Thursday, January 1, 2015

Lời đầu năm cho những ai quan tâm (Vạn Tường - Thông Luận)





Được đăng ngày Thứ năm, 01 Tháng 1 2015 05:53

Lẽ ra, thời điểm cuối năm nên là lúc gạt bỏ mọi buồn phiền mà hướng tới một năm mới tốt đẹp hơn cho người và cho mình, tuy vậy, để có một sự mới mẻ, tốt đẹp tất nhiên phải “hủy diệt” những gì cũ kỹ, xấu xa.

Tại sao dân chủ (cùng với những gì tốt đẹp của nó) lại luôn lẩn tránh dân tộc Việt đau thương bất hạnh đến vậy? Biết bao nhiêu cơ hội đã đến, đã dừng lại cùng dân tộc Việt nhưng đều lũ lượt ra đi. Có lẽ dân chủ chỉ “hợp (gout) khẩu vị” với một nền tảng văn hóa và tâm lý nhất định. Dân tộc Việt trong quá trình lập quốc và tồn tại đến nay có lẽ chưa hội đủ những điều kiện cần và đủ của cái nền tảng văn hóa/tâm lý kia nên số phận vẫn cứ trêu ngươi dân tộc bất hạnh này.

Những con người mà tôi gặp hàng ngày hay có điều kiện nói chuyện về chính trị, đều bày tỏ một cách rõ ràng rằng dân chủ là tốt nhưng đó không phải là việc của họ. Họ đều bàng quan nhìn cuộc đấu tranh cho dân chủ như nhìn những chú cá vàng bơi lội trong bình thủy tinh. Đẹp đẽ nhưng vô dụng. Ai đó đấu tranh cho dân chủ cũng phải thuyết phục quần chúng nhân dân dân chủ là gì? Có …ăn được không? Người dân được hưởng lợi những gì khi ủng hộ hay tham gia đấu tranh dân chủ? Nếu bị nhà cầm quyền đàn áp, liệu phe đấu tranh dân chủ có bảo vệ được họ và gia đình? Dân chủ có lo “cơm-áo-gạo-tiền” hay những quyền lợi mà nhà cầm quyền đã ban phát cho họ hay không? Hoặc huỵt toẹt hơn, dân chủ có cho phép những gã đàn ông kiếm tiền một cách dễ dàng và mau chóng như hiện nay? Chỉ cần có tiền là sống như tiên. Liệu dân chủ có “cho” nhậu nhẹt, massage, bia ôm, “chăn rau”, “some”…một cách thoải mái như hiện nay? Chỉ cần bỏ một chút công sức nhỏ là có thể có một cuộc sống đàng hoàng. Sự so sánh trở nên cay đắng khi nhiều người trong số này có điều kiện đi công tác tại các nước dân chủ giàu mạnh như Âu-Mỹ. “Ở Mỹ có thể thích thì gọi bạn bè ra nhậu như ở Việt Nam không? Ở Mỹ có thể thích thì đi kiếm em “chân dài tới nách” để đổi không khí? Ở Mỹ phải “cày cuốc” như “trâu bò” mới sống được, thức dậy sớm, lái xe cả trăm dặm mới tới sở làm, đâu có như Việt Nam xứ thần tiên, 8h bắt đầu làm việc nhưng 8h30 mới tới sở, trưa đi nhậu hoặc ngủ tới 2h, chiều 4h30 đã về trong khi 5h mới là giờ tan sở”…là những lý lẽ so sánh của “một bộ phận không nhỏ” dân chúng. Một dân tộc chỉ muốn “ổn định” như vậy, muốn làm việc “tà tà” dù lương rất thấp nhưng vẫn sắm được nhà lầu xe hơi, khen những kẻ có quyền lực tham nhũng là có tài v.v… thì có đáng có được dân chủ, kèm với nó là sự tôn trọng của các Quốc gia khác?

“Tu thân, tề gia, trị quốc, Bình thiên hạ” luôn là câu nói cửa miệng của những ai đả kích những người đấu tranh dân chủ. “Mày đã làm được gì cho mày chưa? Đã tự nuôi được ai khác chưa mà đòi làm chính trị? Mày đã giúp được ai trong gia đình chưa mà đòi giúp cho đất nước này? Một mình mày thì làm được gì? v.v… và v.v… Phải nói rằng những câu nói này xúc phạm một cách ghê gớm và đủ sức làm bùng nổ sự tức giận ở những người dấn thân đấu tranh cho dân chủ. Họ đã là nạn nhân của một thứ văn hóa Khổng giáo cổ hủ - coi thường khả năng và tự do cá nhân – và chủ nghĩa tập thể - coi con người cá nhân như bộ phận hay con ốc của một cỗ máy. Con người cá nhân trong chủ nghĩa tập thể không có bất cứ một ý chí riêng nào, chỉ là bộ phận của máy móc. Các bộ phận hoạt động chỉ vì lợi ích của toàn thể. Khi nảy sinh xung đột vì lợi ích của tập thể, quyền lợi của cá nhân lập tức bị hy sinh, lợi ích tập thể luôn được ưu tiên hơn quyền lợi cá nhân.

Rõ ràng, sự kết hợp của văn hóa làng xã Việt Nam (bị ảnh hưởng rất nặng bởi Khổng giáo) và chủ nghĩa xã hội (chuyên chính tập thể) đã ăn sâu và làm thui chột con người Việt Nam hiện đại. Các giá trị dân chủ dù đã trở thành hệ giá trị phổ quát cho toàn nhân loại nhưng đã gặp phải sự phản kháng mạnh mẽ đến từ hệ thống giá trị của nền văn minh “hai lúa cùi bắp” (theo đúng nghĩa đen của cụm từ này). 

Con người Việt Nam hiện tại đa phần còn chưa biết tới hệ giá trị dân chủ phổ quát. Một số ít có khả năng hiểu rõ nhưng số thực sự áp dụng/vận dụng hệ giá trị dân chủ vào cuộc sống cá nhân thì cực kỳ ít. Nhiều người cho rằng mình tôn trọng sự khác biệt quan điểm nhưng sẵn sàng chửi bới/hạ nhục người khác bằng lời lẽ sắc bén của mình; tự cho rằng tôn trọng đa nguyên nhưng đòi xóa sổ/trả thù những người Cộng Sản; tự cho rằng tôn trọng tự do cá nhân nhưng tọc mạch, xỉa xói và “dìm hàng” người khác “bất cứ khi nào cơ hội đến tay”…

Chỉ khi nào người Việt Nam hiện đại hiểu rõ và cùng nhau hành động, rằng sự thỏa mãn của cá nhân phải là hàng đầu, chính quyền chỉ là công cụ để phục vụ cho lợi ích cá nhân (không phải vị kỷ), nghĩa là phục vụ cho mục tiêu cao nhất, cá nhân hạnh phúc. Và cùng với nó, cá nhân có lương tri và tinh thần công dân, ngược lại, cũng đóng góp vào hạnh phúc của người khác bằng cách chu toàn các bổn phận công dân của chính mình. Thì chính lúc đó, dân tộc Việt Nam sẽ giành lấy được dân chủ một cách đàng hoàng để bước qua trang sử mới. Trang sử mà ở đó mọi công dân đều tự hào : chúng ta là người Việt Nam.

Năm mới, xin kính chúc mọi người Việt Nam ở bất cứ đâu trên thế giới an khang, thịnh vượng và chúc cho tất cả chúng ta, cùng nhau, tìm được định mệnh mới tốt đẹp hơn cho dân tộc.

Những thời khắc đầu tiên của năm mới 2015.

Vạn Tường




No comments: