Wednesday, January 21, 2015

Mạnh Tử tiên đoán chế độ sụp đổ (Ngô Nhân Dụng)





Ngô Nhân Dụng
Tuesday, January 20, 2015 7:02:41 PM

Không ai hy vọng những Viện Khổng Tử của chính quyền Trung Cộng sẽ đưa đề tài này ra thảo luận. Cũng không ai tin Đại học Hà Nội dám làm công việc đó. Cho nên, chỉ có những người trí thức độc lập mới có thể đứng ra làm. Hôm qua, Giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng báo tin cho chúng tôi biết rằng có mấy nhóm sinh viên ở Việt Nam đang mở cuộc thảo luận về Tinh thần Dân Chủ trong tư tưởng Khổng Mạnh. Như vậy là có những bạn trẻ cũng phản ứng giống như chúng tôi, trước việc thành lập Viện Khổng Tử ở Hà Nội. Các bạn biết rằng không thể hội thảo đề tài này trong Viện Khổng Tử. Cũng không thể biểu tình đòi đóng cửa cái viện vô duyên đó. Nhưng các bạn biết giới trí thức tại mấy nước văn minh tiến bộ đã phản đối việc thành lập Viện Khổng Tử, dù ở đó chính quyền Trung Cộng chỉ mới tổ chức các lớp học tiếng Trung Hoa miễn phí.

Năm 2013, Đại học McMaster ở Hamilton, Canada đã đóng cửa Viện Khổng Tử sau khi một người tố cáo nó vi phạm quyền tự do tín ngưỡng. Đại học Sherbrooke ở tỉnh Quebec cũng chấm dứt cộng tác với Viện Khổng Tử. Năm 2014, Hội các Giáo sư Đại học Mỹ (CAUT) tố cáo các Viện Khổng Tử vi phạm quyền tự do nghiên cứu (academic freedom) vì nó chỉ là cánh tay nối dài của chính quyền cộng sản Trung Quốc. Tháng Mười năm 2014 các Đại học Chicago, Pennsylvania State University, đều chấm dứt hoạt động của Viện Khổng Tử. Học khu Toronto, Canada cũng chấm dứt liên hệ với Viện Khổng Tử của Bắc Kinh.

Nhiều người đã lên tiếng phản đối việc lập Viện Khổng Tử, Đại học Hà Nội chắc cũng không dám. Nhưng giới trí thức Việt Nam có thể hành động bên ngoài Viện Khổng Tử, hội thảo về tư tưởng của hai ông Khổng Tử và Mạnh Tử biết tôn trọng quyền của người dân như thế nào.

Trong sách Mạnh Tử chúng ta thấy tác giả nhấn mạnh nhiều lần rằng quyền chính trị cao nhất thuộc về người dân, tất cả mọi người dân, chứ không phải người cầm quyền. Mạnh Tử sống vào thời Chiến Quốc, suốt hai thế kỷ các chư hầu gây chiến liên miên, ai cũng chỉ mong được sống ổn định. Trong đoạn Mạnh Tử gặp Lương Tương Vương, (孟子見梁襄王) Vua nước Lương hỏi: “Khi nào thiên hạ định?” (天下惡乎定,Thiên hạ ô hồ định?) Tôi đáp rằng, “Định vu nhất, 吾對曰、定於一” “Là Một thì sẽ định.” Vu Nhất có thể hiểu là “thu vào tay MỘT ông vua.” Nhưng hiểu rộng hơn là: “Người dân đồng lòng sống dưới một chế độ.” Vua lại hỏi: “Thục năng nhất chi? 孰能一之?” Cái gì có khả năng tạo ra mối đồng tâm đó? Mạnh Tử trả lời: “Bất thị sát nhân giả, năng nhất chi, 不嗜殺人者能一之,” một chế độ không giết người sẽ được dân một lòng theo. Sát nhân nghĩa đen là giết người. Hình ảnh đó mô tả chủ trương cai trị bằng các thủ đoạn tàn ác, bằng chính sách tàn bạo, bắt bớ, đánh chết người trong đồn công an, ai lên tiếng khác mình thì bắt giam. Theo Mạnh Tử thì khi một chế độ không cai trị dân bằng bạo lực nữa, dân sẽ quy phục: Định vu nhất. Ai có thể làm việc đó? (Thục năng dữ chi? 孰能與之?) Trong thiên hạ không người nào không có quyền đó (Thiên hạ mạc bất dữ dã, 天下莫不與也!) Tức là quyền quyết định ai xứng đáng đóng vai cai trị thuộc về toàn dân.

Trong đoạn văn trên có thể nói Mạnh Tử đã đóng vai một nhà quan sát đang suy ngẫm về lịch sử biến chuyển trong xã hội Trung Hoa. Ông mô tả các điều kiện cho một quốc gia bình an, ổn  định; là mối quan tâm hàng đầu của thời Chiến Quốc. Các bạn trẻ bây giờ có thể đào sâu hơn, so sánh Mạnh Tử với các nhà tư tưởng thế giới. Ông đã phân tích  hiện tượng “loạn” và “trị” trong xã hội, tình trạng “hưng” và “vong” của các triều đại; đi trước các tác giả phương Tây, như Ibn-Khaldun (thế kỷ 14, ở Bắc Phi) hay Nicolò Machiavelli (thế kỷ 15, 16, tại Ý). Khổng Tử (thế kỷ VI, Trước Công Nguyên) chỉ nêu ra những quy tắc chung cho một nền chính trị lý tưởng. Mạnh Tử ra đời trễ hơn (372-289 TCN), kinh nghiệm rộng hơn, cho nên bàn bạc sâu hơn.

Trong sách Mạnh Tử, ông nói thẳng rằng nếu chỉ giảng dậy nhân nghĩa (như Nho gia), hay chỉ đề cao pháp luật (như Pháp Gia), chưa chắc đã có một chính quyền tốt. Trong thiên Ly Lâu (thượng) ông viết: “Dựa theo đường Thiện không thôi, chưa đủ để cai trị. Nêu ra pháp luật không thôi, chưa đủ được thi hành” [徒善不足以為政;徒法不能以自行; Đồ thiện bất túc dĩ vi chính, đồ pháp bất năng dĩ tự hành]. Những chế độ chính trị chỉ giỏi hô khẩu hiệu mà dụng vào việc kinh bang tế thế là nát bét, không đáng cai trị dân.

Muốn có một nền cai trị tốt (good governance, theo lối nói bây giờ) thì các mục tiêu chung “Thiện” hay “Pháp” phải được thể hiện qua những “khí cụ của nghề cai trị.” Mạnh Tử mở đầu quyển Ly Lâu bằng những lý luận đề cao các khí cụ trong mỗi nghề. Ông nhắc tới một người mắt sáng (Ly Lâu) và một ông thợ khéo nổi tiếng thời đó (Công Du Tử, tức Lỗ Ban): “Mắt sáng của Ly Lâu, tài khéo của Công Du, nếu không có cái com pa quay vòng và cái thước kẻ góc vuông thì họ cũng không làm ra được hình vuông, hình tròn.” Cũng giống như vậy, “người có tai thính như nhạc sĩ Sư Khoáng mà nếu không có cây sáo chuẩn đo cao độ thì cũng không xác định được ngũ âm.” Suy ra, “chủ trương tốt của vua Nghiêu, vua Thuấn, nếu không có chính sách hợp đạo Nhân thì cũng không giúp cho thiên hạ được yên ổn.” Nguyên văn, “Ly Lâu chi minh, Công Du tử chi xảo, bất dĩ quy củ, bất năng thành phương viên. Sư Khoáng chi thông, bất dĩ lục luật, bất năng chính ngũ âm. [離婁之明,公輸子之巧,不以規矩,不能成方員:師曠之聰,不以六律不能正五音;James Legge dịch Lục Luật 六律 là “picht tubes,” chú thích đó là cái ống trúc, cắt làm chuẩn tính âm độ cao thấp]. Kết luận: “Chủ trương của Nghiêu Thuấn, nếu không có chính sách dựa trên lòng Nhân, không thể giúp thiên hạ được yên ổn.” [ Nghiêu Thuấn chi đạo, bất dĩ nhân chính, bất năng bình trị thiên hạ, 堯舜之道,不以仁政,不能平治天下].

Qua đoạn trên, chúng ta thấy Mạnh Tử nói rất kỹ rằng nếu chỉ nêu ra các khẩu hiệu tốt đẹp thì không đủ. Cần phải có các chính sách cụ thể, như người thợ mộc phải dùng những cái thước, nhạc sĩ phải dùng ống sáo đo độ cao. Cũng vậy, nếu hiến pháp ghi đủ các quyền tự do, bình đẳng, mà không đặt ra các định chế, luật lệ, chính sách để bảo đảm các quyền tự do, thì các khẩu hiệu trở nên vô ích. Không những thế, những kẻ chỉ biết hô khẩu hiệu suông còn mắc tội mị dân, gian dối, xảo trá nữa. Mạnh Tử chưa nêu ra được những biện pháp cụ thể đó, cho tới thế kỷ 17, đời Minh, Thanh mới có Hoàng Tông Hy (黄宗羲) đề nghị các định chế giảm bớt quyền hành vua và quan lại.

Một đề tài được Mạnh Tử nêu ra nếu ngay bây giờ tiếp tục nghiên cứu thì rất hữu ích. Đó là câu hỏi: Một chế độ chuyên chế sụp đổ như thế nào? Đây là một đề tài rất đáng đem ra thảo luận ở Hà Nội bây giờ. Chúng ta sẽ chiêm nghiệm xem theo Mạnh Tử thì có dấu hiệu nào cho thấy các chế độ độc tài ở Trung Quốc và Việt Nam sắp sụp đổ hay chưa?

Trong Ly Lâu (thượng), Mạnh Tử bàn về những yếu tố giúp một vương quốc cường thịnh, và các yếu tố khiến một nước suy vong. Ông viết: “Thành, quách không xây đủ, binh giáp không nhiều, chưa tai hại cho một nước. Ruộng đất không mở mang, tài hóa không thu được nhiều, cũng chưa tai hại cho chế độ.” [Thành quách bất hoàn, binh giáp bất đa, phi quốc chi tai dã. Dã điền bất tích, hóa tài bất tụ, phi quốc chi hại dã.; 城郭不完,兵甲不多, 非國之災 也;田野不辟貨財不聚,非國之害也.] Vậy những dấu hiệu nào cho thấy một chế độ sắp đổ? Mạnh Tử liệt kê các hiện tượng sau đây: “Khi người trên không theo những quy tắc đạo đức, kẻ dưới không được học, dân nổi lên chống đối, một chế độ như vậy chẳng mấy ngày sẽ bị chôn vùi.” [Thượng vô lễ, hạ vô học, tặc dân hưng, táng vô nhật hĩ上無禮,下無學,賊民興,喪無日矣.]

Theo Mạnh Tử thì sức mạnh một quốc gia không chỉ tùy thuộc khả năng quân sự và kinh tế. Yếu tố quyết định nằm trong tinh thần. Người trên, tức tầng lớp lãnh đạo phải có những quy tắc để sống cho tử tế, gọi là lễ. Bên dưới, phải mở mang hiểu biết cho người dân, phát triển giáo dục. Nếu hai điều kiện tinh thần này không có, thì khi dân chúng oán hận nổi lên chế độ sẽ sụp đổ. [Chữ “quốc” trong mạch văn cổ này không phải là một quốc gia theo nghĩa chúng ta hiểu bây giờ, mà có nghĩa là một triều đại, một chế độ chính trị, James Legge dịch là “kingdom” hoặc là “state.”]

Cũng trong thiên Ly Lâu thượng, Mạnh Tử mô tả tình trạng suy tàn, với các hiện tượng báo trước chế độ sắp sụp đổ: “Thượng vô đạo quỹ dã, hạ vô pháp thủ dã, triều bất tín đạo, công bất tín độ, quân tử phạm nghĩa, tiểu nhân phạm hình, quốc chi sở tồn giả, hạnh dã: Trên không dựa vào đạo lý, dưới không theo luật pháp nào, trong triều vi phạm lễ nghĩa, các công chức phạm hình luật, một nước như vậy mà tồn tại là điều may hiếm có.” [上無道揆也,下無法守也朝不信道,工不信度,君子犯義,小人犯刑,國之所存者幸.]

Chế độ cộng sản ở Trung Quốc và Việt Nam đang lâm vào cảnh tượng đó. Bên trên thì “Triều bất tín đạo;” Ủy viên Bộ Chính Trị cũng không ai tin vào chủ nghĩa Mác nữa dù nó vẫn ghi trong cương lĩnh. Cả thế giới biết chủ nghĩa đó là tào lao, mình có ngu đâu mà tin? Họ không còn một thứ đạo lý nào để theo, chỉ còn tham vọng quyền lực giúp họ cấu kết với nhau. Bên dưới thì “Công bất tín độ;” Cán bộ, công chức, đám quan lại tham nhũng không ai theo pháp luật, bất chấp những luật lệ mà chính họ có trách nhiệm thi hành. Tất cả trong tâm trạng làm chuyến tàu vét! Chế độ cộng sản chứa đựng đủ các dấu hiệu đang tan rã.

Thời Mạnh Tử các chính quyền chưa có bộ máy công an kìm kẹp. Cũng chưa có các xảo thuật mị hoặc lừa dối dân tinh vi như bây giờ. Sau khi Mạnh Tử nói những lời trên, trong vòng 80 năm các vương quốc, hầu quốc đều tan rã. Nhà Tần lên, chỉ trong một thế hệ cũng tan. Ngày nay chế độ cộng sản có giỏi đàn áp và mị hoặc nhưng cũng không chắc giỏi hơn nhà Tần. Mà người dân bây giờ có ý thức về quyền công dân của mình cao hơn dân Tầu 2,300 năm trước đây. Cho nên theo phân tích của Mạnh Tử, chúng ta biết rằng chế độ cộng sản đang trên đà sụp đổ.





No comments: