Sunday, January 18, 2015

Bằng Tiến sĩ 9 triệu và chuyện bổng lộc nhà nước (Phan Thế Hải - TuanVietNam)





Phan Thế Hải  -  TuanVietNam
16/01/2015 02:00 GMT+7

Giá như hệ thống chức sắc trong các cơ quan công quyền không có bổng lộc, giá như các vị trí trong cơ quan công quyền không phổ cập đến bằng cấp, TS nọ, GS kia thì người ta chẳng phải chạy vạy học hàm học vị đến vậy.


LTS: Phòng cảnh sát hình sự, công an TP.HCM xác nhận vừa bắt giữ 13 đối tượng trong đường dây sản xuất bằng giả với quy mô lớn. Ngoài sản xuất bằng cao đẳng, đại học giả, nhóm này còn sản xuất bằng thạc sĩ, tiến sĩ giả để bán cho khách ở khắp các tỉnh thành Bắc – Trung – Nam với giá chỉ 9 triệu đồng/bằng. Rõ ràng, chừng nào "cầu" vẫn nóng, thì còn xuất hiện nhiều những đường dây như vậy. Tuần Việt Nam xin giới thiệu góc nhìn dưới đây về chuyện bằng cấp để bạn đọc tranh luận.

Với người ngoại đạo như tôi, việc được gọi là thầy chỉ là vì nhờ có dăm ba lần được các cơ sở mời thỉnh giảng về những vấn đề chuyên môn. Đứng trên bục ở hội trường có hàng trăm người chăm chú và thành kính lắng nghe, được BTC giới thiệu trân trọng là đã thấy thiêng liêng lắm rồi.

Vào khoảnh khắc đó, tôi mới chợt nghĩ, giá như được gọi thêm là Tiến sỹ, hay Giáo sư nọ kia nữa thì cái sự sung sướng sẽ còn tăng lên gấp bội phần.

Thế mới hiểu và thông cảm tại sao thiên hạ  đua nhau học, mà nếu không học thì lại đua nhau... mua bán  bằng giả để kiếm một mảnh bằng ghi tên mình là tiến sỹ.  Nó cũng là nguồn cơn nảy sinh ra các đường dây mua bán bằng cấp rởm rầm rộ "liên tỉnh". Mới đây, báo chí đã phanh phui ra một đường dây như vậy, mà cái giá cho mảnh bằng Tiến sĩ chỉ vỏn vẹn... 9 triệu.

Dư luận xưa nay vốn đã không ngớt chỉ trích bệnh háo danh, thói sính bằng cấp...  Xem đó là một trong những nguyên nhân sâu xa của nhiều tệ nạn xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực giáo dục.

Đường dây làm bằng giả xuyên Bắc - Trung - Nam. Ảnh: Đàm Đệ

Giá như ai đó muốn có bằng cấp bằng con đường học hành chính đáng, bằng năng lực thực tế, bằng những sáng tạo được xã hội thừa nhận và sống bằng năng lực thực của mình sẽ là điều chẳng phải bàn. Sự phong phú của thông tin, sự đa dạng của góc nhìn, hơn thế là sự trưởng thành của dân trí sẽ cung cấp cho xã hội một cái nhìn công bằng, trung thực. Nếu anh không thể thành công ở lĩnh vực này có thể lựa chọn lĩnh vực khác phù hợp với năng lực và sở thích của chính mình.

Một đất nước văn minh là ở đó. Nhà nước đã tạo ra vô số cơ hội cho công dân của mình lựa chọn mà không phải chen chúc nhau với những thủ đoạn lừa đảo, làm giả nọ kia đến mức phạm pháp.

Hiện tượng mua bán bằng cấp, chạy chức chạy quyền, đánh bóng tên tuổi có lẽ chỉ nảy sinh trong một môi trường vốn trọng “hư danh”, mà người ta lại không có nhiều sự lựa chọn, đành phải chen nhau vào hệ thống nhà nước, với một cuộc sống được đảm bảo không phải bằng lương mà là những khoản bổng lộc và đặc quyền trong một xã hội còn thiếu các thiết chế giám sát minh bạch.

Giá như hệ thống chức sắc trong các cơ quan công quyền không có bổng lộc, giá như các vị trí trong cơ quan công quyền không phổ cập đến bằng cấp, TS nọ, GS kia thì người ta chẳng phải chạy vạy học hàm học vị đến vậy.

Ở một khía cạnh khác, thực tiễn của nền giáo dục cho thấy, điệp khúc “thừa thầy thiếu thợ” vẫn diễn ra trong nhiều năm qua mà chưa có dấu hiệu chấm dứt. Các trường cao đẳng và dạy nghề vẫn đua nhau chạy chọt để nâng cấp thành hệ đại học. Vì với cái danh “đại học” sẽ dễ tuyển sinh hơn, và bởi, cũng nếu ra trường với cái danh ấy  thì SV tốt nghiệp cũng dễ chen vào hệ thống công quyền hơn. Bằng cấp được nhìn với con mắt khác hơn.

Với các nước văn minh, học tập được coi là một nhu cầu thường xuyên như tự thân cuộc sống. Khi đã là nhu cầu thường xuyên, người ta có thể học bất cứ lúc nào, bất cứ ai.
Thomas Edison, một nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ đã nói: Với tôi, bất cứ một ai đó mình gặp đều có cái đáng để học, họ đều là người thầy ở lĩnh vực mà họ xuất sắc. Việc học không nhất thiết phải ngồi trên ghế nhà trường.

Nước Mỹ có quyền tự hào vì đã tạo ra môi trường mà những người như Edison, không có một tấm bằng dắt lưng vẫn có thể thành công và lưu danh hậu thế. Nếu chúng ta hướng tới một môi trường như vậy, lúc đó, hiện tượng háo danh, mua sắm bằng cấp sẽ không còn bức xúc như hiện nay.

·         Phan Thế Hải



No comments: