GS. Nguyễn Ngọc Bích
Gửi từ Washington DC
Thứ Tư, ngày 28 tháng 1 năm 2015
Ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến
tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam
Ngày
này, 27/1, cách đây 42 năm, Ngoại-trưởng William P. Rogers của Mỹ và ông Nguyễn
Duy Trinh, Bộ-trưởng Ngoại-giao Hà-nội, đặt bút xuống ký “Hiệp định về chấm dứt
chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam.” Bên cạnh chữ ký của ông Rogers
là chữ ký của Tổng-trưởng Ngoại-giao VNCH Trần Văn Lắm và bên cạnh chữ ký của
Nguyễn Duy Trinh là chữ ký của bà Nguyễn Thị Bình, Bộ-trưởng Ngoại-giao của cái
gọi là “Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam.”
Điều lạ là hai người chính thương-thuyết để có được Hiệp-định “Hòa bình” này là
Cố-vấn An-ninh Quốc-gia của Mỹ, Ông Henry Kissinger, và Cố-vấn Lê Đức Thọ của
Hà-nội thì lại không hiện-diện trong văn-bản của toàn-bộ Hiệp-định. Mặc dầu
vậy, hai ông Kissinger và Lê Đức Thọ sau đó vẫn được lãnh Giải Nobel Hòa-bình
năm ấy (1973), dù như ông Thọ đã từ chối không nhận.
Giờ đây, nhìn lại, ai cũng phải công-nhận toàn-bộ tiến-trình hòa-đàm, kéo dài gần
5 năm (từ tháng 5/1968 đến tháng 3/1973), và kết-quả, Hiệp-định “Hòa bình”
Paris, đều là những cú lừa ngoạn mục được dựng lên để che mắt thế-gian, không
trừ ông Tổng-thư-ký Liên-hiệp-quốc (lúc bấy giờ là ông Kurt Waldheim) và Ủy-ban
chọn Giải Nobel Hòa-bình của Thụy-điển, trừ phi là họ biết nhưng dụng-ý nhắm mắt
làm ngơ—nghĩa là họ đã là một lũ “khuyển-nho” với dã-tâm góp phần đánh lừa cả
thế-giới.
Trong nghĩa đó thì ta có quyền nguyền rủa hết cả những thế-lực lớn trên thế-giới
vào lúc bấy giờ và ta có thể nói, thế-lực càng lớn thì trách-nhiệm của họ càng
to. Cứ riêng nước Mỹ, chẳng hạn, khi họ quyết-định trừ khử ông Diệm là
chiến-tranh ở VN đã trở thành trách-nhiệm chính của họ. Đến khi họ ồ ạt
đưa quân vào VN (tháng 3/1965), họ không hỏi ý-kiến của chính-quyền miền Nam
(thời Thủ-tướng Phan Huy Quát) nhưng khi họ bỏ miền Nam thì họ lại bẻ chân, bẻ
tay ông Thiệu để buộc cột miền Nam vào một hiệp-định hoàn-toàn bất lợi cho ta
(bằng cách để cho quân-đội miền Bắc được ở lại dưới vĩ-tuyến 17).
Cũng phải nói là ông Thiệu không mù quáng nhắm mắt ký. Trước khi cực chẳng
đã ông cũng đã tìm đủ mọi cách bảo đảm phần nào việc Mỹ phải long trọng hứa “một
đổi một” (nếu như quân-cụ của ta hay đạn dược bị tiêu hao) hay lấy những cam-kết
mật của ông Nixon là sẽ phản-ứng mạnh nếu như Bắc-Việt vi-phạm hiệp-định.
Nhưng rồi cả Mỹ lẫn ông Nixon đều không giữ được lời hứa và phần cam-kết của
mình—cho nên một nhạc-sĩ nổi tiếng thời bấy giờ (người nghệ-sĩ thường nhạy cảm
hơn người thường) đã phải viết là mới chỉ “hình như là hòa-bình” mà thôi!
Quả như rằng!
Tuy-nhiên
Tuy-nhiên,
nói về những thiệt thòi về phía người Việt (nặng nhất là về phía người Việt miền
Nam nhưng có lẽ ta cũng không nên trừ ra những đau đớn thiệt thòi của người Việt
miền Bắc, bao năm trông chờ một sự giải-phóng đích-thực xuất phát từ miền Nam,
nói như Nguyễn Chí Thiện: “Miền Nam ơi, từ buổi tiêu tan / Ta sống trọn vạn
ngàn cơn thác loạn”) song ta cũng không nên quên là ngay một cường-quốc lớn như
nước Mỹ cũng không khỏi có những ràng buộc, hệ-lụy của họ. Như yếu-tố
Do-thái đã đóng một vai trò như thế nào trong việc Mỹ để mất miền Nam?
Như ta thử đặt ta vào chỗ của người Mỹ khi phải lưỡng đầu thọ địch, đứng trước
hai cường-quốc CS—Liên-Xô và Trung-Cộng—mà chân thì lại đang mắc vào “vũng lầy
Việt-nam”?
Phải có
cái tầm nhìn rộng như thế thì ta mới hiểu được tại sao ông Nixon đã chọn con đường
ông đã đi. Giữa hai đối-thủ đáng nể, ông đã chọn đi với Bắc-kinh để kình
chống Liên-Xô—không khác gì chọn lựa của Winston Churchill (Thủ-tướng Anh) và
F.D. Roosevelt (Tổng-thống Mỹ) trong Thế-chiến II đi với Stalin (CS) để đánh
Hitler (Phát-xít và lãnh-tụ của nhóm Trục Đức-Ý-Nhật) mặc dù trước đó Stalin đã
đi đêm với Hitler qua Mật-ước Molotov-Ribbentrop (tháng 8/1939).
Nhưng để
đi với Trung-Cộng thì Mỹ phải nhả ra cái gì. Và đó là điều mà Kissinger
đã dặm với Châu Ân-lai khi vào đầu năm 1972, ông tuyên-bố là Mỹ có thể sống được
với một miền Nam không nhất thiết là thân thiện với Mỹ, ngụ ý là nếu như
chính-quyền đó có thiên tả hay thân Cộng thì Mỹ cũng chấp nhận được. Điều
này hiển-nhiên đã được Châu Ân-lai ngay sau đó sang Hà-nội báo lại cho Đảng
CSVN biết. Đó là thông tin Hà-nội cần để quyết-định tung gần hết quân chủ-lực
của họ vào trận Mùa Hè Đỏ Lửa (đúng vào ngày Phục-sinh năm 1972) với ý-định
giành một chiến-thắng vang dội tương-tự như ở Điện-biên-phủ để quyết-định chiến-trường
và tranh thủ được một nền hòa-bình có lợi cho phía họ.
Song
Hà-nội đâu ngờ là với bộ-binh Mỹ đã rút gần hết khỏi Việt-nam, Quân-lực VNCH vẫn
đủ sức để đánh bật Quân-đội Nhân-dân và bộ-đội Việt-Cộng phụ trợ của nó ở miền
Nam ra khỏi Kontum và nhất là An-lộc để rồi đến tháng 9 năm đó, chiếm lại được
Cổ-thành Quảng-trị (mỗi đêm nướng trọn một đại-đội của quân Bắc-Việt trong gần
2 tháng trời). Những chiến-thắng vang dội đó của Quân-lực VNCH, cộng thêm
việc Mỹ thả mìn trên các sông ngòi miền Bắc và trận dội bom kinh-hoàng vào mùa
Giáng-sinh 1972 đã buộc Lê Đức Thọ phải trở lại bàn hội-nghị.
Nhưng
thay vì khai thác những thắng-lợi của phe đồng-minh thì Mỹ lại giữ lời hứa với
Bắc-kinh để tập trung vào đánh gục Liên-Xô, một mục-tiêu mà họ đã đạt được khi
Đông-Âu CS sụp đổ vào cuối năm 1989, đem theo sự sụp đổ hoàn-toàn của cái nôi
Mác-Lê hai năm sau.
Những
chiến-thắng của VNCH vào năm 1972, với biết bao hy-sinh và vinh-quang là thế,
cũng chỉ mua được cho miền Nam có 3 năm nữa. Rồi miền Nam cũng rơi vào
tay CS vào mùa Xuân 1975 khi cả Liên-Xô và Trung-Cộng đã dồn hết sức lực viện-trợ
cho Hà-nội để đánh bại Quân-lực VNCH, lúc này đã bị Mỹ (nhất là Quốc-hội Mỹ) cắt
bỏ gần hết súng ống khí-giới và nhất quyết bỏ rơi.
Kết-luận
Vậy bài học của Hiệp-định “Hòa-bình” Paris 1973 là cái gì?
Không ít người trong chúng ta đổ hết tội cho Mỹ. Điều này không công bằng
bởi muốn nói gì thì nói, nước Mỹ cũng đã đem máu xương của 58 nghìn con em họ đổ
xuống trên mảnh đất thân yêu của chúng ta (chưa kể cả hàng trăm nghìn người bị
thương-tích và khoảng 4,5 triệu người đã phục-vụ trong chiến-tranh Việt-nam).
Thử hỏi, đã có nước nào hy-sinh tới mức đó cho một nước khác chưa?
Một trong những bài học lớn nhất của sự thất bại của Mỹ ở VN có lẽ là: người Mỹ
(cũng như nước Mỹ) là một dân-tộc trẻ và thực-dụng nên họ không có nhiều kiên
nhẫn. Khi họ đến ta thì họ hăng say, ồ ạt nhưng chỉ cần một thời-gian
không lâu, nếu họ thấy không có kết-quả thì họ dễ nản và muốn đi quay sang một
hướng khác. Chưa kể cũng còn có những ưu-tiên khác mà lúc đầu khi họ vào
VN, họ không tiên-liệu được (tỷ-dụ như cuộc khủng-hoảng dầu hỏa do OPEC gây ra
vào năm 1973, buộc dân Mỹ mà phải nối đuôi dài dài để lấy xăng thì họ chịu sao
thấu).
Cũng có người cho rằng mấy ai học được chữ ngờ, như vụ Watergate buộc ông Nixon
từ chức vào năm 1974. Hiển-nhiên là sau đó, chính-sách của ông, dù có
nghĩa-lý đi chăng nữa thì cũng bị người sau (như Tổng-thống Ford) hay nhất là kẻ
thù của ông (ở trong Quốc-hội, chẳng hạn) ruồng bỏ. Ông Kissinger, để chạy
tội, cho đây là lý-do chính tại sao chính-sách Mỹ đã thất bại ở Việt-nam.
Cuối cùng, tuy Quân-lực VNCH đã can trường, thậm chí cả anh-dũng, trong chiến-bại
(chữ của Đề-đốc Hồ Văn Kỳ Thoại nói về trận hải-chiến Hoàng-sa), như cuốn Tháng
Tư Đen của George J. Veith đã chứng-minh khi viết ra cách đây một năm, bài
học cũng vẫn là những nhà lãnh-đạo chính-trị của VNCH phải học để nhập tâm: vận
mệnh của đất nước, dù như ở trong một thế-giới tương-lập, vẫn không thể
hoàn-toàn đặt vào trong tay của người nước ngoài—dù như là đồng-minh thân cận
nhất. Quốc gia hưng vong, thất-phu còn hữu trách thì nói chi đến những
người lãnh-đạo tối-cao trong một quốc-gia dân-tộc!
No comments:
Post a Comment