Friday, January 16, 2015

“Autumn Cloud” – hồi ký chiến tranh không tiếng súng (Nguyễn Mạnh Trinh)






“Autumn Cloud” (mây mùa thu) là tên thời con gái Lê Thị Thu Vân của tác giả và là nhan đề của một tác phẩm của một khuôn mặt phụ nữ khá nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, Jackie Bong Wright. Cuốn sách ấy đã được một phụ nữ Hoa Kỳ bản xứ, Julie Holbrook, trong phần nhận xét chuyên đề của Amazon.com: …

… “Cho những người vợ của cựu chiến binh thời chiến tranh VN” đại ý như sau: “tác phẩm đã giúp tôi hiểu biết về lịch sử VN và những gì mà Hoa Kỳ đã can dự vào. Cuốn sách cũng là lịch sử, tuy là của riêng một cá nhân, một gia đình nhưng có nét chung của nhiều người. Tác giả và đồng bào của bà đã trải qua thật nhiều biến cố khó khăn trong cuộc sống khi bắt đầu cuộc tị nạn lưu vong cũng như khi sống trong cuộc chiến tranh ở quê nhà họ. Đời sống ấy làm cho tôi thấy kính trọng và thông cảm hơn thân phận của những người dân trong chế độ Nam VN. Cũng như tôi muốn viết một chữ “Cảm tạ” thật lớn đến người viết về một đất nước mà tôi có thêm sự hiểu biết lớn lao trong những trang sách. Tôi thích thú với tác phẩm từ một chủ đích rõ nét đã giúp tôi từng phần tách lọc ra những dữ kiện đích thực từ hệ thống truyền thanh truyền hình cũng như báo chí mà tôi đã đọc khi còn đang chiến tranh VN. Lúc ấy tôi còn trong tuổi thiếu niên nên sự cảm nhận từ tin tức chiến cuộc đã khác biệt so với thời bây giờ khi tôi đã trưởng thành. Cũng như, từ những điều tôi đọc và nhìn qua hệ thống truyền thông, sau khi đọc “Autumn Cloud”, suy nghĩ của tôi đã khác và tôi cảm nhận ra những điều khá mới lạ. Cái nhìn ấy có thể có nhiều chất chính xác hơn. Người chồng cũ của tôi đã tham chiến ở VN từ 1969-1970 khi tôi vừa 18 tuổi. Đọc cuốn sách, tôi thấy mình được giúp đỡ rất nhiều để tìm hiểu thêm về một cuộc chiến có nhiều ảnh hưởng tới dân chúng Hoa Kỳ. Với nhận xét ấy, tôi trân trọng giới thiệu với tất cả những cựu chiến binh thời chiến tranh VN…”.

Tôi biết rất nhiều người Hoa Kỳ đã có những cái nhìn khá thiên lệch và đầy ngộ nhận về chính quyền và nhân dân VNCH. Ảnh hưởng của giới phản chiến đã làm cho hệ thống truyền thông Hoa Kỳ và thế giới có những ác cảm không tốt với chính thể Nam VN và đây cũng chính là một mục tiêu mà phía CS cố gắng tranh thủ. Thời chiến tranh thì như thế mà tới bây giờ sau hơn ba chục năm, tình trạng vẫn không đổi. Tiếng nói của những người dân bên phía thua trận thật yếu ớt. Sự thực được nhìn ngắm từ một phía đầy thiên lệch vẫn còn tồn tại mặc dù đã có một thời gian làm khoảng cách để lịch sử được ghi chép lại chính xác hơn. Đọc những trang sách giáo khoa được dạy tại đại học ở Hoa Kỳ, chỉ thấy có hai đối thủ Hoa Kỳ và VC, còn vai trò của miền Nam thì chỉ là vai phụ. Trong khi hơn mấy trăm ngàn chiến sĩ quân đội VNCH đã hy sinh.và biết bao nhiêu, đến cả chục triệu người là nạn nhân chiến cuộc. Cái giá phải trả cho thời kỳ chiến tranh ấy thật ghê gớm cho cả dân tộc, mà miền Nam là bãi chiến trường và miền Bắc là mục tiêu không kích….

Thành ra, trong suy nghĩ cá nhân, tôi đã đọc “Autumn Cloud: >From Vietnamese War Widow to American Activist” với cảm giác của một người chia sẻ chính kiến. Một người bạn học người bản xứ đã đọc, đưa cho tôi mượn cuốn sách và đùa cợt “Hey Trinh, tôi cho bạn mượn một đề tài để nói về đấy nhé…”Sở dĩ như vậy là bởi vì tôi luôn luôn muốn nhắc đến khi nói chuyện với họ về nỗi thống khổ của chiến tranh, niềm cô đơn của người thua trận và những cảm nhận từ một người đau xót vì sự tụt hậu của đất nước.

Trong lời giới thiệu cuốn sách, bà Jackie Bong -Wright viết: “Tôi đã giải bày rằng tôi viết cuốn sách này bởi vì tiến sĩ Henry Kissinger, người đã nói với tôi trong bữa tiệc mà tôi làm người giới thiệu năm 1995, rằng Hoa kỳ đã làm VN sụp đổ. Cũng như tôi đã cảm thấy bị khiêu khích khi cựu bộ trưởng quốc phòng Robert McNamara đã đến Hà Nội và xin lỗi kẻ cựu thù là tướng Võ Nguyên Giáp, người đã thiết kế cuộc chiến, như luận điệu một trong những nguyên do chiến lược chính đằng sau cuộc thất bại năm 1975 là Hoa Kỳ đã chọn lựa sai lầm một cuộc chiến.
Những điều ấy làm cho tôi tìm ra một ý nghĩ, sau khi tổng thống Johnson gửi những đơn vị quân đội đến VN năm 1965, đã 30 năm mà chẳng có một ai từ những người thiết kế chính sách, hoặc trong giới quân sự hoặc trong giới truyền thông hoặc trong những người Hoa Kỳ trung lưu có hiểu biết nhiều về chiến tranh VN hoặc dân chúng VN. Tôi muốn lột tả ra những nét nhân bản từ cuộc chiến ấy. Và cũng muốn trình bày những hình ảnh của thất bại và sai lầm mà nhiều người Hoa Kỳ đã liên quan tới, thay thế sự kế truuyền của sức mạnh và sự đương nhượng mà người VN cảm thấy qua cảm nhận của lớp con cháu chúng tôi. Với “Autumn Cloud from Vietnamese War Widow to American Activist ” tôi muốn bạn đọc trở lại thời gian của tôi từ lúc sơ khởi, để gặp gỡ gia đình tôi và những người VN khác. Tôi muốn bạn đọc hiểu biết hơn những phức tạp của văn hóa VN, những đặc thù rối rắm của tính chất Việt, chất đa tôn giáo, lịch sử chính trị ảnh hưởng từ thời thực dân Pháp còn thống trị đến giai doạn hiện nay để tổng hợp và hình thành hình ảnh chân thực của gia đình tôi và đất nước tôi. Tôi cũng muốn trao đổi với dân chúng Hoa Kỳ và những thế hệ trẻ tiếp theo, cả hai Việt và Mỹ, những người chưa quên cuộc chiến VN, thế nào là một gia đình VN trung lưu và tất cả những chịu đựng mà họ phải gánh chịu…”

Trong thiên hồi ký này, tác giả đã viết theo ba chuyện kể về chính cuộc đời bàn thân mình, về gia đình mình và đất nước mình. Trong bố cục tác phẩm tác giả đã trực tiếp nhắm đến phương cách dùng những biến cố trong đời có lúc đầy tính riêng tư nhưng cũng có lúc là những chung mang của nhiều người. Lớn lên trong chế độ thực dân Pháp, du học ở Pháp, và lấy chồng là một chính trị gia bị ám sát chết, tất cả câu chuyện ấy có những chi tiết kỳ thú. Với người Mỹ chiến tranh VN đã được nhìn ngắm từ nhiều khía cạnh, nhưng đặc biệt với “Autumn Cloud”, chất xã hội nhân bản đã làm nền tảng.

Tác giả Jackie Bong -Wright là góa phụ của giáo sư Nguyễn Văn Bông, cựu Viện Trưởng Học viện Quốc Gia Hành Chánh, người sáng lập và chủ tịch của Phong trào Quốc Gia Cấp Tiến, một đoàn thể đối lập trong thời kỳ Đệ Nhị VNCH. Ông bị ám sát chết năm 1971 sau khi có tin rằng ông đã nhận lời làm thủ tướng cho chính quyền của tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. Sau đó, bà làm việc tại thư viện của hội Việt Mỹ. Khi quân CS chiếm được toàn miền Nam VN bà di tản và sống tại Hoa Kỳ cùng ba người con. Bà tái giá với một viên chức ngoại giao Hoa Kỳ cao cấp làm đại sứ Mỹ tại Brazil Lacy Wright. Bà làm việc xã hội, sáng lập “Indochinese Refugees Socila Services, Inc.” để giúp đỡ người tị nạn định cự Bà có nhiều quan tâm tới những vấn đề Việt nam và là chủ tịch của “Vietnamese -American Voter”s Association(VAVA).

Tác phẩm gồm tám chương sách trải dài từ năm 1940 khi tác giả chào đời ở một đồn điền cao su tại Cambodge trong một gia đình gồm mười người con và bà thứ chín. Hai chương đầu viết về gia đình bà, một gia đình mà các người con đều có mặt ở cả hai bên chiến tuyến. Hai người chị theo CS, một người đã tỉnh ngộ nhưng một người vẫn còn trung kiên với chế độ hiện tại. Một người anh thì bị chết trong thời kỳ chiến tranh còn một người anh khác cấp bậc thiếu tá trong QLVNCH thì bị cải tạo và chết trong ngục tù CS. Bà cũng kể lại rằng khi mười hai tuổi đã vào trong rừng để thăm nuôi người chị đang theo CS.

Tiếp theo là đoạn đường đi du học ở Pháp và Anh, được dịp may để hấp thụ nền giáo dục tiên tiến của xã hội Tây phương. Sau đó bà kết hôn với giáo sư Nguyễn Văn Bông, một sinh viên nghèo nhưng có tài và có chí, tuy không biết tỏ tình nhưng chân thật. Bà đã chọn ông trong khi có nhiều người có tiền có chức vị theo đuổi. Giáo sư Bông xuất thân trong một gia đình nghèo, đã làm việc cực nhọc để dành tiền đi du học. Qua Pháp vừa làm vừa học, công việc nặng nhọc nên bị lao phổi. Khi thành hôn với bà ông rất nghèo làm đám cưới chỉ đủ tiền tặng cho hôn thê một cái nhẫn vàng và tiệc lễ sơ sài. Trở về VN làm Viện Trưởng học Viện Quốc Gia Hành Chánh ông cũng sống thanh bạch và thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến giữ vai trò đảng phái đối lập trong sinh hoạt dân chủ còn phôi thai ở VN. Ông bị ám sát và bà đã xác định là chính CS là thủ phạm. Bà có cơ sở để khẳng định như vậy qua lời bà chị ruột thổ lộ và Tướng CS Nguyễn Văn Tây đã xác nhận sau năm 1975.

Sau đó là thời kỳ làm góa phụ, phải nuôi nấng ba đứa con và một gia đình đông đảo. Bà kể lại lúc phải rời khỏi ngôi biệt thự do chính quyền cấp để về nhà bà mẹ ruột. Bữa cơm đầu tiên gồm ba phụ nữ góa chồng và năm đứa trẻ mồ côi cha là một kỷ niệm không thể nào quên của bà. Vì sinh kế bà phải đi làm quản thủ thư viện của hội Việt Mỹ và đã phải chống trả với dư luận cho rằng đi làm sở Mỹ như thế làm tổn hại danh dự của chồng.

Bà cũng có nhiều công tác xã hội, làm chủ tịch Hội Việt Mỹ, thành lập Hội Hạnh Phúc Gia Đình với chủ trương kế hoạch hóa gia đình. Bà thú nhận rằng tham gia công việc ấy vì không muốn thấy cuộc đời mình sẽ đông con như mẹ và chị mình. Biến cố năm 1975 đã làm bà lưu lạc qua ba trại tị nạn bắt đầu một cuộc sống nhiều thách đố. Sau đó bà gặp Lacy Wright trong lúc buồn chán và khủng hoảng. Bà hỏi ý kiến các con và nhờ cựu đại tá Nguyễn văn Y, thân phụ ca sĩ Nguyệt Ánh xem tử vi rồi mới quyết định tái giá.

Bà bắt đầu những công tác xã hội, thành lập những cơ quan để giúp người tị nạn trong lúc định cư ở Hoa Kỳ. Với những thành quả đạt được, bà được tuyên dương vói những giải thưởng cao quý.

Chương sách chót là những suy nghĩ của bà về chiến tranh VN và những hệ quả của nó. Bà có đề cập đén ý kiến của những chính trị gia Việt Mỹ như cựu tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Hoàng Đức Nhã, Kissinger, tướng John Murray. Cựu giám đốc CIA Bill Colby,… Tướng John Murray đã viết: “Hiệp ước hòa bình đã ký ở Paris là một cái hôn của kẻ bán chúa Judas..”

Giám đốc CIA thì cho rằng:”Mục tiêu căn bản của Hoa Kỳ ở Việt nam là hoàn thành một miền Nam VN hoàn toàn độc lập không CS có khả năng tự vệ để tồn tại với sự trợ giúp gián tiếp nhưng không trực tiếp tham chiến. Trong giờ phút cực kỳ nghiêm trọng, CS miền Bắc từ bỏ lối đánh du kích chuyển sang chiến tranh quy ước, ngang nhiên xóa bỏ hiệp ước Paris. Khi đó Quốc Hội Hoa Kỳ lại quyết liệt cắt giảm quân viện mà viện trợ của khối CS lại tăng thêm. Do đó, Saigon bị rơi vào tay CS…” Kissinger, cựu ngoại trưởng thì xác nhận với tác giả “Autumn Cloud” rằng chính phủ Mỹ đã bán đứng miền Nam VN cho CS.
Với phần sau cùng, bà đã nói lên suy tư và tâm cảm của mình, một cách chan chứa tình cảm:
“… Mẹ thương, con vừa kết thúc những trang hồi ký. Con đã tận dụng mọi cách để chứng minh cho mọi người thấy sự can thiệp của các cường quốc như Trung Hoa, Pháp, Nhật và cuối cùng là Hoa Kỳ để tạo thành chiến tranh đã tác hại và làm thay đổi đời sống của chúng con như thế nào. Con cố gắng mô tả chân dung đích thực của chúng con, không phải là hình ảnh phụ thuộc của người VN trong phim ảnh và sách vở – những người đứng ngoài trong một vở kịch mà người Mỹ đóng vai chính và chủ quản mọi chuyện. Chúng con có một vai trò thực sự, dù hay hoặc dở. Tác phẩm này sẽ nói lên cuộc sống của chúng con, những hậu quả mà ngoại bang đã tạo nên cho chúng con, cũng như các phương cách chống trả để tranh đấu và thực hiện việc bảo tồn phẩm giá con người của mình…”

Trong tác phẩm, một thời gian dài hơn nửa thế kỷ được kể lại từ cuộc đời của một người đàn bà như một chứng nhân của một thời thế đặc biệt. Nó là hậu quả mà người dân Việt nam là nạn nhân của những ngoại bang xâu xé mà thời gian một ngàn năm nô lệ giặc Tàu, một trăm năm đô hộ giặc Tây, năm năm dày xéo giặc Nhật, rồi súng đạn Nga, Tàu, Hoa Kỳ đổ vào,.. tất cả đã thành một bãi chiến trường để các cường quốc thử sức. Tuy vậy, tác giả đã làm nổi bật được bản tính can trường, cố gắng xây dựng lại từ những đổ vỡ nhất của dân tộc Việt mà những người phụ nữ là điển hình. Qua bài học lịch sử, qua bao nhiêu biến cố ghê gớm, người Việt ở hải ngoại đã thành một cộng đồng vững mạnh. Từ di sản của bốn ngàn năm văn hiến, từ giá trị nhân bản trong bất cứ tình huống khó khăn nào, vẫn là sự ngoi lên và tin tưởng ở một tương lai tốt đẹp cho đất nước và dân tộc.

Theo chủ quan của riêng tôi, “Autumn Cloud” là một hồi ký chiến tranh vắng tiếng súng. Ở đó, là những cuộc chiến khốc liệt không kém ngoài chiến trường. Cuộc nhân sinh của những nạn nhân chiến tranh, những quả phụ phải chiến đấu quyết liệt với cuộc đời cho bản thân mình, gia đình mình, và cả tổ quốc mình nữa. Chiến tranh bằng bom đạn đã qua hơn ba chục năm, nhưng cuộc chiến thầm lặng ấy vẫn còn tiếp diễn. Cuộc chiến đấu cho tương lai, cho tự do dân chủ, cho đất nước phú cường. Tôi vẫn không quên hình ảnh những người đàn bà khi chồng ở ngoài chiến trường đã bươn chải lo lắng gia đình. Khi tàn cuộc chiến chồng bị cầm tù thăm nuôi chồng, nuôi nấng con. Khi qua đất nước mới định cư, phải làm lại bắt đầu từ bàn tay trắng. Tôi vẫn nghĩ, họ là những chiến sĩ kiên cường nhất…

-----------------------

Hòang Lan Chi

Mây mùa thu là hồi ký của bà Jackie Bông Wright xuất bản năm 2002. Đây là một cuốn sách khá hấp dẫn đuợc trình bày rõ ràng, khoa học với giọng văn lưu lóat.

Tiểu sử: Bà Jackie Bông Wright là góa phụ Gs Nguyễn Văn Bông, cựu Viện Trưởng Học Viên Quốc Gia Hành Chánh, người sáng lập và chủ tịch Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến , bị ám sát năm 1971. Tượng của GS Bông đuợc đặt tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh năm 1973.

Sách gồm 8 chương, trải dài từ khi bà chào đời cho đến năm 2001. Bà từng đại diện cộng đồng VN lãnh phần thưởng của chính phủ Hoa Kỳ và đuợc bầu là Hoa hậu cao Niên Virginia 2003

Tóm lược nội dung :

Chương 1 và 2 đuợc viết về gia phả. Gia đình bà bao gồm người ở cả hai chiến tuyến đối nghịch. Hai phụ nữ theo CS, môt đã ‘giác ngộ’ và một vẫn “ tin tuởng”.

Chương 3 đuợc viết về nền giáo dục tại Việt Nam và Âu châu. Lý do, bà Bông đuợc du học tại Pháp, sau đó là Anh Quốc.

Chương 4 đuợc viềt về cuộc hôn nhân với Gs Bông, hòan cảnh nào,GS thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến và việc ông bị ám sát sau khi ông Thiệu mời ông làm Thủ Tướng.

Chương 5 đuợc viết về cuộc sống cùa góa phụ Nguyễn Văn Bông:Chủ Tịch Ủy ban Chấp hành Hội Việt Mỹ, sáng lập Hội Hạnh Phúc Gia Đình, Câu Lạc Bộ “Kinh Doanh và Phụ Nữ Chuyên Nghiệp”

Chương 6 đuợc viềt về cuộc trốn chạy khỏi Việt Nam, trải qua 3 trại tỵ nạn

Chương 7 đuợc viêt về việc đinh cư tại Mỹ, những buồn phiền,gian nan và việc kết hôn với Lacy Wright,một nhân viên ngọai giao mà Bà đã gặp khi ở Saigon, sau này là Đại sứ Mỹ tại Brazil…

Chương 8 đuợc viết về những suy tư của Jackie về cuộc chiến VN xuyên qua những kiến thức đuợc thu nạp từ Đại Học Georgetown ở Washington và những kinh nghiệm bản thân

Những điều lý thú:

Qua cuốn hồi ký, chúng ta sẽ đuợc nhìn cả một chặng dài lịch sử, từ cuối Pháp Thuộc, thời kỳ hỗn lọan 1945-1954, thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa. Tất nhiên chỉ có tích cách khái quát nhưng tôi vẫn cho rằng, kết hợp hồi ký của nhiều người , ta sẽ có một cái nhìn khá chính xác về lịch sử!

Một sự thật đuợc viết khá rõ ràng và không e sợ. Đó là, hai chị ruột theo Cộng Sản mà gia đình không ngăn cấm, một bà bị ép lấy một sĩ quan Nhật khi gia đình ở Cao Miên. Một người anh gia nhâp Quân Đội VNCH, cấp bậc Thiếu tá và chết trong trại cải tạo. Bà Bông từng vào rừng thăm nuôi người chị theo CS thuở bà 12 tuổi.

Một sự thật khác, dễ thương: Gs Bông nghèo, không biết tán tỉnh nhưng Bà đã chọn thay vì chọn Bác Sỹ Để.

Các sự thật khác làm nao lòng : Gs Bông đã vuơn lên từ cực khổ nghèo nàn. GS đã làm việc cực nhọc để lấy tiền mua vé sang Pháp ( thời đó, các trường học ở Pháp đều miễn phí, SV chỉ cần trả ít tiền khi ghi danh và mướn sách), bị lao phổi ở Pháp vì học và làm thêm quá cực. Khi cuới chỉ đủ tiền tặng một cái nhẫn vàng. Suốt thời gian làm Viện Trưởng Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, người ta tìm cách hối lộ cả hai ông bà nhưng không thành công..

Sư gian nan khi thành lập Đảng đối lập QGCT và diễn tiến vụ ám sát Gs Bông. Đưa ra những giả thuyết ai là kẻ sát nhân nhưng bà Bông tin chính là Cộng Sản. Bà có cơ sở để tin vì chị ruột bà đã nói như thế sau năm 75 với mẹ bà và cả Tướng VC Nguyễn Văn Tây cũng xác nhận vậy.

Những buớc chân phụ nữ vào đời, nuôi ba con dại sau khi chồng bị ám sát đuợc mô tả giản dị, không cuờng điệu, huênh hoang. Việc phải ra đi khỏi ngôi biệt thự do chính quyền cấp cho GS Bông, về nhà mẹ ruột với một chi tiết cảm động đuợc kể : bữa cơm gồm ba phụ nữ góa, năm đứa nhỏ mồ côi cha. Việc bà phải chống trả dư luận khi bị kết án là gây phương hại đến danh dự chồng khi làm việc cho Hội Việt Mỹ.

Bà là người đầu tiên tranh đấu cho Kế họach hóa gia đình và thẳng thắn thú nhận trong hồi ký, động cơ hòan tòan cá nhân: Bà không múôn kết thúc cuộc đời với mười đứa con như mẹ và chị mình.

Giai đọan tháng tư 75, tìm cách trốn chạy. Những gian khổ ở ba trại tỵ nạn, những vất vả khi đến Mỹ. Một chi tiết lý thú : mọi người phản đối không xếp hàng chào đón Nguyễn Cao Kỳ theo yêu cầu của một tướng Mỹ phụ trách trại tỵ nạn.

Sự gặp gỡ bất ngờ với Lacy Wright, một nhân viên ngọai giao từng ở Saigon và cuộc hôn nhân đuợc quyết định sau khi hỏi ý các con, nhờ Đại Tá Y, thân phụ ca sỹ Nguyệt Ánh xem tử vi ! Bà đã trải qua những ngày tháng suy sụp tinh thần vì cú sốc chồng bị ám sát, chạy trốn, nước mất, gia đình còn kẹt lại VN.. Lacy luôn ở cạnh vợ..

Từ 78, bà , khởi sự ban đầu từ một sự vô tình và sau thành nghề chính: Dịch Vụ Xã Hội cho người tỵ nạn Đông Dương và đuợc cử đại diện đi lãnh phần thưởng quốc gia.Chúng ta sẽ đuợc nghe kể về những họat động có ích này.

Trong chương “Những suy tư về cuộc chiến VN” , chúng ta sẽ đuợc nghe bà kể về những nhận xét của các Cựu Tướng lãnh Trần Văn Đôn,Tôn Thất Đính, Hòang Đức Nhã,Kissinger và những ý kiến cá nhân của bà về chiến tranh. Tuy không phải tất cả ý kiến ấy đều đúng đối với tôi nhưng tôi chú ý đến những câu sau :

Ông Bill Colby , Cựu Trưởng Cục Trung Ương Tình báo nói “ Mục tiêu căn bản của Mỹ ở VN là hòan thành một miền Nam Việt Nam hòan tòan độc lâp không công sản, có khả năng tự vệ với sư trơ giúp của Mỹ nhưng không tham chiến. Nhưng chính vào giờ phút nghiêm trọng, khi Cộng Sản Bắc việt từ bỏ chiến tranh du kích, chuyển sang áp dụng chiến lược quy ước quân sự , đã ngang nhiên vi phạm Hiệp Định đình chiến 1973 mà Quốc Hội Mỹ quyết liệt cắt giảm tài khỏan viện trợ khiến cho Saigon rơi vào tay Công Sản”

Ông Kissinger vốn có ý muốn chấm dứt các mối quan hệ Mỹ-Việt Nam. Ông đã thành công nhưng Hiệp định Paris của ông đã chết non.

Tướng John Muray viết “ Hiệp ước hòa bình với Bắc Việt là một cái hôn của Judas”

Lời cuối khi giới thiệu cuốn sách này đến quý đọc giả,tôi xin trích dẫn câu viết của Jackie Bông :

Thưa mẹ, con mới viết xong hồi ký. Con đã cố gắng tìm cách chỉ cho mọi người biết rằng cuộc đời của chúng con đã do người Trung Hoa, Pháp, Nhật và cuối cùng là Mỹ cùng những cuộc chiến do họ gây nên đã thay đổi chúng con thế nào. Con đã tìm cách mô tả chúng con , không phải như những người Việt trong phim ảnh và sách vở - những người ngọai cuộc trong một vở tuồng mà người Mỹ đóng vai chánh, đứng đầu và giữa – mà là những con người thực đang đóng vai trò của mình hoặc tốt hoặc xấu.Con đã tìm cách nói lên lối sống của chúng con, những gì người ngọai quốc đã gây nên trong cuôc đời của chúng con và cách chúng con chống trả lại và tranh đấu để bảo tồn phẩm giá của mình.


Viết tại Rừng gió năm 2005

Hòang Lan Chi


Mua sách tại Capital Books,Inc

22841 Quicksiverdrive
Sterling VA 22016
www.capital-books.com


-------------------------


Vũ Quang Hùng, Dân Việt, 30/04/2011

BÙI HỒ NINH, Báo Công an Thành Phố Hồ Chí Minh, 29/04/2010




No comments: