bằng hội nghị toàn thể lần thứ 10 của Trung ương Đảng mới kết thúc. Ván bài này cược cao thắng lớn và có nhiều ý nghĩa đối với không chỉ sự phát triển của Việt Nam mà cả triển vọng chiến lược của cả khu vực. Vậy thực hư ra sao?

Hấp dẫn nhất là vấn đề chọn lãnh đạo kế vị và kèm theo đó là chuyện tranh giành quyền lực. Năm 2016 Đảng Cộng sản sẽ tổ chức đại hội 12 và trước đại hội đó, đảng phải chọn lứa lãnh đạo mới. Nhiều ủy viên của Bộ Chính trị gồm 16 người của Việt Nam sẽ đến tuổi về hưu. Sau đại hội 12, bốn vị trí cao nhất trong nền chính trị Việt Nam – tổng bí thư, thủ tướng, chủ tịch nước, và chủ tịch quốc hội – sẽ do những người mới nắm giữ. Những nhân vật nào và liên minh nào sẽ thắng và theo tổ hợp nào là vấn đề được quan tâm.

Như ở hầu hết các nhà nước độc đảng, hoạt động chính trị chọn nhân sự kế vị ở Việt Nam tất yếu sẽ diễn ra ở hậu trường. Bằng chứng về những gì thực sự đang diễn ra được che giấu một cách có hệ thống. Chính việc hiện nay Việt Nam đi chệch khỏi khuôn mẫu này đã khiến giới quan sát lưu ý. Thực vậy, diễn biến của các sự kiện hiện nay đang vén bức màn phơi bày hoạt động chính trị chóp bu ở Việt Nam mà xưa nay chưa có tiền lệ. Có nhiều bất ngờ đã xảy ra.

Bất ngờ thứ nhất xuất phát từ quy trình và các kết quả được cho là đã đạt được nhưng không kiểm chứng được của một vòng lấy phiếu tín nhiệm khác thường và bí mật trên danh nghĩa, trong đó 197 ủy viên Trung ương xếp hạng các ủy viên Bộ Chính trị theo mức độ tín nhiệm đối với thành tích của các ủy viên. Việc Bộ Chính trị chịu để cho Trung ương Đảng, vốn có vai trò giám sát chính thức đối với Bộ Chính trị, lấy phiếu tín nhiệm nhắc cho ta nhớ rằng, về chuyện chính trị, đảng Cộng sản Việt Nam đã làm theo cách riêng của mình. Trung Quốc thì không như vậy.

Cuộc lấy phiếu tín nhiệm trì hoãn lâu nay đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề xuất để chỉ tên điểm mặt phê bình hành vi xấu trong Bộ Chính trị. Nên nhớ là vào năm 2012, Nguyễn Phú Trọng và các ủy viên Bộ Chính trị tìm cách trừng trị một ủy viên Bộ Chính trị không được nêu tên (được nhiều giới cho là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng) nhưng bất thành khi Trung ương Đảng không chấp thuận, mà thay vì thế bắt buộc toàn thể Bộ Chính trị tự phê bình các khuyết điểm tập thể của mình. Việc lấy phiếu tín nhiệm dường như là một cách khác để kỷ luật những ủy viên có thành tích kém cỏi, dù tiến hành trong cảnh cửa chốt then cài.

Bất ngờ thứ nhì: Thay vì được lặng lẽ trôi qua như một “công việc nội bộ”, việc lấy phiếu tín nhiệm đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo công chúng, đặc biệt là vì thời điểm bỏ phiếu. Do lứa lãnh đạo năm 2016 sẽ rất có thể chỉ gồm toàn các ủy viên Bộ Chính trị, cuộc lấy phiếu tín nhiệm – dù có ý định là hoàn toàn bí mật – đã được xem là hàn thử biểu về các thế lực chính trị mạnh yếu, chưa biết đúng sai ra sao, trước đại hội đảng.

Dù phần lớn người dân Việt Nam không theo dõi sát sao hoạt động chính trị của đảng, trong những năm gần đây Việt Nam đã phát triển một văn hóa chính trị ngày càng năng động, nhờ sự truyền bá nhanh chóng của Internet và những cơ hội mà Internet mang lại người dân Việt Nam đọc và bình luận về hầu như bất cứ chuyện gì khiến họ quan tâm, trong đó có chính trị.

Điều này dẫn đến một diễn biến lý thú thứ ba, đó là sự xuất hiện của trang mạng Chân dung Quyền lực bí ẩn và có lượng truy cập rất lớn. Trong vài tuần qua, trang mạng này đã đăng những câu chuyện động trời nhưng dường như trích dẫn tư liệu đầy đủ về chuyện xấu xa được cho là của nhiều ủy viên Bộ Chính trị, trong đó có ít nhất hai ủy viên được xem có thể đương nhiên nắm chức vụ lãnh đạo vào năm 2016. Sự xuất hiện của trang mạng này và việc trang mạng này khiến thiên hạ bàn tán xôn xao rõ ràng đã có tác động, và khiến chính phủ kêu gọi tránh xa nó.

Hình chụp trang Chân dung quyền lực. Nguồn: OntheNet.

Tuy có người xem Chân dung Quyền lực là một “chiến dịch bôi nhọ”, trang mạng này nhằm mục đích theo dõi tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đương nhiệm. Một trong những đặc điểm đáng chú ý nhất của trang này là cách tường thuật dường như dựa trên bằng chứng. Ở một nước mà báo chí hoàn toàn thuộc quyền kiểm soát của giới quyền lực chóp bu, một trang mạng kiểu này có những tác động kinh thiên động địa. Người dân Việt Nam chắc chắn đang để ý. Ví dụ ai mà biết được người nhà của một ủy viên Bộ Chính trị có chủ trương bảo thủ và ứng cử viên cho một vị trí lãnh đạo hàng đầu lại dường như có đến hai ngôi nhà ở miền nam California? Sau cuộc lấy phiếu tín nhiệm, trang này đăng những cáo buộc và bằng chứng cho rằng một bộ trưởng chủ chốt – người cũng đã được nhắc đến như một ứng cử viên cho một chức vụ cao cấp – cùng với gia đình ông đã tích lũy cơ ngơi tài sản bằng những cách mờ ám. Vẫn chưa biết những cáo buộc này có căn cứ xác đáng hay không.

Kết cuộc đáng chú ý và có phần oái ăm cuối cùng của Hội nghị Trung ương 10 chính là những kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Được biết chẳng ai khác hơn chính Nguyễn Tấn Dũng nhận được số phiếu cao nhất. Ngược lại, nhiều ứng cử viên khác, trong đó có hai người được đề cập trên trang Chân dung Quyền lực trước cuộc lấy phiếu tín nhiệm, xếp gần chót bảng.
Trong số bốn lãnh đạo cao cấp nhất hiện nay của Việt Nam, chỉ có Nguyễn Tấn Dũng đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo sau năm 2016. Sau Nguyễn Tấn Dũng và loại trừ vị bộ trưởng gần đây bị cáo buộc là đã tích lũy tài sản bất chính, hai ủy viên Bộ Chính trị có số phiếu tín nhiệm cao nhất và cũng đủ tiêu chuẩn làm lãnh đạo sau năm 2016 đều là đồng minh của Nguyễn Tấn Dũng. Tất cả những điều này cho thấy chính trị ở Việt Nam đang diễn biến theo chiều hướng có lợi cho thủ tướng.

Trong 85 năm hiện hữu, Đảng Cộng sản Việt Nam đã tìm cách tiến hành các đợt chọn lựa nhân sự lãnh đạo kế vị dựa trên các nguyên tắc một mặt là đồng thuận kín và một mặt là trung thành với đảng. Công thức này, vốn đã được xem tạo nên sức mạnh trong thời chiến, cũng đã bị nhiều người chỉ trích là tạo nên các lãnh đạo bất tài vô dụng, càng làm tăng các bế tắc chính trị, gây phương hại cho các nguyên tắc trọng nhân tài, và ngăn cản sự trỗi dậy của một giới lãnh đạo quyết đoán hơn. Phải chăng tình hình đã chín muồi để có thay đổi?
Tuy còn quá sớm nên chưa biết ai sẽ chiếm được các vị trí lãnh đạo cao nhất trong năm tới, hiện nay có vẻ như Nguyễn Tấn Dũng là người có cơ may cao nhất để trở thành tổng bí thư kế tiếp trong khi nhiều nhân vật cùng phe với Nguyễn Tấn Dũng dường như nhận được sự tín nhiệm tương đối cao của các đảng viên. Vì sao điều này có thể có ý nghĩa quan trọng?
Nguyễn Tấn Dũng vẫn còn là một điều bí ẩn. Tuy có người nghi vấn sự thành thật của ông, ông vẫn là chính khách hùng biện nhất của Việt Nam và là tác giả của kế hoạch có chủ trương tự do nhất cho sự phát triển của Việt Nam, đó là bài phát biểu Năm Mới 2014 của ông. Ông nhiều lần tuyên bố rằng “dân chủ là tương lai”, không nao núng trước những trò gây hấn hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, và dường như rất thoải mái với ý tưởng bang giao mật thiết với Mỹ.

Tuy chúng ta không thể tiên liệu tương lai, những sự kiện gần đây cho thấy nền chính trị ở Việt Nam minh bạch hơn. Tuy không phải do chủ đích, điều này vẫn là một diễn biến quan trọng. Nó hé mở một góc bé xíu để ta nhìn vào chính trường ngày càng năng động của Việt Nam.

Jonathan London là giáo sư và thành viên cơ hữu của Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á tại Đại học City University of Hong Kong. Trong số các ấn phẩm của ông có Politics in Contemporary Vietnam [Chính trị ở Việt Nam đương đại] (2014 Palgrave Macmillan) và cuốn sách sắp xuất bản Routledge Handbook of Contemporary Vietnam [Sổ tay Routledge về Việt Nam đương đại].



Những bất ngờ trên đường chọn lãnh đạo kế vị. Jonathan London | Phạm Vũ Lửa Hạ dịch. Blog Xin Lỗi Ông. 20/1/2015.






No comments: