Friday, January 16, 2015

Hãy minh bạch trên mạng xã hội, thay vì ngăn cấm (Nguyễn Cao - VNTB)





Nguyễn Cao

(VNTB) - Chính sự minh bạch thông tin mới là cách định hướng dư luận tốt nhất, giúp hạn chế những thông tin thiếu nguồn gốc trên mạng xã hội Internet

"Ta không cấm, không ngăn được, vì thế quan trọng nhất là đưa thông tin đúng, chính xác, kịp thời từ đó tạo niềm tin. Ai nói gì thì nói nhưng đây là thông tin chính thống của Chính phủ. Công tác thông tin bây giờ đòi hỏi nhanh lẹ, kịp thời để đáp ứng quyền được thông tin của người dân và tạo đồng thuận xã hội. Điện thoại bật ra là có, lên facebook là đọc được thông tin, mấy chục triệu người dùng internet và mạng xã hội rồi, vậy thì làm sao để thông tin chính thống của chúng ta cũng lên mạng xã hội…” - người đứng đầu Chính phủ đã phát biểu như vậy tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2014, triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Văn phòng Chính phủ diễn ra ngày 15-01-2015.

Phát biểu của Thủ tướng khiến cho người ta nhớ lại nửa tháng vừa qua, thông tin được người dân tìm kiếm nhiều nhất là tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính trung ương. Không chỉ về bệnh tình, những câu chuyện khác liên quan cũng được người dân ráo riết săn tìm nhưng hầu hết từ các nguồn không chính thống, nửa thực nửa hư.

Trong khi người dân mong ngóng, cơ quan có trách nhiệm chỉ đưa ra những thông tin nhỏ giọt. Thông tin càng bị nhiễu loạn hơn khi một số trang mạng đưa tin ngày, giờ, chuyến bay chở ông Thanh về nước và lạ kỳ thay thông tin đó dường như lại đúng!

“Khí sạch”

Trong một xã hội dân chủ, thông tin cần thiết cho người dân như khí trời và “khí trời” đó phải là “khí sạch”. Quyền được thông tin cũng là một trong những quyền của công dân. Quốc hội VN đã có dự thảo Luật Tiếp cận thông tin, trong đó có nội dung yêu cầu cung cấp thông tin tối đa cho công dân; các vùng cấm phải cụ thể, công khai và phải đúng luật... Và có lẽ cũng cần nội dung buộc các cơ quan công quyền, kể cả chính phủ phải công khai nội dung các cuộc họp. Có như vậy mới cho thấy quyền được thông tin của công dân được tôn trọng.

Và đúng như xác nhận nói trên của người đứng đầu Chính phủ, khi mạng xã hội bùng nổ, việc bưng bít thông tin là không thể. Việc “định hướng” “công cụ tuyên truyền” cho thông tin cũng là không thể. Sự minh bạch của thông tin cần được tôn trọng để đưa những thông tin chính xác tới công dân, giúp người dân tham gia vào việc điều hành xã hội. Chính sự minh bạch thông tin mới là cách định hướng dư luận tốt nhất, giúp hạn chế những thông tin thiếu nguồn gốc trên mạng xã hội Internet.

Cũng nói thêm, tối 14-01-2015, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn phát biểu trong chương trình truyền hình “Đối thoại và Chính sách” của VTV1 với chủ đề “Đối phó với thông tin nguy hại”, ông nói rằng đang có hàng trăm trang mạng có máy chủ ở nước ngoài sử dụng chiêu bài nguy hiểm: xuyên tạc, bịa đặt, nói xấu Đảng, Nhà nước, bôi nhọ, xúc phạm danh dự cán bộ lãnh đạo các cấp nhằm gây chia rẽ Đảng với nhân dân.

Nêu quan điểm, phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng nói, “Chúng ta phải chủ động, phải học cách phản công thông tin”. Ông cho rằng, sự im lặng có thể khiến cho dân chúng bán tín bán nghi. Điều bất lợi đó là những thông tin đi trước luôn có ưu thế và thông tin phản bác dễ bị nghi ngại.
“Thông tin phản bác kịp thời nhanh bao nhiêu tốt bấy nhiêu, nếu chậm chưa chắc làm người ta thay đổi lòng tin. Phải tổ chức lực lượng xử lý thông tin như thế này. Đưa lại thông tin trung thực, lập luận phản bác rõ ràng, khách quan, trung thực”.

Tiếc là thay vì trong thời gian chờ đợi phê chuẩn của đề nghị khởi tố vụ án liên quan đến một trang blog, cơ quan công an chủ động tìm hiểu xem những tố cáo ấy đúng – sai thế nào, qua đó có cách xử lý kịp thời, thích hợp.

Một xã hội phát triển lành mạnh không thể thiếu sự minh bạch của thông tin và ngược lại.

-----------------------------




No comments: